Bài 2: Chung tay tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Start-up trẻ và kỳ vọng về phát triển kinh tế tư nhân |
Người trẻ cần mảnh đất màu mỡ để ươm mầm
Không thể phủ nhận làn sóng khởi nghiệp đang lan rộng khắp nơi từ làng quê tới thành thị, từ nông nghiệp số tới AI và thương mại điện tử. Mỗi năm, hàng chục nghìn ý tưởng từ thanh niên được hình thành thông qua các cuộc thi, chương trình hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ thành công còn rất thấp. Một số lượng không nhỏ các dự án khởi nghiệp “chết yểu” vì thiếu nguồn vốn, thiếu cố vấn, thiếu thị trường và đặc biệt thiếu một hệ sinh thái hỗ trợ dài hơi.
Bạn Nguyễn Thùy Dung (28 tuổi), một start-up trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ chia sẻ: “Chúng tôi có mô hình, có khách hàng tiềm năng nhưng thiếu người đồng hành, không biết tìm vốn, tìm mentor, người dẫn dắt ở đâu. Mọi thứ đều phải tự mày mò, thiếu hệ sinh thái nghiệp nên rất loay hoay và bước đi rất chậm”.
Nhiều bạn trẻ khác cũng đồng tình, các trung tâm khởi nghiệp hiện nay mới chỉ dừng ở không gian làm việc chung, chưa có chuỗi hỗ trợ thực chất về pháp lý, kế toán, thương mại…
![]() |
Start-up chia sẻ với nhà đầu tư về mô hình kinh doanh |
Hệ sinh thái khởi nghiệp chính là “mảnh đất màu mỡ” để những hạt giống ý tưởng được ươm mầm, lớn lên và vươn xa. Đó không chỉ là nơi có nhà đầu tư, không gian làm việc, mà còn là sự kết nối giữa người trẻ - doanh nghiệp - trường học - cơ quan quản lý - cộng đồng, để cung cấp cho start-up từ kiến thức, công nghệ, cố vấn chuyên môn cho đến chính sách hỗ trợ, nguồn vốn và cả sự thấu hiểu, chia sẻ từ xã hội.
Chung tay cùng cộng đồng tạo dựng “mảnh đất” ấy, đầu năm 2025, khóa học HUB GenAI Future Founders chính thức được khai giảng, thu hút hàng trăm bạn trẻ đam mê khởi nghiệp công nghệ. Cùng thời điểm, chương trình VentureX cũng được khởi động, một “vườn ươm” cho các start-up công nghệ, nơi mà người trẻ được đào tạo, kết nối với cố vấn, nhà đầu tư và bước đầu hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp.
Anh Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch mạng lưới HUB Network chia sẻ: “Gen AI và VentureX là chương trình ươm tạo sáng tạo, được tổ chức bởi sự kết hợp giữa eLab VinUni, HUB Network và Trung tâm Sáng tạo khởi nghiệp sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Chương trình nhằm mục tiêu hỗ trợ các founder trẻ và các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong các giai đoạn quan trọng, từ việc phát triển ý tưởng đến việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững. Thêm vào đó, chương trình còn tạo ra một hệ sinh thái kết nối mạnh mẽ giữa các nhà đầu tư, cố vấn và các tổ chức khởi nghiệp, giúp các dự án tiếp cận nguồn vốn, mở rộng quy mô và thương mại hóa sản phẩm”.
![]() |
Anh Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch mạng lưới HUB Network chia sẻ |
GenAI và VentureX là chương trình ươm tạo được thiết kế cho người trẻ. Quan trọng hơn, nó tạo ra một hệ sinh thái thật sự, nơi bạn không chỉ có ý tưởng, mà còn có mentor - người dẫn dắt, có nhà đầu tư, có cộng đồng để đồng hành và chia sẻ.
Theo anh Hưng, khởi nghiệp không còn là chuyện xa vời. Nó có thể bắt đầu từ một dòng prompt (câu lệnh), nếu chúng ta đủ dũng cảm và có một hệ sinh thái đứng sau hỗ trợ. Đó cũng là tinh thần chung của những người trẻ hôm nay, không chờ đợi cơ hội mà chủ động tạo ra cơ hội cho chính mình.
Cơ hội bứt phá từ công nghệ
Với hơn 40 năm kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp tại nhiều quốc gia, ông Thụy Mai - Chủ tịch RainScales, Thành viên Hội đồng quản trị tại FreightVerify Inc, Thành viên Quỹ đầu tư thiên thần tại GOOSE Captipal cho hay, xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, chuẩn bị đội ngũ sẵn sàng mở rộng quốc tế và kết nối mạng lưới nhà đầu tư toàn cầu ngay từ giai đoạn đầu của các start-up là những yếu tố có tầm quan trọng đối với khởi nghiệp và đầu tư. Bên cạnh đó, việc kết nối sớm mạng lưới nhà đầu tư quốc tế, xây dựng nền tảng pháp lý và tài chính minh bạch… cũng là các yếu tố cốt lõi để startup Việt có thể bứt phá, vươn ra toàn cầu.
![]() |
Ông Thuỵ Mai chia sẻ về khởi nghiệp |
"Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu nhưng để làm được điều đó, các start-up cần thay đổi tư duy - không chỉ dừng lại ở giải quyết vấn đề nội địa, mà phải nghĩ đến việc tạo ra giá trị toàn cầu, vận dụng các xu hướng mới như AI, tự động hóa và phát triển bền vững để dẫn dắt cuộc chơi", ông Thụy Mai chia sẻ.
Theo anh Lê Văn Dũng - Chủ cửa hàng kinh doanh máy tính, thiết bị công nghệ tại Hà Nội: Điều người trẻ cần là một cộng đồng không ngại thất bại. Ở đó được thử - sai - sửa, chứ không bị loại ngay từ vòng đầu vì không có kinh nghiệm hay chưa đủ vốn.
“Một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh là hệ sinh thái có cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, có chính sách khuyến khích thật sự, có cơ chế công khai và minh bạch cho gọi vốn, chia sẻ dữ liệu, tư vấn pháp lý, xúc tiến thương mại”, anh Dũng nhìn nhận.
![]() |
Nhiều cuộc thi khởi nghiệp đã diễn ra thu hút đông đảo bạn trẻ, học sinh, sinh viên |
Các chuyên gia chỉ ra rằng, khởi nghiệp không chỉ là câu chuyện cá nhân, còn là hành trình hội tụ, kết nối giữa tri thức học thuật, công nghệ tiên tiến, cũng như dòng vốn đầu tư chiến lược.
Từ những câu chuyện thực tế, có thể thấy, khởi nghiệp trẻ sẽ không thể đi xa nếu vẫn phải tự xoay sở trong một môi trường thiếu kết nối. Muốn phát triển kinh tế tư nhân như một trụ cột, hệ sinh thái khởi nghiệp phải được đầu tư bài bản, đồng bộ và bền vững hơn nữa.
Nghị quyết 68/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cùng nhiều chủ trương lớn đã được ban hành nhưng giờ là lúc hiện thực hóa bằng hành động cụ thể như: Tạo quỹ bảo lãnh tín dụng; đầu tư nền tảng dữ liệu dùng chung; tổ chức chương trình tăng tốc khởi nghiệp thiết thực cho thanh niên, sinh viên; giảm rào cản thủ tục hành chính…
Khởi nghiệp không thể chỉ là khẩu hiệu. Mỗi ý tưởng trẻ cần có người bạn đồng hành, mỗi chính sách cần một cơ chế triển khai thực chất. Chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ là lời nói, mà là hành động cụ thể từ Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp năm 2025, với nhiều nội dung nổi bật, nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo và phát triển kinh doanh trong giới trẻ. Theo kế hoạch các chỉ tiêu được đặt ra như: 100% cán bộ Đoàn, Hội chuyên trách các cấp làm công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được đào tạo kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, về công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ ít nhất 2.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 100 học sinh, sinh viên, 250 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp. Đặc biệt, Trung ương Đoàn đặt mục tiêu ít nhất 35.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ thành lập ít nhất 50 hợp tác xã do thanh niên làm chủ; hỗ trợ duy trì ít nhất 200 xã triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm của thanh niên đạt chuẩn OCOP. |
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tặng quà, khám bệnh 0 đồng tiếp sức công nhân trẻ

Bài 2: Ứng dụng công nghệ sóng não và giấc mơ lớn tuổi 20

Sinh viên biến ý tưởng “điên rồ” thành sản phẩm

Kết nối hơn 5.000 sinh viên với doanh nghiệp tìm cơ hội việc làm

Lễ hội Thiếu nhi 2025 hướng đến tôn vinh giá trị gia đình

Ít nhất 2.000 thanh niên sẽ được hỗ trợ khởi nghiệp

Sáng tạo trẻ, dữ liệu lớn và ước mơ khoa học

Ôn thi vui hơn cùng AI

Thanh niên Bình Dương "phổ cập kỹ năng số" cho cộng đồng
