Sứ mệnh phát triển kinh tế tư nhân
Hành trình từ “phi chính thống” đến động lực chủ lực
Gần 40 năm sau công cuộc đổi mới (1986), Việt Nam đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân - một bộ phận từng bị xem nhẹ và chịu nhiều định kiến trong cơ cấu nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Từ chỗ chủ yếu là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực kinh tế tư nhân đã từng bước phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, đóng góp ngày càng quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm và ổn định xã hội.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định vị thế và thương hiệu quốc gia thông qua đầu tư quốc tế, nâng tầm ảnh hưởng và giá trị thương hiệu trong nước lẫn trên thương trường quốc tế (Ảnh: Công nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) vận hành dây chuyền sản xuất ô tô tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam) |
Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 940.000 doanh nghiệp tư nhân và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, sử dụng tới 82% lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Đây là minh chứng rõ ràng cho vai trò ngày càng lớn của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Không chỉ phát triển về quy mô, nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu trong nước, đồng thời vươn tầm khu vực và quốc tế. Các tập đoàn lớn như Vingroup, Thaco, Hòa Phát, Sungroup, Masan, T&T Group... đã đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics, y tế - giáo dục chất lượng cao, công nghệ số, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch... và đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” nội tại chưa được tháo gỡ để có thể thực sự bứt phá. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính yếu, trình độ quản trị và công nghệ còn thấp; năng suất lao động và hiệu quả hoạt động chưa cao.
Tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn rất khiêm tốn. Sự liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa chặt chẽ, tạo ra những đứt gãy trong chuỗi cung ứng nội địa.
Nguyên nhân của tình trạng này - như Nghị quyết số 68-NQ/TW đã chỉ rõ - đến từ nhiều tầng nấc: Tư duy, nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân chưa đầy đủ; thể chế pháp luật còn nhiều bất cập; chính sách thiếu đồng bộ; cơ chế giám sát nặng tính hành chính; môi trường kinh doanh thiếu minh bạch... cùng với những rào cản vô hình như định kiến xã hội và áp lực pháp lý.
![]() |
Dây chuyền hàn tự động bằng robot tại nhà máy Thaco-Mazda (Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam) |
Từ những rào cản hiện hữu, một câu hỏi lớn đặt ra: Làm thế nào để giải phóng hoàn toàn sức sản xuất trong Nhân dân? Làm thế nào để kinh tế tư nhân không chỉ có chỗ đứng mà còn giữ vai trò chủ lực, được bảo vệ, khích lệ và thúc đẩy vươn xa? Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã trả lời rõ ràng cho câu hỏi này.
Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới. Đây là một văn kiện chính trị đặc biệt quan trọng, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy chiến lược phát triển kinh tế của Đảng; đồng thời là sự tiếp nối nhất quán từ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) năm 2017, với thông điệp rõ ràng: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Điểm đột phá đầu tiên của Nghị quyết là định vị lại vai trò trung tâm của khu vực tư nhân. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân được khẳng định là một trong những động lực quan trọng nhất, cùng với kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể tạo thành 3 trụ cột chủ lực, bảo đảm tính độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng và thực chất.
Nghị quyết đặt ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Theo đó, cả nước phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 20 doanh nghiệp trên mỗi nghìn dân; tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực tư nhân đạt từ 10 - 12% mỗi năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Khu vực này sẽ đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, chiếm 35 - 40% tổng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho 84 - 85% tổng số lao động xã hội.
Đồng thời, Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; năng suất lao động khu vực tư nhân tăng bình quân từ 8,5 - 9,5% mỗi năm; trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đạt nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 5 nước hàng đầu khu vực Châu Á.
![]() |
Khu vực kinh tế tư nhân đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng (Ảnh: NLĐ) |
Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững; chủ động tham gia các chuỗi sản xuất toàn cầu, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế, với trên 3 triệu doanh nghiệp đang hoạt động và đóng góp hơn 60% GDP.
Khai thông tư duy, khơi dậy nội lực
Để hiện thực hóa những mục tiêu đầy khát vọng đó, Nghị quyết số 68 đề ra một hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện và có tính đột phá. Trước hết, cần xóa bỏ triệt để mọi định kiến về khu vực tư nhân; khẳng định rõ vai trò, vị thế và đóng góp thiết thực của lực lượng này đối với phát triển đất nước. Đồng thời, Nhà nước cần tôn trọng, bảo vệ doanh nhân như những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế - những người kiến tạo việc làm, sản phẩm, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh quốc gia.
Song hành với tư duy mới là thể chế mới. Nghị quyết yêu cầu đảm bảo đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng theo đúng tinh thần pháp quyền; tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, minh bạch, ổn định và có thể dự báo.
Cải cách hành chính tiếp tục được nhấn mạnh như một trụ cột. Thủ tục đơn giản, quy trình rõ ràng, phân cấp, phân quyền, phân nhiệm vụ cần cụ thể, hiệu quả. Cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp phải bị xử lý nghiêm minh, công khai.
Bên cạnh đó, Nghị quyết yêu cầu chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kéo dài, không cần thiết; chuyển dần sang thanh tra số, kiểm tra từ xa dựa trên nền tảng dữ liệu số; hạn chế tối đa việc can thiệp trực tiếp vào hoạt động thường nhật của doanh nghiệp.
![]() |
Công nhân Công ty Cổ phần Kim Long Motor Huế vận hành robot tại nhà máy sản xuất ô tô (Ảnh: Kim Long Motor Huế) |
Về pháp lý, cần sửa đổi đồng bộ các quy định về hình sự, dân sự, tố tụng... theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự - kinh tế. Ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính trước khi xem xét trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, phải tuân thủ nguyên tắc không áp dụng hồi tố những quy định pháp luật gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhằm đảm bảo sự ổn định và minh bạch trong môi trường đầu tư.
Ngoài ra, Nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, đất đai, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, phải xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với hệ thống viện nghiên cứu, trường đại học, quỹ đầu tư, trung tâm hỗ trợ công nghệ... để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới là bài toán chiến lược để giải phóng nguồn lực trong dân, nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp, sáng tạo, tạo động lực cho nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - những động lực mới của thế kỷ XXI.
Sự thành công của Nghị quyết số 68 sẽ phụ thuộc vào quyết tâm, hành động thống nhất của toàn hệ thống chính trị, sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp và tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ công quyền. Không thể có một môi trường kinh doanh lành mạnh nếu doanh nghiệp vẫn bị làm khó, nhũng nhiễu chưa được dẹp bỏ, doanh nhân còn đứng trước rủi ro pháp lý.
Cần một văn hóa pháp quyền hiện đại, trong đó quyền sở hữu, quyền kinh doanh, quyền cạnh tranh và đổi mới sáng tạo được thượng tôn, bảo vệ và cổ vũ. Trong văn hóa ấy, quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp không chỉ là quản lý - phục tùng, mà là đồng hành - đối tác.
![]() |
Xe điện VinFast trên dây chuyền kiểm tra cuối cùng trước khi đưa ra thử nghiệm các tình huống thực tế |
Thực tiễn cho thấy, không có quốc gia thịnh vượng nào thiếu đi sự lớn mạnh của tầng lớp doanh nhân bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức và có tầm nhìn toàn cầu. Việt Nam cũng không thể là ngoại lệ.
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị là dấu mốc tư duy mới, mở ra giai đoạn kiến tạo thể chế và môi trường phát triển thực chất cho kinh tế tư nhân. Đã đến lúc trao niềm tin, gỡ điểm nghẽn, hành động kịp thời. Chỉ khi đó, khu vực tư nhân mới thực sự trở thành cỗ máy tăng trưởng, là nguồn lực quốc gia và lực lượng kiến tạo phồn vinh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tin liên quan
Đọc thêm

Nhu cầu vàng trên thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh?

Văn Phú – Invest ủng hộ 720 triệu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong mùa nắng nóng

Vinamilk "tung" mới gần 20 sản phẩm trong quý đầu năm 2025

EVNHCMC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo cho “Ngày hội non sông”

Du khách phấn khích check-in với quầy buffet thời bao cấp tại Ba Na Hills

Vinamilk hoà cùng niềm vui của ngày hội thống nhất non sông

SABECO trong dòng chảy đầy tự hào và vinh quang của Việt Nam

BSR doanh thu gần 32.000 tỷ đồng trong quý I/2025
