Lãnh đạo MB: Chuyển đổi số, ứng dụng AI không nhằm cắt giảm người
MB tiếp tục vào top 3 doanh nghiệp được nhà đầu tư yêu thích nhất Ngân hàng MB khai trương chi nhánh Bạc Liêu |
Sáng 26/4, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, mã CK: MBB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Tại đại hội, trong phần thảo luận, các cổ đông đã đặt vấn đề về việc ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong vận hành để nâng cao hiệu quả hoạt động, kinh doanh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, nhà băng đang hướng đến đầu tư công nghệ tập trung cho 2 nền tảng chính là app và biz, phục vụ khách hàng bằng công nghệ, để khách hàng có thể tự phục vụ 24/7.
Theo ông Thái, việc ứng dụng AI, khoa học công nghệ là giải quyết năng suất lao động của ngân hàng. Năm nay, nhà băng tiếp tục có kế hoạch tăng trưởng về nhân sự nhằm mục đích dự phòng cho kế hoạch tăng trưởng 25-35% quy mô của ngân hàng trong vòng 2 đến 3 năm tới.
Lãnh đạo MB cũng cho biết, ngân hàng ưu tiên tự động hóa các tác vụ phù hợp, nhưng không đặt mục tiêu thay thế con người. Trong trường hợp có dư thừa nguồn lực, MB sẽ phân bổ nhân sự sang những công việc đòi hỏi giá trị gia tăng cao hơn, những lĩnh vực mà AI không thể thay thế.
![]() |
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB |
Kể về câu chuyện MB cách đây 5 năm, số lượng nhân sự của ngân hàng tương đối đi ngang. Tuy nhiên, hai năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng lại tăng lên, không phải vì công nghệ không hiệu quả, mà do ngân hàng cần thêm người ở các vị trí mới.
Chủ tịch MB cho biết, hiện ngân hàng có khoảng 18.000 nhân sự, đây là con số không quá lớn so với các nhà băng cùng quy mô nhưng năng suất lao động bình quân đầu người lại thuộc nhóm cao nhất trên thị trường.
"Chúng tôi không bị phụ thuộc vào câu chuyện cắt giảm lao động. Việc tăng thêm người và đồng thời tăng năng suất mới là mục tiêu", Chủ tịch MB Lưu Trung Thái nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề này, ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch MB chia sẻ, quan điểm của ngân hàng làm chuyển đổi số không phải để cắt giảm nhân sự mà chuyển đổi số để tăng tăng năng suất lao động của nhân viên, chuyển lao động sang mảng công việc giá trị hơn, sáng tạo hơn.
Cũng tại đại hội, Hội đồng quản trị MB đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế tăng xấp xỉ 10% so với mức thực hiện năm 2024. Trong năm 2024, ngân hàng ghi nhận lãi hợp nhất trước thuế là 28.829 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong năm 2025 dự kiến đạt khoảng 31.712 tỷ đồng.
![]() |
Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông của MB |
Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 21,2%, tức đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025. Huy động vốn trong năm 2025 kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 23,3% trong khi đó tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng xấp xỉ 23,7% trong năm 2025, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước.
Tính đến cuối năm 2025, MB đặt mục tiêu có 34-35 triệu khách hàng và sẽ cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029.
Ông Lưu Trung Thái cho biết, mục tiêu của MB là duy trì vị thế trong nhóm "Big 5" ngân hàng tại Việt Nam. Ngân hàng cũng sẽ tối ưu chi phí vốn, tiếp tục giữ vững vị thế top đầu về tỷ lệ CASA trong toàn hệ thống.
Trong năm 2025, ngân hàng muốn sử dụng 21.556 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, với tổng tỷ lệ 35% gồm hai cấu phần. Trong đó, MB sẽ dành 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3%.
Đồng thời, MB cũng dành 19.726 tỷ đồng để phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 32%.
Ngoài việc nâng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Đây là phương án đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2024 thông qua.
Nếu hoàn thành hai cấu phần tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng từ hơn 61.022 tỷ đồng lên 81.368 tỷ đồng.
Ngân hàng cho biết nguồn vốn tăng thêm được sử dụng bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực là 7,7 nghìn tỷ đồng (bao gồm việc đầu tư trụ sở MB ở khu vực phía Nam, miền Trung và/hoặc các khu vực khác có tổng mức đầu tư thấp hơn 20% vốn ngân hàng); đầu tư bổ sung vốn hoạt động, (mô hình kinh doanh mới, các hoạt động kinh doanh,...) là 12,6 nghìn tỷ đồng.
Một nội dung quan trọng khác, MB trình cổ đông thông qua phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 1,6% vốn điều lệ.
Tại đại hội lần này, Hội đồng quản trị MB cũng trình cổ đông thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc và tiếp tục thực hiện các nội dung trong phương án chuyển giao bắt buộc (gồm cả các sửa đổi, bổ sung) đã được phê duyệt.
Cụ thể, MB sẽ góp vốn vào MBV (tiền thân là OceanBank) tối đa 5.000 tỷ đồng. Trên cơ sở phương án được duyệt, MBV có thể chuyển đổi thành ngân hàng TNHH hai thành viên trở lên, ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, sáp nhập vào MB hoặc theo hình thức khác phù hợp quy định pháp luật.
Cùng với đó MB cũng lên kế hoạch thành lập ngân hàng con tại Lào (trên cơ sở chuyển đổi Chi nhánh MB Lào) và thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại các quốc gia tiềm năng, môi trường kinh doanh thuận 1ợi và/hoặc có cơ hội phát triển mạng lưới của MB (như Hàn Quốc, Nhật Bàn, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan...).
Tin liên quan
Đọc thêm

Agribank trao giải Đặc biệt 1 tỷ đồng tới khách hàng trúng thưởng

PNJ vượt "cơn bão kép", đặt mục tiêu lãi sau thuế 1.960 tỷ đồng

"Đòn bẩy" thúc đẩy kinh tế tư nhân, phát huy vai trò trụ cột của nền kinh tế

Chắp cánh ước mơ chinh phục tiếng Anh cho người Việt

UDIC được vinh danh Top 10 nhà thầu uy tín năm 2025

Cập nhật tiến độ thi công 2 siêu dự án hơn 20.000 tỷ đồng

Samsung khởi công dự án điện mặt trời mái nhà tại TP Hồ Chí Minh

AB InBev 4 năm được vinh danh tại giải thưởng Rồng Vàng

Doanh nghiệp được duyệt vay mua ô tô tại VPBank chỉ trong 5 phút
