Bài 3: Thầy cô của những hoạt động ngoại khóa
![]() |
Học sinh thích thú với tiết học của thầy Nguyễn Bá Lương
Bài liên quan
Bài 1: Sự cần thiết phải đổi mới các phương pháp giáo dục
Bài 2: Khi tiết học không chỉ là cô giảng- trò ghi
Dạy học sinh yêu trường, yêu lớp
Thầy Nguyễn Bá Lương giáo viên dạy môn Địa lý trường THCS Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội), ngoài công việc dạy chuyên môn còn có nhiều sáng kiến hay, khiến học sinh say mê và học hỏi được nhiều qua những hoạt động ngoại khóa.
![]() |
Học sinh chăm chú ghi chép trong một buổi ngoại khóa của thầy Nguyễn Bá Lương |
Thầy chia sẻ: “Trong quá trình dạy học, tôi thấy các con rất thiếu kỹ năng và giá trị sống, nội dung này lại không được nhiều giáo viên trong trường công lập chú trọng. Để phát triển các kỹ năng của con, tôi bắt đầu đi từ môn Địa lý. Tôi tìm hiểu và áp dụng nhiều hình thức phong phú, đa dạng theo mô hình lớp mở trong dạy học”.
Em Trần Gia bảo, học sinh trường THCS Ba Đình cho biết: “Trong các tiết sinh hoạt hay hoạt động của nhà trường, lớp em luôn được thầy giao mỗi bạn một việc, chúng em tự chủ động lên kế hoạch, tự đạo diễn, tự thực hiện, thầy chỉ là người cố vấn. Em rất thích cách làm đó, em cảm thấy mình được tự chủ và phải có trách nhiệm với công việc mình làm”.
Nhờ vậy, lớp học của thầy Lương đã khiến học sinh say mê, hứng thú và kết quả học tập tốt hơn lên. Năm 2017, khi đã làm giáo viên chủ nhiệm, thầy Lương cũng suy nghĩ, tìm tòi để áp dụng những tiết học chính khóa và ngoại khóa bổ ích lại mang tính chất giáo dục cho các con.
“Tôi thấy rằng, trong quá trình học văn hóa học sinh đã rất áp lực rồi, hoạt động ngoại khóa vừa bổ sung giáo dục kỹ năng giá trị sống, vừa tạo tâm lý thoải mái, giúp cân bằng cuộc sống và học tập, để các con được phát triển toàn diện”, thầy Lương chiêm nghiệm.
Nghĩ là làm, năm học 2018 – 2019, khi chủ nhiệm lớp 8A3, thầy Lương xây dựng một chuỗi chủ đề dạy học ngoài giờ lên lớp. Cụ thể như: chủ đề định hướng xây dựng cuộc sống; Kiên trì tập trung kỷ luật theo mô hình…; tiết học trải nghiệm: tìm hiểu khám phá công viên Bách Thảo.
Vào những ngày lễ như 8/3, 20/10, thầy Lương cho học sinh thực hiện chủ đề về lòng biết ơn, trong đó có nhiều trò chơi để các con biết về công ơn cha mẹ, các con tự làm bưu thiếp về tặng mẹ, trong đó có những lời chia sẻ, những lời yêu thương và cả những lời xin lỗi... Bên cạnh đó là hoạt động “Vào bếp cùng bạn” để các con học kỹ năng vào bếp nấu nướng, dọn dẹp.
Nguyễn Hoài An, học sinh trường THCS Ba Đình chia sẻ: “Trong quá trình học môn Địa lý, thầy thường tổ chức cho chúng em đi bảo tàng, hoặc ra công viên, du lịch phố cổ… Từ những chuyến đi đó, thầy hướng dẫn chúng em xem bản đồ, tìm đường… Em còn nhớ hoạt động ngoại khóa khám phá công viên Bách Thảo trong năm học vừa qua, em rất thích vì được khám phá đặc điểm động vật, thực vật, khám phá được cả văn hóa lịch sử liên quan đến công viên Bách Thảo. Điều làm em hứng thú trong lần ngoại khóa này là em và các bạn được rèn luyện kỹ năng hợp tác nhóm, kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề”.
Ngoài những chuyến đi thực tế, trong mỗi giờ sinh hoạt lớp, thay vì tổng hợp lỗi của học sinh để chỉ trích, kiểm điểm, thầy Lương luôn khen ngợi, động viên, nhắc nhở, lỗi gì nặng nề thì nhắc ngoài giờ đối với cá nhân.
Cách tiếp cận của thầy Lương khiến học sinh thêm yêu trường, yêu lớp qua những tiết sinh hoạt như thế. Thầy Lương luôn tâm niệm, khi học sinh yêu trường, yêu lớp rồi, các con sẽ tự điều chỉnh hành vi để không vi phạm kỷ luật làm ảnh hưởng đến thành tích chung, ứng xử với nhau văn minh, hòa nhã hơn.
Lúc đó, mình không cần phải xử lý vấn đề tiêu cực, lỗi của các con, các con sẽ tự điều chỉnh bản thân thông qua sự yêu thích để có cảm hứng học tập chứ không phải sợ mà đối phó với thầy giáo. “Ở những lớp kỹ năng, mình luôn dạy các con về giá trị sống, các con biết tôn trọng bản thân, tôn trọng mọi người và sống có trách nhiệm. Vì vậy khi học sinh đi học muộn nghĩa là các con đang làm xói mòn trách nhiệm, trách nhiệm là giá trị các em lựa chọn. Mình cho rằng, đó là gốc rễ của giáo dục, khi các con yêu trường, yêu lớp thì tự nhiên mọi thứ sẽ tốt lên”, thầy Lương chia sẻ.
Muốn dạy học sinh, bản thân giáo viên phải đổi mới
![]() |
Cô giáo Dương Thu Hà và học sinh trong một buổi trải nghiệm thực tế |
Trước mỗi năm học mới, cô giáo Dương Thu Hà, giáo viên dạy môn Sinh học trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) luôn phải suy nghĩ, tìm tòi ra cái mới để trải nghiệm, để sáng tạo.
Cô quan niệm, muốn dạy học sinh thì bản thân giáo viên phải đổi mới. Điều quan trọng là dạy học sinh các kỹ năng mềm, đặc biệt là kiến thức đó phải giúp các em học sinh giải quyết vào tình huống thực tế.
Từ những mong muốn đó, cô Hà nảy ra ý muốn, dạy học sinh từ những tiết học ngoài trường lớp. Cô đã nghĩ ra nhiều chuyến đi vừa phục vụ cho môn Sinh học mà cô đang dạy lại vừa đáp ứng nhu cầu khám phá của học sinh và đặc biệt là vừa chơi, vừa học các kỹ năng sống.
“Mỗi lần đưa học sinh đi thực tế là một lần đổi mới. Vì đề tài có thể hấp dẫn nhưng nếu không lôi cuốn được các em thì chỉ được một, hai buổi là chúng tự xin nghỉ. May mắn là mỗi chuyến đi tôi tổ chức, học sinh đều hào hứng, hồi hộp”.
Ngoài việc cho học sinh đi trải nghiệm thực tế để học chuyên môn và giáo dục thêm kỹ năng sống, cô Hà còn nghĩ ra được các đề tài nghiên cứu khoa học để học sinh có những trải nghiệm sâu. Qua những chuyến đi thực tế các công trình nghiên cứu khoa học, trải nghiệm ít nhưng các bạn trưởng thành nhiều hơn.
Để có được một chuyến đi thực tế, cô Hà phải kết nối với nhiều đơn vị, xây dựng mục tiêu, kỹ năng, triển khai tập huấn thế nào, đưa đến làm sao… mất nhiều công sức.
Ở khu vực ngoại thành, mức sống dân cư chưa cao nhưng mỗi tiết học ngoại khóa của cô Hà đều được phụ huynh, học sinh ủng hộ. Thậm chí học sinh các lớp khác, trường khác đều xin đăng ký đi cùng. Có thể thấy, học sinh học được nhiều thứ thông qua những chuyến đi thực tế.
“Mình đi trải nghiệm, mình thay đổi tư duy rồi từ đó mình mới dạy tốt được. Những cái mà học sinh hiện nay bị hạn chế là suốt ngày ngồi ở lớp, mọi tình huống trong cuộc sống có giải quyết được không là phải qua thực tế, thông qua những buổi ngoại khóa, các cháu học được nhiều kỹ năng, nề nếp mà trong trường không có”, cô Hà cho biết.
Để chuẩn bị vào năm học 2019-2020, cô Hà ấp ủ ý định sẽ đưa học sinh lớp 12 đi thực tế mô hình trồng rau sạch tại Học viện Lâm nghiệp ngay từ tháng 8: “Tôi nghĩ rằng, học sinh lớp 12 chuẩn bị thi THPT quốc, các em đều có mong muốn tìm hiểu mô hình ở những trường đại học trước khi thi, vì vậy tôi tổ chức chuyến đi thực tế này vừa giải quyết công việc của bộ môn tôi dạy, vừa giúp các em thêm hào hứng trước môi trường mà nhiều em chuẩn bị bước vào”. Đây là một cách hướng nghiệp rất cần thiết và quan trọng để cho các em học sinh có thể chọn đúng nghề nghiệp của mình trong tương lai.
Trong năm học 2018 – 2019, cô Hà cùng hai học trò là Bùi Minh Ngọc (lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn) và Bùi Khánh Vy (lớp 11 Trường THPT Lê Lợi) bắt tay thực hiện công trình sáng tạo thiết bị hỗ trợ học đọc cho trẻ bị bệnh Down. Công trình của cô trò cô Hà là một trong bốn công trình, sáng kiến vừa đoạt giải thưởng cao nhất kèm phần thưởng 100 triệu đồng để tiếp tục phát triển trong chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018 do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và đào tạo, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bình Dương chúc mừng đại biểu dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ

"Lăn xả" vào thực tế, sinh viên trưởng thành từ những trải nghiệm

Ra mắt MV “Hoa thơm dâng Bác” mừng Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ

Tháng 5 – mùa ký ức gọi tên

Lan tỏa tinh thần Trường Sa, ý chí DK1

Hoa khôi trường Công nghiệp và hành trình vượt qua giới hạn bản thân

Giỏi ngoại ngữ, Gen Z tự tin bước ra thế giới từ tuổi teen

Học tủ, học vẹt, luyện đề: Những "lối mòn" ôn thi cần thay đổi

Thi tài tiếng Anh, cán bộ trẻ “rinh” nhiều phần thưởng hấp dẫn
