Nghị quyết 68-NQ/TW, chuyên gia đề xuất xây dựng Luật phát triển Kinh tế tư nhân
Bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân
Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vừa ban hành với nhiều điểm mới, đột phá khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Vấn đề là làm sao để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, cách thức thực hiện cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ từ trên xuống, thậm chí không ít chuyên gia đề xuất cần có giám sát theo dõi, có các chỉ số thực hiện tạo động lực cho các doanh nghiệp, ngành, địa phương.
Tại mục 2, phần nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đặt ra các vấn đề như có cơ chế đặc thù để xử lý các dự án, hợp đồng tồn đọng kéo dài nhiều năm; phân định rõ trách nhiệm hình sự - hành chính - dân sự; cá nhân - pháp nhân cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại; chỉ hình sự hóa khi thật cần thiết; không hồi tố luật gây bất lợi cho doanh nghiệp; tôn trọng suy đoán vô tội; phân biệt tài sản hợp pháp - vi phạm - liên quan, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
![]() |
Từ Nghị quyết 68-NQ/TW, chuyên gia đề xuất xây dựng Luật phát triển Kinh tế tư nhân |
Từ thực tiễn hoạt động, nhiều doanh nhân và các chuyên gia đánh giá cao các giải pháp, phương hướng trên trên, xem đây yếu tố mới cởi trói cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, cống hiến trong mỗi doanh nhân.
Phát biểu tại talkshow với chủ đề: "Nghị quyết 68: Những đột phá mới giúp kinh tế tư nhân phát triển" diễn ra vào hôm nay (ngày 7/5), ông Phan Đình Tuệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết: "Tôi đồng tình cao với tinh thần Nghị quyết 68 khi doanh nghiệp sai được phép sửa, sai về kinh tế có cơ hội khắc phục, vấn đề là sai do vô tình hay nhận thức chưa đầy đủ? Nếu không cho doanh nhân cơ hội sửa sai thì sẽ bịt đường họ, nhất là các va vấp do nhận thức không đầy đủ và nếu bịt đường thì họ sẽ mất đi nhiều cơ hội".
Ông Tuệ cũng nhấn mạnh, việc không hình sự hóa không có có nghĩa dung túng, lập lờ. "Có cái sai có thể khắc phục nhưng có khi không khắc phục đươc, như thuốc giả, thực phẩm bẩn ảnh hưởng sức khỏe người dân... Cần rạch ròi và không cổ vũ cho doanh nhân làm sai", ông Tuệ nhấn mạnh.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho biết, tiếp xúc với nhiều doanh nhân, ông nhận thấy sự lo lắng về việc có thể bị hình sự hóa khiến tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo của doanh nhân bị giảm rất nhiều. "Đây là những điểm mới, động lực cho tầng lớp doanh nhân cống hiến cho đất nước", ông Nghĩa cho biết.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tâm đắc với các nội dung trọng yếu trong Nghị quyết 68, nhất là vấn đề bảo hộ quyền tài sản doanh nghiệp, vấn đề thực thi hợp đồng, khung hình sự hóa...
"Về lý thuyết, xây dựng nền kinh tế thị trường thì xây dựng quyền bảo hộ tài sản là tối thượng, vì nếu không có thì không có cơ sở làm hợp đồng, dễ phát sinh bất cập, tranh chấp không xử lý đc. Nghị quyết 68 đã đụng đến nan đề của việc xây dựng kinh tế thị trường", ông Tuấn cho biết.
Theo ông Nghị quyết 68 rất nhân văn, chạm đến bốn phương diện: chính trị, kinh tế, pháp lý và xã hội. Trong đó, phương diện pháp lý là tiền đề mở ra thể chế đột phá, không gian mới về cải cách chính sách, môi trường kinh doanh và cuối cùng phải đi vào thực tiễn.
Đề xuất xây dựng Luật phát triển Kinh tế tư nhân
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn đặt vấn đề, các quan điểm như không hình sự hóa hay không hồi tố là quan điểm chung, cần cụ thể bằng tinh thần pháp luật. "Trước hết, cần cụ thể quy định luật cấm gì, đưa ra danh mục, cụ thể có định nghĩa về ngành và hành vi, rõ ràng giữa cấm và không cấm. Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tham gia góp ý từ các những lăn lộn thực tế của họ", ông nhấn mạnh.
Để thực hiện hiệu quả nghị, vị chuyên gia đề xuất, Quốc hội cần sửa các luật liên quan như Luật tố tụng dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Đấu thầu để tiếp thu đầy đủ tinh thần Nghị định 68.
"Ngoài ra, theo tôi còn cần ban thêm Luật phát triển Kinh tế tư nhân xứng đáng với quy mô tầm vóc, chứ không chỉ cắt Nghị định 68 đưa vào các luật liên quan. Với tinh thần của Luật phát triển Kinh tế tư nhân bao chung, những gì chồng chéo thì áp dụng theo luật mới này", ông đề xuất.
Theo đó, các bộ ngành cần rà soát lại các quy định chồng chéo, bất cập. Các địa phương nhanh chóng đồng bộ, gắn với từ địa phương. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng thích ứng để đáp ứng với Nghị định 68.
"Đừng để người thực thi hiểu sai quan điểm"
Giữa nghị quyết và thực tiễn sẽ còn khoảng cách và rút ngắn bao lâu thì nằm ở quá trình triển khai ở từng địa phương khi có các hướng dẫn cụ thể.
"Việc áp dụng cho các địa phương không dễ vì nhận thức, trình độ, nguồn lực không đồng đều. Nhưng không nghĩa ai làm trước, ai làm sau mà cần thúc ép cùng hành động. Các địa phương cần sớm thể hiện tinh thần đột phá, thực thi, có các sáng kiến thực hiện ở cấp cơ sở vì chỉ ở địa phương mới hiểu rõ nhất về địa phương mình", ông Tuấn nhấn mạnh.
Vấn đề được các khách mời quan tâm là sao để vấn đề thực thi Nghị quyết hiệu quả, đúng hướng, các văn bản hướng dẫn ra mắt kịp thời, tránh hiện tượng cán bộ thực thi ở các địa phương hiểu chưa đúng quy định hoặc lựa chọn sự an toàn khi làm việc.

Ông Phan Đình Tuệ cho biết, để tăng tính hiệu quả trong thực thi nghị quyết, các địa phương nên có sự tuyên truyền, hướng dẫn cho các cán bộ công vụ liên quan.
"Nên có cơ chế đãi ngộ cho cán bộ công vụ. Họ giúp cho doanh nghiệp thì cần có chế độ đãi ngộ thưởng phạt công minh", ông nhấn mạnh.
Trên hết, vai trò các doanh nghiệp đặc biệt lớn. Các doanh nghiệp cũng cần có những thay đổi, sáng tạo, vươn mình thích nghi với tình hình mới trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, sự tác động từ các yếu tố bên ngoài ngày càng rõ nét.
"Nghị định 68 như đường cao tốc mà doanh nghiệp giống như xe hơi chạy. Doanh nghiệp phải mua được xe tốt, đảm bảo chất lượng, nâng cao quản trị, chủ động đổi mới, tự tin, tự huy động nguồn lực để tham gia", ông Tuệ chia sẻ.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Phát triển kinh tế tư nhân, đặt ra những định hướng chiến lược, mục tiêu cụ thể

Bình Thuận: Xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 290,7 triệu USD

Quảng Trị: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc đầu tư công

Xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”, bố trí cán bộ theo vị trí việc làm

Gần 1700 chỉ tiêu tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm

Chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy điện gió hơn 1.000 tỷ đồng

Bình Thuận: Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 0,77%

Không thể thờ ơ với hàng giả, hàng kém chất lượng

Nestlé tiếp tục mục tiêu nâng cao giá trị nông sản Việt với khoản đầu tư mới
