Trung Quốc nỗ lực nối lại chuỗi cung ứng đứt gẫy
![]() |
Nhân viên đeo khẩu trang làm việc trong dây chuyền lắp ráp ghế ô tô tại nhà máy Yanfeng Adient ở Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Sau khi đại dịch tạm thời lắng xuống, Trung Quốc đã bắt đầu tái khởi động sản xuất trên tất cả các lĩnh vực. Tại tâm dịch Vũ Hán và các thành phố lớn, người dân đang quay trở lại với cuộc sống và công việc thường nhật, dù vẫn còn nhiều bất an.
"Công xưởng" vận hành trở lại
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu từ Trung Quốc do tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, đóng cửa các nhà máy và gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy Trung Quốc đang từng bước vực dậy các ngành sản xuất kinh doanh nhưng để hoạt động như bình thường vẫn còn nhiều trở ngại trước mắt, đặc biệt là sự sụp đổ của giá dầu và cuộc khủng hoảng kinh tế đang hiển hiện trước mắt.
![]() |
Một nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất may mặc tại nhà máy ở Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh: Reuters) |
Trung Quốc đã trở thành công xưởng sản xuất của thế giới trong vài thập kỷ qua nhờ nhân công rẻ, lao động dồi dào và những chính sách ưu đãi của Chính phủ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã biến quốc gia này thành nơi khởi nguồn cung cấp linh kiện đầu vào của phần lớn các ngành công nghiệp chế tạo.
Nhiều hãng, tập đoàn lớn của thế giới, từ may mặc, dược phẩm, vật tư và thiết bị y tế, hàng tiêu dùng đến điện tử, ô tô và lĩnh vực công nghệ cao… đã phải tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất vì thiếu nguyên liệu. Đất nước tỷ dân cung cấp phần lớn nguyên liệu thô hoặc đã qua chế biến cho các nhà sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 tấn công, các nhà sản xuất của Trung Quốc không kịp trở tay và ngay lập tức đối mặt với sự sụt giảm sản xuất.
Cũng giống như các nhà sản xuất khác, phụ thuộc một phần nguyên liệu từ Trung Quốc, các nhà sản xuất ở quốc gia này cũng đối mặt với những thách thức không dễ dàng khắc phục được trong ngày một ngày hai. Các nhà máy ở Trung Quốc đại lục cũng nhận thấy sự thiếu hụt nguyên liệu thô, vật tư đầu vào từ các nhà sản xuất cấp thấp hơn để sớm khôi phục lại dây chuyền sản xuất của mình.
Bên cạnh đó, để khôi phục sản xuất trở lại bình thường, các công ty Trung Quốc còn phải nỗ lực vượt qua những thách thức, khó khăn do tình trạng thiếu hụt lao động; các yêu cầu nghiêm ngặt về phòng dịch bệnh; mạng lưới giao thông đóng cửa do phong tỏa đường và nhiều quy định khác của Chính phủ.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất theo sau đại dịch, các công ty Trung Quốc đã linh hoạt hơn trong tuyển dụng lao động. Một số công ty bắt đầu áp dụng tự động hóa để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động hoặc đẩy mạnh đào tạo cho lực lượng lao động thủ công mới tuyển dụng bằng ứng dụng các công nghệ đào tạo mới.
![]() |
Công nhân dệt may trong dây chuyền sản xuất vải tại một nhà máy ở Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters) |
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chiếm 1/5 thương mại toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đang phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu thô hoặc qua chế biến, cũng như những hệ thống phụ trợ cho các nhà sản xuất.
Các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) của Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với những thách thức trong việc khôi phục năng lực sản xuất, mà cả các nhà sản xuất toàn cầu cũng cảm thấy tác động của sự thiếu hụt một phần trong mạng lưới cung ứng của họ.
Gián đoạn chuỗi vẫn còn ở phía trước
Theo Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CGTN), các nhà sản xuất thuộc nhiều ngành công nghiệp đã bắt đầu vận hành lại nhà xưởng tại quốc gia này. Trung Quốc chiếm khoảng một phần tư sản lượng và cung cấp 8% xuất khẩu linh kiện ô tô toàn cầu.
Nếu “công xưởng” của thế giới chưa vận hành trơn tru trở lại thì ngành sản xuất công nghiệp ô tô của toàn cầu sẽ gặp những vấn đề lớn. Giữa tháng 3, hãng Volkswagen, thương hiệu ô tô bán chạy nhất tại Trung Quốc đã cảnh báo, chuỗi cung ứng và logistics không đảm bảo đã tác động xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn trên toàn cầu.
Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết, nhiều nhà máy ở các tỉnh ven biển hoạt động trở lại với sản lượng trên 70% so với bình thường. Một số công ty đã có kế hoạch tăng giờ làm việc cũng như thực hiện nhiều giải pháp khác để nâng cao năng suất nhằm bù lại phần thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch.
![]() |
Người dân Trung Quốc đã đi làm trở lại sau kỳ nghỉ chống dịch kéo dài (Ảnh: Reuters) |
Tân Hoa Xã cho biết, khoảng 78 triệu công nhân đã quay về nhà máy ở các tỉnh làm việc sau kỳ nghỉ kéo dài kỷ lục. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được Chính phủ đưa ra nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất phục hồi sau những thiệt hại nặng nề trong thời gian qua.
Bên cạnh việc kéo dài thời gian miễn phí giao thông trên toàn quốc, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục có những chính sách mới để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, nhất là những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dễ bị tổn thương nhất. Những chính sách này bao gồm giảm tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng, giảm phí quản lý, hoãn nộp thuế, trợ cấp chi trả tiền lãi cho các khoản vay mới và hoàn lại khoản đóng góp cho an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu vừa chống dịch, vừa thực thi các sách lược khác nhau nhằm khôi phục sản xuất vào thời điểm thích hợp cho từng khu vực, từng cấp và từng loại hình cụ thể, nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Trong vài thập niên qua, các tập đoàn, công ty đa quốc gia đã đổ bộ vào Trung Quốc để xây dựng nhà xưởng, lắp ráp và cung ứng hàng hóa vì quốc gia này có lực lượng lao động dồi dào, nhân công rẻ. Hiện nay, thế giới ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc để có thể sản xuất ô tô, máy tính và các linh kiện điện tử khác. Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tái khởi động sau đại dịch thì người ta đã bớt lo lắng về cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu đã diễn ra suốt những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong quý II là nhu cầu nước ngoài sụt giảm. Trong lúc Trung Quốc đang vất vả để tái khởi động nền kinh tế bị “cúm”, chủ các nhà máy lại đối mặt với nhu cầu giảm đi trên toàn thế giới. Bởi lẽ, khi đỉnh dịch đã qua đi ở tâm điểm Vũ Hán thì đúng lúc Mỹ, Châu Âu và nhiều quốc gia khác lại bùng phát bệnh dịch, lệnh phong tỏa khắp nơi. Nhu cầu tiêu dùng của toàn cầu sụt giảm thê thảm.
![]() |
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất của Công ty Công nghiệp nặng Sany (Ảnh: Reuters) |
Việc giảm nhu cầu từ các đối tác lớn nhất trên toàn cầu do dịch bệnh khiến ngành sản xuất Trung Quốc một lần nữa phải đối mặt với khó khăn. Các công ty trong nước gần như có thể khôi phục lại sản lượng so với trước khi dịch bệnh bùng phát, song thị trường đang thu hẹp. Nguy cơ bị hủy đơn hàng cao hơn khi các đối tác lớn tại Châu Âu và Mỹ cũng đang lao đao trước sự tấn công của dịch bệnh.
Khi nền kinh tế thế giới đang chao đảo, ngập chìm trong đại dịch với những con số thiệt hại khủng khiếp, Trung Quốc tái khởi động mạnh mẽ hoạt động sản xuất thì ai sẽ tiêu thụ sản phẩm cho họ… Đó là một câu hỏi rất khó để trả lời.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

UAE hoan nghênh Việt Nam xem xét tham gia Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế IRENA

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Ethiopia

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thúc đẩy hợp tác thực chất Trung - Việt

Học giả Trung Quốc nêu bật ý nghĩa bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi thăm Việt Nam

Việt Nam, Pháp nhất trí tăng cường hợp tác thúc đẩy chủ nghĩa đa phương

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Mở ra "cánh cửa thép" trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ
