“Nhiều doanh nghiệp nói muốn kiện cơ quan Hải quan lắm nhưng không dám”
Chấm điểm chất lượng phục vụ của Hải quan Quảng Ninh qua phần mềm |
Sáng 15/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Một số phát hiện từ kết quả khảo sát năm 2020”.
Dựa trên kết quả phản hồi của 3.657 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất xuất khẩu, gia công, chế xuất, dịch vụ logistics và đại lý hải quan…, báo cáo đã nói lên tình hình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá cao những cải cách của cơ quan Hải quan trong thời gian qua.
Mặc dù vậy, theo bà Thảo vẫn còn một số vấn đề như xác định giá trị hải quan và xác định mã HS (mã số để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu) khiến doanh nghiệp còn phàn nàn.
Theo bà Thảo, hiện nay các cơ quan đã cố gắng cụ thể hóa mã số HS đối với các mặt hàng đến 8 số, chỉ còn một số mặt hàng mà chưa thống nhất giữa các Bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan Hải quan.
Lấy ví dụ về lĩnh vực y tế, bà Thảo cho biết, mã số HS của các Bộ quản lý chuyên ngành lại khác với cơ quan Hải quan, dẫn đến mức thuế khác nhau và do đó gây khó khăn cho doanh nghiệp, vấn đề này các công ty logistics cũng gặp rất nhiều.
Về vấn đề xác định trị giá hàng hoá khi khai hải quan không thống nhất giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp là câu chuyện tồn tại lâu.
Theo bà Thảo, tới đây có thể cơ quan Hải quan sẽ có những nghiên cứu về cơ chế trong việc xác định trị giá hải quan để đảm bảo doanh nghiệp khi áp mức giá họ sẽ không bức xúc.
![]() |
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
"Có rất nhiều doanh nghiệp họ cũng chia sẻ thẳng thắn là chúng tôi muốn kiện cơ quan Hải quan lắm nhưng mà không dám kiện", bà Thảo nói và cho rằng đây có thể là một trong những gợi ý để cơ quan Hải quan có thể nghiên cứu lại hệ thống xác định giá trị hải quan.
Tại Hội thảo, trình bày về báo cáo nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho biết, qua khảo sát, các doanh nghiệp ghi nhận một số cải cách lớn của cơ quan Hải quan như việc giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động,
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đánh giá cao hơn về chất lượng phục vụ doanh nghiệp của cán bộ, công chức Hải quan so với những năm trước. Mức độ thực hiện kỷ cương, tác phong làm việc và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức Hải quan đều có những chuyển động tích cực.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, quản lý chuyên ngành vốn trước đây có nhiều phàn nàn của các doanh nghiệp, thì trong khảo sát 2020 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực, các doanh nghiệp vẫn phàn nàn còn nhiều thủ tục vẫn gây trở ngại, trong đó đơn cử như kiểm tra sau thông quan, tình trạng kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra chồng chéo hay như việc doanh nghiệp bị yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định.
“Nội dung tương đối nóng là thủ tục liên quan xác nhận mã hàng hoá HS và trị giá hải quan”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, qua phản ánh trực tiếp hàng nghìn doanh nghiệp thủ tục xác nhận mã HS và trị giá hải quan là vấn đề lớn được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Ông Tuấn lấy dẫn chứng cho biết, nếu như năm 2018 tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó trong thủ tục xác định mã HS giai đoạn trước khi khai hải quan ở mức 66,3% thì kết quả điều tra năm 2020 lên đến 76,2%.
Theo ông Tuấn, cứ 10 doanh nghiệp được hỏi thì có gần 5 doanh nghiệp cho biết gặp trở ngại ở khâu xác định trị giá hàng hoá. “Việc áp dụng mã HS nhiều khi không thống nhất giữa chính các cơ quan Hải quan với nhau. Nhiều lúc doanh nghiệp bị truy thu xử phạt do cách hiểu khác nhau giữa các công chức Hải quan thực thi”, ông Tuấn nói.
Chính vì vậy, ông Tuấn cho biết, các doanh nghiệp đề nghị cần tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác giải đáp vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Cơ quan Hải quan và các Bộ, ngành cũng cần nâng cao năng lực giải quyết công việc và tăng cường kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức Nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng muốn cơ quan Hải quan và các Bộ, ngành cần cải thiện hiệu quả công tác phối hợp trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu chi phí tuân thủ bất hợp lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cả chuỗi thủ tục xuất nhập khẩu.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

BIDV Run - Vì cuộc sống Xanh, kiến tạo giá trị vững bền

Thủ tướng Chính phủ dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên

Co-opBank phải sớm trở thành một định chế tài chính đa năng, hiện đại

Khẳng định năng lực nhà thầu Việt trong thời kỳ mới

Meey Group lại được vinh danh tại Sao Khuê 2025

Chặng đường 30 năm, Co-opBank sải cánh vươn xa, vươn cao

PGBank giữ vững đà tăng trưởng trong quý I/2025

Nestlé Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập

Đẩy mạnh quá trình số hóa toàn diện và quyết liệt
