Tag

Gặp chiến sĩ liên lạc của Chính ủy Bùi Tùng

Phóng sự 30/04/2022 10:00
aa
TTTĐ - Cựu chiến binh Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1953, nhập ngũ tháng 12/1971 khi vừa tròn 18 tuổi. Năm nay, tính theo tuổi mụ thì ông đã vào tuổi 70 nhưng vẫn rất khỏe mạnh, mặc dù mái tóc đã bạc trắng. Trong cuộc gặp mới đây, bằng giọng nói sôi nổi, bộc trực của người lính, lời kể của ông với cương vị là chiến sĩ liên lạc của Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Tùng năm xưa như cho chúng tôi được xem lại những thước phim tài liệu cận cảnh về cuộc chiến đấu của đơn vị ông trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh năm 1975.
"Bình minh đỏ" - bộ phim xúc động về những nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn

Đường đến Dinh Độc Lập

Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 tổ chức một lực lượng thọc sâu gồm: Lữ đoàn Xe tăng 203, Trung đoàn Bộ binh 66 được tăng cường một số đơn vị binh chủng sau khi đánh chiếm vòng ngoài, sẵn sàng cơ động thọc sâu vào nội đô Sài Gòn và trong trường hợp nếu đơn vị bạn phát triển tiến công vào chậm thì chủ động đánh chiếm các quận 1, 3 và Dinh Độc Lập.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Phúc
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Phúc

Khoảng 5 giờ chiều ngày 29/4/1975, một cán bộ của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đến gặp và trao cho Ban chỉ huy Lữ đoàn một bọc nhỏ, nói là cờ Quyết thắng, rồi truyền đạt mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân đoàn yêu cầu 5 giờ sáng mai, Lữ đoàn 203 phải vượt được cầu Xa lộ tiến công vào trung tâm Sài Gòn, mục tiêu là Dinh Độc Lập!

Sáng 30/4/1975, vượt qua rất nhiều sự kháng cự quyết liệt của địch trên cầu Xa lộ, Thủ Đức, cầu Sài Gòn, mũi thọc sâu gồm một số xe tăng của Lữ đoàn 203 và xe bọc thép K63 của Chính ủy Bùi Tùng tiến vào nội đô.

Khoảng nửa buổi, xe của Chính ủy Bùi Tùng đến trước cổng Dinh Độc Lập, trong sân dinh lúc ấy đã có mấy chiếc xe tăng của Lữ đoàn, một vài chiến sĩ đang phất cờ trên tầng 2. Chiếc K63 chạy vào trong sân dinh và dừng lại, ông Phúc, ông Quý mang theo súng AK cùng Chính ủy Tùng nhảy xuống xe. Ông Phúc và Chính ủy Bùi Tùng chạy vào dinh, còn ông Quý chạy vòng ra phía sau dinh…

Tác giả (bên trái) và cựu chiến binh Nguyễn Văn Phúc
Tác giả (bên trái) và cựu chiến binh Nguyễn Văn Phúc

Lên tới tầng 2, theo hành lang bên trái, đến một căn phòng rộng, sàn trải thảm màu xanh lá mạ. Trong phòng là hai dãy ghế. Một số người mặc dân sự ngồi một bên, phía đối diện vẫn để trống. Trong phòng lúc đó có vài chiến sĩ ta. Phía ngoài hành lang, bộ đội ta lên mỗi lúc một đông. Chính ủy Bùi Tùng cao hơn mọi người, rẽ đám đông vào phòng. Đến trước dãy ghế có những người đang ngồi, ông hỏi: “Ai là Dương Văn Minh?”. Ông Minh dứng dậy. Chính ủy Bùi Tùng dõng dạc nói: “Ông Minh! Các ông đã bị bắt. Các ông phải đầu hàng vô điều kiện!”.

Nghe vậy, ông Minh nói: “Thưa quý thượng cấp, chúng tôi đã ngồi ở đây từ sáng để chờ quý thượng cấp đến để chúng tôi bàn giao chính quyền”. Chính ủy Bùi Tùng nói to: “Các ông chả còn gì để bàn giao cả. Giờ phút này toàn bộ thành phố Sài Gòn - Gia Định đã nằm dưới sự kiểm soát của Quân giải phóng. Các ông phải đầu hàng!”. Chính câu nói to dõng dạc này của Chính ủy Bùi Tùng lúc ấy, sau này có người đã nhận là câu nói của họ! Sau khi nghe Chính ủy Bùi Tùng nói thế, ông Minh lại nói: “Xin thưa, sáng nay tôi đã ra lệnh cho binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đơn phương ngừng nổ súng để chúng tôi được thương thảo với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và bàn giao chính quyền”.

Chính ủy Bùi Tùng nổi nóng: “Thật lạ kỳ! Các ông định bàn giao mà không có gì trong tay thì bàn giao cái gì? Bây giờ ông phải ra Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng!”. Lời qua tiếng lại, cuối cùng ông Minh phải chấp nhận ra Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Lúc đó, ông Phúc mới sực nhớ lời dặn của Lữ trưởng Nguyễn Tất Tài khi ở Thủ Đức là khi nào bắt được Dương Văn Minh thì báo ngay cho ông biết nên ông Phúc vội chạy ra ngoài tìm Lữ trưởng để báo cáo.

Nghe ông Phúc kể, tôi mới giải tỏa được thắc mắc của mình và chắc cũng của không ít người bao lâu nay là vì sao Chính ủy Bùi Tùng lại có vẻ “đơn thương độc mã” trong buổi trưa ngày 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập? Đó là vì tính chất đặc thù trong chiến đấu của bộ đội Tăng - Thiết giáp chứ không phải như bộ binh. Trên xe của Chính ủy Bùi Tùng đến Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 thì lái xe Khang trong mọi tình huống không được rời xe. Vậy là chỉ còn Chính ủy Bùi Tùng, trợ lý Tham mưu Trịnh Xuân Quý và chiến sĩ liên lạc Nguyễn Văn Phúc lên dinh. Rồi đến khi diễn ra các sự kiện ở trong dinh thì chỉ còn có chiến sĩ liên lạc Nguyễn Văn Phúc bên cạnh Chính ủy Bùi Tùng.

Ở Đài Phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975

Ông Nguyễn Văn Phúc kể tiếp: “Tôi ra khỏi phòng chạy xuống sân dinh. Lúc này trong sân Dinh Độc Lập đã có khá nhiều xe tăng, xe thiết giáp, xe chở bộ binh của ta. Biết tìm Lữ trưởng ở đâu bây giờ? Các anh biết đấy, lính tăng mà ra khỏi xe thì chẳng còn liên lạc được gì cả. Lúc ấy thông tin liên lạc với nhau chỉ bằng truyền miệng chứ không có điện thoại di động để gọi nhau như bây giờ. Vì vậy tôi phải mất đến mấy phút mới tìm được Lữ trưởng Nguyễn Tất Tài đang đứng ở giữa sân dinh. Tôi chạy lại báo cáo: “Báo cáo Lữ trưởng! Đã bắt được Dương Văn Minh rồi!”.

Lữ trưởng hỏi lại: “Bây giờ ở đâu?”. Lúc ấy tôi ngoái cổ nhìn về phía dinh thì thấy một số người đã đưa Dương Văn Minh ra và lên một chiếc xe Jeep. Chính ủy Tùng cũng lên một chiếc xe phía sau và hai xe cùng chạy ra khỏi dinh. Tôi vội chỉ tay và nói với Lữ trưởng Tài: “Quân ta đưa ông Minh ra Đài Phát thanh và Chính ủy Tùng cũng đi theo rồi kia ạ”. Lập tức Lữ trưởng Tài dậm chân xuống đất nổi nóng quát: “Ai bảo làm việc ấy? Nếu họ giả danh Quân Giải phóng giúp Dương Văn Minh tẩu thoát thì bố Tùng nhà cậu chết!”. Nhìn quanh một vòng, Lữ trưởng Tài bảo: “Cậu đi tìm cho tôi mấy trợ lý lại đây!”.

Tôi chạy tìm xung quanh thì may sao gặp được anh Quý, trợ lý Tham mưu nên gọi anh cùng đến gặp Lữ trưởng Tài. Lữ trưởng nói: “Bây giờ hai cậu bằng mọi cách tìm xem Đài Phát thanh ở đâu, đến đó xem Dương Văn Minh và ông Tùng có ở đấy không? Nếu gặp ông Tùng thì nhắc ông ấy phải kiểm tra mật danh xem nhóm người dẫn Dương Văn Minh đi là đơn vị nào? Xong về báo cáo tôi!”.

Hai chúng tôi vội chạy bộ ra cổng dinh. Lúc đó, dân Sài Gòn đã đổ về đây rất đông. Chúng tôi nhờ một thanh niên đi xe máy đưa đến đài phát thanh nhưng hóa ra lại đến Trung tâm Vô tuyến truyền hình. Tôi lại nhờ người đưa đến Đài phát thanh. Đến Đài phát thanh, tôi thấy có 2 chiếc xe Jeep đỗ ở phía trái sân. Tôi ôm súng đi lên. Qua tầng 1 thấy có một nhóm bộ đội ta đang túm tụm làm việc gì đó nhưng không thấy Chính ủy Tùng. Tôi đi thẳng lên tầng 2, thấy phòng tiếp khách mở cửa, tôi đi vào. Mừng quá! Chính ủy Tùng đây rồi!

Chính ủy Bùi Tùng vinh dự được thay mặt Quân đội nhận cái hôn khen ngợi của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng
Chính ủy Bùi Tùng vinh dự được thay mặt Quân đội nhận cái hôn khen ngợi của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng

Trên một dãy ghế trong phòng có mấy người ngồi, trước mặt là một cái bàn thấp. Chính ủy Bùi Văn Tùng ngồi cách ông Dương Văn Minh hai người. Khộng khí trong phòng có vẻ trầm lặng. Tôi tiến lại đứng cạnh Thủ trưởng của mình và đưa cho ông tờ giấy tôi ghi lời dặn của Lữ trưởng là Chính ủy phải kiểm tra mật danh của nhóm người dẫn giải Dương Văn Minh. Tờ giấy ấy và cả chiếc bút bi là tôi vừa lấy ở Trung tâm Vô tuyến truyền hình để ghi lời dặn của Lữ trưởng chứ lính chiến lúc ấy lấy đâu ra giấy bút!

Một lát sau, tôi thấy một người đeo xà cột chéo trước ngực tiến tới trước mặt Dương Văn Minh và đưa cho ông ta một tờ giấy. Ông Minh xem lướt qua và nói với người đó: “Chữ thượng cấp viết thế này, tôi không đọc được”. Nghe ông Minh nói vậy, Chính ủy Tùng vội với tay lấy tờ giấy từ tay ông Minh, đọc lướt qua rồi nói dằn giọng: “Tại sao lại viết là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa? Nếu viết như vậy hóa ra công nhận Việt Nam cộng hòa là một quốc gia có chủ quyền và thế là mình đi xâm lược à?”.

Thấy vậy, ông Minh ngơ ngác có vẻ không hiểu chuyện gì. Người đeo xà cột lấy lại tờ giấy từ tay Chính ủy Tùng rồi nói: “Thôi, ta không làm được thì để gọi cán bộ tuyên huấn lên họ làm”. Chính ủy Tùng hỏi: “Cán bộ tuyên huấn nào?”. Người đeo xà cột đáp: “Cán bộ tuyên huấn trung đoàn”. Hình như lúc đó Chính ủy Tùng nhớ đến lời dặn của Lữ trưởng do tôi vừa truyền đạt, ông hỏi ngay: “Vậy anh là ai?”.

Người ấy đáp: “Tôi là Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66, đoàn Đông Sơn, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Còn anh là ai?”. Chính ủy Tùng trả lời: “Tôi là Bùi Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2”. Rồi Chính ủy Tùng quay sang Dương Văn Minh bảo: “Bây giờ ông Minh sẽ nói theo ý tôi”. Ông Minh nói: “Thượng cấp muốn tôi nói thế nào thì xin viết ra giấy”.

Chính ủy Tùng lấy một tờ giấy pơ luya màu xanh trong tập giấy có sẵn trên bàn và bắt đầu viết. Ông vừa viết vừa suy nghĩ có vẻ rất thận trọng nên rất lâu, phải đến khoảng 10 phút mới xong. Ông đưa tờ giấy cho Dương Văn Minh và nói: “Ông xem đi. Có vấn đề gì cần đề nghị thì nói”. Ông Minh đọc xong, thò tay vào túi áo dưới của mình lấy bút ra viết thêm hai chữ “Đại tướng” vào sau chữ “Tôi” và gạch hai chữ “Tổng thống” trong văn bản đi rồi vừa trả lại cho Chính ủy Tùng, vừa nói: “Xin thượng cấp cho bỏ hai chữ Tổng thống và xin chỉ đọc là Đại tướng Dương Văn Minh thôi”.

Chính ủy Tùng nói ngay bằng giọng cương quyết: “Tôi biết ông mới chỉ làm Tổng thống được có 3 ngày nhưng vẫn là Tổng thống. Nếu ông không xưng danh là Tổng thống thì làm sao có thể lệnh giải tán được chính quyền?”. Thêm vài câu trao đổi nữa, Chính ủy Tùng đồng ý để ông Minh xưng danh là: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”. Như vậy, văn bản này ngoài chữ viết của Chính ủy Bùi Tùng còn có hai chữ “Đại tướng” do ông Dương Văn Minh viết thêm vào. Tiếp đó Chính ủy Tùng yêu cầu ông Minh không đọc trực tiếp mà phải đọc vào máy ghi âm để dùng băng ghi âm phát lên đài.

Khi nhân viên đài phát thanh đem máy ghi âm của đài ra thì không thể thu được vì cứ bật ghi là băng bị rối. Sau phải nhờ thu bằng máy ghi âm của nhà báo Tây Đức có mặt ở Đài phát thanh lúc đó. Cũng phải ghi đến lần thứ ba mới đạt yêu cầu. Sau khi đọc xong bản tuyên bố đầu hàng, ông Minh trao trả cho Chính ủy Tùng tờ giấy. Chính ủy Tùng đút vào túi quần. Tiếp đó, Chính ủy Bùi Tùng thay mặt Quân giải phóng đọc lời tiếp nhận sự đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh…”.

Nghe ông Phúc kể đến đây, tôi ngắt lời ông:

- Sao có người nói rằng lúc ấy Chính ủy Tùng vo tờ giấy mà Dương Văn Minh vừa đọc xong ném vào góc phòng, có người cúi nhặt thì Chính ủy Tùng đòi lại và xé vụn ra?

- Họ nhầm đấy! Đó là tờ giấy màu trắng của tôi ghi lời dặn của Lữ trưởng đưa cho Chính ủy là phải kiểm tra mật danh của nhóm người dẫn giải Dương Văn Minh. Khi xong việc thì cụ ấy vò bỏ đi. Còn tờ giấy viết bản tuyên bố đầu hàng cho ông Minh là giấy màu xanh, ít hôm sau Chính ủy Tùng giao nộp lại cho cán bộ Cục Chính trị Quân đoàn 2. Nghe nói tờ giấy đó hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quân đoàn 2.

- À… ra thế!

Ông Phúc kể tiếp:

- Khi các nhân viên của đài làm công tác chuẩn bị phát sóng xong thì ông Minh, nhà báo Tây Đức đem theo máy ghi âm vào phòng phát thanh. Nhóm cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 66 cùng theo vào nhưng Chính ủy Tùng và tôi không vào phòng đó mà chỉ ở bên ngoài nhìn vào.

- Có phải vì thế mà trong bức ảnh chụp ông Dương Văn Minh và nhà báo Tây Đức ngồi trước bàn có chiếc máy ghi âm trong phòng phát thanh chuẩn bị phát sóng, xung quanh có Phạm Xuân Thệ và một số anh em Trung đoàn 66 nhưng không có Chính ủy Bùi Tùng?

- Đúng thế! - ông Phúc khẳng định - theo tôi, có lẽ lúc đó Chính ủy Tùng chỉ nghĩ rằng mình vừa làm xong một nhiệm vụ chưa hề bao giờ nghĩ tới và đang lo không biết mình làm như vậy là đúng hay sai? Sau khi xong việc, nhóm đồng chí Phạm Xuân Thệ tiếp tục đưa Dương Văn Minh về Dinh Độc Lập. Tôi và Chính ủy Tùng cũng về dinh. Ngay tối hôm đó, đơn vị chúng tôi bàn giao Dinh Độc Lập cho đơn vị khác để cơ động về đóng quân Tổng kho Long Bình.

Mấy ngày đầu về Long Bình, tôi vẫn ở bên Chính ủy Tùng và thấy ông vẫn chưa hết lo vì không biết việc mình xử lý ở Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975 có đúng không và cấp trên kết luận thế nào? Mãi đến ngày 16/5/1975, trong cuộc gặp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với đại diện 5 cánh quân tham gia đánh chiếm Sài Gòn tổ chức tại Phòng Khánh tiết ở Dinh Độc Lập, Chính ủy Bùi Tùng đã vinh dự được thay mặt Quân đội nhận cái hôn khen ngợi của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng thì ông mới hoàn toàn yên tâm.

Thế đấy, qua cuộc gặp gỡ và nói chuyện với ông Nguyễn Văn Phúc - chiến sỹ liên lạc của Chính ủy Bùi Tùng năm xưa, tôi mới biết thêm về những góc khuất của sự kiện ngày 30/4/1975 mà lâu nay ít người được biết.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận hiện vật các nữ quân nhân Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận hiện vật các nữ quân nhân "mũ nồi xanh" trao tặng
Hải Phòng: 50 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy tại Công ty TNHH đồ chơi Lucky Việt Nam Hải Phòng: 50 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy tại Công ty TNHH đồ chơi Lucky Việt Nam
Hơn 200 chiến sĩ công an diễn tập kỹ năng cứu nạn, cứu hộ trên sông Hơn 200 chiến sĩ công an diễn tập kỹ năng cứu nạn, cứu hộ trên sông

Đọc thêm

Bài 2: Lớp học đặc biệt giữa trùng khơi sóng gió Phóng sự

Bài 2: Lớp học đặc biệt giữa trùng khơi sóng gió

TTTĐ - Đặt chân lên xã Song Tử Tây, Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những điều đặc biệt nơi đây. Giữa biển khơi mênh mông là quần đảo có những lớp học và người thầy đang ngày đêm ươm mầm xanh tương lai cho đất nước.
Những “cột mốc sống” ở Trường Sa Phóng sự

Những “cột mốc sống” ở Trường Sa

TTTĐ - Đến với huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, chúng tôi cảm nhận thấy không chỉ có con người ở đây mà mỗi tấc đất, sải biển, công trình trên đảo cũng chính là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền của Tổ quốc nơi tiền tiêu. Tất cả sự hiện diện nơi đầu sóng ngọn gió này đều giữ trọng trách lớn lao, giữ cho đảo vững, bờ yên.
Những người lính quân hàm xanh vững vàng nơi biên cương Phóng sự

Những người lính quân hàm xanh vững vàng nơi biên cương

TTTĐ - Nơi “cổng trời” biên giới, tiếng chim kêu ríu rít, những chồi non bắt đầu nảy lộc, báo hiệu một mùa Xuân nữa lại về, nhưng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô, xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đây là thời điểm phải căng mình, vững vàng tay súng để bảo vệ từng tấc đất biên cương.
Hương Tết "làng" chổi đót Phóng sự

Hương Tết "làng" chổi đót

TTTĐ - Nằm sâu trong con hẻm nhỏ quanh chợ Bình Tiên (Quận 6, TP Hồ Chí Minh), có những người dù đã vào độ tuổi xế chiều nhưng vẫn luôn miệt mài dệt lên từng bó chổi, mặc cho bụi bặm và sự mai một của thời gian. Mỗi dịp Tết đến, "làng" chổi đót nơi đây ngoài sự tất bật để kịp những đơn hàng, công việc này còn là cả những ký ức, nó mang theo giá trị truyền thống vượt thời gian.
Bài 4: Gửi niềm tin, yêu thương ở lại Phóng sự

Bài 4: Gửi niềm tin, yêu thương ở lại

TTTĐ - Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã không ngừng quan tâm, hỗ trợ, dành trọn niềm tin, tình yêu đối với Trường Sa. Một trong các hoạt động ý nghĩa đó là việc xây dựng và trao tặng các công trình nhà khách, nhà văn hóa, những món quà thiết thực, góp phần làm phong phú đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên các đảo.
Bài 3: Vững vàng cánh sóng Ra đa Phóng sự

Bài 3: Vững vàng cánh sóng Ra đa

TTTĐ - Nhiệm vụ “vạch nhiễu tìm thù” luôn gắn liền với thử thách, hiểm nguy, bởi yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao, trong khi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt thế nhưng những “mắt thần” ngày đêm vẫn tỏ, vươn xa cánh sóng, khép kín trường Ra đa bảo vệ vững chắc biển trời nơi tiền tiêu Trường Sa.
Tô thắm lý tưởng cao đẹp của người chiến sĩ Thủ đô Phóng sự

Tô thắm lý tưởng cao đẹp của người chiến sĩ Thủ đô

TTTĐ - Trò chuyện với anh Nghĩa, anh Vang - những người con của mảnh đất Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, tôi cảm nhận được lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc trong tâm hồn những người lính này. Từ Trường Sa, các anh nhắn nhủ tới mọi người rằng, tuổi trẻ hãy sẵn sàng nhận những nhiệm vụ gian nan, vất vả nhất. Đó là hành trang, giá trị giúp chúng ta trưởng thành hơn và vững vàng trong cuộc sống.
Hà Nội nghĩa tình ở Trường Sa Phóng sự

Hà Nội nghĩa tình ở Trường Sa

TTTĐ - Hà Nội và Trường Sa - hai địa danh tưởng chừng như cách xa nhau hàng ngàn cây số nhưng lại gắn kết bởi tình yêu, trách nhiệm thiêng liêng và trọn vẹn nghĩa tình. Ở Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) có rất nhiều người con của Hà Nội đang làm nhiệm vụ; cùng với đó là những công trình ý nghĩa, món quà thiết thực mà chính quyền, Nhân dân Thủ đô gửi tặng nơi này. Câu chuyện cảm động của những người Hà thành trên quần đảo là minh chứng cho một Hà Nội nghĩa tình đối với Trường Sa yêu thương. Họ đã và đang góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, xây dựng vùng biển đảo Việt Nam.
Tết sớm ở Trường Sa: Ấm áp tình quân dân giữa biển khơi Phóng sự

Tết sớm ở Trường Sa: Ấm áp tình quân dân giữa biển khơi

TTTĐ - Khi những chuyến tàu của Vùng 4 Hải quân chở các mặt hàng Tết cập bến, mùa xuân cũng như đến với quân và dân trên đảo Trường Sa. Giữa biển khơi nghìn trùng sóng vỗ, những chiến sĩ Trường Sa đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui vẻ, ấm áp tình đồng đội, tình quân dân.
Bài 4: Bến bờ và nỗi nhớ ở trong nhau... Xã hội

Bài 4: Bến bờ và nỗi nhớ ở trong nhau...

TTTĐ - Ở bến tàu nơi Trường Sa, tôi hỏi về cảm xúc gặp gỡ chuyến tàu vừa tới, nước mắt chị Trần Thị Châu Úc, người dân trên đảo Song Tử Tây lăn dài không ngớt. Đôi mắt đẫm lệ, chị nói: “Mỗi lần có chuyến tàu từ đất liền ra đảo, tôi mong ngóng và nước mắt cứ trào ra”.
Xem thêm