Công nghệ, AI và sự dịch chuyển xu hướng chọn nghề của bạn trẻ
Công nghệ mở ra nhiều cơ hội mới
Không thể phủ nhận rằng công nghệ đã tạo ra những ngành nghề hoàn toàn mới, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), 85 triệu việc làm sẽ được tự động hóa hoặc thay đổi hoàn toàn vào năm 2025 nhưng song song với đó 97 triệu việc làm mới cũng sẽ xuất hiện nhờ sự phát triển của công nghệ.
Các nghiên cứu từ Gartner (công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới) chỉ ra rằng, đến năm 2025, khoảng 60% doanh nghiệp lớn sẽ ứng dụng AI vào quy trình tuyển dụng và đào tạo nhân sự, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực có thể thích nghi với sự thay đổi của thị trường.
![]() |
Các chuyên gia tư vấn, hướng nghiệp cho bạn trẻ trong chương trình do báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức |
Bạn Nguyễn Mạnh Hùng, sinh viên ngành Khoa học dữ liệu, chia sẻ quan điểm lạc quan: “Nhiều người lo sợ AI sẽ thay thế con người nhưng thực tế, AI chỉ làm tốt những công việc lặp lại và dựa trên dữ liệu. Những ngành như phân tích dữ liệu, lập trình AI, an ninh mạng… đang phát triển mạnh nhờ vào công nghệ. Nếu biết cách tận dụng AI, chúng ta có thể làm việc hiệu quả hơn và mở ra nhiều cơ hội hơn”.
Bên cạnh đó, AI còn giúp việc học tập trở nên dễ dàng hơn. Thay vì chỉ dựa vào bằng cấp đại học, nhiều bạn trẻ đã chủ động học thêm kỹ năng thực tế thông qua các nền tảng như: Coursera, Udemy, Google Career Certificates. Việc học linh hoạt này giúp họ dễ dàng tiếp cận những cơ hội việc làm mới, thay vì bó buộc vào một lộ trình truyền thống.
AI thay đổi cách làm việc của con người
Bên cạnh cơ hội, AI cũng đặt ra không ít thách thức. Những công việc có tính lặp lại cao như nhập liệu, kế toán, dịch thuật, tổng đài viên hay thậm chí một số ngành sáng tạo như viết nội dung, thiết kế đồ họa cũng đang bị AI “xâm nhập”.
Bạn Nguyễn Ngọc Huyền, sinh viên ngành Ngôn ngữ học, bày tỏ lo lắng: “Tôi từng nghĩ mình có thể làm biên dịch viên hoặc giáo viên tiếng Anh sau khi tốt nghiệp nhưng bây giờ AI dịch thuật ngày càng thông minh, thậm chí có thể viết nội dung tự động. Một số bạn bè tôi làm công việc nhập liệu hoặc kế toán cũng nói rằng công ty họ đang cắt giảm nhân sự vì phần mềm AI có thể làm việc nhanh hơn và chính xác hơn”.
![]() |
Bạn trẻ bày tỏ băn khoăn chọn nghề trong tương lai |
Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy áp lực. Không còn chuyện “học một lần là đủ”, mà giờ đây, ai cũng phải liên tục cập nhật kỹ năng để không bị tụt lại phía sau. Điều này đặt ra thách thức lớn cho những ai không có điều kiện tiếp cận công nghệ hoặc gặp khó khăn trong việc thích nghi.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng: AI không làm mất đi công việc, mà chỉ thay đổi cách con người làm việc. Anh Đỗ Đình Văn, chuyên viên marketing số tại quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến AI giúp tăng hiệu suất công việc của tôi như thế nào. Trước đây, chúng tôi phải tự phân tích dữ liệu khách hàng, nhưng giờ AI có thể làm điều đó nhanh hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là AI có thể thay thế hoàn toàn con người, vì việc đưa ra quyết định chiến lược vẫn cần tư duy và kinh nghiệm của con người”.
Thực tế, những công việc đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy phản biện và cảm xúc vẫn rất khó bị AI thay thế. Ví dụ, trong y tế, AI có thể hỗ trợ bác sĩ phân tích dữ liệu và chẩn đoán bệnh chính xác hơn nhưng quyết định điều trị vẫn cần đến bác sĩ. Trong giáo dục, AI có thể cá nhân hóa nội dung học tập nhưng giáo viên vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và truyền cảm hứng cho học sinh.
![]() |
Những ngành như: Phân tích dữ liệu, lập trình AI, an ninh mạng, phát triển mạnh nhờ vào công nghệ |
Làm gì để không bị bỏ lại phía sau?
Dưới tác động mạnh mẽ của công nghệ, giới trẻ cần chủ động thích nghi để không bị bỏ lại phía sau. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là AI và khoa học dữ liệu, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về đào tạo kỹ năng tự học cho sinh viên. Các chương trình đào tạo không thể liên tục chạy theo sự thay đổi của công nghệ. Vì vậy, khả năng tự thích ứng mới là yếu tố then chốt giúp sinh viên phát triển bền vững.
Theo Giáo sư Hiếu, chỉ trong vòng 5 năm tới, AI có thể trở thành tiêu chuẩn tuyển dụng, giống như chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay. Các chuyên gia khuyến nghị rằng, Gen Z nên chọn nghề có tính sáng tạo và linh hoạt. Thay vì chọn một công việc ổn định nhưng dễ bị thay thế, hãy hướng tới những ngành có tiềm năng phát triển lâu dài.
![]() |
Nhiều bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực Digital marketing, khoa học dữ liệu... |
Những lĩnh vực kết hợp giữa công nghệ và sáng tạo như: Digital marketing, khoa học dữ liệu... có cơ hội lớn trong tương lai. AI có thể làm tốt những công việc logic nhưng những kỹ năng của con người như sáng tạo, tư duy phản biện và giao tiếp vẫn rất quan trọng. Công nghệ thay đổi liên tục, nếu không cập nhật, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau, vì thế, hãy học thêm những kỹ năng mới để tăng tính cạnh tranh.
AI và công nghệ đang làm thay đổi thị trường lao động nhưng cách mỗi người trẻ phản ứng với sự thay đổi mới là điều quan trọng nhất. Thay vì lo sợ, chúng ta hãy học cách sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ để nâng cao hiệu suất công việc; thay vì chỉ chọn nghề theo sở thích, hãy hướng đến những ngành có tính liên ngành, phù hợp với xu thế công nghệ. Điều quan trọng nhất, thành công không phụ thuộc vào việc AI phát triển đến đâu, mà phụ thuộc vào việc chúng ta có sẵn sàng học hỏi, thích nghi và nắm bắt những cơ hội mới hay không.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đà Nẵng: Xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em

Cá tháng tư và những pha “troll” cười ngất

Tuổi trẻ Bình Dương xung kích, sáng tạo trong Tháng Thanh niên

Những “đoá hoa trí tuệ” khu vực miền Bắc đi "casting"

Khai giảng khóa học và phát động chương trình VentureX

Báo Tuổi trẻ Thủ đô trong mắt Gen Z: Những góc nhìn đa chiều

Từ công nhân sản xuất đến “giảng viên truyền cảm hứng”

Nhiệt huyết góp sức trẻ xây dựng quê hương

Nơi thanh xuân ở lại…
