Bài 2: Cuộc sống "cạnh tử thần" giữa lòng Hà Nội
Bài toán an toàn hành lang đường sắt Thủ đô: Đã đến lúc phải “giải đến nơi đến chốn” |
Từ kí ức của những đứa trẻ lớn lên bên đường tàu…
Khu tập thể đường sắt ga Cầu Bây nằm trên đường Nguyễn Văn Linh (Long Biên, Hà Nội) chỉ dài khoảng hơn 100m nhưng lại là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân. Người dân xung quanh đây vẫn gọi là "xóm đường tàu". Sở dĩ gọi như vậy bởi cuộc sống của những người dân nơi đây ngày ngày diễn ra bên cạnh tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng với những nguy hiểm rình rập thường trực.
Ngày nghỉ học, những đứa trẻ ở xóm này thường bị khóa cửa chơi trong nhà, tuyệt nhiên không được ra ngoài chơi, nếu có phải có sự giám sát của người lớn. Ngay cả khi chúng muốn sang nhà hàng xóm chơi cũng không ai dám để tự đi mà cần phải có người dẫn sang chỉ vì một nỗi lo chung: "Sợ tàu".
![]() |
Những đứa trẻ hồn nhiên vui chơi bên đường tàu tại khu tập thể ga Cầu Bây (Nguyễn Văn Linh, Long Biên, Hà Nội) |
Chị Liên, người dân sống tại đây chia sẻ: "Khu xóm nhỏ không có nơi cho trẻ em sinh hoạt nên người lớn thường cho con chơi tại nhà và luôn dặn dò kĩ về việc không được tự ý lên đường tàu. Dù vậy, trước những thói quen sinh hoạt ngay cạnh đường tàu của người lớn, thỉnh thoảng các em vẫn quên lời cha mẹ dặn và lên đường tàu chơi. Những lúc như thế, ai nhìn cũng sợ hãi".
Trái ngược với nỗi sợ của bố mẹ, những đứa trẻ vô tư ấy lại rất háo hức mỗi khi có tàu đi qua. Từ trong nhà, cửa đã cài đóng then cài, chúng giơ tay vẫy chào đoàn tàu và hét lớn. Có lẽ tuổi thơ của những đứa trẻ nơi đây chính là hình ảnh đoàn tàu vùn vụt chạy qua, là tiếng còi hú vang trời, là cột ống khói phả lên cao ngất.
Có lẽ đó cũng là ký ức tuổi thơ tươi đẹp của bố mẹ chúng mà đến bây giờ lại trở thành nỗi ám ảnh thường trực hàng ngày, hàng giờ.
Nguy hiểm rình rập nhưng khi hỏi có yêu nơi này không, những người dân sống ở khu tập thể này đều tủm tỉm gật đầu và không có ý định chuyển đi nơi khác. Bởi họ đã sống gắn bó ở đây 2, 3 thế hệ rồi. Chỉ là, họ luôn mong mỏi có một đường gom đủ an toàn cho trẻ nhỏ.
Ở khu này, có những cụ già đã gắn bó hơn 40 năm. Vào mùa hè, cứ chiều chiều sau chuyến tàu chạy lúc gần 17h là người dân lại mang ghế ra ngồi hóng mát. Họ nói, không phải mình mới chỉ ở ngày một ngày hai mà nói muốn chuyển đi là chuyển, ở đây quen rồi, ngày vài ba chuyến tàu ồn chút thôi, còn lại lúc nào cũng yên tĩnh. Giờ bảo chuyển lên phố để cả ngày đinh tai nhức óc thì thôi, thà ở cả đời nơi này còn hơn.
… đến nỗi ám ảnh thường trực của người lớn
Khu tập thể này dành cho đại đa số cán bộ, công nhân viên, người lao động trong ngành đường sắt. Ngoài tên gọi xóm đường tàu, thi thoảng người ta vẫn gọi đùa khu này là "xóm liều". Một người dân lý giải việc gọi thế là bởi người dân xóm này sống nhiều năm ngay cạnh đường tàu mà không có đường gom dân sinh hay bất cứ hàng rào nào nên họ nói với ngụ ý rằng “chúng tôi đang liều mạng để sống”.
Chị Thu Hằng sống ở khu này kể rằng, vào tối mùng 3 Tết Nguyên Đán năm 2021, nhà chị có bé trai 2 tuổi chạy sang nhà hàng xóm chơi khiến cả gia đình nháo nhác đi tìm. Khi thấy bé ở nhà hàng xóm, ai cũng thở phào.
"Chỉ sợ nó chạy lên đường tàu. Cũng may chưa có tàu chạy qua. Mặc dù nhà hàng xóm chỉ cách chừng 20m nhưng không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu lúc đó tàu đến. Tôi không dám nghĩ tiếp…”, chị Hằng rùng mình nói.
![]() |
Trên địa bàn Hà Nội hiện có rất nhiều những xóm đường tàu như thế này |
Cuộc sống tuy cận kề với nguy hiểm, ồn ào và khói bụi nhưng người dân ở "xóm đường tàu" vẫn lặng lẽ mưu sinh như thói quen thường ngày. Chẳng ai ở đây là không biết câu nói: "Sáng ba tối bảy, lẻ đi chẵn về". Đó chính là câu vè mọi người rỉ tai nhau để canh giờ tàu qua mà chạy. Mọi sinh hoạt của các hộ dân đều được diễn ra ngay trên đường ray tàu. Họ tận dụng từng chút diện tích để sinh sống, hoạt động, vui chơi.
Bà Nguyễn Thị Lan (55 tuổi) dù đã từ quê lên chơi với con nhiều lần nhưng vẫn chưa thể thích nghi được với cuộc sống nơi đây. Bà cho biết, ngày đầu mới lên bà sợ lắm, người ta cứ nhảy qua nhảy lại hai bên ven đường ray. Thậm chí có người từ nơi khác đến đứng đợi bắt xe về quê cũng vô tư ngồi trên đường ray.
Dù đối với nhiều người, cuộc sống bên đường ray này đã trở nên vô cùng quen thuộc và thân thiết nhưng cũng có không ít người lo ngại cho sự an toàn của những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư khi đây chính là nơi vui chơi. Chỉ cần một phút lơ là thôi là điều đáng tiếc có thể xảy ra.
"Nhìn lũ trẻ con khu này chẳng sợ gì, cứ nhảy qua nhảy lại chơi đùa tôi rất lo lắng. Nếu như có điều kiện, tôi mong các cháu sớm được chuyển đi để con cái được sống trong môi trường an toàn hơn, chứ không phải ngày nào cũng nhìn con cháu mình rồi nơm nớp lo sợ", bà Lan tâm sự.
Sống ở khu đường tàu nhiều năm, hầu hết những người dân đã quen với giờ tàu chạy, quen với cuộc sống sinh hoạt nơi đây. Ngày nào cũng vậy, cứ gần đến giờ tàu chạy qua là mọi người lại nhắc con cháu vào nhà nhưng đôi khi họ vẫn bất giác giật mình, nháo nhác tìm con khi nghe tiếng còi tàu. Đặc biệt là những người mới về làm dâu hoặc những người mới chuyển đến chưa thuộc các khung giờ tàu chạy nên đôi khi vẫn quên.
Vì thế, người dân khu đường tàu này, ai nấy cũng đều ngóng vọng về một con đường gom an toàn và nghĩ về cảnh tượng những đứa trẻ được thoải mái đá bóng, đi xe đạp dọc xóm, được sang nhà hàng xóm chơi mà không cần người nhà phải dẫn đi. Với những cụ già nơi đây, đó là ước mong đã kéo dài vài thập kỷ, họ hy vọng sẽ được nhìn thấy đường gom an toàn trước khi chào đón những thế hệ mầm non mới ra đời.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Khởi công dự án nút giao tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng

Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công, khánh thành nhiều công trình trọng điểm

Dự kiến sắp xếp 18 phường thành 2 phường Hoàn Kiếm, Cửa Nam

HĐND TP Hồ Chí Minh tán thành việc sáp nhập Vũng Tàu, Bình Dương

Hải Phòng: Khởi công dự án khu công nghiệp mức vốn 4.597 tỷ đồng

TP Hồ Chí Minh giảm 171 xã, có 102 xã mới sau sắp xếp

Cảnh báo hiểm họa thả diều gần đường dây điện

Chủ động triển khai Dự án cầu Tứ Liên đảm bảo tiến độ

Tạo chuyển biến và nhận thức trong vận hành đường sắt đô thị
