Miệt mài lưu giữ nét độc đáo của mây tre đan Phú Vinh
![]() |
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh miệt mài lưu giữ nét độc đáo của mây tre đan |
Sống với nghề
Ngôi nhà nằm tại làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) rộng hơn 200m2 vừa là xưởng sản xuất vừa là nơi trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang (Công ty Việt Quang) mà nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh là người sáng lập. Sản phẩm ở đây đa dạng về kiểu dáng, màu sắc… Đó còn là những tác phẩm đầy tính nghệ thuật sử dụng trong cả nội thất, thời trang.
Ngoài những sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày, Công ty Việt Quang của ông còn nhận thiết kế theo đơn đặt hàng đến từ nhiều quốc gia phục vụ kinh doanh khách sạn – nhà hàng (hộp đựng giấy, hộp trang sức, khay trà, giỏ trái cây…), các sản phẩm trang trí nội thất (chao đèn, khung tranh, lộc bình…), hay phụ kiện thời trang (túi xách, nón, mũ…) có kiểu dáng, hoa văn hết sức độc đáo, bắt mắt.
Ông cũng mở rộng kênh bán hàng trong nước qua trang web, fanpage của doanh nghiệp, đã mang về doanh thu cho Công ty Việt Quang hàng chục tỷ đồng mỗi năm (năm 2017 đạt 15 tỷ đồng, năm 2018 ước đạt 17 tỷ đồng, năm 2019 đạt 15 tỷ đồng). Trong đó lợi nhuận chiếm 20 - 30%; Tạo việc làm trực tiếp cho 15 lao động với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng; Đồng thời thu hút hàng trăm lao động trong xã với hình thức nhận hàng về gia công tại nhà. Mặt khác, công ty còn nhận dạy nghề và nâng cao tay nghề cho người lao động.
Đạt được thành quả đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã phải trải qua không ít khó khăn. Với đôi bàn tay khéo léo ông không chỉ tạo ra những sản phẩm tinh xảo mà còn thổi hồn vào đó. Vì vậy, mỗi dịp mang đi tham dự các cuộc triển lãm, giới thiệu sản phẩm, ông luôn nhận được sự trầm trồ, thán phục của khách tham quan.
![]() |
Sản phẩm OCOP của mây tre đan Việt Quang |
Tuy nhiên, việc sản xuất còn theo hộ gia đình nhỏ lẻ nên khi một số đối tác nước ngoài ngỏ ý muốn đặt hàng có giá trị từ vài trăm triệu đồng, đến hàng tỷ đồng rất khó giao dịch. Vì vậy, năm 2008, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh và các con quyết định thành lập Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang.
“Những ngày đầu mới thành lập doanh nghiệp, nhiều khó khăn liên quan đến quản trị doanh nghiệp ập đến. Vốn là người thợ, nghệ nhân làng nghề nên tôi chỉ quen với việc đan lát. Kỹ năng thương mại như viết hóa đơn, chứng từ, kê khai thuế, quản lý lao động… tôi đều không thành thạo. May mắn, với sự hỗ trợ của các con và tìm tòi học hỏi, tôi đã vượt qua”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh chia sẻ.
Vượt qua khó khăn, hiện nay, sản phẩm của công ty không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Italia, Đức, Nhật Bản...
Tạo sự khác biệt
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, ông không nhớ đã bén duyên với nghề mây tre đan từ lúc nào, chỉ biết lúc đó còn rất nhỏ. Khi ấy, cha ông, nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu, là một trong 9 nghệ nhân đầu tiên được phong tặng danh hiệu của miền Bắc, đã kèm cặp chỉ bảo ông từng chút, từ cách vót nan, chuốt mây đến việc bắt khung đan những sản phẩm rá, rổ thông thường nhất.
Lớn lên giữa làng nghề lại được cha chỉ bảo nên tình yêu với mây tre đan trong ông cứ thế nhân lên. Vì thế, ông thường tự tìm tòi, sáng tạo các kiểu dáng, hình đan độc đáo, lạ mắt khác nhau khiến người trong làng nể phục.
Năm 1984, ở tuổi 23, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh tham gia học lớp thiết kế mẫu tại trường Thủ công Mỹ nghệ Hà Tây (nay là trường Trung cấp Tổng hợp nghề Hà Nội). Sau khi học xong, ông về làm việc tại tổ thiết kế mẫu của Hợp tác xã Mây tre đan Phú Vinh.
Năm 1986, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã có giải thưởng đầu tiên là Huy chương vàng sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Liên hiệp Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Trung ương (khi đó) trao tặng… Đây là dấu ấn quan trọng trong hành trình làm nghề của ông.
![]() |
Bộ sản phẩm mây tre đan đạt 4 sao OCOP và giải Nhất triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ tư 2019 của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh |
Sau giải thưởng mở đầu sự nghiệp một nghệ nhân mây tre đan, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh trở về tiếp tục công việc sản xuất các mặt hàng truyền thống và truyền nghề cho 2 người con trai. Ông cùng các con gây dựng Công ty Việt Quang.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh để các sản phẩm của Việt Quang có thể cạnh tranh được trên thị trường phải tạo ra sự khác biệt. “Bên cạnh sự sáng tạo, độc đáo về mẫu mã, các sản phẩm còn ẩn chứa những nét duyên dáng, hồn cốt rất riêng đã được đúc kết từ hàng trăm năm phát triển của làng nghề Phú Vinh. Nét độc đáo không nơi nào có được”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh chia sẻ.
Điều này cũng đã giải thích vì sao qua bàn tay ông, những chiếc giỏ đựng trái cây, khay trà, lộc bình… cũng trở nên cầu kỳ, kiểu cách và có thể phù hợp với bất cứ một nhà hàng, khách sạn sang trọng nào. Những món phụ kiện túi xách, nón, mũ… cũng trở nên thời trang hơn với những kiểu dáng, họa tiết độc đáo. Đặc biệt, những chiếc chao đèn bằng mây, tre do ông làm ra không hề xa lạ với phong cách kiến trúc hiện đại, tạo nên những điểm nhấn cho các công trình…
Với mong muốn đưa Việt Quang ngày càng phát triển, đồng thời giữ gìn được nét tinh hoa của làng nghề Phú Vinh, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh mong muốn dịch chuyển mô hình sản xuất của công ty ra xa Hà Nội về gần vùng nguyên liệu. Đặc biệt, ông muốn biến cơ sở hiện tại thành một địa chỉ du lịch làng nghề để thu hút du khách cũng như người trẻ đến với mây tre đan.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cho biết: “Việc rời cơ sở sản xuất về gần vùng nguyên liệu, dồi dào nhân lực sẽ thuận tiện cho công việc sản xuất, kinh doanh... Còn việc biến cơ sở sản xuất thành địa chỉ du lịch là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội. Đây cũng là lựa chọn của Việt Quang để tạo thêm việc làm cho người lao động”.
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội tăng cường quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Trang bị kiến thức sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân Sóc Sơn

Vụ mới bắt đầu trên “cánh đồng đạm tự nhiên” ở Cư Jút

Nâng cao giá trị làng nghề làm sáo diều Bá Dương Nội

Cùng nông dân Đan Phượng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp

Giúp người dân nâng cao kiến thức, làm chủ khoa học kỹ thuật

Lâm Đồng đề xuất hỗ trợ kiểm soát chất lượng sầu riêng phục vụ xuất khẩu

Cần đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng dại cho đàn vật nuôi

Hà Nội dẫn dầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP
