Tag

Những lối nhỏ lan tỏa văn hóa Việt

Người Hà Nội 29/05/2023 09:09
aa
TTTĐ - Không chỉ kế thừa, phát huy, thổi những luồng sinh khí mới nhằm vực dậy nghệ thuật truyền thống mà bằng sự sáng tạo độc đáo, những lối đi riêng kiên trì, bền bỉ của mình, các nghệ nhân Hà thành đang tạo nên những lối nhỏ để lan tỏa văn hóa Hà Nội, văn hóa Việt Nam. Lối nhỏ nhưng hiệu quả không nhỏ bởi họ mang trong mình tình yêu mãnh liệt với di sản cha ông để lại.
Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ Nhân dân

Bài 1: Nghệ nhân già bền bỉ với nghệ thuật độc đáo hát múa Ải Lao

Trời cuối tháng 5 nóng như đổ lửa, vòng ngoài, đám đông vẫn hò reo cổ vũ, thích thú chen lấn nhau. “Ông hổ, ông hổ kìa”, “Ông hổ quỳ kìa”, “Ông câu dẻo quá”…

Ông Hổ đầy uy dũng trong hát múa Ải Lao
Ông Hổ đầy uy dũng trong hát múa Ải Lao
Ông hổ trong đám rước (Ảnh: NSNA Trần Nhân Quyền)
Ông hổ trong đám rước (Ảnh: NSNA Trần Nhân Quyền)
Bài 1: Nghệ nhân già bền bỉ với nghệ thuật độc đáo hát múa Ải Lao
Ảnh: NSNA Trần Nhân Quyền

Những tiếng trầm trồ cùng tiếng vỗ tay tán thưởng không dứt. Phía trong sân khấu, các ông hổ, ông câu tiến lùi, nhảy, vung đuôi... lúc uy dũng lúc mềm mại nhịp nhàng, uyển chuyển theo hiệu lệnh của trống. Tiếng sênh, tiếng hát vang lừng… Tất cả hòa quyện vào nhau thành buổi trình diễn nghệ thuật độc đáo hát múa Ải Lao.

“Phi Ải Lao bất thành hội Gióng”, hội Gióng ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) độc đáo hơn, đặc sắc hơn cũng chính bởi những nghệ nhân già bền bỉ giữ bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Thành tâm hầu thánh

Hết ngày mùng 9/4 Âm lịch, sau 3 ngày hội rộn rã, trình diễn nốt tiết mục cuối cùng, ông Ngô Văn Nhịp (68 tuổi) lột tấm áo dày cộp, cởi bỏ chiếc đầu hổ nặng trĩu. Người ướt sũng, đầu tóc bết lại, vuốt từng giọt mồ hôi lăn dài trên mặt, ông Ngô Văn Nhịp nở nụ cười mãn nguyện.

Các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật hát múa Ải Lao
Các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật hát múa Ải Lao

Các nghệ nhân khác cũng lần lượt trút bỏ y phục hóa trang, thu xếp đạo cụ. Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hinh - Trưởng phường hát múa Ải Lao đến lúc này mới yên tâm hoàn toàn. “Một mùa hội nữa lại thành công. Ơn Thánh, chúng con thành tâm hầu Thánh mong ngài chứng giám”, nghệ nhân năm nay 76 tuổi thầm khấn trong dạ.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hinh - Trưởng phường hát múa Ải Lao
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hinh - Trưởng phường hát múa Ải Lao

Mệt nhưng sảng khoái, lâng lâng trong lòng, đó là tâm trạng chung của hơn 30 thành viên phường múa Ải Lao. Bởi với họ, đây là công việc mang ý nghĩa tâm linh, tự nguyện tự giác, vừa là việc làng việc chạ, cũng là để gìn giữ một nghệ thuật độc đáo không đâu có của quê hương Hội Xá, Gia Lâm, Hà Nội.

Điều tuyệt vời hơn nữa, suốt 3 ngày hội nóng bức như vậy, những màn trình diễn của họ luôn nhận được sự tán thưởng, cổ vũ của đông đảo Nhân dân. Điều đó cho thấy, giữa bao loại hình giải trí mới mẻ, hiện đại, múa Ải Lao vẫn có giá trị truyền thống vững bền của mình, vẫn thu hút được người xem như cả ngàn năm nay.

Hát múa Ải Lao là nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo được thực hiện để hát thờ Thánh Gióng. Hát múa Ải Lao được duy trì, trao truyền từ nhiều đời nay, chứa đựng những giá trị về lịch sử, nghệ thuật, tâm linh và xã hội. Các nghi lễ trong Hội Gióng sẽ không thực hiện được nếu không có sự tham gia trình diễn của phường Ải Lao.

Vì thế, hát và múa Ải Lao là một thành tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị văn hóa phi vật thể của Hội Gióng để năm 2010, UNESCO ghi danh “Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sau đó, hát và múa Ải Lao được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Năm 2022, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian cho cụ Nguyễn Văn Lũy, ông Nguyễn Văn Giang, ông Nguyễn Bá Trản, ông Ngô Văn Nhịp.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hinh cho biết, các cụ cao niên ở làng Hội Xá hiện nay vẫn kể câu chuyện sau khi Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân và bay về trời, mẹ ngài buồn vì không thấy con về nữa, đoàn trẻ chăn trâu đã đến múa hát cho bà vui.

Các bài hát, điệu múa kể lại câu chuyện Thánh Gióng đi đánh giặc, có màn đánh hổ, có tích ông câu cá, có cả đoàn trẻ chăn trâu với những bài hát vui nhộn... Múa và hát Ải Lao ra đời từ đó.

Trong suốt ngàn năm tồn tại của mình, hát múa Ải Lao cũng từng trải qua nhiều thăng trầm. Giai đoạn 1945 - 1954, hội Gióng không được tổ chức nên phường Ải Lao không hoạt động. Đến năm 1955, ông Nguyễn Văn Lũy (sinh năm 1922) cùng với một số trai đinh trong làng vốn đã được trải nghiệm hội Gióng và hát Ải Lao đã khôi phục lại phường. Dù vậy, hội Gióng lại tiếp tục bị gián đoạn. Mãi đến năm 1982, khi hội Gióng ở Phù Đổng được khôi phục thì phường Ải Lao cũng bắt đầu hoạt động trở lại cho đến ngày nay.

Hiện nay, số lượng các thành viên trong phường luôn duy trì từ 25 đến 30 người. Tất cả các thành viên đều tham gia với tinh thần tự nguyện, vì “đây là công việc hầu thánh”. Có lẽ bởi vậy nên tất cả họ đều thành tâm dù đây không hề là công việc dễ dàng mà thậm chí còn vô cùng khó khăn, nặng nhọc.

Ông Nguyễn Bá Trản năm nay đã 75 tuổi, cho biết: “Đào tạo người đóng ông hổ rất vất vả. Ông hổ vừa phải biết múa, vừa phải to, khỏe vì hội là hội trận, phải chạy chứ không phải đi thủng thẳng. Đường xa, trời nắng nóng, phải có sức khỏe thì mới đảm đương được 3 ngày hội”.

Lau thêm lượt mồ hôi, ông Ngô Văn Nhịp, người đóng vai ông hổ gật đầu xác nhận lời phó phường phụ trách nghệ thuật. Rồi ông kể mình học múa hổ từ cậu - người đã từng đóng vai này trước đây. Hổ là vai chính của hát múa Ải Lao nên độ khó và độ tinh thông phải rất cao.

Nghệ nhân đóng vai ông hổ cao to hơn hẳn người thường và có sức khỏe mới đảm đương được công việc nặng nhọc này
Nghệ nhân đóng vai ông hổ cao to hơn hẳn người thường và có sức khỏe mới đảm đương được công việc nặng nhọc này

5 năm đầu ông chỉ được đóng vai rước, tức là mặc lốt hổ đi theo đoàn rước hội chứ không được múa. Đầu hổ được làm bằng gỗ mít, nặng khoảng 4kg. Người đóng vai ông hổ phải dùng răng cắn vào thanh tre để giữ đầu hổ. Trang phục của ông hổ trước đây được làm bằng vải diềm bâu (một loại vải thô, dày). Người ta nhuộm vàng vải bằng quả dành dành với nghệ, sau đó dùng mực tàu để vẽ hoa văn hổ.

Nghệ nhân Ngô Văn Nhịp
Nghệ nhân Ngô Văn Nhịp kể về việc đóng vai ông hổ

Tuy nhiên, vẽ bằng mực Tàu thì sau một thời gian sử dụng, mực bị nhòe nên người ta chuyển sang sơn lên vải. Do lớp sơn dày nên rất nóng, nhất là hội Gióng lại diễn ra vào mùa hè, thời tiết nóng nực, nên người đóng vai ông hổ phải có sức khỏe thì mới trụ được. 5 năm đó, “hổ tập sự” phải vừa rèn luyện sức khỏe và tính kiên trì, đến khi thành thạo và vẫn tiếp tục mong muốn được đóng hổ thì mới trở thành người diễn chính.

Những động tác cơ bản của ông hổ là tiến, lùi kết hợp với các động tác tay nhưng cũng rất khó. Mỗi bước đi của ông hổ phải dứt khoát, vung tay đằng trước thể hiện sự cường tráng, chân đứng uy nghi, vung đuôi mềm mại.

Nghệ nhân Ngô Văn Nhịp cần mẫn khâu chiếc lốt hổ - đạo cụ gắn bó với mình nhiều năm nay
Nghệ nhân Ngô Văn Nhịp cần mẫn khâu chiếc lốt hổ - đạo cụ gắn bó với mình nhiều năm nay

Ông Nguyễn Bá Trản kể thêm, trước đây đã may mắn được chứng kiến 3, 4 người đóng ông hổ và mỗi ông lại có điệu múa riêng, tự sáng tạo trên nền cơ bản. Giờ đây, ông gom những cái hay của mỗi ông hổ để truyền dạy lại cho người đi sau. Trong phường bây giờ luôn phải đào tạo hai ông hổ, hai ông câu để có thể thay phiên nhau biểu diễn.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Trản
Nghệ nhân Nguyễn Bá Trản

Tương tự như vậy, người đóng ông câu cũng phải thể hiện được sự mềm mại, tình tứ, uyển chuyển của mình. Điều đặc biệt nhất, tất cả đều phải kiên trì tập đi luyện lại trên tinh thần hiểu biết và mong muốn giữ gìn môn nghệ thuật độc đáo này. Vì vậy, dù cũng đã có tuổi nhưng các nghệ nhân đều hăng hái làm gương, tham gia trình diễn cũng như duy trì phường để con cháu trong vùng học tập, noi theo.

Nghệ thuật hát múa và kịch trường cộng đồng độc đáo

Các nghệ nhân kể có tất cả 12 bài hát được phường Ải Lao trình diễn trong suốt những ngày hội Gióng. Tất cả những bài hát này đều được truyền khẩu từ ngàn năm nay. Tùy theo nghi lễ và địa điểm khác nhau mà những bài hát được biểu diễn cho phù hợp với từng hoàn cảnh.

Trước hết, đó là những bài hát nghi thức để ca ngợi Đức Thánh Gióng, được hát trong đền thờ ngài. Trên đường rước hội và lúc trở về là những bài hát miêu tả cảnh hội hè, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh sinh hoạt của những người nông dân.

Những lối nhỏ lan tỏa văn hóa Việt

Phường Ải Lao hát trong đền, phụ họa cho những điệu múa và vừa đi vừa hát. Người hát tự giữ nhịp với những sênh tre. Đặc điểm nổi bật của bài hát Ải Lao là từ các bài thơ 4 chữ, 6 chữ và 8 chữ được chuyển sang lời hát bằng cách lặp từ và thêm các từ đệm. Người ta thêm các hư từ vào câu thơ để tạo nhịp và duy trì sự hài hòa cho bài hát. Những từ đệm này không làm thay đổi ý của câu hát.

Múa Ải Lao có 2 điệu chính là múa hành lễ và múa nghi lễ. Múa hành lễ được thực hiện đầu tiên khi làm lễ ở trước bàn thờ thánh. Thực sự, đây là một điệu múa dâng thần.

Múa nghi lễ là múa kết hợp với hát. Múa hổ luôn là điệu múa trung tâm.

Những lối nhỏ lan tỏa văn hóa Việt

Hiện nay, phường Ải Lao vẫn thực hành thường xuyên nghệ thuật hát và múa trong hội Gióng. Nếu như trước đây, hát và múa Ải Lao chỉ biểu diễn ở hội Gióng thì hiện nay Ải Lao còn biểu diễn ở hội làng Hội Xá (mồng 8 tháng 2 Âm lịch), hội làng Đổng Xuyên (mồng 8 tháng 8 Âm lịch) và một số lễ hội của thành phố, quốc gia.

Người tham gia phường Ải Lao đều phải trai đinh của các giáp, ngoại tộc không được vào phường. Hiện nay, các thành viên của phường Ải Lao đều từ 35 tuổi trở lên, nhiều người trên 60 tuổi. Trong đó, cụ Nguyễn Văn Lũy hiện hơn 100 tuổi vẫn là một tấm gương sáng với hơn 80 năm cống hiến và truyền dạy múa Ải Lao. Nghệ nhân Nguyễn Văn Giang năm nay cũng đã 91 tuổi.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hinh cho biết, việc truyền dạy Ải Lao chủ yếu vẫn là truyền khẩu. Lời bài hát các thành viên tự học thuộc sau đó sẽ tập hát chung với cả phường. Các điệu múa hổ, múa câu cá được truyền dạy trực tiếp.

Nỗi trăn trở của những người trong phường Ải Lao là mỗi năm có ít cơ hội biểu diễn gây khó khăn cho họ, nhất là những người cao tuổi trong việc thuộc lòng các bài hát. Hơn nữa, việc trẻ hóa phường Ải Lao để giúp tăng cường tính nghệ thuật của nghệ thuật biểu diễn đang trở thành nhu cầu cấp bách.

Vì thế, trưởng đoàn hát múa Ải Lao chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn vận động thanh niên trong làng tham gia học tập, rèn luyện thành thạo những bài hát, điệu múa của nghệ thuật Ải Lao; Đưa họ vào làm thành viên của phường để thay thế những người lớn tuổi hiện nay”.

Ông cũng cho rằng, để bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật hát múa Ải Lao, nhất thiết phải có sự quan tâm của các cơ quan chức năng, đầu tư cả về vật chất lẫn tinh thần.

Những lối nhỏ lan tỏa văn hóa Việt

Một trong những việc làm có ý nghĩa quan trọng nhất ở thời điểm hiện nay là nghiên cứu, biên soạn và xuất bản một bộ tài liệu về các bài hát Ải Lao do Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa thực hiện có tiêu đề: “Các bài hát Ải Lao xưa và nay”.

Cuốn sách này sẽ là tài liệu có ý nghĩa và được sử dụng lâu dài cho việc bảo tồn di sản hát và múa Ải Lao. Ý nghĩa của tập tài liệu này ở chỗ, đây là lần đầu tiên hát và múa Ải Lao có một tập tài liệu với đầy đủ 12 bài hát được sử dụng trình diễn ở hội Gióng. Đây cũng lần đầu tiên trong cuốn tài liệu này xuất bản nguyên tác bài thơ và cả lời hát đã được chuyển thể từ thơ. Điều này giúp ích rất nhiều cho hoạt động luyện tập của các thành viên hiện tại và tương lai của phường Ải Lao.

Các thành viên trong phường có một cuốn tài liệu cẩm nang như một công cụ để có thể chủ động việc học và thao tác luyện tập, học thuộc bài thơ và thuộc cả bài hát, cách hát. Cuốn sách với ghi chép ở thời điểm này cho phép trong tương lai sẽ không còn sự tam sao thất bản khi chỉ truyền dạy theo cách truyền miệng xưa.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Đánh thức sức mạnh mềm, kiến tạo trung tâm công nghiệp văn hóa Người Hà Nội

Đánh thức sức mạnh mềm, kiến tạo trung tâm công nghiệp văn hóa

TTTĐ - Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, đồng thời là phương thức quan trọng để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong dòng chảy hiện đại. Từ tầm nhìn chiến lược tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đến những bước đi cụ thể trong Luật Thủ đô 2024, Hà Nội đang khẳng định vai trò đầu tàu trong kiến tạo TP sáng tạo, từng bước hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa hiện đại, biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ý chí và niềm tin quyết thắng của người Hà Nội Người Hà Nội

Ý chí và niềm tin quyết thắng của người Hà Nội

TTTĐ - Chương trình tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” được tổ chức nhằm ôn lại truyền thống cách mạng của Thủ đô, tinh thần bảo vệ Tổ quốc của người Hà Nội qua hai cuộc kháng chiến và vinh danh những con người đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Mùa loa kèn gọi nắng hè về Người Hà Nội

Mùa loa kèn gọi nắng hè về

TTTĐ - Bên chiếc xe hoa ven đường, chọn mua một bó hoa loa kèn, thấy cái nắng non bắt đầu xuyên qua làn mây mỏng manh, thấy cái gió phao phảo của mùa hè đang ùa đến...
Hướng về cội nguồn, khắc sâu hai chữ "đồng bào" Người Hà Nội

Hướng về cội nguồn, khắc sâu hai chữ "đồng bào"

TTTĐ - Dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là để chúng ta cùng hướng về cội nguồn, tri ân các bậc tiền nhân tiên tổ, các anh hùng liệt sĩ vì nước quên mình, những người có công với Tổ quốc. Để rồi mỗi người đều nhìn lại bản thân, xem mình đã làm được gì để tình đồng bào ngày càng bền chặt, nghĩa dân tộc ngày càng lớn mạnh?
Lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống Người Hà Nội

Lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống

TTTĐ - Việc bảo tồn nề nếp, gia phong trong gia đình tại huyện Đông Anh (Hà Nội) được thực hiện trên nền tảng của văn hóa Việt Nam. Đó là lấy những giá trị chuẩn mực như lễ giáo, hiếu học, trọng tình nghĩa, sống nhân ái, tinh thần tự tôn, tự lực... làm cái gốc để hình thành và phát triển gia đình hiện đại.
Hà Nội: Phát triển thương mại gắn với bảo tồn văn hóa Người Hà Nội

Hà Nội: Phát triển thương mại gắn với bảo tồn văn hóa

TTTĐ - Trong bối cảnh Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa của Thủ đô đã đưa ra nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý là hai vấn đề cốt lõi: phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa và cơ chế tài chính minh bạch, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa giữa thương mại và bản sắc văn hóa.
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh Người Hà Nội

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh

TTTĐ - Huyện Ứng Hòa (Hà Nội) phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp, hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
75 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa Người Hà Nội

75 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa

TTTĐ - Trong 2 năm 2023 - 2024, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Toàn thị xã có trên 95% gia đình đạt gia đình văn hóa; 75/82 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Bài 3: Để di tích đền Rừng “tỏa sáng”… Người Hà Nội

Bài 3: Để di tích đền Rừng “tỏa sáng”…

TTTĐ - Với vị trí đắc địa ven sông Hồng, di tích đền Rừng đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách thập phương. Tuy nhiên, để di tích này “tỏa sáng”, rất cần một kế hoạch, nghiên cứu khoa học bài bản và sự đầu tư có trọng điểm.
Tuổi trẻ Thủ đô tích cực tham gia phát triển văn hóa Hà Nội Người Hà Nội

Tuổi trẻ Thủ đô tích cực tham gia phát triển văn hóa Hà Nội

TTTĐ - Tại Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 06-CTr/TU Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Tiến Hưng - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội đã có bài tham luận với chủ đề "Tuổi trẻ Thủ đô với triển khai, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí.
Xem thêm