Người trẻ hào hứng với tục khai bút đầu năm
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự lễ khai bút đầu năm tại thị xã Sơn Tây 2023 khai bút ngày nào để cả năm may mắn? |
Nét đẹp truyền thống
Mỗi năm, vào dịp Tết đến xuân về, nhiều gia đình Việt Nam lại cùng nhau thực hiện nghi thức khai bút. Khai bút đã trở thành nét đẹp văn hóa được gìn giữ, chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, tết này sang tết khác bất chấp mọi thăng, trầm của lịch sử. Dù không phải là một yêu cầu bắt buộc, nhưng nghi thức này thể hiện tinh thần hiếu học của dân tộc, đã được gìn giữ và phát huy suốt hàng nghìn năm qua.
Theo phong tục này, cứ sau giao thừa, khoảnh khắc khép lại năm cũ, mở ra năm mới, người khai bút chọn một giờ tốt, ăn mặc chỉnh tề, ngồi ngay ngắn trước bàn, chuẩn bị bút và giấy, viết những câu thơ, lời chúc hoặc những điều tốt đẹp cho năm mới. Hành động này không chỉ mang ý nghĩa cầu xin may mắn, thành công trong học hành, công việc mà còn thể hiện tâm tư, nguyện vọng của mỗi người.
![]() |
Khai bút đầu xuân là phong tục đẹp, mang chiều sâu ý nghĩa nhân văn trong truyền thống văn hóa Việt |
Năm nào cũng hào hứng khai bút đầu năm cùng em gái, Lương Minh Anh (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Mỗi năm, tôi luôn dành thời gian sau giao thừa để khai bút. Đó là lúc tôi nhìn lại những gì đã đạt được và lên kế hoạch cho tương lai. Viết ra những ước mơ giúp tôi cảm thấy quyết tâm hơn để thực hiện chúng.” Sự hào hứng của Minh Anh cũng là tâm tư của rất nhiều bạn trẻ khác, khi họ coi khai bút như một phong tục, văn hóa không thể thiếu trong dịp Tết.
Đối với nhiều người trẻ, việc khai bút đầu năm không chỉ là một phong tục mà còn là một cơ hội để thể hiện bản thân. Họ thường viết những câu thơ, câu châm ngôn hay những kế hoạch cho năm mới, như một cách để khẳng định quyết tâm và hướng đi của mình. Điều này không chỉ mang lại niềm vui mà còn tạo động lực cho họ trong suốt cả năm.
![]() |
Rất nhiều bạn trẻ gửi gắm nguyện vọng vào những dòng khai bút đầu năm |
Chuẩn bị sẵn giấy, bút trước giờ đẹp, Nguyễn Văn Song Phúc (22 tuổi ở quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Ngay từ thuở nhỏ, dịp tết đến, xuân về, ông bà, cha mẹ thường nhắc nhở chúng tôi chọn một ngày đẹp trong 3 ngày tết, giở bài vở ra đọc và viết vài chữ “khai bút” với mong muốn việc học hành trong năm mới tiến bộ. Sau này lớn lên, tôi vẫn tiếp tục thực hiện phong tục này. Khi khai bút đầu năm, mình viết những lời chúc tết hoặc mục tiêu học tập cho năm mới để lấy đó làm động lực phấn đấu”.
Muôn kiểu khai bút
Thời điểm khai bút cũng tùy quan niệm của mỗi người, có nhiều người quan niệm nên khai bút ngày sau giao thừa, có người lại cho rằng chỉ cần chọn giờ đẹp, ngày đẹp hay thời điểm phù hợp với mình.
Không phải năm nào cũng khai bút sau giao thừa, Minh Anh chia sẻ: “Mỗi năm, em thường chọn khai bút vào ngày mùng 3 tết. Theo quan niệm ông bà ta xưa nay có câu “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”, bởi vậy, khai bút vào mùng 3 em mong muốn những điều tốt đẹp trong học tập và mong muốn phát huy truyền thống “tôn sự trọng đạo” của dân tộc ta. Việc khai bút đầu xuân giúp em thấy hứng khởi, có nhiều năng lượng tích cực để bắt đầu một năm mới và đạt mục tiêu mình đề ra trong năm học.
Trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phong tục khai bút đầu xuân đang có những biến tấu sáng tạo nhưng vẫn giữ nguyên mục đích và ý nghĩa tốt đẹp. Nhiều bạn trẻ không chỉ viết những dòng chữ đầu tiên của năm mới trên giấy mà còn khai bút trên Facebook, với hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân và gia đình.
Đã khai bút, chúc mừng năm mới qua facebook cá nhân, chị Nguyễn Ngọc Mai ở quận Thanh Xuân tâm sự: “Khai bút đầu năm là truyền thống tốt đẹp của cha ông ta. Theo thời gian, tôi thấy tục khai bút có nhiều thay đổi, không chỉ gắn với cây bút, trang giấy mà nhiều người hiện nay còn sử dụng các phần mềm trên điện thoại thông minh”
![]() |
Không ít bạn trẻ tự tay viết thư pháp trong ngày đầu năm mới |
Bên cạnh việc thể hiện cá nhân, tục lệ khai bút còn giúp giới trẻ kết nối với giá trị văn hóa của dân tộc. Việc tham gia vào những phong tục truyền thống giúp họ cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của ngày Tết, từ đó phát huy lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều nhóm sinh viên còn tổ chức các hoạt động liên quan đến văn hóa như viết thư pháp, làm giấy handmade để tăng thêm phần thú vị cho buổi khai bút.
Tục lệ khai bút đầu năm không chỉ là một phong tục truyền thống mà còn là một cách để người trẻ thể hiện bản thân, khẳng định ước mơ và kết nối với giá trị văn hóa. Trong bối cảnh hiện đại, khi mọi thứ trở nên nhanh chóng và bận rộn, phong tục này càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tuổi trẻ Quảng Trị hiến kế phát triển nông nghiệp xanh, công nghệ cao

Những con số ấn tượng trong Tháng Thanh niên 2025

Cán bộ trẻ cùng tiếng Anh bước vào kỷ nguyên vươn mình

Thiết kế là cách em kể câu chuyện của mình

Xây dựng Nông thôn mới bằng bản sắc và khát vọng tuổi trẻ

Thanh niên nghe chuyện lịch sử, viết tiếp tương lai

Khi người trẻ trở thành nguồn cảm hứng lan tỏa mạnh mẽ cho xã hội

Tô thắm Thủ đô bằng "Màu cờ tôi yêu"

Hàng trăm nghìn công trình, phần việc thanh niên các cấp được triển khai
