Mạnh dạn quy định mức "lợi nhuận” để phát huy nguồn lực chất xám
Đảm bảo tính chuyên sâu trong đánh giá rủi ro
Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được trình lấy ý kiến Quốc hội trước khi thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV. Dự luật ban hành sẽ thay thế Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 để phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn nhằm phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, dự án Luật bổ sung thêm lĩnh vực đổi mới sáng tạo, cùng đó bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm...
![]() |
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường thảo luận về thảo luận về quy định chấp ngận rủi ro trong dự án Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo |
Dự luật gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật KH&CN năm 2013) quy định về hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các biện pháp bảo đảm phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quy định về quản lý Nhà nước đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ...
Đáng lưu ý, dự thảo Luật giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu.
Theo nhiều chuyên gia, quy định chấp nhận rủi ro rất cần thiết vì đổi mới sáng tạo luôn đi kèm rủi ro cao, đặc biệt trong cách mạng công nghiệp 4.0. Quy định này là phù hợp tâm tư nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định chặt chẽ phạm vi rủi ro, chỉ áp dụng cho dự án đột phá, không lường trước, không do thiếu trách nhiệm, không áp dụng cho dự án không cấp thiết hoặc gây hại môi trường, sức khỏe. Đồng thời, cần xây dựng danh mục lĩnh vực ưu tiên và tiêu chí đánh giá rủi ro, đồng bộ với các luật liên quan, đảm bảo hiệu quả. Cơ chế chấp nhận rủi ro cần khuyến khích dám nghĩ, dám làm, nhưng phải có tiêu chí phân biệt rủi ro khách quan và chủ quan, đo lường tác động để tạo sản phẩm giá trị cao.
Về nội dung này, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), đây là quy định tạo nên một luật lịch sử, thể chế hóa Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, dự thảo chưa rõ cách đánh giá rủi ro và sản phẩm nghiên cứu.
Ông cho rằng, sản phẩm khoa học là trí tuệ, khó nhìn thấy, nên cần cơ chế đánh giá cụ thể để tránh lạm dụng, như nhận kinh phí nhưng báo cáo không đạt kết quả mà không chịu trách nhiệm. Ngoài ra, trong nghiên cứu khoa học, dù không đạt mục tiêu, luôn có kết quả, như chứng minh sai lầm để người khác tránh.
“Điều 15 có nhắc đến đánh giá, nhưng mang tính hành chính, dựa trên mục tiêu và kết quả của cơ quan Nhà nước. Tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm đánh giá của hội đồng chuyên môn, hội đồng khoa học để đảm bảo tính chuyên sâu”- đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.
![]() |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan góp ý vào dự án Luật |
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cũng đồng tình cho rằng, đây là một trong những điểm tiến bộ của dự luật. Nếu không có cơ chế chấp nhận rủi ro, nhà khoa học gặp khó khăn khi nghiên cứu các vấn đề phức tạp, đặc biệt ở giai đoạn nghiệm thu, khi vướng mắc trong triển khai. Việc đưa cơ chế này vào luật giúp thúc đẩy nhà khoa học, hỗ trợ chuyển đổi số, thương mại hóa kết quả nghiên cứu dễ dàng hơn, tạo động lực và sự yên tâm để phát triển.
“Nếu khởi điểm quá thấp, sẽ khó khuyến khích nhà khoa học”
Điểm đáng chú ý, dự án luật đã xây dựng chính sách cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp (Điều 28).
Theo đại biểu Lê Quân (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội), đây là điều khoản mạnh dạn, là cơ chế "khoán 10" tạo đột phá, khuyến khích nhà khoa học coi nguồn lực khoa học, công nghệ như một khoản đầu tư.
“Nếu nghiên cứu kết hợp với thị trường và doanh nghiệp để chuyển giao, nhà khoa học có thể nhận thu nhập ổn định, tương tự tác giả một bài hát nhận bản quyền nhiều năm”- đại biểu Quân nhận định.
![]() |
Đại biểu Quốc hội Lê Quân phát biểu thảo luận về dự án Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo |
Trước ý kiến băn khoăn rằng tỷ lệ này cao hay thấp, hoặc cần đánh giá tác động kỹ hơn, đại biểu Lê Quân cho rằng chu kỳ "sống" của một luật thường là 5-7 năm. Nếu quy định này quá thoáng, chúng ta có thể điều chỉnh sau, nhưng nếu khởi điểm quá thấp, sẽ khó khuyến khích nhà khoa học.
Từ đó, ông nhận định, việc luật hóa cơ chế này là chính thống và cần thiết, nhưng cần quy định rõ các trường hợp đặc thù, như nghiên cứu phục vụ an ninh quốc phòng hoặc hợp tác với khu vực tư nhân, nơi tỷ lệ 30% có thể không phù hợp mà cần thỏa thuận linh hoạt.
Về quy định góp vốn, đại biểu Lê Quân nhấn mạnh, dự án luật hiện ràng buộc nhà khoa học chỉ được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành tại doanh nghiệp do cơ sở nghiên cứu thành lập.
“Tôi đề nghị mở rộng đối tượng, cho phép nhà khoa học tham gia tại các doanh nghiệp hợp tác chuyển giao sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu, được cơ sở nghiên cứu đồng ý. Đại học không nên mở nhiều doanh nghiệp, mà cần tập trung nghiên cứu và hợp tác chuyển giao, tránh đi sai tôn chỉ. Tham gia quản lý, điều hành tại doanh nghiệp do cơ sở nghiên cứu thành lập là đương nhiên, như tại Đại học Quốc gia Hà Nội với Công ty cổ phần đầu tư phát triển. Nếu cấm hoặc thuê ngoài, sẽ thiếu nguồn lực và tốn kém”- đại biểu nêu quan điểm.
![]() |
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần có một hành lang pháp lý thực sự đổi mới để thúc đẩy các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo, đóng góp thiết thực cho sự phát triển đất nước. Nếu luật không đủ mạnh, không tạo đột phá, sẽ không thể huy động được chất xám và tiềm lực trí tuệ trong và ngoài nước.
Các đại biểu kỳ vọng, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khi ra đời sẽ là “đòn bẩy” chiến lược thúc đẩy khoa học phát triển, giúp Việt Nam khai thác hiệu quả trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, công nghệ sinh học và chuyển đổi số. Từ đó, mở ra kỷ nguyên mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường.
Hơn 10 năm qua, Luật Khoa học và công nghệ 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản, quan trọng cho tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ. Khoa học và công nghệ đã có những bước tiến tích cực, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật Khoa học và công nghệ 2013 cho thấy pháp luật hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, thực tiễn. Từ đó đòi hỏi cần nghiên cứu và sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và công nghệ với các giải pháp thúc đẩy không chỉ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mà còn thực sự chú trọng hơn tới các giải pháp thúc đẩy ứng dụng và truyền bá tri thức trong thực tiễn; kkhuyến khích, thúc đẩy để huy động sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của khu vực ngoài công lập, khu vực tư nhân trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Dự kiến trong đợt 2 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. |
Tin liên quan
Đọc thêm

Visa và ETC-EPAY hợp tác thúc đẩy thanh toán số dịch vụ công tại Việt Nam

Các doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện 7 giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số

Sôi động “Ngày hội AI” tại Điện Biên

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ

Điện Biên quyết tâm thực hiện “trận đánh lớn” trên mặt trận số

Điện Biên: Nhiều hoạt động trong “Ngày hội AI”

Hành trình "số hóa" công tác dân vận giải phóng mặt bằng từ thôn xóm

TP Hồ Chí Minh ra mắt hệ thống cảnh báo khẩn cấp

Tuổi trẻ Bình Thuận số hóa địa chỉ đỏ Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh
