Đa dạng phương thức xét tuyển, thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn hơn
Năm 2021, thí sinh có 5 cách để dự tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội 40 thí sinh tranh tài vòng chung kết "Tìm kiếm Đại sứ nước năm 2020" |
Nhiều trường thi riêng
Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức thông tin về việc sẽ tổ chức lại kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào trong năm 2021. Trước đó, đơn vị này đã tổ chức thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào các năm 2015 và 2016.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác tuyển sinh đại học, sau đại học năm 2020 và phương thức tuyển sinh năm 2021 do đơn vị này tổ chức gần đây, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho học sinh trung học phổ thông. Đây là một kỳ thi đa mục tiêu, trong đó các cơ sở đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể sử dụng kết quả kỳ thi này như một phương thức để xét tuyển đại học”.
![]() |
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 |
Ông Sơn cũng yêu cầu các đơn vị đào tạo cần cân nhắc, xác định rõ tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển đại học đối với các thí sinh sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho hay sẽ tiếp tục tổ chức Kỳ thi đánh giá tư duy đã được trường này tổ chức từ mùa tuyển sinh năm 2020 và dành từ 30 đến 40% chỉ tiêu cho phương thức này.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, dựa trên kinh nghiệm của tổ chức thi năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ kiện toàn thêm phương thức tổ chức thi cho năm 2021.
Cụ thể, thí sinh sẽ làm bài thi tổ hợp trong 180 phút, gồm hai phần. Phần bắt buộc, gồm: Toán (trắc nghiệm, tự luận) và Đọc hiểu (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 120 phút. Phần tự chọn (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 60 phút.
Nội dung Bài thi đánh giá tư duy nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo.
Phần Toán sẽ bao gồm cả trắc nghiệm khách quan và tự luận. Phần Đọc hiểu có nội dung chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ sẽ đánh giá kỹ năng đọc và năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản.
Ở phía Nam, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như các năm trước đây. Đại học Quốc tế cho biết đang cân nhắc việc tổ chức thi riêng.
Tổ chức kỳ thi riêng cũng là chủ trương của Đại học Việt Đức. Trường dự kiến tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 5. Kỳ thi sẽ giữ ổn định và cách thức thi như các năm trước với bài thi hoàn toàn bằng tiếng Anh, tập trung đánh giá kỹ năng nhận biết, tư duy suy luận logic và xử lý vấn đề.
Thí sinh sẽ làm một bài thi cơ bản dưới dạng trắc nghiệm (110 phút), một bài thi chuyên ngành theo khối đăng ký (gồm khoa học kỹ thuật, toán, khoa học máy tính và khoa học tự nhiên hoặc kinh tế học trong thời gian từ 145 đến 150 phút) và bài kiểm tra tiếng Anh trên máy tính.
Đa dạng hình thức xét tuyển
Bên cạnh việc tự tổ chức kỳ thi riêng hoặc sử dụng kết quả kỳ thi riêng của trường khác để tuyển sinh, các trường đại học còn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác như dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, dựa trên điểm học bạ, các chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng…
Việc đa dạng được phương thức xét tuyển đã giúp các trường đảm bảo nguồn tuyển phong phú hơn đồng thời thí sinh cũng có nhiều cơ hội đỗ đại học hơn. Trong đó, phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ vai trò chủ đạo với phần lớn số chỉ tiêu xét tuyển.
Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố dự kiến phương thức tuyển sinh năm 2021 với tổng chỉ tiêu khoảng 7.000 sinh viên. Theo đó, thí sinh có 5 cách khác nhau để có thể dự tuyển vào đại học này với các hình thức xét tuyển tài năng, xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc tham gia kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức.
Trong đó, với phương thức xét tuyển tài năng, thí sinh có thể tham gia xét tuyển bằng ba cách khác nhau: xét tuyển dựa trên các giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế; xét tuyển dựa trên điểm học bạ (đạt từ 8 điểm trở lên) kết hợp với phỏng vấn tại trường.
Đại học Ngoại thương cũng sẽ dành 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức xét tuyển khác như xét tuyển thẳng, xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế..
Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ có bốn phương thức tuyển sinh: dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT (tối đa 50% chỉ tiêu), theo học bạ (tối đa 40% chỉ tiêu), theo điểm bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (tối đa 5% chỉ tiêu) và xét tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế theo quy định của Bộ GD&ĐT (5% chỉ tiêu).
Với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường cũng có thể tổ chức xét tuyển nhiều đợt. Ở phương thức này, đợt một là đợt xét tuyển chính, được thực hiện theo phần mềm tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Sau đợt một, các trường có thể xét tuyển các đợt bổ sung nếu vẫn còn thiếu chỉ tiêu.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, Luật Giáo dục Đại học đã quy định quyền tự chủ của các trường đại học, trong đó có tự chủ tuyển sinh.
Việc các trường tuyển sinh với nhiều phương thức khác nhau, nhiều đợt khác nhau vừa giúp trường đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn tuyển, vừa giúp thí sinh có nhiều cơ hội khác nhau để bước chân vào giảng đường đại học.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Cơ hội vàng cho giới trẻ trong kỷ nguyên số

Chọn ngành đúng thời, chọn nghề đúng hướng, chọn tương lai phù hợp

Để không lạc lối giữa ngã rẽ chọn nghề…

Mức lương hấp dẫn cho sinh viên theo học ngành Dược tại FPT Polytechnic

Chọn nghề đúng, tự tin lên “chuyến tàu số” - chuyến tàu của tương lai

Để không hối tiếc khi chọn sai ngành, nghề

Đã có hơn 785.000 thí sinh thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT

Một ngày trải nghiệm của trẻ mầm non ở làng gốm Bát Tràng

Đề xuất chi hơn 116 nghìn tỷ đồng phổ cập giáo dục mầm non
