Lo mất thêm tiền, người dân Hà Nội đổ xô đi “xóa nợ” sổ đỏ
“Chạy đua” với thời gian
Từ sau Tết Nguyên đán tới nay, lượng người Hà Nội đổ tới các Văn phòng Đăng ký đất đại để nộp hồ "xóa nợ" trên sổ đỏ tăng đột biến.
Theo ông Phạm Tôn, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa cho biết: Tùy theo ngày, số lượng hồ sơ "xóa nợ" trên sổ đỏ nộp vào tăng rất mạnh, từ 8-10 lần so với trung bình trước đây. Cao điểm, có ngày lượng hồ sơ nộp vào tới hơn 500 trường hợp. Nhiều người tới cổng chi nhánh xếp hàng từ 4h sáng để đợi tới giờ mở cửa. Không ít trường hợp nhận số xếp hàng ngày hôm trước phải tới sáng hôm sau mới được nộp hồ sơ vì quá đông người nộp.
“Do người dân tới quá đông, chúng tôi phải thuê thêm vài chục bàn và hơn trăm chiếc ghế nhựa để khách ngồi, đảm bảo quy định giãn cách. Phòng ốc của đơn vị cũng chật chội nhưng bà con rất phối hợp nên tới nay cơ bản vẫn giữ được trật tự, không lộn xộn…”, ông Phạm Tôn nói.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa vào cuối chiều 26/2, mặc dù đã hết giờ làm việc nhưng vẫn có rất đông người dân xếp hàng chờ được gọi tên.
![]() |
Lượng người Hà Nội đổ tới các Văn phòng Đăng ký đất đại để nộp hồ xóa nợ trên sổ đỏ tăng đột biến |
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là bởi ngày 26/2 cũng là ngày làm việc hành chính cuối cùng của tháng Hai (tháng này có 28 ngày, trong khi ngày 27-28/2 rơi vào ngày thứ Bảy và Chủ Nhật), nên nhiều người dân đã đổ xô đi “xóa nợ”. Tuy nhiên, do số lượng người quá đông nên nhiều trường hợp đã không kịp giải quyết.
Chia sẻ với nỗi lo của người dân, Cục Thuế Hà Nội đã có công văn gửi các Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã và khu vực về việc bố trí cán bộ công chức đi làm cả 2 ngày thứ Bảy và Chủ Nhật để đảm bảo việc giải quyết thủ tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
Trong sáng 27/2, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Hà Nội (ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng mở cửa sớm hơn để giải quyết thủ tục cho người dân, giúp người dân thoát khỏi tình trạng “nợ mới cao hơn nợ cũ”.
Chị Nguyễn Thị Phương Trang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Hôm 26/2, chị đã đến nộp hồ sơ làm thủ tục nhưng vì quá đông, nên được hẹn sáng nay quay lại.
“Từ sáng đã đông nghịt người đến nộp hồ sơ. Mặc dù lo lắng về dịch bệnh Covid-19, nhưng tôi vẫn buộc lòng phải đến làm thủ tục, bởi theo quy định mới, nếu không nộp tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2021 sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất tăng cao. Tính ra, như diện tích nhà tôi thì sẽ phải đóng tới mấy chục triệu”, chị Trang chia sẻ.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn rình rập, công tác phòng chống dịch bệnh cũng được hệ thống các văn phòng đăng ký đất đai nghiêm túc thực hiện. Người dân khi tới nộp hồ sơ đều được đo nhiệt độ, khử khuẩn tay, đeo khẩu trang… đúng quy định. Ngoài ra, trong quá trình nộp hồ sơ, các đơn vị đều thực hiện quy định giãn cách để phòng dịch.
Hỗ trợ tối đa người dân tới nộp hồ sơ
Trước đó, ngày 26/10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2019/NĐ-CP sửa đổi điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về việc thu tiền sử dụng đất.
Theo quy định, các hộ gia đình, cá nhân nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 mà chưa thanh toán thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận hoặc theo số tiền ghi trên giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật.
Cách tính được kéo dài đến hết ngày 28/2/2021. Như vậy, từ ngày 1/3/2021, các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.
Trường hợp có ghi nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán nộp ngân sách Nhà nước thì đề nghị các hộ gia đình, cá nhân liên hệ với Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh các quận, huyện, thị xã để được hướng dẫn thủ tục trả nợ theo chính sách quy định tại Nghị định 79/2019/NĐ-CP của Chính phủ trước ngày 28/2/2021.
![]() |
Người dân đến các Văn phòng Đăng ký đất đai ở Hà Nội để nộp tiền sử dụng đất |
Theo hướng dẫn của Cục Thuế thành phố Hà Nội, đơn vị này sẽ áp dụng với các trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất theo Nghị định 45/2014/NĐ-CP.
Cụ thể, Nghị định 45 quy định những người được ghi nợ tiền sử dụng đất gồm: Hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất; Được cấp giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định này và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên giấy chứng nhận sau khi có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận hoặc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ giao đất tái định cư hoặc có đơn xin ghi nợ...
Những trường hợp nợ tiền sử dụng đất từ trước ngày 1/3/2016 đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn tất nộp thì sau ngày 1/3/2021, sẽ phải nộp tiền sử dụng đất được tính theo bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 của Hà Nội với hệ số K mới điều chỉnh gần đây.
Cụ thể, tiền sử dụng đất được tính theo phương pháp chi tiết như sau: Tiền sử dụng đất phải nộp = (bằng) giá đất tính tiền sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất x (nhân) diện tích đất phải nộp tiền sử dụng đất - (trừ) tiền sử dụng đất được giảm theo quy định tại Nghị định 45 (nếu có) - tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền sử dụng đất (nếu có).
Trong đó, giá đất tính tiền sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất được tính theo hệ số K. Trong khi mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Quyết định hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn năm 2021 với hệ số K cao nhất ở mức 2,15. Do đó, tiền sử dụng đất của những trường hợp được ghi nợ phải nộp sẽ tăng theo.
"Nắm bắt được điều này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã chỉ đạo từ trước về việc hỗ trợ tối đa người dân tới nộp hồ sơ. Chúng tôi huy động 100% cán bộ có mặt ngay sau Tết để hướng dẫn hồ sơ xóa nợ. Các Chi cục thuế địa bàn cũng cử cán bộ tới làm việc ngay tại Văn phòng, phối hợp chặt chẽ với chúng tôi để hướng dẫn hỗ trợ người dân kê khai hồ sơ kịp thời.
Do lượng người tới nộp hồ sơ rất đông nên chính quyền phường, lực lượng Công an cơ sở cũng rất tích cực tới hỗ trợ việc phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự và đặc biệt là ngăn chặn các đối tượng “cò mồi” hoạt động. Nhân đây, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nộp hồ sơ trực tiếp cho Văn phòng, tuyệt đối không thông qua “cò mồi”, coi chừng không chỉ mất tiền mà có khi còn mất cả giấy tờ gốc, rất nguy hiểm”, ông Phạm Tôn, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa nhấn mạnh.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Khởi công dự án nút giao tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng

Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công, khánh thành nhiều công trình trọng điểm

Dự kiến sắp xếp 18 phường thành 2 phường Hoàn Kiếm, Cửa Nam

HĐND TP Hồ Chí Minh tán thành việc sáp nhập Vũng Tàu, Bình Dương

Hải Phòng: Khởi công dự án khu công nghiệp mức vốn 4.597 tỷ đồng

TP Hồ Chí Minh giảm 171 xã, có 102 xã mới sau sắp xếp

Cảnh báo hiểm họa thả diều gần đường dây điện

Chủ động triển khai Dự án cầu Tứ Liên đảm bảo tiến độ

Tạo chuyển biến và nhận thức trong vận hành đường sắt đô thị
