Nỗi lo nạn đuối nước ở trẻ em mỗi dịp hè
Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm
Cứ mỗi dịp hè đến, nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước với trẻ em, học sinh lại tăng cao. Hầu hết trẻ em đều thích nước vì đó là môi trường để vui chơi, khám phá nhiều điều mới lạ nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.
Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay rơi vào thời điểm nắng nóng. Do đó người dân đổ xô đến các bãi biển, sông suối vui chơi, tắm mát. Trong 5 ngày nghỉ lễ, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước làm nhiều người gặp tai nạn, tử vong, mất tích ở môi trường nước tại các địa phương.
Cụ thể, Quảng Ngãi là địa phương có số người gặp tai nạn, tử vong, mất tích do đuối nước cao nhất cả nước. Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận 20 trường hợp bị đuối nước. Các lực lượng chức năng và người dân tại địa phương đã ứng cứu được 16 người, còn lại 4 trường hợp tử vong và mất tích.
Những vụ đuối nước đều xảy ra tại các bãi tắm tự phát, không có lực lượng cứu hộ. Cả 4 nạn nhân đều là học sinh. Đến nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy 2 thi thể trong số 4 nạn nhân mất tích nêu trên.
Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tại các tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Lâm Đồng cũng ghi nhận các trường hợp tử vong do đuối nước. Nạn nhân đuối nước tại Phú Yên là em N.M.N. (13 tuổi, trú tại thị xã Đông Hòa). Em N. đến hồ Hóc Răm (huyện Tây Hòa) tắm rồi bị đuối nước tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong thập kỷ vừa qua đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người, là một trong những nguyên nhân hàng đầu về tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi trên thế giới.
Tại Việt Nam, hằng năm đều có nhiều trẻ em tử vong do đuối nước, thậm chí nhiều trẻ biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm, hoặc do cứu bạn. Các vụ trẻ em đuối nước xảy ra tập trung vào những tháng hè, đặc biệt khi trẻ em chuẩn bị nghỉ hè.
Phần lớn vụ đuối nước là do các em rủ nhau đi bơi, đi tắm, đi chơi gần khu vực có nước và bị trượt chân, vào thời gian nghỉ học ở nhà và không có sự giám sát, quản lý của người lớn...
Theo thống kê, tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (chiếm 76,6%), tại gia đình (22,4%) và trong trường học (1%). Đuối nước xảy ra nhiều ở các vùng thôn quê, nơi có nhiều ao, hồ, sông suối, mương máng, nơi vắng người qua lại, hoặc ở bãi biển, khu du lịch.
![]() |
Cùng với việc nâng cao nhận thức và dạy trẻ kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân, mỗi gia đình cần quản lý hoạt động vui chơi của trẻ thật tốt, nhất là trong dịp hè |
Theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân xảy ra tình trạng đuối nước ở trẻ em, học sinh là do môi trường sống thiếu an toàn, nhiều ao, hồ, sông, suối; thiên tai, lũ lụt, lũ cuốn, sạt lở, bão, giông... Đồng thời là do cha mẹ, người lớn chủ quan, lơ là trong việc theo dõi, giám sát, quản lý trong thời gian các em được nghỉ học, ở nhà, để các em tự do rủ nhau đi chơi, đi bơi.
Một số học sinh không biết bơi nhưng vẫn tự ý đi tắm, đi bơi hoặc rủ nhau chơi, đùa ở những nơi gần ao hồ, sông suối. Trong khi đó, nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em còn thiếu, nhiều địa phương, nhà trường chưa bố trí kinh phí thực hiện công tác này. Nhiều nơi hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em thực hiện chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác của các ngành, địa phương.
Tổ chức dạy bơi an toàn là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả để phòng tránh đuối nước ở trẻ em, học sinh nhưng hiện còn không ít hạn chế. Do chưa có điều kiện tổ chức dạy bơi cho học sinh, nên hiện nay việc triển khai phòng, chống đuối nước đang được các trường chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Tỷ lệ trường học tổ chức dạy bơi cho học sinh còn rất thấp do thiếu bể bơi, thiếu thiết bị, điều kiện. Đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phòng, chống tai nạn, thương tích đuối nước trong nhà trường chủ yếu là kiêm nhiệm, còn yếu và thiếu về kiến thức, kỹ năng, khó khăn về phương tiện triển khai thực hiện…
Cần trang bị kỹ năng an toàn cho trẻ
Nhằm tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh, nâng cao năng lực tự phòng ngừa, tự bảo vệ của học sinh trước nguy cơ bị đuối nước, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1717/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 – 2035. Chương trình cũng nhằm bảo đảm điều kiện và tổ chức hiệu quả việc dạy bơi an toàn cho học sinh để tăng tỷ lệ học sinh biết bơi và biết kỹ năng phòng, chống đuối nước, góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh bị đuối nước.
![]() |
Hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ |
Theo đó, Chương trình phấn đấu đến năm 2030, 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các cá nhân liên quan được truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh và đạt tỷ lệ 100% vào năm 2035.
Đến năm 2030, 70% học sinh được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước và đạt tỷ lệ 90% vào năm 2035.
Đến năm 2035, tối thiểu 30% trường tiểu học, 25% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có bể bơi (cố định hoặc di động) và duy trì hoạt động hiệu quả. 70% xã/phường/thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn.
Đến năm 2030, mỗi trường có ít nhất 2 giáo viên được bồi dưỡng, cấp chứng nhận và có đầy đủ năng lực để tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh và đạt ít nhất 3 giáo viên vào năm 2035.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho học sinh; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc tổ chức dạy bơi an toàn trong trường học.
Bên cạnh đó, Chương trình yêu cầu đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi và kinh phí chi thường xuyên cho các nhà trường; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và người làm công tác y tế trường học; tăng cường phối hợp liên ngành giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân liên quan; xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá.
Tin liên quan
Đọc thêm

Quân chủng Hải quân đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3

Hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà cho đoàn viên Công đoàn huyện Sóc Sơn

Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới

Không để cơ chế chấp nhận rủi ro trở thành lá chắn trục lợi

Người dân nên tìm hiểu thông tin từ các nguồn tin chính thống

Để an toàn lao động trở thành văn hóa của mỗi doanh nghiệp...

Khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025

Huyện Sóc Sơn phát động ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”

Điện Biên sắp khánh thành Cột cờ A Pa Chải
