Tag

Thủ tướng yêu cầu quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch giao để thúc đẩy tăng trưởng

Kinh tế 20/05/2025 15:00
aa
TTTĐ - Ngày 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 Các địa phương hỗ trợ nhau trong bảo đảm nguồn cung vật liệu cho các dự án đầu tư công
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao, đồng bộ công tác phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công - coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư công với điểm nhấn quan trọng là trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 ngày 29/11/2024 và tổ chức triển khai ngay từ 1/1/2025 với nhiều quy định mới mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ và tăng cường phân cấp, phân quyền.

Cụ thể như tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ; phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách Trung ương từ Thủ tướng Chính phủ cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp; phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp.

Về nâng cao chất lượng và đa đạng hóa nguồn vốn đầu tư, cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án; cho phép doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 8/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: "Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia".

Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 chỉ thị, 3 công điện cùng nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, các công điện, chỉ thị khác của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng đều tích hợp các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đã tổ chức 4 phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT) và Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Các nội dung về đầu tư công luôn được đưa vào chương trình làm việc của các phiên họp Thường trực Chính phủ, phiên họp Chính phủ thường kỳ, cuộc họp của các bộ ngành, thể hiện tính xuyên suốt và nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Cùng với đó, 7 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phát huy vai trò trong trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan, địa phương; đồng thời các bộ, cơ quan, địa phương cũng đã chủ động thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình.

Thủ tướng thay mặt Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng thay mặt Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

10/47 bộ, cơ quan Trung ương và 36/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên trung bình

Về kết quả đạt được, theo các báo cáo, ý kiến tại hội nghị, ngay từ ngày 4/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 với tổng số vốn gần 829,4 nghìn tỷ đồng cho bộ, cơ quan và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ để quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025.

Tính đến 30/4/2025, ước giải ngân chung cả nước là 128,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%) nhưng về giá trị tuyệt đối cao hơn 18 nghìn tỷ đồng.

Có 10/47 bộ, cơ quan Trung ương và 36/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên trung bình. Trong đó, một số đơn vị được giao vốn lớn và có tỉ lệ giải ngân cao như: Bộ Quốc phòng (giao trên 23 nghìn tỷ, giải ngân đạt 16,3%), Bộ Công an (giao 4,1 nghìn tỷ, giải ngân đạt 27,3%), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (giao 22,3 nghìn tỷ, giải ngân đạt 16,6%), Thanh Hóa (giao 13,3 nghìn tỷ, giải ngân đạt 39,2%); Hà Nam (giao 10,6 nghìn tỷ, giải ngân đạt 38,4%), Lâm Đồng (giao 7,24 nghìn tỷ đồng, giải ngân đạt 30,1%), Bà Rịa-Vũng Tàu (giao 13,8 nghìn tỷ đồng, lệ giải ngân đạt 26,6%).

Việc giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia đạt 21,4% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (19,5%).

Nhiều dự án, nhất là dự án quan trọng quốc gia trên toàn quốc được triển khai khẩn trương với khí thế thi công "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "thi công 3 ca 4 kíp", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", "chỉ bàn làm, không bàn lùi"... Trong đó, các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội… được ưu tiên bố trí vốn và tập trung triển khai.

Đặc biệt, cả nước đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và thông xe tuyến chính 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam...

Nhiều nhà thầu, cơ quan quản lý đã ứng dụng mạnh mẽ và làm chủ các công nghệ hiện đại, đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng công trình như Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bến cảng 3, 4, 5, 6 khu bến Lạch Huyện, các hầm lớn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam...

Thủ tướng đúc rút một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đúc rút một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến phát biểu nêu được những kết quả nổi bật, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, khả thi nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kết luận bảo đảm "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền", làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc.

Khái quát một số kết quả nổi bật, Thủ tướng thay mặt Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, nhất là 10 bộ, cơ quan và 36 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước.

Thủ tướng đặc biệt biểu dương cán bộ, công nhân, người lao động trên các công trường; đồng thời cảm ơn nhân dân đã nhường mặt bằng, nơi ăn chốn ở, nơi sinh kế, thờ tự… cho các dự án, thể hiện lòng tin với Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển hạ tầng chiến lược, xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, việc giải ngân đầu tư công vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc khắc phục.

Đến nay, vẫn còn 17 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 8 nghìn tỷ đồng, phải phân bổ hết trong tháng 5. Có 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, trong đó một số đơn vị được giao số vốn lớn nhưng tỉ lệ giải ngân thấp.

Tiến độ giải ngân của một số dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành GTVT, dự án giao thông liên vùng do địa phương làm chủ quản còn thấp như dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La; Gia Nghĩa - Chơn Thành; vành đai 4 TP HCM; Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương…

Theo Thủ tướng, giải ngân vốn đầu tư công còn một số khó khăn như giải phóng mặt bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn cung nguyên vật liệu, giải ngân vốn ODA. Công tác kiểm tra, đôn đốc có lúc còn lỏng lẻo; một số bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động, quyết liệt, thậm chí có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chờ đợi chỉ đạo. Việc triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có lúc, có nơi còn chậm. Năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại một số nơi còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi chính sách ở cơ sở.

Phân tích nguyên nhân tồn tại, hạn chế, Thủ tướng cho rằng kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm; công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án còn sơ sài; những nơi nào mà Bí thư cấp ủy chưa sâu sát, cả hệ thống chính trị chưa vào cuộc thì giải phóng mặt bằng chậm; năng lực của một số ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, đơn vị tư vấn, nhà thầu còn yếu; tồn tại tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao; sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương còn thiếu chặt chẽ.

Đúc rút một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, Thủ tướng chỉ rõ, cần quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò người đứng đầu phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, các địa phương cần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiểm tra, đôn đốc và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn theo nguyên tắc: "lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên" và theo tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".

Thủ tướng chỉ đạo huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giải phóng mặt bằng phải nhanh chóng, dứt điểm và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, chăm lo tốt đời sống người dân; phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, phát huy trách nhiệm, lựa chọn đúng nhà thầu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, xử lý, kỷ luật kịp thời, công khai, minh bạch.

Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Rà soát, xử lý các cơ quan không hoàn thành nhiệm vụ

Về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch giao để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là tại những vùng khó khăn; tạo không gian phát triển, động lực phát triển mới; giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; góp phần khơi thông các nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong phát triển.

Chỉ rõ 6 nhiệm vụ tổng quát, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, chủ động, tích cực tổ chức thực hiện, thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc tại đơn vị mình, tại công trường kịp thời, hiệu quả; triển khai, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, đánh giá đầu tư công, nhất là dữ liệu về đất đai, môi trường và dữ liệu đánh giá các nhà thầu; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải phóng mặt bằng; những dự án khó, phức tạp thì Bí thư cấp uỷ phải trực tiếp chỉ đạo; vận dụng sáng tạo các quy định, trong đó lưu ý quan tâm những người dân khó khăn về chỗ ở, đất ở.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn, UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường. Các bộ có liên quan khẩn trương hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đơn giá, hoàn thành trước 15/6.

Thủ tướng chỉ đạo tổ chức cuộc họp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan quy hoạch, các bộ ngành chủ động xử lý các vấn đề theo thẩm quyền.

Các bộ, cơ quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật, hướng dẫn về phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công tại địa phương khi thay đổi địa giới hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, không để gián đoạn công việc.

Thủ tướng lưu ý công tác chuẩn bị đầu tư phải làm tốt hơn, đặc biệt là chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn trong nhiệm kỳ sắp tới, tinh thần là dưới 3.000 dự án, bảo đảm không dàn trải.

Thủ tướng lưu ý, phải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng lưu ý, phải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về vốn ODA, Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất sửa đổi các nghị định, luật liên quan, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ giải quyết, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Về công tác đấu thầu, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu để trình Quốc hội, đồng thời các cơ quan, địa phương phải tăng cường trách nhiệm để lựa chọn các nhà thầu có uy tín, năng lực, các Phó Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong việc này.

Về chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nội vụ tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nếu vướng mắc thì đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết để xử lý.

Cùng với đó, các cơ quan đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương triển khai các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn, thực hiên nghiêm các chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, nếu cần gì, vướng gì thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác công tư trong triển khai các dự án; riêng với các dự án mở rộng các tuyến cao tốc đã vận hành, mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp có đủ uy tín, năng lực, đã và đang làm tốt.

Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các dự án cao tốc bảo đảm thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị kỹ lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trên cả nước chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Các cơ quan chuẩn bị khen thưởng với những đơn vị, cơ quan, tập thể, cá nhân làm tốt trong dịp này.

Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025, có 3.000 km đường bộ cao tốc, 1.000 km đường ven biển, khánh thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, khởi công tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng…

Thủ tướng lưu ý, phải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính rà soát lại các bộ ngành, cơ quan, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, trước mắt là nhiệm vụ giải ngân năm 2024 và các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng đã giao, nếu chưa hoàn thành phải xử lý, coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá cán bộ.

Đọc thêm

Bứt phá toàn diện, PVCFC giữ thế chủ lực trong mùa vụ Hè Thu Nhịp sống phương Nam

Bứt phá toàn diện, PVCFC giữ thế chủ lực trong mùa vụ Hè Thu

TTTĐ - Để chuẩn bị và đảm bảo nguồn cung cho vụ mùa Hè Thu, ngay từ đầu năm 2025 Công ty Cổ Phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã tăng tốc sản xuất, dồn lực kinh doanh, phân phối, chủ động nguồn hàng kịp thời cho thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm. Việc này sẽ góp phần giảm đáng kể áp lực cho bà con, hạn chế tình trạng khan hàng cục bộ và tạo điều kiện để nông dân chủ động sản xuất, nâng cao năng suất mùa vụ.
VinVentures đồng hành cùng NIC tổ chức diễn đàn “Venture Forum 2025” Doanh nghiệp

VinVentures đồng hành cùng NIC tổ chức diễn đàn “Venture Forum 2025”

TTTĐ - VinVentures, Quỹ đầu tư công nghệ thuộc Tập đoàn Vingroup sẽ phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức Diễn đàn đầu tư công nghệ cấp cao Venture Forum 2025 với chủ đề “Tái định nghĩa nguồn vốn” (Rethinking Capital).
Ngân hàng Nhà nước được quyết cho vay đặc biệt, không tài sản đảm bảo Thị trường - Tài chính

Ngân hàng Nhà nước được quyết cho vay đặc biệt, không tài sản đảm bảo

TTTĐ - Chính phủ đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định cho vay không tài sản đảm bảo, lãi suất đặc biệt 0%/năm từ Thủ tướng sang Ngân hàng Nhà nước.
Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội Xã hội

Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội

Sáng 20/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
“Bắt đúng mạch, đúng bệnh” để có giải pháp phù hợp Kinh tế

“Bắt đúng mạch, đúng bệnh” để có giải pháp phù hợp

TTTĐ - Sáng 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025; với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025 (mục tiêu trước đây là 95%).
EVNNPC cảnh báo khẩn trang web giả mạo lừa đảo khách hàng Doanh nghiệp

EVNNPC cảnh báo khẩn trang web giả mạo lừa đảo khách hàng

Ngày 20/5, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) phát đi cảnh báo khẩn trang web giả mạo EVNNPC để lừa đảo khách hàng.
Khơi dậy khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới để phát triển kinh tế tư nhân Doanh nghiệp

Khơi dậy khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới để phát triển kinh tế tư nhân

TTTĐ - Chính phủ vừa có Nghị quyết số 138/NQ-CP ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Đề nghị lập tòa án chuyên biệt tại trung tâm tài chính quốc tế Thị trường - Tài chính

Đề nghị lập tòa án chuyên biệt tại trung tâm tài chính quốc tế

TTTĐ - Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc lập tòa án chuyên biệt giúp nhà đầu tư tin tưởng vào hệ thống pháp luật linh hoạt, minh bạch của Trung tâm tài chính quốc tế.
Thúc đẩy hành động hướng tới tăng trưởng bền vững và mục tiêu Net-Zero Thị trường - Tài chính

Thúc đẩy hành động hướng tới tăng trưởng bền vững và mục tiêu Net-Zero

TTTĐ - Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2025 do Raise Partners và Vietnam Innovators Digest đồng tổ chức đã quy tụ hơn 500 đại biểu là nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia, đại diện Chính phủ và start-up cùng thảo luận chiến lược tăng trưởng bền vững trong bối cảnh biến động toàn cầu.
Hòa Phát đầu tư sản xuất ván sàn cao cấp, mở rộng dải sản phẩm Doanh nghiệp

Hòa Phát đầu tư sản xuất ván sàn cao cấp, mở rộng dải sản phẩm

TTTĐ - Ván sàn sẽ là sản phẩm mới trong hệ sinh thái sản phẩm của Tập đoàn Hòa Phát. Trong chiến lược dài hạn, Hòa Phát dự kiến dành 20% công suất ván sàn phục vụ mảng container, 80% hướng tới các sản phẩm ván chịu lực cao cấp phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Xem thêm