Nhiều chính sách đột phá, chưa có tiền lệ cho kinh tế tư nhân
Tháo gỡ ngay các vấn đề cấp bách tác động đến kinh tế tư nhân Ngày 16/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận cơ chế đặc thù cho kinh tế tư nhân |
Đánh dấu bước ngoặt về tư duy
Chiều 15/5, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo luận về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Thảo luận về cơ chế, chính sách cho kinh tế tư nhân tại tổ 13 (gồm đoàn Hậu Giang, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lào Cai), đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) đánh giá, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là một văn kiện có tính lịch sử thể hiện quan điểm mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết đánh dấu bước ngoặt về tư duy, nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân; khẳng định phát triển kinh tế tư nhân là lựa chọn sống còn để thúc đẩy sản xuất vật chất, phát triển về kinh tế, xã hội, tạo sức bật về trình độ công nghệ, đào tạo nghề, gia tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy năng suất lao động, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) |
"Nghị quyết 68 đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp mang tính chất đột phá, chưa có tiền lệ. Người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm, mong đợi các chính sách này sớm được cụ thể hóa. Vì vậy người dân, đặc biệt là khối các doanh nghiệp rất kỳ vọng vào Nghị quyết của Quốc hội lần này", đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Đánh giá chung về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm được nguyên tắc bao trùm về các nội dung cốt lõi như: Cải thiện môi trường kinh doanh; nguyên tắc xử lý sai phạm và giải quyết các vụ việc cũng như là một số cơ chế, chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ...
Mặt khác, dự thảo Nghị quyết cũng đã có những nội dung rất cụ thể, hướng tới những chính sách rất cụ thể, đặc thù để tạo động lực và hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, cần cụ thể hóa hơn nữa bằng các quy định tại các luật, bộ luật hoặc văn bản hướng dẫn.
Kéo dài thời gian miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp
Cũng tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) đánh giá cao dự thảo Nghị quyết đã bước đầu thể chế hoá nhiều chủ trương lớn, quan trọng được Đảng đề ra tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, đặc biệt là quan điểm xác lập khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) |
“Dự thảo cho thấy tư duy đổi mới trong hoạch định chính sách, với cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ trên nhiều phương diện cốt lõi như đất đai, thuế, tín dụng, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính.
Đây là bước đi rất đáng ghi nhận, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững, lâu dài”, đại biểu Nguyễn Như So đánh giá.
Góp ý cụ thể để Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả khi đi vào thực tiễn, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp (tại khoản 1 Điều 10), để tạo “không gian tài chính” đủ dài cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Theo đại biểu phân tích, việc chỉ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo luật là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chưa tạo động lực đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp tích luỹ nội lực, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông So cho rằng, đặc thù của nhóm doanh nghiệp này là phải đầu tư rất lớn và kéo dài cho các hoạt động như: Nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ lõi, tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đồng thời phải liên tục điều chỉnh để thích nghi với biến động của thị trường. Trong suốt quá trình đó, họ phải chấp nhận nguy cơ thua lỗ cao và kéo dài, thậm chí có thể không có lãi trong 5-7 năm đầu.
“Chính sách thuế cần được thiết kế theo hướng thực sự đồng hành với doanh nghiệp trong suốt giai đoạn hình thành và tích luỹ nội lực ban đầu, thay vì dừng lại ở hỗ trợ ngắn hạn. Việc kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ tạo dư địa tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.
Đây chính là một giải pháp thiết thực để Nhà nước thể hiện vai trò kiến tạo, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lực lượng tiên phong góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đề nghị cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (tại khoản 3 Điều 10), bởi đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tạo ra giá trị công nghệ, đổi mới sáng tạo và đưa sản phẩm ra thị trường.
Dẫn chứng thực tiễn, ông Nguyễn Như So nêu rõ, nhiều quốc gia có chính sách cạnh tranh rất mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Như Thái Lan miễn thuế thu nhập cá nhân tới 10 năm cho nhà đầu tư và chuyên gia làm việc trong 10 lĩnh vực công nghệ - sáng tạo chiến lược.
“Nếu chúng ta không có chính sách đủ hấp dẫn, cạnh tranh thì sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nhân tài và khó tạo được bước đột phá về công nghệ trong dài hạn”, đại biểu Nguyễn Như So cho biết.
Tại tổ 13, các cũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Bộ Chính trị. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã giao trách nhiệm cho các cơ quan chức năng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần đặc biệt lưu ý vấn đề tiếp cận chính sách, điều kiện hưởng chính sách để đảm bảo các chính sách thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao.
Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung nội dung về việc thiết lập thể chế đại diện và cơ chế tham vấn chính sách có hiệu lực, hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân cần được công nhận là đối tác chính thức trong quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách kinh tế có liên quan.
Việc tham vấn doanh nghiệp hiện nay phần lớn còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu và ít phản hồi chính sách rõ ràng. Vì vậy, cần có cơ chế lấy ý kiến doanh nghiệp một cách thực chất, có quy trình minh bạch, thời gian hợp lý và nghĩa vụ phản hồi rõ ràng từ phía cơ quan Nhà nước.
Các kết quả tổng hợp ý kiến cần được báo cáo định kỳ lên Quốc hội, Chính phủ và công khai trong quá trình xây dựng chính sách nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Tin liên quan
Đọc thêm

Hàng loạt cơ chế đặc thù tạo “đòn bẩy” cho kinh tế tư nhân

Học hỏi quốc tế để kinh tế tư nhân TP Hồ Chí Minh phát triển

Khẩn trương xác định, định vị chiến lược phát triển của Trung tâm tài chính quốc tế

Đề xuất tăng quyền của Thủ tướng trong thu, chi ngân sách Nhà nước

Tín dụng TP Hồ Chí Minh vượt mốc 4 triệu tỷ đồng

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thu ngân sách nội địa tăng trưởng ấn tượng

Triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng

TikTok Shop công bố lộ trình CSR 2025, cam kết chắp cánh cho "Hàng Việt vươn mình" trong kỷ nguyên số

Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026
