Hạn chế sử dụng túi nilong: Tăng thuế là chưa đủ
![]() |
Giá bán túi nilon ngoài thị trường thấp hơn thuế gần 1 nửa |
Tăng thuế, siết chặt sử dụng túi nilon
Tháng 9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Theo đó, từ ngày 1/1/2019, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon là 50.000 đồng/kg, tăng so với mức thuế hiện hành là 10.000 đồng/kg. Việc này được coi là để góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, thời gian qua, việc thực hiện mục tiêu giảm thiểu sử dụng túi nilong lại không mang lại kết quả khả quan.
Thực tế hiện nay tình trạng người sử dụng túi nilon vẫn còn rất phổ biến thậm chí nhiều người rất thích dùng túi nilon vì tiện.
Chị H (xin được giấu tên) chuyên đi giao buôn túi nilon tại một số khu đô thị tại huyện Thanh Trì cho hay: “Số lượng túi nilon bán ra có giảm ít so với trước. Tuy nhiên, tôi thấy người dân vẫn chuộng loại túi này lắm, vừa rẻ, vừa tiện lợi. Nhiều khi đi chợ mua ít tỏi khô, ba quả chanh tươi hay vài ba cây hành lá chẳng lẽ cũng phải mang theo túi riêng, cứ cho vào túi nilon cho nhanh. Nên cứ nói phải hạn chế túi nilon là không dễ”.
Theo tìm hiểu, túi nilon có nhiều loại cỡ từ 5kg, 2kg đến túi 0,5kg đều có giá bán từ 27.000 - 35.000 đồng/kg tùy từng chất lượng túi. Túi nilon đỏ loại đẹp, để đựng đồ biếu có giá 35.000 - 37.000 đồng/kg. Nếu người mua nhiều sẽ được giảm giá. Tại một số siêu thị lớn tại Hà Nội giá túi nilon được bán cao hơn. Với túi nilon đựng rác sẽ có giá từ 43.000 - 100.000 đồng/kg. Với túi nilon bọc thực phẩm sẽ có giá 80.000 - 140.000 đồng/kg. Rõ ràng, việc hạn chế dùng túi nilon tại các chợ hiện nay là chưa khả thi. Bởi ai đi vào chợ ra về cũng cầm trên tay rất nhiều loại túi bóng đựng đồ khác nhau.
“Thực tế, mọi người đi chợ tranh thủ mua nhanh, mua nhiều. Nhất là các bà mẹ có con nhỏ, đi làm. Lúc nào cũng vội vàng mua một lần ăn vài ngày cho nên là túi nọ chồng túi kia. Họ không có thời gian để chạy về nhà mang túi riêng đi chợ đâu. Nhiều khi cho ít túi họ còn bảo cho thêm không treo đứt giữa đường…”, chị Mai, một tiểu thương ở chợ Sài Đồng, Long Biên chia sẻ.
Để siết chặt hơn nữa tình trạng lạm dụng túi nilon, mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 20/8/2020, về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, trong đón yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, hướng sửa đổi là mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nilon, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc. Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi nilon.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra việc tuân thủ chính sách thuế bảo vệ môi trường, các quy định môi trường của các cơ sở cung cấp túi nylon cho các chợ dân sinh và cửa hàng buôn bán nhỏ; kiểm soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Cần tăng cường quản lý, nâng cao nhận thức
Theo thống kê, lượng túi nilon mỗi hộ gia đình tiêu thụ trung bình khoảng 1kg túi nilon/tháng. Riêng tại Hà Nội và TPHCM, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon thải ra môi trường. Trong số này, chỉ khoảng 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Nếu tính chỉ số sản phẩm nhựa trên đầu người, đến nay là trên 41kg/người/năm, trong khi chỉ số này năm 1990 là 3,8kg/người/năm.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc đánh thuế bảo vệ môi trường túi nilon không phải chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng. Vấn đề này đã được bàn nhiều, nói nhiều năm qua.Theo ông Thịnh, đây là một trong những giải pháp để hạn chế sử dụng sản phẩm có hại và hủy hoại môi trường tuy nhiên không được như kỳ vọng.
“Thuế bảo vệ môi trường là 50.000 đồng/kg trong khi giá bán sản phẩm này trên thị trường chỉ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, rõ ràng là có vấn đề. Không ai kinh doanh mà để tiền bán ra thấp hơn tiền thuế cả”, ông Thịnh nói và cho biết thêm cần phải quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý cụ thể như Quản lý thị trường. Người đứng đầu Quản lý thị trường phải chịu trách nhiệm vấn đề này.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu tính đúng, đủ và giám sát chặt chẽ doanh thu của cơ sở sản xuất kinh doanh túi nilon, nhất là các hộ thuế khoán, chắc chắn giá túi nilon phải bán cao gấp ít nhất 4-5 lần hiện nay. Vì ngoài thuế bảo vệ môi trường 50.000 đồng/kg, một ký túi nilon còn bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí nguyên liệu, máy móc, nhân công, mặt bằng, điện, nước, vận chuyển, vốn... Lúc đó, ý thức sử dụng túi nilon sẽ khác.
Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Tú - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Thuế cho rằng, nếu quản lý đủ thì mức thuế đối với túi nilon như hiện nay cũng là đủ mức. Thực tế, hiện nay mình chưa quản lý được. Túi nilon thì chủ yếu các hộ nhỏ lẻ sản xuất nên việc quản lý khó khăn. Các địa phương chỉ khoán thuế nên không thể rà soát được. Nếu tăng lên cũng được nhưng quan trọng là phải quản lý chặt chẽ.
Tại Đan Mạch, từ năm 2003, các nhà chức trách đã đưa ra một loại thuế mới đánh vào các nhà bán lẻ sử dụng túi nilon. Điều đó được cho là đã giúp hạn chế tới 66% túi nilon sử dụng trong các giao dịch mua bán tại đây.
Còn ở Ireland, từ năm 2002, người tiêu dùng phải chi thêm 0,15 euro (0,158 USD)/túi nilon nếu dùng sản phẩm này. Mức tiền tăng đến 0,22 euro (0,233 USD)/túi nilon trong năm 2007. Số tiền phí trên được chuyển vào quỹ môi trường của Ireland.
Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng áp dụng lệnh cấm hoặc tính phí đối với việc sử dụng và cung cấp túi nilon được kể đến như Anh (năm 2015), Mexico (năm 2010), Australia (năm 2008), Trung Quốc (năm 2008), Pháp (năm 2007), Bỉ (năm 2007). Tại Mỹ, từ tháng 7/2014, 20 bang và 132 thành phố trở thành đối tượng áp dụng 1 trong 2 lệnh cấm trên.
Tại Việt Nam, giải pháp quan trọng nhất nhưng là lâu dài, quyết liệt và khó khăn nhất vẫn là cần đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi ý thức của người dân trong việc sử dụng túi nilon. Chỉ khi mỗi người dân thực sự vào cuộc, thay đổi thói quen sử dụng túi nilon thì mục tiêu hạn chế, tiến tới ngưng sử dụng sản phẩm này mới có kết quả cao nhất. Bởi, dù rẻ, dù tiện lợi nhưng khi người dân đã nói “không” thì túi nilon cũng khó có thể tiếp tục hiện diện trong đời sống hằng ngày; khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh,…
Về phía người dân, nếu mỗi người có ý thức hạn chế tối đa việc dùng túi nilon mỗi lần đi chợ cũng đủ tạo nên sự thay đổi lớn đối với môi trường. Theo đó, các bà nội trợ chỉ cần thay đổi nhỏ như lên thực đơn trước và sắp xếp một buổi đi chợ mua thức ăn cho cả tuần, còn hằng ngày chỉ phải mua rau, trái cây, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc vừa hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon.
Chúng ta tăng khung thuế bảo vệ môi trường với túi nilon không thân thiện với môi trường. Hiện, mức thuế này đã kịch khung nhưng giá thành vẫn chưa tăng đáng kể. Khi giá quá cao, người dùng thấy đắt đỏ sẽ từ bỏ dần thói quen dùng túi nilon.
Người nội trợ khi đi chợ nên mang giỏ, còn người bán thay vì dùng túi nilon thì dùng lá chuối, lá sen khô bọc thức ăn. Các loại lá này được bán với giá khá rẻ ở chợ, chỉ cần mua về rửa sạch, phơi khô để dùng dần. Trường hợp không thể không dùng túi nilông thì để chung các thực phẩm cùng loại trong một túi. Hoặc nếu sử dụng túi nilông thì nên dùng nhiều lần thay vì chỉ một lần rồi vứt đi.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Điện máy Xanh kết hợp cùng địa phương mang đến giải pháp nước sạch

Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về tăng trưởng xanh, bền vững

Nhiệt độ tại Bắc Bộ cao nhất 33 độ C

Hà Nội không mưa, trưa chiều trời nắng

Bắc Bộ sáng và đêm trời rét

Gen Green Platform chính thức ra mắt tại Ngày hội Xanh lớn nhất Việt Nam

Hưởng ứng chiến dịch “Trồng 1 tỷ cây xanh"

Không khí lạnh ảnh hưởng tới Bắc Bộ

Quảng Nam: Rừng thông trốc gốc, bờ biển tan hoang
