Khi cuối năm không còn nhiều vội vã...
Tràn ngập các trận đấu đỉnh cao và phim ảnh dịp cuối năm |
Bỏ đi nhiều thói quen xấu
Chị Huyền (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ niềm… vui mừng. Chị tâm sự rằng: “Trong cái rủi có cái may. Một điều thật tuyệt vời mà chỉ may ra mùa dịch này mới có được. Tôi mừng vì tối tối không phải huy động con cái, ông bà… gọi điện tìm chồng về nữa”.
Chuyện là, hàng năm, cứ vào dịp cuối năm cũng là “mùa” tổng kết, hội họp, chồng chị đi liên miên, hầu như không có bữa nào ăn tối tại nhà, lại càng chẳng bao giờ về nhà trước 12 giờ đêm. Nào thì tổng kết công ty, nào thì tổng kết các công ty đối tác, nào thì nhóm đồng hương, nhóm đồng niên, lại nhóm cấp 3, nhóm đại học. Có khi cả nhóm tiểu học, trung học cơ sở cũng qua mạng xã hội mà gặp được nhau, khơi gợi lại chuyện xưa và nhất định Tết nhất là phải gặp mặt.
Đã tụ tập thì thể nào chẳng có rượu bia, chúc tụng, sau đó là đến hát hò, khề khà. Không lo chồng có chuyện nhập nhằng quá đáng bên ngoài, chị Huyền chỉ lo chồng mình có tính cả nể. Ai mời cũng uống, chẳng biết chối từ. Thế là, ngoài việc về muộn, chị còn lo sức khỏe của chồng đi xuống.
“Uống ngần ấy rượu bia vào người, ngày nào cũng uống thì còn gì là dạ dày, gan, thận nữa. Trong khi đó, trời thì lạnh, đi đêm về hôm, nhỡ đâm vào ai, ai đâm vào mình cũng đều khổ”, chị Huyền chia sẻ.
![]() |
Nhiều người Hà Nội bỏ thói quen tổng kết, chúc tụng cuối năm (Ảnh minh họa) |
Thế là, cứ tầm 9 - 10 giờ tối chưa thấy chồng về, chị bắt đầu gọi điện thoại. Số của chị chồng không nghe thì chị “cậy nhờ” đến các con, đến ông bà nội ngoại, thậm chí cả bạn bè, cấp dưới. Làm sao để chồng về nhà yên ổn thì chị mới yên tâm.
Năm nay, chả phải bảo, hết giờ làm chồng chị ngoan ngoãn về nhà, lại còn giúp chị đổ rác, dạy con học, chị Huyền mừng như bắt được vàng. Chồng chị bảo có cho thêm tiền cũng chả dám đi nhậu nhẹt. Bạn bè ai ai cũng từ chối cả, hàng quán nhiều nơi đóng cửa, làm gì có ai để mà “chén chú chén anh”.
Chị Thúy (Gia Lâm, Hà Nội) thì lại kể về trường hợp của chính mình. Qua mùa dịch chị chiêm nghiệm được rằng trước đây mình thực sự rất phung phí. Kinh tế khá giả lại là người có gu, chịu khó tìm tòi, biết cách ăn mặc, chị Thúy luôn săn lùng các mẫu túi, giày, quần áo thời trang mới nhất. Bên cạnh đó, cứ lướt mạng xã hội hàng ngày, thấy cái gì hợp mắt là chị mua luôn không nghĩ quá 5 giây. Mặc dù chị mua về có khi chỉ để thỏa mãn ý thích nhất thời. Đặc biệt là dịp cuối năm như thế này, hầu như phần lớn thời gian của chị là lang thang các trung tâm thương mại hoặc tìm kiếm những món đồ mình thích để “điên cuồng” mua sắm.
Những ngày làm việc online ở nhà chị dọn dẹp mới thấy có đến cả tủ quần áo chị chưa động đến lần nào. Hoặc có những cái chị chỉ mặc một lần, chụp một vài kiểu ảnh đưa lên Facebook rồi không bao giờ mặc lại nữa. Khi truyền hình, báo chí và cả những nhóm trên mạng xã hội chia sẻ về các hoàn cảnh khó khăn, thậm chí cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, chị Thúy suy nghĩ rất nhiều. Chị quyết định đăng bán thanh lý những đồ không dùng đến hoặc không thích nữa và dùng số tiền ấy đi làm từ thiện.
“Nếu không có dịch bệnh như thế này mãi mãi mình không nhận ra là mình đã lãng phí như thế nào. Số tiền mua sắm vô tội vạ, thời gian dành để mua sắm đó mình có thể dùng vào những việc có ích cho bản thân, cho người khác hơn”, chị Thúy tâm sự.
Giảm bớt những căng thẳng
Với chị Phương (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì những ngày cuối năm này chị đã lược bỏ được rất nhiều những việc mà không làm chị thấy vẫn cứ bình thường, không đến nỗi không thể xong việc hay không thể không chịu được. Vì thế, chị không phải chạy đông chạy tây, chạy đôn chạy đáo nữa. Điều đó vừa gây tắc đường, vừa khiến chị căng thẳng, tất bật rồi cứ việc nọ xọ việc kia, mọi thứ cứ rối tung lên, mỏi mệt, rã rời.
![]() |
Giao thông Hà Nội tương đối thông thoáng vào dịp cuối năm (Ảnh minh họa) |
Chị nghiệm ra: “Tất nhiên cuối năm ai cũng nhiều việc, đủ thứ phải hoàn thành, đủ việc phải lo nhưng tôi nhận thấy có một số việc là cứ tự mình đặt ra cho mình. Như thế chính mình tạo áp lực cho bản thân. Ai cũng như vậy thì thành cả cộng đồng nháo nhào. Còn mỗi người bớt đi một tí, thì tự dưng lại thấy cuộc sống thong thả hơn, nhẹ nhàng hơn”.
Nhiều người cũng cảm nhận không khí cuối năm của mùa dịch này tuy không nhộn nhịp tưng bừng như trước nhưng bù lại bớt vội vã, bớt cuống cuồng hơn. Nếu như mọi năm, vào tầm này đường xá thường xuyên kẹt cứng vì người đi làm, người đi lo công việc, người chở hàng hóa… ngược xuôi đông đúc không lúc nào dừng. Còn năm nay, có vẻ như mọi người không đi lại nhiều nên chị Phương thấy giao thông tương đối dễ chịu.
Điều đó cũng giảm một phần căng thẳng khi cuối năm đã vội lại còn gặp tắc đường, thêm ức chế, thêm rối rít cuống quýt.
Tất nhiên, ai cũng biết rằng, được cái nọ thì mất cái kia. Việc chở hàng hóa, việc đi lại ít chưa hẳn đã tốt. Giảm được căng thẳng khi tham gia giao thông, an toàn hơn, thong thả hơn cho mọi người nhưng như thế cũng có nghĩa dự báo rằng rất có thể sức tiêu thụ và sản xuất giảm, kinh tế mỗi gia đình cũng giảm sút theo.
Dù vậy, ở góc độ các cá nhân thì điều này cho thấy người Hà Nội cũng đã thích ứng linh hoạt hơn. Không phải chỉ là biểu hiện của việc né tránh dịch mà họ đã biết bình tĩnh hơn, hòa nhịp theo yêu cầu của tình hình hiện tại để sống một cách hài hòa. Thói quen, nhận thức cũng phải dần dần hình thành và dần dần xác lập được giá trị của mình với mỗi người.
Tin rằng, dù khi dịch bệnh đã đi qua, với những thay đổi, những thói quen đã được hình thành từ bây giờ, mỗi người sẽ tự tìm được những điều gì là cần thiết nhất đối với mình để duy trì và sống một cách cân bằng nhất.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hướng về cội nguồn, khắc sâu hai chữ "đồng bào"

Khu phát triển thương mại và văn hóa "chắp cánh" tinh hoa làng nghề

Hà Nội: Phát triển thương mại gắn với bảo tồn văn hóa

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh

75 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa

Bài 3: Để di tích đền Rừng “tỏa sáng”…

Tuổi trẻ Thủ đô tích cực tham gia phát triển văn hóa Hà Nội

Dấu ấn Đảng bộ Hà Nội trong phát triển văn hóa và con người

Hà Nội - hình mẫu tiêu biểu kiến tạo môi trường giáo dục thanh lịch, văn minh, hạnh phúc
