Tag
Sau thông tư 29:

Vượt vũ môn với "combo" nhà trường và cha mẹ

Giáo dục 24/02/2025 13:58
aa
TTTĐ - Những thay đổi mang tính bước ngoặt của ngành giáo dục, đặc biệt là Thông tư 29, việc nâng cao chất lượng giảng dạy trên lớp trở thành vấn đề trọng tâm. Giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn đóng vai trò hướng dẫn học sinh tiếp cận, tự học và rèn luyện tư duy.
Thủ tục đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường theo Thông tư 29 Hải Dương: Giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo cụ thể Trường tiểu học, THCS có thể tuyển dụng giáo viên cao đẳng

Thầy và trò cùng “3 ca, 4 kíp”

Không còn những tiết học tăng cường buổi chiều, 45 phút học chính khoá là hành trình miệt mài sáng tạo đổi mới phương pháp dạy của thầy cô trường THCS Mạc Đĩnh Chi (quận Ba Đình, Hà Nội).

Trao đổi với cô Nguyễn Thu Nga (giáo viên bộ môn Toán trường THCS Mạc Đĩnh Chi) cho biết, sau khi tiếp nhận Thông tư 29 bản thân cô đã linh hoạt phương pháp dạy của mình: tập trung nâng cao chất lượng bài giảng trên lớp sâu sát hơn với tình hình học tập của học sinh.

Học sinh khối 6 trường THCS Mạc Đĩnh Chi chăm chú nghe giảng của cô giáo trong tiết học Toán.
Học sinh khối 6 trường THCS Mạc Đĩnh Chi chăm chú nghe giảng của cô giáo trong tiết học Toán.

Bình thường, khi có 2 tiết tăng cường của câu lạc bộ học thuật của trường, các thầy cô sẽ có thời gian kiểm tra kĩ từng đối tượng học sinh. Hiện tại với lớp của cô Nga việc phân chia bài học dựa trên nền tảng kiến thức của học sinh. Với hoạt động khởi động là thời gian để giáo viên có thể mời những bạn còn kém môn toán để trả lời. Theo cô Nga, việc này giúp các bạn củng cố kiến thức cũ, tăng phần tự tin. Đến hoạt động hình thành kiến thức, giáo viên sẽ mời những bạn có năng lực khá giỏi trả lời và đến phần vận dụng sẽ để những bạn học sinh giỏi, có tố chất, năng khiếu trình bày.

Cô Nguyễn Thu Nga và học sinh cùng tích cực củng cố kiến thức đã học để chuẩn bị cho kì thi giữa kỳ sắp tới.
Cô Nguyễn Thu Nga và học sinh cùng tích cực củng cố kiến thức đã học để chuẩn bị cho kì thi giữa kỳ sắp tới.

“Với cách học này, bản thân mỗi giáo viên có thể đánh giá kỹ năng tiếp thu của học sinh, với học sinh khá giỏi sẽ không bị nhàm chán còn học sinh hơi đuối một chút so với lớp cũng không cảm thấy nản trong việc học.

Đặc thù của môn Toán là hàm lượng kiến thức trải rộng, có những phần thuộc cả phạm vi lớp 6, với những bạn còn đang “chấp chới” bản thân tôi phải soạn một phiếu riêng so với phiếu chung của cả lớp. Còn phiếu chung, sẽ được chia ra làm 3 trình độ để các con làm hằng ngày. Điều này vừa cung cấp đủ 3 trình độ để các bạn phấn đấu, mỗi tuần, mỗi tháng các em nhích thêm một chút, một chút là thầy cô rất vui rồi”, cô Nga cho hay.

Còn với cô Dương Thị Phương Thảo (giáo viên bộ môn Ngữ văn, trường THCS Mạc Đĩnh Chi), có phương pháp kiểm tra tiến độ học tập của học sinh vô cùng mới mẻ: cộng tác viên kiểm duyệt bài tập. Mỗi lớp cô dạy sẽ có những bạn học sinh phụ trách hỗ trợ kiểm tra bài tập về nhà của các thành viên trong lớp, nhằm giúp chính những bạn này ôn lại kiến thức cũ, đồng thời cũng giúp cô có thêm thời gian tập trung vào những đối tượng ở lực học chưa đạt tiêu chuẩn khác.

Nếu bạn nào bị hổng kiến thức, cô Phương Thảo ưu tiên cho các bạn hỏi những học sinh học chắc văn trong lớp để trao đổi lại phần kiến thức đó. “Khi giảng lại cho nhau nghe với tâm thế khác tôi nghĩ bản thân các bạn ý sẽ có thể học nhau tốt hơn. Ngoài ra, tôi thường nhóm lớp thành những nhóm có cùng lỗi sai giống nhau như: sai chính tả, sai diễn đạt, sai ngữ pháp… Lúc này cô có thể sử dụng thời gian trên lớp triệt để, tối đa kiến thức và sửa chữa lỗi sai cho các con”, cô Thảo chia sẻ thêm.

Tranh thủ từng phút trong một tiết học, học sinh sẽ ghi lại những lưu ý trọng tâm của môn văn để thuận tiện cho việc làm phiếu bài tập ở nhà.
Tranh thủ từng phút trong một tiết học, học sinh sẽ ghi lại những lưu ý trọng tâm của môn văn để thuận tiện cho việc làm phiếu bài tập ở nhà.

Không còn dạy thêm, học thêm, nhiều người cho rằng học sinh và giáo viên sẽ có nhiều thời gian trống hơn. “Trên thực tế, với lứa học sinh đang học cuối cấp, cả cô và trò đều lăn lộn, dù không có thông tư 29 hay không, với lớp 9 vẫn luôn là tăng cường học tập” cô Dương Thị Phương Thảo tâm sự.

Là người kĩ tính trong cách chấm và kiểm tra bài tập của học trò, cô Thảo tận dụng thời gian trông bán trú, để chữa bài cho học sinh lớp 9, cùng thức khuya với học trò để nhanh chóng giải đáp thắc mắc cho các bạn.

“Không giao tiếp với các bạn bằng 2 tiết tăng cường buổi chiều, tôi thực hiện trao đổi với các bạn thông qua phiếu bài tập và nhóm Zalo của lớp. Nếu như trước đây có thể trực tiếp chỉ ra lỗi sai và chữa cho các bạn ngay trên lớp thì giờ đây mình sẽ chữa trực tiếp trên giấy. Thông qua “2 kênh” Zalo phụ huynh và học sinh, cô gửi trực tiếp tiến độ học tập của con cho bố mẹ thấy và con thì có thể trao đổi với cô ngay trong nhóm trò chuyện”. - Cô Thảo chia sẻ.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng trường THCS Mạc Đĩnh Chi Cấn Việt Thắng cho hay, khi Thông tư 29 có hiệu lực nhà trường đã tạm dừng các buổi học tăng cường và câu lạc bộ. Đồng thời trường cũng đang xây dựng kế hoạch ôn thi bồi dưỡng miễn phí cho học sinh lớp 9 với 2 môn toán và văn từ tháng 3 đến lúc thi, thực hiện dạy môn thi thứ 3 khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công bố chính thức. Mỗi môn sẽ thực hiện học tăng cường 2 tiết một tuần.

Thầy cô là tấm gương tự học cho học trò

Một người thầy giỏi không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người truyền cảm hứng học tập. Theo quan điểm của cô Dương Thị Phương Thảo, để tạo văn hoá tự học cho học sinh một cách tốt nhất chính thầy cô phải là tấm gương tiêu biểu cho điều ấy.

Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình luôn đạt được những thành tích tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, và chính thầy cô cũng không ngừng nỗ lực chuyển đổi số trong cách truyền đạt kiến thức của mình. “Mình luôn cố gắng làm sao để đáp ứng tối đa về công nghệ thông tin, những dịp hè thì tham gia những khóa học về chuyển đổi chương trình mới”, cô Thảo bày tỏ.

Cô Dương Thị Phương Thảo tận dụng phút đầu ra chơi để dặn dò học sinh thông điệp trong bài văn vừa học.
Cô Dương Thị Phương Thảo tận dụng phút đầu ra chơi để dặn dò học sinh thông điệp trong bài văn vừa học.

Theo giáo viên trường THCS Mạc Đĩnh Chi, việc soạn bài và soạn chuyên đề đã chiếm tối đa quỹ thời gian trong ngày của họ. Với cô Dương Thị Phương Thảo, khi không còn dạy buổi tăng cường, cô tận dụng thời gian này để soạn chuyên đề về tiếng Việt, chia ra từng mức độ và luôn có một quyển yêu cầu cần đạt ngay bên cạnh. Đồng thời, cũng trong thời gian này, với cô Thảo là lúc để thẩm thấu, nghiên cứu các nội dung có trong đợt tập huấn trước.

“Tôi cũng có khoảng trống để hẹn hò với những cuốn sách, có những cuốn trước đây đang đọc dang dở, có cuốn thì vội vàng. Giờ đây bản thân có thể đọc chúng kỹ hơn, tâm thế đọc sách cũng khác hơn trước và khi tìm được những đầu sách hay có thể gửi ngay cho học trò rèn luyện thêm lối hành văn, ít nhiều cũng phục vụ cho việc dạy học”, cô Thảo bộc bạch.

Trong thời gian học, cô Thảo sẽ “chữa tranh thủ” những phiếu bài tập ngắn trong ngày cho học sinh.
Trong thời gian học, cô Thảo sẽ “chữa tranh thủ” những phiếu bài tập ngắn trong ngày cho học sinh.

Thông tư 29 cũng là lúc thay đổi cách học “mì ăn liền”, “học thúc”, “học ép” của mỗi thế hệ học sinh hiện nay. Thầy cô kỳ công trong việc chọn lọc kiến thức, phụ huynh kỳ công hơn trong việc quản lý thời gian của con. Cô Nga, cô Thảo hay nhiều giáo viên đang trực tiếp giảng dạy những “đối tượng học tập đặc biệt” - học sinh lớp 9 luôn trực tiếp tư vấn cho phụ huynh về cách đồng hành cùng con trong giai đoạn vun đắp và nước rút sắp tới.

Theo các giáo viên, với thời kỳ nhạy cảm cả về tâm, sinh lý của các bạn hiện tại, để nâng cao tinh thần tự học là “đả thông tư tưởng” của học sinh. “Tư tưởng không thông vác bịch bông cũng thấy nặng”, khi các bạn hiểu bố mẹ đang lăn xả vì mình, thầy cô cũng đang hết lòng, chính bản thân học trò cũng phải cố gắng hơn nữa trong học tập.

“Ngoài việc dạy kiến thức, thầy cô còn phải là người bạn đồng hành, tận dụng thời gian ra chơi để nói chuyện tâm sự với các con, để tạo động lực cho các con, cần biết mục tiêu của mình là gì”, cô Thảo cho hay.

Khi giáo viên thực sự có thời gian để gieo mầm tri thức, học sinh sẽ nhận lại một nền giáo dục không chỉ là những con chữ, mà là những bài học làm người. Một nền giáo dục nơi giáo viên vừa là người thầy, vừa là người truyền cảm hứng, khơi nguồn đam mê.

Đọc thêm

Cơ hội vàng cho giới trẻ trong kỷ nguyên số Giáo dục

Cơ hội vàng cho giới trẻ trong kỷ nguyên số

TTTĐ - Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, ngành sửa chữa laptop và điện thoại di động đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho nguồn nhân lực trẻ, với nhu cầu nhân sự tăng mạnh và cơ hội thu nhập hấp dẫn.
Cùng học sinh THPT định hướng tương lai Giáo dục

Cùng học sinh THPT định hướng tương lai

TTTĐ - Mùa cao điểm của các sĩ tử 2k7 đang đến gần, cũng là lúc những băn khoăn về chọn ngành, chọn trường trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Hiểu được điều đó, ngày 19/4, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Huyện đoàn Đan Phượng, trường THPT Thọ Xuân cùng các trường đại học, cao đẳng tổ chức chương trình “Đối thoại, tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2025”.
Chọn ngành đúng thời, chọn nghề đúng hướng, chọn tương lai phù hợp Giáo dục

Chọn ngành đúng thời, chọn nghề đúng hướng, chọn tương lai phù hợp

TTTĐ - Sáng 19/4, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Huyện đoàn Đan Phượng, trường THPT Thọ Xuân cùng các trường đại học, cao đẳng tổ chức chương trình Đối thoại, tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2025. Sự kiện nhằm định hướng cho học sinh THPT về lựa chọn nghề nghiệp, cũng như ngành, trường đại học phù hợp với bản thân.
Để không lạc lối giữa ngã rẽ chọn nghề… Giáo dục

Để không lạc lối giữa ngã rẽ chọn nghề…

TTTĐ - Các chuyên gia cho rằng, điểm mấu chốt là các em học sinh phải hiểu thế mạnh, sở thích của bản thân để chọn ngành, chọn nghề phù hợp.
Mức lương hấp dẫn cho sinh viên theo học ngành Dược tại FPT Polytechnic Giáo dục

Mức lương hấp dẫn cho sinh viên theo học ngành Dược tại FPT Polytechnic

TTTĐ - Trong bối cảnh ngành Dược đang phát triển mạnh mẽ và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, sinh viên theo học ngành Dược tại trường Cao đẳng FPT Polytechnic đang sở hữu lợi thế lớn, không chỉ về chương trình đào tạo thực tiễn mà còn ở cơ hội nghề nghiệp cùng mức thu nhập đáng mơ ước.
Gen Z thích thú mở “túi mù” khi đi nghe tư vấn tuyển sinh Giáo dục

Gen Z thích thú mở “túi mù” khi đi nghe tư vấn tuyển sinh

TTTĐ - Hơn 2.000 học sinh được các thầy cô tư vấn và có nhiều trải nghiệm thú vị tại chương trình “Đối thoại, tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2025” do Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức trong khuôn viên trường THPT Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội).
Chọn nghề đúng, tự tin lên “chuyến tàu số” - chuyến tàu của tương lai Giáo dục

Chọn nghề đúng, tự tin lên “chuyến tàu số” - chuyến tàu của tương lai

TTTĐ - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Ngô Vương Tuấn chia sẻ chương trình “Đối thoại, tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2025” giúp các em học sinh được tiếp thêm niềm tin, trang bị thêm hiểu biết để tự tin bước lên “chuyến tàu số” - chuyến tàu của tương lai với tâm thế chủ động, sáng tạo và không ngại thay đổi.
Để không hối tiếc khi chọn sai ngành, nghề Giáo dục

Để không hối tiếc khi chọn sai ngành, nghề

TTTĐ - Với sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới, nhu cầu xã hội đối với các ngành nghề cũng đã thay đổi trong nhiều năm qua khiến câu chuyện chọn trường, ngành học nào phù hợp đã trở thành nỗi băn khoăn của hầu hết các bậc phụ huynh cũng như học sinh, đặc biệt vào thời điểm mùa thi đang đến rất gần.
Những điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học 2025 Giáo dục

Những điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học 2025

TTTĐ - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức ban hành Thông tư 06/2025, sửa đổi và bổ sung quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, áp dụng từ năm 2025 và có nhiều thay đổi quan trọng.
Đã có hơn 785.000 thí sinh thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT Giáo dục

Đã có hơn 785.000 thí sinh thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT

TTTĐ - Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đã có hơn 785.000 thí sinh thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Xem thêm