Tag

Quốc hội cần bức tranh nợ xấu rõ nét hơn

Kinh tế 18/04/2022 11:00
aa
TTTĐ -Chính sách thí điểm xử lý nợ xấu có được gia hạn và gia hạn bao lâu vẫn cần chờ quyết định của Quốc hội và quyết định này cần dựa trên một bức tranh nợ xấu rõ nét hơn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về chính sách thí điểm xử lý nợ xấu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về chính sách thí điểm xử lý nợ xấu

Kết quả hết sức hạn chế

Tuần qua, trong phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Đây là cơ sở để nội dung này được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022), tránh khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu, như trình bày của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Thế nhưng, sự cần thiết phải gia hạn Nghị quyết số 42 cũng như thời gian gia hạn mà Thống đốc trình bày, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lại chưa thực sự rõ ràng, thuyết phục.

Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định, việc thực hiện Nghị quyết 42 đã đạt được kết quả quan trọng và nêu tới hàng trăm con số để chứng minh cho nhận định này. Chẳng hạn, tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng, giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017).

Nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực là khoảng 251.000 tỷ đồng. Những cơ chế, chính sách thí điểm xử lý nợ xấu nếu không được tiếp tục triển khai, thì dự kiến nợ xấu theo Nghị quyết số 42 có thể tăng lên mức 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 453.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024...

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, "nói là giảm được 17% nghe rất chán!". Ông Định phân tích, tại thời điểm ban hành Nghị quyết về nợ xấu là 542.000 tỷ đồng, sau đó phát sinh thêm 251.000 tỷ đồng nữa là 793.000 tỷ đồng. Đã giải quyết được 380.200 tỷ đồng, tức là đã giải quyết được 48% và cần phải báo cáo Quốc hội con số này.

“Một nghị quyết ra đời mà anh xử lý chỉ được bốn mấy phần trăm (nợ xấu - PV), mà lại còn đẻ ra đến mấy chục phần trăm nữa. Thành ra lũy kế anh chỉ xử lý được 17% thì kết quả hết sức hạn chế. Ta cứ nói thẳng như thế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét.

Nhận xét chung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người từng trải qua cả hai cương vị Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: “Nhiều con số trong báo cáo không có giá trị gì, đọc nó rối, mình trong nghề đọc còn thấy rối, thì người khác đọc thế nào, như vào mê hồn trận”.

Ngân hàng Nhà nước cung cấp quá nhiều con số, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội thì vẫn thiếu những thông tin quan trọng. Vì thế, để Quốc hội có đầy đủ cơ sở quyết định “số phận” Nghị quyết 42, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, hồ sơ trình Quốc hội không chỉ nêu những con số tổng thể, mà phải làm rõ kết quả xử lý của từng lĩnh vực, rồi kết quả của khối ngân hàng thương mại nhà nước thế nào, khối các ngân hàng khác ra sao cũng cần cụ thể.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phân tích xem trong kết quả chung thì trích lập dự phòng bao nhiêu, bán nợ sang Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) bao nhiêu, VAMC chuyển trở lại cho tổ chức tín dụng xử lý là bao nhiêu, mua nợ theo thực tế thị trường thế nào...

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, còn cần làm rõ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, cho vay BOT, chứng khoán, nợ xấu liên quan đến trái phiếu của doanh nghiệp mà ngân hàng là các trái chủ. Trong đó, về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, riêng năm 2021 đã hơn 700.000 tỷ đồng, trong đó 44% về lĩnh vực bất động sản.

“Đánh giá kỹ chỗ này để xem trách nhiệm của các tổ chức, các cơ quan và bản thân các tổ chức tín dụng thực hiện Nghị quyết 42 như thế nào rồi từ đó mới nói chuyện cho kéo dài hay không kéo dài”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cấp bách hoàn thiện khung khổ pháp lý

Cho biết quá trình thực hiện Nghị quyết 42 còn khá nhiều khó khăn, vướng mắc, song Ngân hàng Nhà nước không đề xuất sửa đổi bất cứ chữ nào của Nghị quyết này, mà chỉ xin được kéo dài đến tháng 8/2024.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra đề xuất này), cần sửa 2 nội dung cấp thiết và khả thi. Một là, bổ sung phạm vi áp dụng là các khoản nợ được hình thành sau ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực. Hai là, bổ sung đối tượng áp dụng các cơ chế xử lý nợ xấu tại Nghị quyết là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), trực thuộc Bộ Tài chính, tương tự như VAMC.

Tuy nhiên, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không sửa đổi nội dung nào của Nghị quyết 42 và chỉ kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết này đến hết năm 2023. Lý do là, đã đến lúc cần xây dựng dự án luật điều chỉnh về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tài sản bảo đảm, theo đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV.

“Trong dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chính phủ cũng chưa có đề xuất về dự án luật này. Điều 19 của Nghị quyết 42 đã yêu cầu Chính phủ phải báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 tại kỳ họp thứ ba và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, như thế là không đảm bảo tiến độ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 42”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng sốt ruột.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích, Luật Xử lý nợ xấu hay Nghị quyết xử lý nợ xấu chỉ là giải pháp cấp bách nhất thời trong lúc khủng hoảng kinh tế, nợ xấu quá mức, không thể có luật quy định chính sách đặc biệt mãi mãi được. Vì thế, ngay kỳ họp thứ ba của Quốc hội, cần báo cáo tư tưởng, định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo.

Cũng sốt ruột, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời điểm này phải đề xuất cụ thể để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ, chứ không phải bây giờ mới xin chủ trương.

“Nhiệm vụ về hoàn thiện pháp luật tới đây phải sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng và các luật liên quan trở thành trạng thái bình thường, chứ không ai cũng ỷ lại việc này (Nghị quyết 42 - PV), biến nó thành một công cụ nữa thì cuối cùng trì trệ hết cả hệ thống", ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Chốt lại, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ bổ sung vào báo cáo tổng kết Nghị quyết 42 tiến độ, thời gian xây dựng khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo trình Quốc hội xem xét ban hành thay thế Nghị quyết 42.

Ông Hải cũng đề nghị Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan nghiên cứu, đề xuất nội dung dự kiến luật hóa cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng và các luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo, như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Quản lý thuế, Luật Thi hành án dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính để trình Quốc hội chậm nhất là kỳ họp đầu năm 2023.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc tha thiết xin gia hạn Nghị quyết 42 đến tháng 8/2024

Chỉ trong ít phút phát biểu cuối phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng có tới 4 lần tha thiết mong được kéo dài Nghị quyết 42 đến tháng 8/2024. Vì, để xây dựng luật về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo, cần ít nhất từ 2 đến 3 kỳ họp của Quốc hội. Trong khi đó, trong năm nay và năm sau, Ngân hàng Nhà nước còn dự định xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền và Luật về bảo hiểm tiền gửi.

Đọc thêm

GITEX mở rộng đến Việt Nam, khơi dậy tiềm năng nền kinh tế số quốc gia trị giá 200 tỷ USD Kinh tế

GITEX mở rộng đến Việt Nam, khơi dậy tiềm năng nền kinh tế số quốc gia trị giá 200 tỷ USD

TTTĐ - GITEX - thương hiệu triển lãm công nghệ lớn nhất và được đánh giá cao nhất thế giới - chính thức thông báo sẽ mở rộng sang thị trường Việt Nam, hứa hẹn đưa hệ sinh thái công nghệ đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam bước vào kỷ nguyên hợp tác và đổi mới toàn cầu mới đầy sôi động.
Quảng Ninh bứt tốc từ quý I, sẵn sàng kịch bản tăng trưởng 2025 Kinh tế

Quảng Ninh bứt tốc từ quý I, sẵn sàng kịch bản tăng trưởng 2025

TTTĐ - Năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 14% trở lên. Để đạt được mục tiêu đó, Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch thực hiện chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 cụ thể theo từng quý. Kết thúc quý I/2025, GRDP của Quảng Ninh tăng 10,91%, cao hơn 0,41% so với kịch bản, đây là bước đà để Quảng Ninh đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong quý II/2025 lên 12,14%.
Vinamilk hoà cùng niềm vui của ngày hội thống nhất non sông Doanh nghiệp

Vinamilk hoà cùng niềm vui của ngày hội thống nhất non sông

TTTĐ - Chuỗi hoạt động mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với các sự kiện chính diễn ra trong hai ngày 29 - 30/4, thu hút hàng trăm ngàn người náo nức tham gia. Trong chuỗi hoạt động đó, Vinamilk đã đồng hành cùng các khoảnh khắc hân hoan mừng đại lễ tại TP Hồ Chí Minh, tiếp thêm dinh dưỡng cho các lực lượng và người dân.
Hải Dương có 75 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao Nông thôn mới

Hải Dương có 75 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

TTTĐ - UBND tỉnh Hải Dương vừa quyết định công nhận thêm 23 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.
Lan tỏa tinh thần gắn kết trong đội ngũ công nhân, người lao động Kinh tế

Lan tỏa tinh thần gắn kết trong đội ngũ công nhân, người lao động

TTTĐ - Tháng Công nhân không chỉ là chuỗi sự kiện thường niên mà là hành trình lan tỏa tinh thần gắn kết, tri ân và nâng cao nhận thức về vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Với nhiều hoạt động thiết thực, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cùng các cấp công đoàn đã hành động cụ thể, chăm lo sát sườn đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
SABECO trong dòng chảy đầy tự hào và vinh quang của Việt Nam Doanh nghiệp

SABECO trong dòng chảy đầy tự hào và vinh quang của Việt Nam

TTTĐ - Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để ôn lại chặng đường hào hùng, đấu tranh vì độc lâp - tự do - hạnh phúc và phấn đấu xây dựng, kiến thiết đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trên hành trình ấy, không ít doanh nghiệp đã đồng hành mở ra chương mới cho sự phát triển đầy tự hào và vinh quang của dân tộc. Trong đó, SABECO, chính là một thương hiệu mạnh gắn bó với đất nước, con người và văn hóa Việt Nam như một phần máu thịt.
Siêu thị “tung” ưu đãi khủng mừng đại lễ 30/4 Thị trường - Tài chính

Siêu thị “tung” ưu đãi khủng mừng đại lễ 30/4

TTTĐ - Hòa cùng không khí hân hoan cả nước kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt tổ chức chương trình giảm giá khuyến mại lên đến 50% cho hàng nghìn mặt hàng, giúp người tiêu dùng yên tâm mua sắm mà không phải băn khoăn về giá.
BSR doanh thu gần 32.000 tỷ đồng trong quý I/2025 Kinh tế

BSR doanh thu gần 32.000 tỷ đồng trong quý I/2025

TTTĐ - Mặc dù giá dầu thế giới biến động khó lường, BSR vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2025 với doanh thu gần 32.000 tỷ đồng, khẳng định năng lực quản trị và khả năng thích ứng với biến động thị trường của một trong những doanh nghiệp đầu tàu ngành lọc hóa dầu Việt Nam.
Chủ động làm việc với phía Hoa Kỳ về các vấn đề đàm phán Kinh tế

Chủ động làm việc với phía Hoa Kỳ về các vấn đề đàm phán

Ngày 29/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để rà soát các công việc chuẩn bị đàm phán thương mại với phía Hoa Kỳ.
PVCFC: Đột phá trong chuẩn mực quốc tế và mục tiêu Net Zero Nhịp sống phương Nam

PVCFC: Đột phá trong chuẩn mực quốc tế và mục tiêu Net Zero

TTTĐ - PVCFC ra mắt báo cáo phát triển bền vững 2024 đây được đánh giá là bước tiến đột phá trong chuẩn mực quốc tế và mục tiêu Net Zero.
Xem thêm