Bài 4: Chuẩn bị tốt hành trang lập nghiệp
![]() |
Giới trẻ nên nhớ nhà tuyển dụng chọn người phù hợp nhất, không phải người giỏi nhất...
Bài liên quan
Bài 1: Ảo tưởng nằm trên tấm bằng đỏ
Bài 2: Những “mọt sách” thiếu kiến thức, kỹ năng...
Bài 3: Nuôi mộng “môi trường làm việc chuyên nghiệp”
Nỗ lực từ trên ghế nhà trường
Thạc sĩ Đoàn Văn Tình, giảng viên khoa Quản trị nguồn nhân lực, Đại học Nội vụ Hà Nội là người có nhiều năm đồng hành cùng sinh viên trong các cuộc thi khởi nghiệp cũng như tư vấn nghề nghiệp, việc làm. Anh cũng là chuyên gia về tổ chức, quản trị nguồn nhân lực, kỹ năng lãnh đạo - quản lý và sở hữu trí tuệ. Theo anh Tình, bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam (số 18, quý 2/2018) cho thấy, cả nước có khoảng 200.000 người thất nghiệp với trình độ từ cao đẳng trở lên. Đây là con số đáng lo ngại nếu các bạn trẻ không xác định được tâm thế và nỗ lực ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Các bạn phải thấu hiểu và tự định vị được bản thân bằng cách phân tích điểm mạnh, yếu, sở trường, sở đoản cùng nhu cầu, mong muốn của bản thân. Dựa trên sự thấu hiểu đó, các bạn phải xác lập được mục tiêu cá nhân rõ ràng và không ngừng nỗ lực theo đuổi chúng. Đặc biệt, việc học hỏi và hoàn thiện cả về kiến thức, kỹ năng phẩm chất thái độ là vô cùng quan trọng.
“Theo quan sát của tôi, gần như 100% sinh viên trong quá trình học tập có tham gia làm cán bộ đoàn, lớp, câu lạc bộ chuyên môn hoặc thực tập sinh dài hạn (từ 6 tháng trở lên) tại các doanh nghiệp thì ra trường đều có việc làm ngay với mức lương khởi điểm khá cao. Lợi thế của các bạn chính là tổ chức Đoàn - Hội ở bên, được học kỹ năng và mở rộng mối quan hệ mà không hề mất phí”, thạc sĩ Đoàn Văn Tình nhấn mạnh.
![]() |
Thạc sĩ Đoàn Văn Tình, giảng viên khoa Quản trị nguồn nhân lực, Đại học Nội vụ Hà Nội |
Bên cạnh đó, giảng viên Đại học Nội vụ Hà Nội cũng khuyến cáo, để tránh "ảo tưởng" về sức mạnh bản thân khi đi tìm việc, các bạn trẻ cần tìm hiểu thị trường lao động, đặc biệt trong ngành, lĩnh vực đang theo học để hiểu nhu cầu của doanh nghiệp. Họ phải hiểu những gì tích lũy trong nhà trường mới là kiến thức và những kỹ năng sơ khai, bắt chước... trong khi thực tế thì đa dạng, phong phú, biến đổi. Do đó, các bạn phải học hỏi, rèn luyện thêm rất nhiều mới được gọi là "có nghề".
Luôn cầu thị
Chị Nguyễn Thanh Thủy, Phó phòng Nhân sự, Công ty TNHH HOYA Glass Disk Việt Nam, cho rằng, nhiều bạn trẻ chẳng có mấy kinh nghiệm, không biết làm việc gì nhưng luôn có một niềm tin mãnh liệt “lương dưới 10 triệu em không làm”. Dù có thủ khoa Ngoại thương hay từ Anh, Mỹ trở về thì với thái độ như vậy chẳng bao giờ qua được vòng phỏng vấn. Doanh nghiệp không trả tiền cho bằng cấp hay kiến thức mà là những gì bạn có thể đóng góp được. Gặp trường hợp này, nhà tuyển dụng thường nói: “Xin chúc mừng em. Chúng tôi tin rằng em sẽ sớm thành công với lý tưởng của mình”.
Một thực tế khác cho thấy, có kết quả học tập tốt, bằng cấp của trường thuộc nhóm "top" trên nhưng khi đi làm thực tế, chưa chắc bạn đã là một nhân viên xuất sắc ngay hoặc phải cần có thời gian thích nghi và học hỏi trong công việc. Bởi vậy, ngoài hai yếu tố tiên quyết gồm kỹ năng và kiến thức, một điều quan trọng, không thể không nhắc đến chính là thái độ.
Thái độ thể hiện qua cách bạn giao tiếp, đối nhân xử thế và ý thức tìm hiểu thông tin về công ty trước khi đi phỏng vấn. Đây là điều nhà tuyển dụng rất để ý. “Điều cơ bản đầu tiên khi bạn muốn đàm phán lương với nhà tuyển dụng, đó là bạn phải xác định được giá trị bản thân. Bạn phải biết mình làm được gì, đóng góp như thế nào cho công ty rồi mới có thể tự tin thỏa thuận. Lương thấp quá, bạn thiệt thòi, làm không bền. Tuy nhiên, lương cao vượt khả năng của bạn, có khi lại trở thành áp lực. Không đáp ứng được yêu cầu của công ty, bạn sẽ bị đào thải”, chị Thủy chia sẻ.
Chị Thủy cho biết thêm, ưu điểm của những người trẻ là sự chủ động, tự tin cao. Ngoài ra, trong thời đại thế giới phẳng, các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm dễ dàng hơn so với trước vì có rất nhiều trang web tuyển dụng ra đời, cung cấp thông tin hữu ích. Tuy nhiên, hạn chế ở số đông các sinh viên là ngoại ngữ chưa thực sự tốt (học tiếng Anh nhưng không giao tiếp được), thiếu kĩ năng mềm, thái độ, cách hành xử chưa chuyên nghiệp. Họ tự tin thái quá, tâm lý đứng núi này trông núi nọ, nhảy việc nhiều hoặc ngược lại, một bộ phận lại quá rụt rè, nhút nhát… Chính điều này cũng đẩy bạn đến nguy cơ thất nghiệp.
Hãy biết yêu việc
Tốt nghiệp Học viện Quản lý giáo dục, Nguyễn Thanh Hải về làm việc tại Công ty Cổ phần Giáo dục tư duy và sáng tạo quốc tế CMS (Hà Nội). Đến bây giờ, Hải đã có vị trí tốt trong công ty. Tuy nhiên trước đó, cô cũng từng có tư tưởng “cả thèm chóng chán” muốn nhảy việc để có mức lương cao. “Mình vừa làm việc ở công ty vừa tìm kiếm các cơ hội khác. Tuy nhiên, dù ở môi trường làm việc nào nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi thái độ làm việc chuyên nghiệp và sự gắn bó lâu dài. Vì vậy, mình quyết định dành tâm huyết cho công ty đang làm bằng việc tập yêu công việc và hòa đồng với đồng nghiệp”, Hải chia sẻ.
Theo Hải, thời gian thử việc là lúc nhà tuyển dụng đánh giá người lao động mới trên ba yếu tố (ASK – Attitude, Skill, Knowledge): Thái độ với đồng nghiệp, công việc, công ty. Thứ hai là kỹ năng làm việc thực tế, khả năng chịu được sức ép, tổ chức công việc. Yếu tố cuối cùng là kiến thức về ngành, sản phẩm dịch vụ.
Người được tuyển dụng phải có khả năng hòa nhập và làm được việc, dù ở mức trung bình. Nếu họ không thể hiện tốt ở một trong 3 điểm nói trên thì rất dễ bị loại. Giới trẻ nên nhớ nhà tuyển dụng chọn người phù hợp nhất, không phải người giỏi nhất. Vì, không có gì bảo đảm một bảng điểm tốt sẽ làm nên một nhân viên chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong mắt nhà tuyển dụng không có trường lớn, trường bé, chỉ có người hữu dụng hay không mà thôi.
Vì vậy, cái gì không biết chúng ta sẽ học hỏi ở đồng nghiệp. Thậm chí, bạn có thể hỏi cấp trên về ngày cần hoàn thành và lãnh đạo mong chờ kết quả như thế nào… "Khi đó, mình đã thể hiện tác phong chuyên nghiệp, nói là làm, thực hiện công việc đúng chất lượng, khối lượng. Sự chuyên nghiệp đó đã khiến mình được cấp trên và bạn bè đồng nghiệp ghi nhận. Hết ba tháng thử việc mình nhận ra, đã yêu mến công ty và muốn gắn bó với nó. Chính điều này cũng tạo cho mình cơ hội thăng tiến trong công việc”, Hải tâm sự.
Cũng theo cô bạn này, ngươi trẻ không nên rời bỏ công việc đang làm nếu thời gian gắn bó chưa được 2 năm. Đó là thời gian mà bạn có thể giải quyết các tồn đọng, tạo nên những dấu ấn riêng. Đặc biệt, đó cũng là thời gian bạn đủ kinh nghiệm để đưa ra đề xuất và cải tiến cho tương lai của bản thân.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hơn 1.000 thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe sinh sản

Bạn trẻ học kỹ năng cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ cộng đồng

Công nghệ, AI và sự dịch chuyển xu hướng chọn nghề của bạn trẻ

Đà Nẵng: Tuyên dương 350 Cháu ngoan Bác Hồ cấp thành phố

Ninh Thuận vinh danh 150 Cháu ngoan Bác Hồ xuất sắc

Hơn 200 tình nguyện viên được trang bị kỹ năng cứu nạn, cứu hộ

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của “thế hệ vươn mình”

Đà Nẵng: Xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em

Cơ hội mới cho sinh viên ngành nông nghiệp
