Luật sư lý giải việc “giang hồ mạng” Phú Lê cùng đàn em được phóng thích
Phú Lê cùng đàn em được phóng thích
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 12/12, lãnh đạo TAND huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết: Do bị hại rút đơn, tòa án đã ra quyết định đình chỉ xét xử sơ thẩm đối với “giang hồ mạng” Phú Lê và 2 đàn em của anh ta. Trước đó, phiên tòa xét xử Lê Văn Phú (tức Phú Lê, SN 1980, ở Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Cố ý gây thương tích” được ấn định vào ngày 15/12.
Phú Lê và các đàn em là Hoàng Văn Thụy (SN 1995, ở Trấn Yên, Yên Bái), Trần Văn Tư (SN 1988, ở Quỳnh Phụ, Thái Bình) cùng bị truy tố theo khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự. Đây là tội danh khởi tố theo yêu cầu của bị hại.
Lãnh đạo TAND huyện Đan Phượng cho biết, sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, bị hại trong vụ án đã rút đơn yêu cầu khởi tố. “Ngay sau đó, chúng tôi đã ra quyết định đình chỉ xét xử và làm các thủ tục để trả tự do cho ba bị can”, vị này cho biết.
![]() |
Lê Văn Phú (tức giang hồ mạng Phú Lê) bị ắp giải lấy lời khai khi đang trong gian đoạn điều tra |
Theo hồ sơ vụ án, Phú Lê sống như vợ chồng với Thúy Kiều (tức Lã Thúy Kiều, 35 tuổi, quê tại huyện Bình Lục, Hà Nam), cả 2 thường xuyên livestream lôi kéo các đối tượng tụ tập, ăn uống khoe khoang hình ảnh dẫn tới việc mâu thuẫn, chửi bới với người khác trên mạng xã hội.
Khoảng cuối tháng 7, Kiều và chị Trần Thị Đào (tức Đào Chi Lê, còn gọi hot girl xăm trổ) phát sinh mâu thuẫn trong việc bán hàng online nên thường chửi bới, thách thức, hẹn gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn.
Có lần, Kiều tìm tới nơi ở của Đào Chi Lê tại Vinhome Ocean Park nhưng không gặp nhau. Lần khác, cả 2 hẹn nhau tới huyện Đông Anh để giải quyết nhưng “hot girl xăm trổ” thấy vợ chồng Phú Lê đưa theo nhiều người “xăm trổ” đến nên sợ bị đánh, phải bỏ về.
Tối 2/8, vợ chồng Phú Lê ăn nhậu cùng một nhóm "đàn em" là Hoàng Văn Thụy. Bị cáo Thụy đã đề nghị đi đánh mẹ đẻ và dì của Đào Chi Lê để dằn mặt, cảnh cáo. Phú Lê đồng ý, nói: “Nếu gặp con Đào thì đánh nó, không thì đánh mẹ và dì nó nhưng tránh phần đầu ra, đánh vào tay chân thôi”. Phú cũng yêu cầu Thụy gọi bị cáo Trần Văn Tư đi cùng.
Sáng hôm sau, Thụy và Tư gặp nhau, mua một đoạn tuýt sắt rồi tìm đến nhà chị Đào tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Khi các bị cáo tới nơi, vờ hỏi bà Nguyễn Thị Bé (người nhà chị Đào): “Đây phải nhà Đào không? Cháu muốn mua con chó”.
Khi bà Bé trả lời phải, Thụy dùng tuýt sắt đánh nạn nhân đồng thời vụt nhiều nhát vào bà Nguyễn Thị Nga (mẹ chị Đào). Các bị cáo này đe dọa: “Bảo Đào đừng động đến anh chị tao không thì đừng trách”. Vụ việc khiến bà Nga bị tổn hại 1% sức khỏe.
Bị hại tự nguyện rút đơn nên vụ án bị đình chỉ
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về việc Phú Lê cùng đàn em được TAND huyện Đan Phượng được phóng thích, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) lý giải: Hành vi của Phú Lê và các đồng phạm gây bức xúc cho gia đình bị hại và dư luận xã hội. Tuy nhiên với thương tích của nạn nhân dưới 11%, bị hại có đơn đề nghị xử lý hình sự thì cơ quan tố tụng mới xử lý theo khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quá trình giải quyết vụ án, bị hại tự nguyện rút đơn thì vụ án bị đình chỉ. Đây là quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Quy định này thể hiện tính nhân văn trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tạo cơ hội cho người phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng mà đã được người bị hại tha thứ.
![]() |
Luật sư Đặng Văn Cường lý giải việc vì sao Phú Lê cùng "đàn em" được TAND huyện Đan Phượng phóng thích |
Cụ thể Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”.
Cũng theo luật sư Cường, một số hành vi được liệt kê trong Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự như cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, hiếp dâm... ở khoản 1, loại tội phạm ít nghiêm trọng mà người phạm tội đã thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, xin lỗi người bị hại và người bị hại tha thứ, rút đơn đề nghị xử lý thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Khi vụ án bị đình chỉ mà bị can, bị cáo đang bị tạm giam thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn để trả tự do cho bị can, bị cáo.
Với những trường hợp phạm tội được liệt kê trong điều luật nêu trên thì quyền quyết định có xử lý hay không thuộc về người bị hại. Nếu người bị hại có đơn yêu cầu thì cơ quan tố tụng mới xử lý, ngược lại trong quá trình tòa án giải quyết trước ngày mở phiên tòa mà người bị hại rút đơn thì cơ quan tố tụng phải đình chỉ vụ án. Đây là quy định pháp luật không mới và phù hợp với luật pháp quốc tế, giao quyền tự định đoạt cho người bị hại trong một số tình huống cụ thể. Tuy nhiên nếu trường hợp phạm tội ở khoản 2 trở lên thì việc khởi tố không phụ thuộc vào người bị hại.
Bởi vậy, trong vụ án này nếu người bị hại tự nguyện rút đơn thì Phú Lê và "đàn em" sẽ được đình chỉ giải quyết và hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên hành vi của các đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt từ 2-3 triệu đồng. Các đối tượng có “tiền sự” được xác định là nhân thân xấu. Nếu sau vụ việc này còn tiếp tục gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác thì sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Cơ quan tiến hành tố tụng tôn trọng người bị hại tự nguyện rút đơn, cho họ thực hiện quyền đình chỉ vụ án. Nếu có căn cứ cho thấy việc rút đơn đề nghị xử lý hình sự là do bị đe dọa, ép buộc hoặc lừa dối thì cơ quan tố tụng sẽ không chấp nhận việc rút đơn này.
“Có thể nói việc sử dụng mạng xã hội, kiếm tiền qua các tài khoản mạng xã hội là chuyện bình thường, pháp luật không cấm, thậm chí khuyến khích. Tuy nhiên, những đối tượng nổi tiếng trên mạng xã hội mà gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ em thì cần phải xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật để phòng ngừa chung cho xã hội.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật ở các địa phương vẫn đang tích cực kiểm tra giám sát hoạt động mạng xã hội để kịp thời ngăn chặn, loại bỏ những thông tin độc hại, với những đối tượng giang hồ mạng mà ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì có thể áp dụng các biện pháp hành chính hoặc hình sự để xử lý, nhằm làm trong sạch môi trường mạng. Việc người bị hại rút đơn là may mắn cho Phú Lê và các đồng phạm. Tuy nhiên, nếu các đối tượng này không rút kinh nghiệm, không biết ăn năn hối cải mà tiếp tục có những hành vi tương tự thì khó có may mắn lần hai”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Công ty Luật Tín Minh hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động

Từ ngày 1/3, người Hà Nội xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp ở đâu?

Lừa bán pin xe máy điện để chiếm đoạt tài sản

Cẩn thận mất tiền từ các cuộc gọi không nói gì

Mức phạt xe ô tô dừng đỗ sai quy định trên cao tốc

Thủ đoạn lừa đảo mới thông qua tính năng hợp nhất cuộc gọi

Cảnh giác với cuộc gọi mạo danh cứu hỏa

Bài học đắt giá khi giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực

TP Hồ Chí Minh: Tăng cường phòng ngừa lừa đảo qua mạng
