TP Hồ Chí Minh trong chiến lược xây dựng trung tâm tài chính
Tại Hội nghị Xây dựng Trung tâm Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc phát triển trung tâm tài chính được xác định là một trong những mũi nhọn chiến lược giúp chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng thời, việc xây dựng trung tâm tài chính không phải là nội dung mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ.
"Với sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và các doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ xây dựng thành công trung tâm tài chính hiện đại và đẳng cấp quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ổn định và bền vững của khu vực và toàn cầu”, Bộ trưởng chia sẻ.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng |
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được đánh giá, việc Trung ương lựa chọn thành phố để xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam là niềm vinh dự lớn; đồng thời là trọng trách nặng nề mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện thành công.
Trung tâm tài chính không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn, mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập của quốc gia.
Đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, phát triển hạ tầng, khẳng định vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính - thương mại toàn cầu.
![]() |
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thành ủy TP Hồ Chí Minh) |
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tầu trong chiến lược trên.
Đầu tiên, TP Hồ Chí Minh sở hữu nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 11,3% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Đây là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính lớn nhất Việt Nam, nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Tiếp theo, những thiết chế cơ bản cho thị trường tài chính hiện đại, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán, hạ tầng ngân hàng số và các ứng dụng tài chính công nghệ đã được vận hành một cách bài bản tại TP Hồ Chí Minh.
Gần đây nhất, Việt Nam đã nghiên cứu đề xuất áp dụng cơ chế sandbox, thí điểm triển khai các hoạt động fintech và các sáng kiến chuyển đổi số tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư tiếp cận và ươm mầm cho các dự án công nghệ đổi mới sáng tạo mang tính đột phá.
Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh có vị trí địa lý chiến lược, đồng thời thị trường tài chính có những kết nối chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải, Tokyo... thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và trong tương lai là sân bay Long Thành cùng các cảng biển lớn xung quanh là điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái tài chính toàn cầu.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh có quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng từ Trung ương đến địa phương, xác định phát triển thành phố trở thành Trung tâm tài chính quốc tế là nhiệm vụ chiến lược.
Thành phố cũng luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản pháp lý, đồng thời phát triển hạ tầng số và công nghệ tài chính. Đây là những bước đi cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
![]() |
TP Hồ Chí Minh sở hữu nhiều điều kiện trong việc làm đầu tàu chiến lược xây dựng trung tâm tài chính (Ảnh minh họa) |
“Chính quyền TP Hồ Chí Minh cam kết sẽ đồng hành cùng Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, các chuyên gia trong và ngoài nước để kiến tạo trung tâm tài chính toàn diện, nơi quy tụ các dòng vốn chất lượng, tri thức sáng tạo, đột phá với chuẩn mực quốc tế”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cam kết.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính, nhằm rút ra bài học và gợi ý chính sách cho Việt Nam, các mô hình thành công, khuôn khổ pháp lý và chiến lược phát triển của các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới; yếu tố then chốt làm nên sự thành công của các trung tâm này.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Standard Chartered được vinh danh Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2025 - RBI Asia Trailblazer 2025

Xử lý thông tin báo chí phản ánh về giá thịt lợn

Đa dạng hóa nguồn vốn, tối ưu hóa tổ chức bộ máy và quy trình quản trị để phục vụ tốt nhất cho người nghèo

Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2025 đạt nhiều kỷ lục

Sacombank ký hợp tác nâng cao kiến thức tài chính số cho giới trẻ

Standard Chartered điều chỉnh dự báo tỷ giá USD-VND, phản ánh xu hướng kinh tế thay đổi

TP Hồ Chí Minh đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc

Khai mạc Tuần lễ sản phẩm Thái Lan tại Hải Phòng

TP Hồ Chí Minh: Tập trung phát triển kinh tế đêm tại Quận 1
