Nền tảng cốt lõi cho sự an toàn của các công trình giao thông
Sự cố không chỉ gây gián đoạn giao thông, làm 6 người bị thương, mà còn làm xói mòn niềm tin của người dân vào chất lượng các công trình giao thông công cộng.
Còn nhiều tồn tại trong đảm bảo chất lượng thi công
Ngay sau vụ sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình ngày 11/5, trong Công điện số 15/CĐ-BXD, Bộ Xây dựng đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt sự cố tại các công trình giao thông như rơi dầm cầu Đại Ninh (Lâm Đồng), trôi cầu treo Sơn Lăng (Bình Phước), sập cầu dây văng Bình Phong Thạnh (Long An), sự cố cầu Cái Đôi Vàm (Cà Mau)...
Theo Bộ Xây dựng, tại một số dự án, công tác đảm bảo chất lượng thi công, an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, còn tồn tại, hạn chế, vẫn để xảy ra tai nạn lao động, sự cố công trình.
![]() |
Vụ sụt lún đoạn đường dẫn lên cầu Hòa Bình (xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, Tây Ninh) khiến một ô tô và 2 xe máy sa xuống rãnh sụt, khiến 6 người bị thương |
Nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh chỉ rõ là "một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý chất lượng, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường".
Trong Công điện của Bộ Xây dựng cũng nêu rõ: “Một số nội dung trong hồ sơ dự án, khảo sát, thiết kế xây dựng còn khiếm khuyết dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung, làm kéo dài thời gian thi công trong quá trình thực hiện”.
Vụ sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình, với nguyên nhân ban đầu được xác định "do túi bùn cục bộ bị trượt", đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng công tác khảo sát địa chất và giải pháp xử lý nền đất yếu trong quá trình thiết kế và thi công. Liệu việc đẩy nhanh tiến độ có phải là một yếu tố khiến các khâu này bị xem nhẹ?
Theo Tiến sĩ Bùi Mẫn - chuyên gia địa chất, hiện tượng sạt trượt nền đường nhiều khả năng bắt nguồn từ sự tồn tại của một túi bùn bên dưới, đúng như nhận định ban đầu của cơ quan chức năng. Theo Tiến sĩ, túi bùn kết hợp với lượng mưa lớn có thể gây ra hiện tượng sụt lún theo phương thẳng đứng, đồng thời kéo theo trượt tổng thể theo phương ngang.
Tuy nhiên, theo ông, các yếu tố như túi bùn, địa chất yếu, thay đổi mực nước ngầm hay nước mặt do mưa… đều là những rủi ro có thể dự báo trước trong giai đoạn khảo sát địa chất và trách nhiệm này thuộc về đơn vị tư vấn thiết kế.
Đơn vị tư vấn thiết kế phải có trách nhiệm đánh giá và dự đoán trước các nguy cơ như sụt lún do túi bùn, trượt ngang do nền đất yếu, thay đổi áp lực nước lỗ rỗng do biến động mực nước ngầm, hiện tượng trượt sâu, cố kết, từ biến (creep), nứt do co ngót…; từ đó, đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp để công trình đảm bảo ổn định trong cả điều kiện thời tiết bất lợi.
Từ nguyên tắc đó, vị chuyên gia cho rằng cần làm rõ một số vấn đề trọng yếu: Liệu đơn vị tư vấn có thực hiện khảo sát địa chất đầy đủ hay không? Mật độ các hố khoan có đủ để nhận diện rủi ro? Vì sao túi bùn, yếu tố địa chất quan trọng, dẫn đến mất ổn định nền đường, lại không được phát hiện hay giải quyết trong quá trình thiết kế?
Chất lượng công trình cốt ở "cái tâm"
Theo các chuyên gia pháp lý, thực tế qua vụ cầu Hòa Bình và nhiều sự cố khác mà chính Bộ Xây dựng chỉ ra cho thấy "cái tâm" trong xây dựng, đặc biệt là xây dựng các công trình giao thông phục vụ cộng đồng đặc biệt ấy dường như đã bị xem nhẹ.
Các chuyên gia chỉ rõ, nếu có tâm và trách nhiệm, sẽ không vì lợi nhuận, vì tiến độ mà bỏ qua những quy chuẩn kỹ thuật, xem nhẹ các khâu khảo sát địa chất, hay sử dụng vật liệu kém chất lượng.
Mỗi bên tham gia làm công trình giao thông sẽ trăn trở với từng chi tiết thiết kế, cẩn trọng trong từng công đoạn thi công, bởi họ hiểu rằng, mỗi công trình là một sinh mệnh, gắn liền với sự an nguy của hàng ngàn, hàng vạn người sử dụng.
![]() |
Chất lượng những công trinh giao thông cốt yếu nằm ở trách nhiệm của các bên tham gia |
Dư luận xã hội qua những bình luận trên mạng, đã chỉ thẳng rằng: "Yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công trình là trách nhiệm và trình độ... Cái tâm và trách nhiệm chưa được những người tham gia thiết kế, xây dựng công trình quan tâm". Lời nhận xét này tuy chua xót nhưng phản ánh đúng một phần thực trạng. Khi "cái tâm" không còn là "kim chỉ Nam", thì trách nhiệm"cũng dễ dàng bị lãng quên hoặc thực hiện một cách đối phó.
Trách nhiệm trong xây dựng công trình giao thông là một chuỗi mắt xích liên hoàn, từ chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thẩm tra, đơn vị thi công, cho đến đơn vị tư vấn giám sát và các cơ quan quản lý Nhà nước. Mỗi mắt xích đều có vai trò và trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.
Khi bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi này lơ là, thiếu trách nhiệm, hoặc tệ hơn là bị chi phối bởi "lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà bỏ qua lợi ích của cộng đồng" thì hậu quả tất yếu sẽ là những công trình kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Hậu quả của sự thiếu "tâm" và thiếu "trách nhiệm" không chỉ dừng lại ở những thiệt hại kinh tế do phải sửa chữa, khắc phục sự cố, hay sự gián đoạn giao thông. Nghiêm trọng hơn, đó là sự an toàn và tính mạng của người dân bị đe dọa, như trường hợp 6 người bị thương trong vụ sụt lún ở Tây Ninh. Đó là sự xói mòn niềm tin của xã hội vào năng lực quản lý và đạo đức nghề nghiệp của những người làm trong ngành xây dựng.
Tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" vẫn còn phảng phất đâu đó. Những chỉ thị, công điện được ban hành sau mỗi sự cố là cần thiết nhưng điều người dân mong đợi hơn cả là những hành động cụ thể, quyết liệt để ngăn chặn những sai phạm từ gốc, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm, chứ không chỉ là khắc phục hậu quả.
Để những công trình giao thông thực sự là huyết mạch của nền kinh tế, là niềm tự hào và mang lại sự an toàn cho người dân, việc củng cố và đề cao "trách nhiệm" trong toàn ngành xây dựng là yêu cầu cấp bách.
Bộ Xây dựng đã đề nghị "siết chặt kỷ cương, quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án” nhưng điều này cần được cụ thể hóa bằng các cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất và độc lập. Đặc biệt, phải nghiêm cấm các hành vi thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các đơn vị để thu lợi cá nhân.
Vụ sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình ở Tây Ninh một lần nữa cho thấy, sự an toàn và bền vững của mỗi công trình giao thông không chỉ phụ thuộc vào công nghệ hay vốn đầu tư, mà cốt lõi nằm ở "cái tâm" và "trách nhiệm" của những con người tạo ra nó.
Những "cam kết" suông sẽ trở nên vô nghĩa nếu không được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể, bằng sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chỉ khi nào "cái tâm" thực sự trong sáng và "trách nhiệm" được đặt lên hàng đầu ở mọi khâu, mọi cấp thì những con đường, những cây cầu mới thực sự vững chãi, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và đảm bảo an toàn cho mỗi người dân trên mọi nẻo đường.
Tin liên quan
Đọc thêm

Cao Bằng: Kết quả "phạt nguội" từ ngày 8 - 14/5/2025

Bài ca đẹp về lòng sùng đạo, vị tha và yêu chuộng hòa bình

“Hoành tráng hơn bất kỳ show jetski nào chúng tôi từng thực hiện”

Đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh

Hải Dương: Hơn 612 tỷ đồng xây đường tránh QL.37 qua huyện Gia Lộc

Vingroup hợp tác cùng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh tăng trưởng xanh, giao thông bền vững

Lạc bước giữa thiên đường hoa hồng tại Sun World Ba Na Hills

Trải nghiệm ẩm thực mùa hè đậm đà hương vị truyền thống

Lan tỏa giá trị người trẻ Hà Nội với việc phát tâm tình nguyện
