Người trẻ Hà Nội ủng hộ “khai tử” túi nilon
Thúc đẩy giải pháp thay thế đồ nhựa hiệu quả Người trẻ cùng thay đổi thói quen dùng túi nilon Giảm thiểu, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần |
Sẵn sàng sống không túi nilon
“Mỗi lần đi siêu thị, thay vì lấy túi nilon, mình luôn mang theo túi vải. Thói quen này bắt đầu từ năm nhất đại học, và đến giờ mình thấy nó quá bình thường", Nguyễn Thùy Linh (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) chia sẻ khi vừa mua vài món đồ khô tại một cửa hàng thực phẩm sạch ở phố Trần Quang Diệu.
Linh không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều bạn trẻ Hà Nội đã và đang chọn sống xanh bằng cách bắt đầu từ những thay đổi nhỏ, như từ chối túi nilon. Với họ, giảm phát thải nhựa không còn là một cụm từ mang tính khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể trong từng bữa ăn, lần đi chợ, gói quà, đặt hàng online...
![]() |
Các bạn trẻ tham gia sự kiện "Ngày không sử dụng túi nilon", lan tỏa thông điệp sống xanh, giảm rác thải nhựa tại Hà Nội |
“Mình đi làm thêm ở quán cà phê có chính sách giảm 5.000 đồng cho khách mang cốc cá nhân. Vậy là dần dần mình cũng hình thành thói quen không dùng đồ nhựa một lần", Trần Hữu Khánh, 20 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết. Ngoài giờ học, Khánh còn tham gia một nhóm “Sống xanh Hà Nội”. Đầy là nơi các bạn trẻ cùng chia sẻ kinh nghiệm tái chế rác thải nhựa, làm đồ thủ công từ chai lọ cũ, hay tổ chức hội chợ đổi đồ không rác.
Với giới trẻ, việc từ bỏ túi nilon không quá khó. Trên mạng xã hội, các xu hướng như “eco-lifestyle”, “zero waste challenge” (thử thách không rác thải), “bring your own bag” (mang túi của bạn) được lan truyền rộng rãi. Những chiếc túi tote, hộp đựng cá nhân, cốc thủy tinh trở thành vật dụng không thể thiếu trong balo mỗi ngày.
“Chúng mình còn thi xem ai giữ được thói quen xanh lâu nhất trong tháng. Cũng vui mà lại có ý nghĩa", Linh kể, mắt ánh lên vẻ tự hào.
Vì thế, khi Hà Nội chính thức thông qua Nghị quyết giảm phát thải nhựa, tiến tới ngừng sử dụng túi nilon khó phân hủy tại các chợ và siêu thị vào năm 2028, nhiều bạn trẻ không bất ngờ, thậm chí còn ủng hộ mạnh mẽ. Bởi với họ, đó là điều nên làm từ lâu và hoàn toàn khả thi nếu có sự chuẩn bị từ cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
Người trẻ lan tỏa lối sống xanh
Không dừng lại ở việc từ chối túi nilon, nhiều bạn trẻ Hà Nội đang chủ động lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng bằng chính sáng kiến, hành động và mô hình sáng tạo của mình.
Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, mô hình “Chợ không rác thải” được nhóm sinh viên của CLB Môi trường khởi xướng từ đầu năm 2024. Tại đây, sinh viên đến mua sắm quần áo, sách cũ, đồ dùng học tập… đều được yêu cầu mang theo túi vải, hộp cá nhân. “Mỗi món đồ được trao đi là thêm một sản phẩm không cần đóng gói mới, vừa tiết kiệm, vừa giúp giảm lượng rác thải nhựa đáng kể", bạn Nguyễn Minh Châu – Trưởng nhóm tổ chức cho biết.
![]() |
Một bạn trẻ sử dụng túi vải cá nhân khi đi siêu thị, hành động nhỏ nhưng ý nghĩa trong hành trình giảm phát thải nhựa |
Tương tự, tại các trường phổ thông ở Cầu Giấy, Hà Nội phong trào “Refill Day - Ngày nạp đầy không rác thải” được tổ chức theo tháng. Học sinh mang chai, hộp của mình đến nạp lại nước giặt, dầu gội, nước rửa tay từ các trạm do nhà trường liên kết với các doanh nghiệp cung ứng thân thiện môi trường. Các hoạt động tuy nhỏ nhưng đang tạo ra thói quen mới cho cả gia đình học sinh.
Không ít bạn trẻ còn chuyển mình thành những người sáng tạo nội dung tích cực. Trên TikTok, Instagram hay YouTube, những video hướng dẫn “Cách sống không túi nilon trong 7 ngày”, “Unbox đơn hàng không rác thải”, “Đi chợ cùng hộp - Có gì lạ?” đang thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và chia sẻ.
![]() |
Người dân vẫn sử dụng phổ biến túi nilon tại chợ dân sinh để đựng thực phẩm, rau củ và hàng tiêu dùng hằng ngày |
Bạn Phạm Quốc Duy (24 tuổi), chủ một kênh TikTok chuyên chia sẻ mẹo sống xanh, cho biết: “Mỗi ngày mình cố gắng lan toả một thói quen nhỏ. Ví dụ như cách thay thế túi nilon khi đựng trái cây, hay mẹo tái sử dụng túi giao hàng cũ. Khi người xem thấy dễ thực hiện, họ sẽ bắt đầu thử, rồi duy trì lâu dài".
Những hành động bền bỉ ấy đang dần tạo thành một làn sóng “xanh hóa” lối sống đô thị, nơi người trẻ không chỉ là người thay đổi bản thân, mà còn trở thành chất xúc tác truyền cảm hứng cho cộng đồng.
“Chúng em mong đến 2028, Hà Nội không chỉ bỏ túi nilon vì quy định, mà vì mọi người đã thật sự sẵn sàng", Quốc Duy nói. Một tương lai không túi nilon, đang được gieo mầm từ hôm nay, bởi chính những người trẻ có trách nhiệm và khát vọng.
HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội tại phiên họp sáng 10/7. Nghị quyết nêu rõ: Giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Kể từ ngày 1/1/2031, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường. Kể từ ngày 1/1/2027, chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi nilon khó phân hủy sinh học; đơn vị bán hàng trực tuyến có trách nhiệm giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa, vật liệu chống sốc bằng nhựa hoặc thu hồi các bao bì nhựa, vật liệu chống sốc không để thất thoát ra môi trường. Kể từ ngày 1/1/2028, chợ, cửa hàng tiện lợi không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm), trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Kể từ ngày 1/1/2026, khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần (gồm bàn chải đánh răng; dao cạo râu; tăm bông; mũ tắm; bao bì nhựa sử dụng một lần chứa, đựng: kem đánh răng, sữa tắm, sữa dưỡng thể, dầu gội, sữa dưỡng tóc). |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Thầy thuốc trẻ “truyền nghề” cho tư vấn viên bảo hiểm

“Cầm tay chỉ việc” cho đồng bào dân tộc về thủ tục hành chính

Mở cánh cửa số cho thanh niên khuyết tật

Đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ giữ chức Bí thư Thành đoàn Hải Phòng

Mỗi tình nguyện viên là một tấm gương về tác phong chuyên nghiệp

Cán bộ trẻ “chuyển mình” góp sức vận hành chính quyền 2 cấp

Thanh niên xung kích “chia lửa” cùng chính quyền 2 cấp

Đoàn phường Đống Đa: Khởi đầu mới – Khí thế mới

Vinh danh 6 nhà vô địch quốc gia cuộc thi Tin học văn phòng
