Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi và trồng trọt hữu cơ khép kín
![]() |
Trang trại Hoa Viên hoạt động theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm
Vòng tròn khép kín
Nhận thấy, mô hình nông nghiệp hữu cơ là hướng đi có tính bền vững, lâu dài, không chỉ cung cấp những sản phẩm có lợi cho sức khỏe mà còn giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường và cân bằng tự nhiên, chị Chị Trương Kim Hoa, chủ Trang trại Hoa Viên đã tổ chức đầu tư chăn nuôi lợn rừng giống và thương phẩm, nuôi giun quế, trồng rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ khép kín từ trồng trọt đến chăn nuôi. Mô hình phát triển kinh tế của chị được thành phố đánh giá là một trong số những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế và đặc biệt là mô hình điểm có thể nhân rộng tại nhiều địa phương.
Chia sẻ về phương pháp hữu cơ khép kín từ trồng trọt đến chăn nuôi đang được áp dụng tại trang trại của gia đình mình, chị Hoa nói: "Không giống với những địa phương khác trên địa bàn huyện Thạch Thất, Thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội), có diện tích rộng gần 60 ha, nằm sát chân Núi Vua Bà (thuộc Vườn Quốc gia Ba Vì) có điều kiện khí hậu đặc biệt trong lành, nguồn nước suối rừng tự nhiên, đất nguyên sinh, xa khu dân cư và các nguồn ô nhiễm khác rất phù hợp cho canh tác theo phương pháp hữu cơ. Nhận thấy nơi đây điều kiện tự nhiên có nhiều ưu đãi nên từ năm 2007, tôi bắt tay xây dựng trang trại. Ban đầu, tôi chỉ có hai mái lợn nái, sau đó tôi nhân lên thành 1.000 nái, mỗi năm đẻ hơn 1 vạn con giống và được giữ lại nuôi toàn bộ. Thức ăn cho lợn rừng gồm các loại cây bách bệnh, rau mơ, cỏ nhọ nhồi, lục vàng cùng chế phẩm EM (gừng tỏi tự pha chế). Đặc biệt vật nuôi tại trang trại của chúng tôi không sử dụng kháng sinh, hóa chất nên chất lượng thịt thơm ngon, an toàn và sạch bệnh".
Có được thành công này, chị Hoa đã áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, sử dụng thức ăn bằng thảo dược có nhiều vitamin, phân lợn dùng để nuôi giun quế làm thức ăn cho lợn rừng và làm xốp đất để trồng rau hữu cơ, cỏ VA06... Thấy mô hình của mình dễ thực hiện, hiệu quả thành công cao nên chị Hoa đã tư vấn hướng dẫn cho nhiều hộ dân cùng áp dụng, tất cả đều cho hiệu quả sản xuất cao, ổn định.
Hiện nay, Trang trại Hoa Viên đang tổ chức chăn nuôi lợn rừng giống sinh sản và thương phẩm với quy mô hơn 1000 lợn bố mẹ mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 10.000 lợn giống và thương phẩm. Bên cạnh việc đẩy mạnh chăn nuôi và phát triển đàn lợn rừng, chị Hoa cũng trú trọng trồng rau hữu cơ, với chủng loại phong phú, ngoài các loại rau thông thường, chị Hoa đã nghiên cứu trồng và phát triển các giống rau rừng, rau đặc sản như: Rau sắng (Ngót rừng), rau Bò Khai (Dạ hiến), rau Mỏ, rau Sau Sau, rau Dền chua đỏ, rau Dớn, rau Báng (Páng)... tất cả đều mang thương hiệu "Rau sạch Đại ngàn" trên diện tích hơn 100.000 m2.
Không chỉ chăn nuôi, trồng rau hữu cơ, chị Hoa còn quy hoạch một khu đất trong khuôn viên trang trại để trồng một số các loại cây ăn quả theo quy trình hữu cơ như Thanh long ruột đỏ, Mít Thái Lan, Soài, Sấu, Khế ngọt, Bưởi Diễn, Ổi Lê, Chuối Tây, Chuối Tiêu hồng... để đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Hiện tại, Trang trại Hoa Viên đang tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân từ 5,5 đến 6,5 triệu đồng/tháng.
Nguyên tắc năm không
Để mang đến người tiêu dùng những nông sản hữu cơ, đồng nghĩa với việc quy trình sản xuất rau của trang trại phải loại bỏ hoàn toàn các thành phần hóa học ra khỏi khâu sản xuất. Vì vậy chị Hoa luôn xác định rõ tiêu chí 5 không gồm không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không chất biến đổi gen và không chất kích thích sinh trưởng. Do đó, tất cả các công đoạn sản xuất từ làm cỏ, bắt sâu, chăm bón trang trại đều phải hoàn toàn tự nhiên. Thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ như đối với cây trồng khác, những công nhân của trang trại làm cỏ bằng phương pháp thủ công. Để ngăn ngừa sâu bệnh, trang trại sử dụng các loại bẫy bắt côn trùng bằng công nghệ sinh học, các loại thuốc trừ sâu làm bằng chế phẩm gừng, tỏi trưng cất và phát triển thiên địch…
Chia sẻ về ý tưởng của vùng trồng rau hữu cơ đầu tiên giữa lòng thành phố, chị Trương Kim Hoa cho biết: Từ suy nghĩ mong muốn mang đến những thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, trong khi có điều kiện về "thiên thời, địa lợi" như đất sạch, nước sạch, không khí trong lành hoàn toàn phù hợp trồng những sản vật đó nên gia đình bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, là một trong những doanh nghiệp tại Hà Nội tiên phong trồng rau hữu cơ, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khâu tiêu thụ khi lượng rau hữu cơ chưa được nhiều và thiếu ổn định. Nguyên nhân chủ yếu do người tiêu dùng không mặn mà vì chưa biết đến những lợi ích mà sản phẩm hữu cơ mang lại. Trong khi đó, người kinh doanh đại đa số đều vẫn cho rằng kinh doanh rau hữu cơ không có lãi, độ rủi ro lớn vì giá thành cao. Đặc biệt, chi phí thuê mặt bằng kinh doanh rau tại Hà Nội quá cao nên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố.
Rõ ràng, thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp không an toàn, rau "bẩn", thịt "bẩn", đang là nỗi lo của người tiêu dùng. Có những trang trại cung cấp thực phẩm an toàn như trang trại Hoa Viên, người tiêu dùng Việt sẽ không còn lo lắng nhiều về chất lượng mỗi bữa ăn. Với những thành công của Trang trại Hoa Viên đã tạo ra mô hình canh tác hữu cơ kết hợp trồng trọt, chăn nuôi khép kín đảm bảo môi trường trong sạch. Đây là mô hình kinh tế phát triển bền vững cần được các cấp chính quyền quan tâm nhân rộng trong nền nông nghiệp Thủ đô.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đề nghị thẩm định, xét, công nhận huyện Thường Tín đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

Xã Phú Mãn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới nâng cao

Hà Nội không nợ đọng xây dựng cơ bản trong Nông thôn mới

Đồng Nai thêm 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

Trồng mít Thái hiệu quả nhờ NPK Cà Mau công nghệ Poly Phosphate

Phong tặng danh hiệu cho 151 nghệ nhân và 3 bảng vàng gia tộc làng nghề

Hà Nội đủ điều kiện trình Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới

Huyện Sóc Sơn có thêm 7 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

Trao bằng công nhận danh hiệu làng nghề, chứng nhận OCOP cấp thành phố
