Chuyện học hành
Thầy, trò và vòng xoáy quay cuồng về chuyện học hành |
- Các con lại bước vào năm học mới rồi. Số báo này chúng ta lại bàn về việc các em học văn nhé. Được biết ông đã là giám khảo của nhiều cuộc thi của thiếu nhi, đặc biệt Cuộc thi viết thư quốc tế UPU. Ông lại vừa chấm cuộc thi viết thư nói về Tình người trong con mắt trẻ thơ dành cho học sinh tiểu học. Điều gì khiến ông quan tâm và muốn dành thời gian cho cuộc thi này?
- Quả thật, tôi cũng đã nhiều lần tham gia Ban Giám khảo cuộc thi của các em học sinh, từ cuộc thi THẦN ĐỒNG ĐẤT VIỆT của Đài Truyền hình Kỹ thuật số, cuộc thi CUỐN SÁCH EM YÊU của báo Phụ nữ Thủ Đô, cho đến cuộc thi Ý TƯỞNG TRẺ THƠ do Công ty Honda Nhật Bản tổ chức, rồi cuộc thi của Bưu chính viễn thông Quốc tế UPU.
Cuộc thi rất nhỏ này tôi lại quan tâm nhất, quan tâm đặc biệt. Trước hết là sự tò mò. Có phải thật các em kém văn không? Có phải học sinh không còn yêu văn như nhiều người cảnh báo không? Nhiều bài văn của học sinh tiểu học khiến người đọc dở cười dở khóc trên các báo mạng quả thật đã làm không ít người quan tâm đến sự nghiệp Giáo dục cảm thấy lo lắng. Chả lẽ việc học hành đã xuống cấp đến như vậy sao? Và rồi đọc bài của các em, tôi thấy không phải như chúng ta làm tưởng. Đấy là điều mừng nhất.
![]() |
học sinh tham gia viết về "cuốn sách em yêu" |
- Là thành viên trong Hội đồng Ban giám khảo cuộc thi Tình người trong mắt trẻ thơ, ông đánh giá chung như thế nào về các tác phẩm gửi dự thị? Để chọn ra những bức thư xuất sắc nhất chú có phải đắn đo suy nhiều, hay gặp khó khăn ra sao khi chấm thi?
-Trước hết, phải nói rằng, Ban Tổ chức rất khéo chọn thể loại viết thư cho người mình yêu mến để cho các em học sinh tiểu học tham gia. Viết thư là một thể loại văn có trong chương trình tiểu học. Đề hoàn toàn mở, lại không khó làm. Em nào cũng có thể làm được bài. Nhưng viết hay không dễ. Điều làm tôi thú vị là các bài viết rất phong phú, đa dạng. Đúng là văn của các em, chứ không phải người lớn “gà”, hay uốn theo bài văn mẫu. Cũng không thấy dấu vết gợi ý của thầy, cô. Đọc thấy thú vị, sảng khoái của một người tham gia khám phá chứ không phải sự mệt mỏi của người làm công việc thẩm định.
Trong số tất cả các bài Ban Tổ chức chuyển cho, tôi đọc và không thấy bài nào yếu kém, ngô nghê. Nhiều bài viết rất thật và xúc động. Hầu như không có khoảng cách lớn giữa các bài được giải.
Chính vì thế, để phân định rất vất vả. Tôi rất cảm động khi đọc thư của một em học sinh gửi cho bà nội. Bà nuôi em. Hai bà cháu nương tựa nhau. Bố mẹ em đều đã mất vì tai nạn giao thông.
Thực ra, trong thâm tâm, tôi rất mong em dành được Giải Nhất, để bà có được 10 triệu đồng nuôi em ăn học. Nhưng bài của em lại mắc những lỗi rất đáng tiếc. Nhỏ thôi nhưng vẫn là lỗi. Vì thế, em chỉ được Giải Ba. Giải Ba của em, so với các bạn là công bằng. Tôi đã nhờ Ban Tổ chức chuyển đến em một triệu đồng là toàn bộ tiền thù lao chấm giải của tôi, để bà có thêm chút tiền mua sách vở cho cháu
- Ông đánh giá như thế nào về cuộc thi viết thư này? Cuộc thì có thực sự bổ ích hay không? Cuộc thi đã gợi mở, khơi dậy điều gì ở trẻ thơ, có tác dụng như thế nào trong việc giáo dục các em về tình thương yêu đối với những người thân thuộc. Theo ông, những cuộc thi cần làm gì để thu hút các bạn nhỏ hơn nữa?
- Cuộc thi rất bổ ích và lý thú. Tôi nghĩ, nếu có điều kiện, Ban Tổ chức nên in các tác phẩm được giải. Đây cũng là những bài văn hay, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo để học tốt môn văn.
Để thu hút sự chú ý của các em đến với các cuộc thi lần sau, Ban Tổ chức cũng cần quảng bá, hoặc bằng cách nào đó, thông báo cho các em biết để tham gia cuộc thi.
Đây không phải chỉ là một cách động viên các em yêu thích môn văn, mà quan trọng hơn, hướng các em tới cái thiện và lòng thương yêu đối với những người ruột thịt, những người thân thiết ở xung quanh mình.
![]() |
Nhiều sáng kiến của cuộc thi "Ý tưởng trẻ thơ" khiến các nhà khoa học giật mình |
-Đôi điều khác mà ông muốn chia sẻ với các bạn nhỏ đã tham gia cuộc thi, hay về các bức thư gửi đến chương trình, cũng như về cuộc thi nói chung?
-Điều thú vị mà tôi nhận thấy ở cuộc thi này, như tôi đã nói, là không phải các em chán môn văn, không thích học văn. Môn Văn ở trong các trường phổ thông lại đang có vấn đề. Lỗi không phải tại các em mà là tại cách dạy, cách ra đề của chúng ta. Với cách dạy máy móc, các bài văn mẫu máy móc, tất các em sẽ làm theo một cách máy móc mà báo chí đã nêu, khiến chúng ta phải dở cười dở khóc khi đọc bài của các em.
Với gợi ý của cô khi tả con mèo: “Nhà em có nuôi một con mèo. Con mèo có bốn chân, lông trắng. Cái đầu của nó như cái xô con”… Thì tất các em sẽ rập khuôn theo: “Nhà em có nuôi một ông ngoại. Ông ngoại có hai chân hai tay. Đầu ông to như cái bát và bạc trắng như đầu mèo…”.
Thực chất trẻ con của chúng ta không ngô nghê như thế. Chứng kiến cuộc thi THẦN ĐỒNG ĐẤT VIỆT, tôi kinh ngạc thấy các em cự kỳ thông minh và sắc sảo. Ở cuộc thi CUỐN SÁCH EM YÊU cũng vậy.
Nhiều bài viết tuyệt vời. Mỗi em một cách cảm nhận. Cách viết cũng đa dạng, hấp dẫn. Có bài như một tác phẩm tiểu luận đặc sắc. Đọc các em, tôi còn thấy thú vị, hấp dẫn hơn đọc một cuốn sách của một nhà lý luận nào đó. Đặc biệt là cuộc thi Ý TƯỞNG TRẺ THƠ. Không người lớn nào có thể “gà” được. Các em phải vẽ tranh, làm mô hình, rồi thuyết trình về sáng kiến của mình trước một Hội đồng Giám khảo bao gồm 5 người Việt và hai người Nhật.
Nhiều em còn tranh luận cả với Ban Giám khảo. Không ít sáng kiến, ý tưởng của các em khiến các nhà Khoa học Nhật Bản phải giật mình. Ví như việc kiểm tra nồng độ cồn ở mùa covid rất nên bỏ, mà thay vào đó là cấy một con chip ở tay lái. Cứ có mùi rượu, mùi cồn là xe tắt máy. Việc làm ấy không khó, cũng không tốn kém nhưng hiệu quả lại hơn nhiều. Tôi nghĩ đấy là một sáng kiến hay và rất dễ thực hiện.
-Chú Khoa ơi! Trong bài thơ Hầu trời của Tản Đà (Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục) có đoạn viết: “Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó/Trần gian thước đất cũng không có/ Nhờ Trời năm xưa học ít nhiều/ Vốn liếng còn một bụng văn đó/ Giấy người mực người thuê người in/ Mướn cửa hàng người bán phường phố /Văn chương hạ giới rẻ như bèo/ Kiếm được đồng lãi thực rất khó./ Kiếm được thời ít tiêu thời nhiều/ Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu”.
Đó là những tâm sự của Tản Đà cũng như các văn sĩ sống vào đầu thế kỉ XX. Cuộc sống của các nhà văn, nhà thơ phải sống chật vật khó khăn. Là một nhà thơ, theo chú, cuộc sống hiện tại của các văn sĩ bây giờ như thế nào? Có còn chật vật, nghèo khổ khi theo nghiệp văn chương hay không? Đời sống văn chương có còn phải “Nhờ trời văn con còn bán được / Chưa biết con in ra mấy mươi?”. Cháu rất mong câu trả lời của chú.
NGUYỄN THANH TÂM
(Vân Hạ - Yên Thắng - Yên Mô - Ninh Bình)
-Trong thơ Tản Đà, chú thích nhất bài thơ: Thăm mả cũ bên đường. Sau đó mới đến Hầu trời, bài thơ mà cháu vừa trích một đoạn ra để tán gẫu với chú. Thi sĩ cũng như văn sĩ, nói chung cũng đều là người bình thường, rất bình thường như mọi người thôi cháu ạ.
Cụ Xuân Diệu bảo: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi”. Bởi thế, dân đói khổ, bần hàn, thì thi sĩ văn sĩ cũng cùng chung đói no, ấm lạnh. Nổi tiếng và có tài năng lớn như cụ Nguyên Hồng mà khi mất, trong nhà chẳng còn hạt gạo nào. Nhà thơ Phùng Quán cũng vậy.
Những năm gần đây, nhờ công cuộc đổi mới đất nước, đời sống người dân được từng bước cải thiện. Nhiều người giàu lên. Nhà thơ cũng vậy. Bác Hoàng Trung Thông bảo: “Nước nổi lo chi bèo chẳng nổi”. Số phận mỗi con người cũng chìm nổi theo vận nước. Các thi sĩ bây giờ không tơ lơ mơ đâu cháu ạ.
Bác Trần Dần có hai câu thơ rất hay: “Tôi tiếc những chân trời không có người bay / Lại tiếc những người bay không có chân trời”. Bây giờ, mọi năng lực đều được giải phóng. Ở đâu cũng là “chân trời” cả. “Chân trời” nằm ngay dưới chân. Thoả sức bay. Bây giờ mà nghèo đói, nhếch nhác, chỉ có hai trường hợp. Một là lười nhác. Hai là kém, không có năng lực. Một người không nuôi nổi vợ con, không nuôi nổi bản thân mình thì cũng khó mà làm thơ hay được.
Nhiều nhà thơ bây giờ còn kiêm nhà doanh nghiệp. Không ít người rất phát đạt. Nhiều anh đi đứng cứ lặc lè, phởn phơ như địa chủ được mùa. Nhà thơ Nguyễn Duy đã phải kinh ngạc thốt lên: “Bây giờ thi sĩ mập ù / Trăng rằm xuống tóc đi tu giữa giời!” Kinh!
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Điện Thái Hòa di tích đầu tiên đạt tiêu chuẩn công trình xanh LOTUS

Đà Lạt xử lý công nợ trước khi sắp xếp đơn vị hành chính

Tôn vinh những công trình xuất sắc, tái sinh từ rác thải

Dự kiến sắp xếp thành 4 đơn vị hành chính cơ sở

Quận Hoàng Mai lấy ý kiến về phương án sắp xếp thành 7 phường

Quận Tây Hồ lấy ý kiến phương án sắp xếp thành 2 phường

Lan tỏa sức mạnh cộng đồng nhân Ngày Trái Đất 2025

Khánh thành, thông xe tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài

Khởi công dự án nút giao tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng
