Doanh nghiệp Việt làm sao tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu?
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga |
Tăng trưởng xen lẫn rủi ro
Tại Diễn đàn CEO với chủ đề “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp”, tổ chức ngày 21/5, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp cùng thống nhất cao quan điểm: Dù xuất khẩu Việt Nam đang phục hồi tích cực, doanh nghiệp vẫn phải nâng cao sức chống chịu cả trên thị trường quốc tế lẫn nội địa.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) dẫn số liệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 102 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ông cảnh báo sự phân mảnh trong đơn hàng và xu hướng sụt giảm từ tháng 7.
"Đơn hàng mỏng, thị trường bị siết lại khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang cạn kiệt dòng tiền", ông Hòa nói.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã gần bằng một nửa của cả năm 2024 - cho thấy áp lực chưa có dấu hiệu giảm.
Đồng quan điểm, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025, song xuất khẩu lại tiềm ẩn rủi ro. Việt Nam xuất siêu vào Mỹ nhưng nhập siêu từ Trung Quốc, phản ánh sự thiếu cân đối và phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). “DN nội địa cần được tăng nội lực để chống chọi với các rủi ro như thuế đối ứng, hàng rào kỹ thuật, và cạnh tranh từ các nước đang nổi”, ông An nói.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam phải sẵn sàng cho các kịch bản từ chiến tranh thương mại. “Kịch bản cơ sở có thể là mức thuế 20 - 25% cho hàng hóa vào thị trường Mỹ, điều này sẽ tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh. Doanh nghiệp phải chủ động tìm giải pháp, chứ không thể trông chờ chính sách hỗ trợ đơn thuần”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.
![]() |
Các chuyên gia, doanh nghiệp nêu nhiều quan điểm giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp |
Cơ hội từ thị trường nội địa
Trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường lớn gặp rào cản, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng việc tái cơ cấu thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước là xu hướng bắt buộc.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh gợi ý doanh nghiệp cần phân nhóm thị trường để chọn chiến lược phù hợp: Nhóm thị trường bảo hộ cao như Mỹ và EU yêu cầu cao về minh bạch, môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật; nhóm thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi có thể phù hợp với năng lực sản xuất hiện tại của doanh nghiệp Việt; và nhóm thị trường ngách tuy nhỏ nhưng có giá trị gia tăng cao.
Đại diện Công ty TNHH May thêu Minh Long chia sẻ: “Chúng tôi từng phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường châu Âu nhưng từ năm ngoái đã mở thêm kênh phân phối sang UAE và Saudi Arabia. Đơn hàng không nhiều nhưng lợi nhuận tốt, giúp chúng tôi duy trì sản xuất trong lúc thị trường truyền thống chững lại”.
Ở góc độ chính quyền, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp chưa tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). “Chúng ta có quá nhiều FTA nhưng DN chưa đủ năng lực để khai thác. Phải thay đổi, nếu không sẽ bị đào thải ngay cả trên sân nhà”, ông nói.
Ngoài ra, ông Vũ đánh giá thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân là lợi thế lớn cần khai thác tốt hơn. “TP Hồ Chí Minh đang mở rộng không gian phát triển khi sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng hệ sinh thái sản xuất, logistics và tiêu thụ sản phẩm”, ông nói thêm.
![]() |
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh phát biểu |
Ông Nguyễn Quốc Huy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sạch Việt Nam cho rằng: “Cứ lo xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa là sai lầm. Người tiêu dùng trong nước đang ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng và an toàn, chính là cơ hội để doanh nghiệp nội phát triển bền vững”.
Theo báo cáo từ Cục Thống kê và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, chỉ 37,4% doanh nghiệp đã thực sự bắt tay vào chuyển đổi số và đổi mới mô hình sản xuất. Còn lại phần lớn không quan tâm, không muốn hoặc không biết phải làm gì.
“Thị trường đang thay đổi nhanh, nếu doanh nghiệp không cải thiện năng lực cạnh tranh, sẽ khó đứng vững ngay cả trong nước, chưa nói tới xuất khẩu”, TS. Cấn Văn Lực cảnh báo.
Các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, cần một hệ sinh thái chính sách linh hoạt, từ tín dụng - lãi suất, cải cách thủ tục hành chính đến hạ tầng logistics và xúc tiến thương mại. Ông Hòa đề xuất: “Chính sách cần hướng đến duy trì sản xuất, hỗ trợ dòng tiền, tạo ra đơn hàng chứ không chỉ là ưu đãi thuế”.
Ông Nguyễn Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty Gỗ xuất khẩu An Hưng kiến nghị: “Chúng tôi đang vướng nhiều rào cản khi xuất khẩu sang Mỹ vì bị áp thuế phòng vệ. Nếu được hỗ trợ về thông tin thị trường, đào tạo nhân lực và tiếp cận tín dụng ưu đãi thì doanh nghiệp mới đủ sức xoay xở. Việc tăng sức cạnh tranh không chỉ đến từ nội lực doanh nghiệp mà còn là sự cộng hưởng từ chính sách và sự đồng hành của cơ quan chức năng. Trong bối cảnh đầy biến động, chỉ những doanh nghiệp chủ động, biết tận dụng cơ hội từ FTA và thị trường nội địa mới có thể đứng vững và bứt phá.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng tín dụng bất động sản

Phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân của MTTQ Việt Nam

TP Hồ Chí Minh hợp tác Hàn Quốc về định hướng phát triển metro

Dạy nghề, chọn nghề phải đổi mới nhanh, đáp ứng nhu cầu thời đại

Khơi thông điểm nghẽn các dự án trọng điểm để kịp giải ngân

TP Hồ Chí Minh thăng hạng trên bảng xếp hạng khởi nghiệp toàn cầu

Thanh niên Bình Dương "phổ cập kỹ năng số" cho cộng đồng

Bà Rịa - Vũng Tàu không còn hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh

Bệnh viện đa khoa Gia Định bị yêu cầu tạm ngưng phẫu thuật hút mỡ bụng
