Mong da đẹp như “soái ca”, nhiều bạn trẻ “nát mặt” với kem trộn
![]() |
Các loại kem trị mụn "gắn mác" sản xuất tại Hàn Quốc bán tràn lan trên mạng facebook
Kem trị mụn “dán mác” sản xuất tại xưởng tại Hàn Quốc
Khoảng hai năm gần đây, trước các thông tin trên báo chí, truyền thông phản ánh về tình trạng kem trắng da có chứa hoá chất độc hại ảnh hưởng đến làn da và sức khoẻ, các loại kem trộn trắng da siêu tốc do các hotgirl “đứng tên” không còn lộng hành trên thị trường.
Thay vào đó, nhiều loại kem trị mụn thảo dược, kem dưỡng da mới xuất hiện với vỏ bao bì đẹp, giá “mềm” hơn và được quảng cáo là hàng sản xuất tại các xưởng mỹ phẩm của Hàn Quốc và được phân phối chính thức tại Việt Nam.
Bao bì của các sản phẩm cũng được thiết kế “đậm chất” Hàn Quốc với những dòng chữ lớn viết bằng tiếng Hàn xen kẽ với tiếng Anh rất chuyên nghiệp. Các hộp kem được quảng cáo là thành phần thảo dược thiết kế gần giống các dòng kem nổi tiếng mang phong cách “xứ sở kim chi”.
Người bán các loại kem trộn này đều có sự đầu tư nghiên cứu khá kỹ, lập các fanpage “công ty phân phối độc quyền”, thậm chí sản phẩm còn có đủ loại tem và giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nhiều trang fanpage có thêm hình ảnh các xưởng sản xuất kem ở Hàn Quốc, hình ảnh các chuyến “xuất ngoại” để nhập kem về bán ở thị trường Việt Nam.
Dù rất khó để có thể kiểm chứng được các thông tin, hình ảnh cũng như “mớ” tem và giấy tờ chứng nhận nhưng chúng khiến phần đông người tiêu dùng trên mạng xã hội tin tưởng và “nhắm” đến đối tượng nam giới, các em trai còn đang ở lứa tuổi học sinh đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc làm đẹp da, ngăn ngừa mụn trứng cá.
Em Trần Nam, học sinh lớp 10, trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ nhiều bạn trai trong lớp bị mụn trứng cá suốt từ những năm học cấp 2, lại hay “ngứa tay” cậy mụn nên các vết mụn càng lan ra và để lại vết rỗ. Tâm lý các bạn nam cũng ít quan tâm đến da dẻ nhưng đi học các bạn con gái hay chê bai.
“Con gái bây giờ chỉ thích các anh “soái ca” trong các bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc da mặt mịn màng thôi. Em cũng ngại không dám hỏi bố mẹ cách trị mụn sợ lại bị mắng vì con trai mà ham làm đẹp, không lo học hành. Chúng em lên facebook và tìm mua các loại kem trị mụn “siêu tốc” của Hàn Quốc, hàng Việt Nam thì em không dám mua vì lo ngại chất lượng kem nhưng nghe người bán hàng quảng cáo đây là kem sản xuất tại xưởng Hàn Quốc kèm theo hình ảnh và giấy tờ sản xuất của Hàn Quốc. Ban đầu em cũng khá tin tưởng nhưng do có người chị gái đang du học tại Hàn Quốc nên em hỏi qua chị em xem có biết loại kem này không. Chị em có kiểm tra ở Hàn Quốc không hề có loại kem trị mụn “siêu tốc” nào có nhãn mác tên gọi như các loại kem đang bán ở Việt Nam. Em nghi ngờ nên không đặt mua nữa nhưng khá nhiều bạn trong lớp em đặt mua và sử dụng một thời gian sau, khuôn mặt càng thêm nhiều mụn bọc, mụn mủ”, Nam cho biết.
Khuôn mặt chi chít mụn mủ vì bôi kem trộn
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương, vừa tiếp nhận một trường hợp nam sinh 16 tuổi với khuôn mặt chi chít mụn.
Nguyên nhân xuất phát từ việc bệnh nhân dùng một sản phẩm kem trị mụn trứng cá được rao bán trên mạng xã hội. Theo lời kể của nam sinh này, sau 2 tuần sử dụng, mặt mụn của mình gần như không còn. Tuy nhiên, sau khi ngừng bôi kem, vùng da mặt lại xuất hiện nhiều mụn hơn. Càng tăng số lần bôi kem, số mụn lại giảm và ngược lại.
![]() |
Nam sinh 16 tuổi với khuôn mặt "biến dạng" vì mụn mủ lan rộng |
Cảm thấy có điều bất ổn, nam sinh này quyết định dừng hẳn việc bôi kem. Lúc này, vùng da mặt bắt đầu xuất hiện nhiều mụn hơn và lần này là mụn mủ, gây ngứa ngáy, khó chịu. Thấy da mặt con trai bất thường, gia đình đưa bệnh nhân tới bệnh viện chữa trị.
Theo bác sĩ Tâm, khi nhập viện, da mặt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn và chi chít mụn mủ. Bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng do kem trộn có chứa corticoid, đồng thời rơi vào tình trạng nghiện corticoid bôi.
Đặc điểm của các loại kem được quảng cáo có tác dụng chữa mụn, trắng da, trị nám, ban đầu có tác dụng nhanh. Sau 2-3 tháng, thậm chí một năm sử dụng, người bệnh bị phụ thuộc thuốc, sắc tố da biến đổi, mặt chi chít mụn.
Ngoài ra, người dùng sẽ gặp các tác dụng phụ khác như rậm lông, teo da, dãn mạch, mỏng da, rạn da... Tình trạng này cứ tái đi tái lại cho đến khi người bệnh xuất hiện các biểu hiện ngoài da như ban đỏ, phù nề và mụn mủ.
Khi đã ở tình trạng nghiện thuốc, việc điều trị sẽ phải kéo dài từ 3-12 tháng, thậm chí lâu hơn. Trong khi đó, làn da không thể phục hồi như cũ.
"Nhiều bệnh nhân khi đến khám có mang theo sản phẩm được quảng cáo có thành phần trên nhãn là thảo dược, thế nhưng với kinh nghiệm điều trị và triệu chứng bệnh nhân gặp phải trong suốt thời gian sử dụng, tôi chắc chắn sản phẩm chứa chất làm trắng và corticoid. Đây đều là những chất cấm trong mỹ phẩm. Corticoid là thuốc không được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và nếu bôi ngoài da phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi để tránh những biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Tâm cảnh báo.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nhiều người lớn mắc sởi, biến chứng nguy hiểm phải can thiệp ECMO

Nhóm trẻ hơn 10 tuổi mắc sởi tăng nhẹ

Làm rõ vụ bạo hành trẻ em ở Bắc Ninh, Bến Tre

Bình đẳng trong yêu thương: Chăm con không có giới hạn giới tính

Công bố 4 loại thuốc bị giả mạo

Khám, tư vấn sức khỏe và tặng quà tri ân người tham gia kháng chiến chống Mỹ

Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, hậu kiểm thực phẩm giả, kém chất lượng

Đề nghị tỉnh Thanh Hoá tăng cường thanh, kiểm tra phòng chống thuốc giả

Số ca mắc sởi chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt"
