Hà Nội đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản trong mùa dịch Covid-19
![]() |
Hà Nội đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản trong mùa dịch Covid-19
Bài liên quan
Hà Nội – cầu nối tiêu thụ nông sản đặc sản của cả nước
Hà Nội tập trung sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường
Tìm kiếm thị trường cho nông sản trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona hoành hành
Tìm hướng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền
Kết nối, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản an toàn
Ngành Nông nghiệp Thủ đô liên tiếp gặp khó khăn
Vài năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp Thủ đô liên tiếp gặp nhiều khó khăn, từ dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, cho tới đại dịch Covid-19 đã khiến ngành bị “tàn phá” nặng nề. Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ người dân, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, Hà Nội đã có nhiều chủ trương, giải pháp hợp lý, hiệu quả.
Thời điểm hiện tại, các huyện ngoại thành Hà Nội đang vào vụ thu hoạch rau để cung cấp cho người dân Thủ đô. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với việc thực hiện nghiêm chỉ thị về giãn cách xã hội nên trên các cánh đồng không còn không khí tấp nập như những ngày trước đây. Nhiều hợp tác xã đã bố trí cho xã viên, nông dân thay nhau sản xuất, thu hoạch để kịp thời vụ và đủ phục vụ người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Huyền, xã viên Hợp tác xã Rau an toàn Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: "Khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng hết sức lo lắng, không biết sẽ sản xuất, bán hàng thế nào mặc dù rau, quả vốn là mặt hàng thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, ban quản trị hợp tác xã đã nhanh chóng liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định. Chúng tôi đã tham gia bán hàng bình ổn giá với nhiều hợp tác xã khác trong thành phố tại các khu chung cư”.
Nói về quy mô sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện Đông Anh, ông Nguyễn Hồng Tuyển, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Anh cho hay: Toàn huyện có 800ha rau tập trung tại các xã: Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng, Nam Hồng, Nguyên Khê, Cổ Loa, Tàm Xá... Trong đó, 600ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; 12 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế rau an toàn với diện tích nhà sơ chế 776m2; 2 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 33 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, rau hữu cơ.
Trạm đã phối hợp với 7 xã nằm trong vùng sản xuất rau an toàn, hỗ trợ các địa phương thực hiện mô hình kiểm soát cộng đồng, áp dụng hệ thống liên kết trong sản xuất - tiêu thụ rau an toàn. Huyện cũng hỗ trợ người dân thùng chứa, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng; thành lập Đoàn liên ngành trong quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Đặc biệt, địa phương hỗ trợ bà con xã viên sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp.
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng đang trong thời điểm thu hoạch các loại rau ăn lá. Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng lớn đến các kênh tiêu thụ hàng hóa truyền thống. Do đó, hợp tác xã phải tìm kiếm thêm thị trường để tiêu thụ các loại rau, quả giúp người dân trên địa bàn huyện.
![]() |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được những mặt hàng bảo đảm chất lượng để đưa đến tay người tiêu dùng Thủ đô |
Ông Hoàng Văn Khải, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn cho biết: “Hợp tác xã hiện có gần 40 thành viên canh tác hơn 65ha rau, quả đủ điều kiện sản xuất an toàn, trung bình mỗi ngày cung ứng cho thị trường Hà Nội từ 7 đến 9 tạ rau.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, thay vì cung cấp rau trực tiếp cho các trường học, doanh nghiệp, hợp tác xã đã chuyển nguồn hàng này sang các điểm bán hàng bình ổn giá tại các khu chung cư. Số còn lại đưa vào “thị trường truyền thống” là siêu thị, bệnh viện, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch…”.
Cùng đồng hành để phát triển
Nhằm giúp các sản phẩm nông sản dễ dàng tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô, thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã nghiên cứu, tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả. Trong đó, phương án dán tem QR Code để truy xuất nguồn gốc các loại nông sản đã được ứng dụng rộng rãi.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý cho hay: Những ngày vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hợp tác xã đã đẩy mạnh liên kết với các chuỗi cung ứng nông sản như: Chuỗi cửa hàng Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, siêu thị Big C, các cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố… nên mức tiêu thụ vẫn được duy trì. Đặc biệt, 100% sản phẩm rau của hợp tác xã đều được dán tem QR Code, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, từ đó tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng.
![]() |
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã nhanh chóng chuyển hướng hoạt động với những giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế nhằm hỗ trợ người dân |
Xác định đồng hành cùng nông dân, các hợp tác xã là trách nhiệm của chính mình và cũng để duy trì phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã nhanh chóng chuyển hướng hoạt động với những giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (sở hữu chuỗi Vinmart) thông tin: Công ty đã liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Oai… để nhập hàng, vừa bảo đảm nguồn hàng chất lượng bán cho người dân, vừa góp phần giúp nông dân, hợp tác xã duy trì sản xuất.
Tương tự, nhiều hệ thống siêu thị, đơn vị bán lẻ có uy tín tại Hà Nội cũng đã chủ động liên hệ với các hợp tác xã sản xuất rau, quả, thịt… tại Hà Nội để đặt hàng, cử nhân viên về hỗ trợ đóng gói, thu mua. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ chi phí giết mổ, vận chuyển trong việc thu mua gà mía, lợn, bò... tại các huyện ngoại thành.
Có thể nhận thấy rằng, trong những ngày vừa qua, rất nhiều giải pháp đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã kết hợp triển khai nhằm đưa nông sản thực phẩm đến tay người tiêu dùng Thủ đô. Điển hình có thể kể đến như tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá tại các khu dân cư, khu chung cư; các hợp tác xã liên kết với các chuỗi cung ứng để tiêu thụ nông sản...
Với sự linh hoạt, năng động của mình, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã thích ứng được với bối cảnh người dân hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc, mang lại nhiều lợi ích cho đời sống xã hội.
Cụ thể là duy trì được sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp của Thủ đô phát triển, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng những “pháo đài” phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, doanh nghiệp đã tiếp cận được những mặt hàng bảo đảm chất lượng để đưa đến tay người tiêu dùng.
Tin rằng, khi có sự đồng hành của các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự chung sức của người nông dân, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ vượt qua được thách thức hiện tại, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm an toàn cho thị trường Thủ đô.
Trang thông tin có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bà con rưng rưng đón nhận căn nhà mơ ước...

Khơi thông điểm nghẽn các dự án trọng điểm để kịp giải ngân

TP Hồ Chí Minh thăng hạng trên bảng xếp hạng khởi nghiệp toàn cầu

Buồng lái mô phỏng trực thăng Airbus H175 nâng cao trình độ phi công

Phát triển 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam nhưng hoạt động ở 2 thành phố

Thủ tướng yêu cầu quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch giao để thúc đẩy tăng trưởng

Bứt phá toàn diện, PVCFC giữ thế chủ lực trong mùa vụ Hè Thu

VinVentures đồng hành cùng NIC tổ chức diễn đàn “Venture Forum 2025”

Ngân hàng Nhà nước được quyết cho vay đặc biệt, không tài sản đảm bảo
