Nâng cao năng lực sử dụng “lá chắn” phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp Việt
Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại Quy định chi tiết về các biện pháp phòng vệ thương mại |
Gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại
Thời gian gần đây, gỗ dán xuất khẩu Việt Nam là mặt hàng phải đối mặt với nhiều vụ khởi xướng điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại bao gồm cả bán phá giá và lẩn tránh xuất xứ.
Tháng 6/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đưa ra quyết định điều tra ngành gỗ dán của Việt Nam dựa trên cáo buộc của Liên minh Thương mại Công bằng về Gỗ dán cứng Hoa Kỳ rằng, một số công ty xuất gỗ dán từ Việt Nam vào thị trường này đã vi phạm điều luật về chống lẩn tránh thuế.
![]() |
Theo Bộ Công thương, mặt hàng gỗ đang bị điều tra 7 vụ, chiếm 4% trong tổng số vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước (Ảnh minh họa) |
Tuy vậy, Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất đang điều tra về mặt hàng gỗ dán của Việt Nam. Cuối năm 2019, Ủy ban Thương mại của Hàn Quốc (KTC) cũng đã chính thức ra quyết định điều tra đối với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Quyết định điều tra được đưa ra dựa trên cáo buộc 6 công ty từ Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này vào Hàn Quốc đã vi phạm quy định về chống bán phá giá. Kết quả điều tra sơ bộ được công bố vào tháng 4/2020, mức thuế tạm thời được áp dụng đối với tất cả các sản gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc sẽ ở mức 9,18 - 10,56% (riêng 6 công ty nằm trong diện điều tra có mức thuế cao hơn).
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều tra mặt hàng gỗ dán của Việt Nam và đưa ra quyết định áp mức thuế 240 USD/m3 cho tất cả công ty không phản hồi thông tin cho cơ quan điều tra.
Gỗ dán chỉ là một trong những mặt hàng điển hình của Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ điều tra liên quan đến PVTM. Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, nửa đầu năm 2020, các sản phẩm liên quan đến sắt thép như tấm thép không hợp kim, thép chống ăn mòn, thép cuộn mạ nhôm, ống thép dẫn dầu của Việt Nam cũng bị Canada, Australia, Ấn Độ, Thái Lan đưa ra phán quyết áp thuế chống bán phá giá, trợ cấp trong các vụ khởi xướng điều tra trước đó với mức thuế khá cao.
Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến hết tháng 9/2020, Việt Nam ghi nhận và xử lý 193 vụ việc PVTM nước ngoài áp dụng, bao gồm 108 vụ việc chống bán phá giá, 22 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 40 vụ việc tự vệ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2019 – 2020, xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại tại nhiều nước, khu vực trên thế giới đã bộc lộ rõ.
Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù hoạt động thương mại hàng hóa bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng số vụ khởi xướng điều tra liên quan đến PVTM tăng lên đáng kể. Đối với Việt Nam, trong 9 tháng năm 2020, tổng số vụ việc mới khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu là 31 vụ, gấp gần 2 lần so với toàn bộ vụ việc khởi xướng năm 2019.
Chia sẻ tại buổi hội thảo "Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập" vừa diễn ra, bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết, ngoài việc gia tăng về số lượng, các vụ việc PVTM trong những năm gần đây có những diễn biến phức tạp. Ngoài các thị trường thường xuyên điều tra PVTM với hàng xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, EU, Ấn Độ, Canada và Australia thì gần đây các nước ASEAN cũng tích cực điều tra PVTM với Việt Nam.
![]() |
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương |
Theo đánh giá của Bộ Công thương, tính từ vụ việc đầu tiên năm 2003 đến nay, các vụ việc bị khởi xướng điều tra đã khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tới 12 tỷ USD. Đồng thời, thông qua việc áp dụng các biện pháp PVTM chính đáng, Việt Nam đã bảo vệ được nhiều ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động; Giảm thiểu nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM.
Phân tích việc cần thiết phải thực hiện các biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, bà Phạm Châu Giang dẫn chứng, năm 2018, trong số 20 doanh nghiệp sản xuất nhôm định hình tại Việt Nam, có tới 18 doanh nghiệp thua lỗ do không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ. Tuy nhiên, sau một năm điều tra áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này, đa số các doanh nghiệp trong nước đã cải thiện được hiệu quả sản xuất kinh doanh và chỉ còn khoảng 3 - 4 doanh nghiệp bị lỗ lũy kế.
Điều đó một lần nữa khẳng định, các biện pháp PVTM như một “liều kháng sinh” hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước có điều kiện tốt hơn để khắc phục các thiệt hại và cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.
Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại
Điều đáng nói là trong khi nguy cơ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng hiện hữu thì vấn đề nắm bắt thông tin, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này còn rất hạn chế. Trên thực tế, không phải doanh nghiệp, ngành hàng nào cũng nhận thức được việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đặc biệt là đối với các ngành hàng liên quan đến sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm. Từ đó dẫn đến việc các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam về cơ bản vẫn chưa thực sự biết cách vận dụng hiệu quả công cụ PVTM.
Theo một khảo sát gần đây, có 16% doanh nghiệp không biết gì về phòng vệ thương mại, 63% doanh nghiệp có nghe nói nhưng không biết rõ, gần 20% doanh nghiệp đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có chưa tới 2% số doanh nghiệp đã tìm hiểu tương đối kỹ hoặc là bên liên quan trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại.
Hơn bao giờ hết, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo cam kết của các hiệp định thương mại, số lượng vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM sẽ ngày càng gia tăng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động ứng phó để bảo vệ chính mình và các ngành hàng sản xuất nội địa.
Ông Phan Khánh An, Phó Trưởng phòng Pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho rằng, phòng vệ thương mại là công cụ có ý nghĩa to lớn đối với các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập. Do đó, các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhau để doanh nghiệp Việt Nam không bị yếu thế trên chính sân chơi của mình.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) khẳng định, để sử dụng “lá chắn” PVTM hiệu quả, doanh nghiệp nên coi PVTM là một phần phải chuẩn bị trong chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình.
“Trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM và chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; Tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; Không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM; Tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong quá trình xử lý vụ việc”, bà Trang chia sẻ thêm.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM, các doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước; Xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá “nóng” vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

BIDV Run - Vì cuộc sống Xanh, kiến tạo giá trị vững bền

Thủ tướng Chính phủ dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên

Co-opBank phải sớm trở thành một định chế tài chính đa năng, hiện đại

Khẳng định năng lực nhà thầu Việt trong thời kỳ mới

Meey Group lại được vinh danh tại Sao Khuê 2025

Chặng đường 30 năm, Co-opBank sải cánh vươn xa, vươn cao

PGBank giữ vững đà tăng trưởng trong quý I/2025

Nestlé Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập

Đẩy mạnh quá trình số hóa toàn diện và quyết liệt
