Đề nghị tuyên phạt 8 bị cáo từ 3 năm đến 12 năm tù
Chiều 15/4, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm Toà án Nhân dân TP Hà Nội kết thúc phần xét hỏi để đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp luận tội 8 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, xảy ra tại Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) và các đơn vị liên quan.
![]() |
Đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa |
Theo Đại diện Viện Kiểm sát, các bị cáo nguyên là cựu cán bộ, lãnh đạo của Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) có hành vi vi phạm pháp luật dẫn tới việc 3 khu “đất vàng” từng thuộc Vinatea tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh rơi “vào tay” tư nhân với giá rẻ. Trong đó, 7 bị cáo phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Từ cáo buộc nêu trên, Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt Nguyễn Thiện Toàn (cựu Tổng Giám đốc) từ 11 - 12 năm tù; Vũ Ngọc Tự (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên) từ 7 - 8 năm tù; Đặng Ngọc Cầm, Nguyễn Quốc Khánh và Trần Thị Hoa (cùng là cựu thành viên Hội đồng thành viên) bị đề nghị mức án từ 3 năm 6 tháng tù đến 5 năm tù.
Bị cáo Bành Thương Trí (cựu Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Chè - tại TP Hồ Chí Minh) bị đề nghị tuyên phạt từ 7 - 8 năm tù; Đặng Văn Tới (cựu Kế toán trưởng) bị đề nghị từ 8 - 9 năm tù. Liên quan, bị cáo Trần Hồng Điệp (cựu Kiểm soát viên) bị đề nghị từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát cho rằng Tòa án cần tuyên thu hồi 3 mảnh đất trong vụ án cho Nhà nước quản lý. Cụ thể, nhà đất số 225, phố Nam Kỳ Khởi Nghĩa cần trả lại cho UBND – TP Hồ Chí Minh; khu đất 1.500m2 tại phố Trần Khát Chân trả cho UBND - TP Hà Nội, còn khu đất 11.635m2 đường Chè Hương cần trả về UBND - TP Hải Phòng.
![]() |
Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm |
Cũng theo Viện Kiểm sát, Vinatea vốn là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cũ). Năm 2015, doanh nghiệp này cổ phần hóa và 3 sai phạm trong vụ án xảy ra tại thời điểm này hoặc trước đó.
Cụ thể, tại khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), cuối năm 2015, các bị cáo đã sang tên cho công ty tư nhân rồi vay 29 tỷ đồng để nộp tiền sử dụng đất một lần, không hạch toán sổ sách, không xác định khu đất là tài sản doanh nghiệp sau cổ phần. Giá trị quyền sử dụng tài sản này vào năm 2015 khoảng hơn 44 tỷ đồng, nên cơ quan tố tụng xác định sai phạm này gây thiệt hơn 16 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, khu đất ở số 343 đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) có diện tích 1.500m2. Viện Kiểm sát xác định, giá trị thực tế của tài sản vào năm 2011 là 31,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bị cáo chuyển nhượng đất cho công ty tư nhân với giá chỉ 10 tỷ đồng.
Còn tại Hải Phòng, khu đất liên quan sai phạm đặt tại đường Đoàn Xá (quận Hải An) rộng hơn 11.600m2. Theo điều tra, năm 2009, khu đất có giá trị quyền sử dụng và tài sản trên đất là 9,3 tỷ đồng. Song, các bị cáo đã mang đất đi góp vốn thành lập công ty cổ phần rồi chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho bên thứ 3 với giá thấp hơn quy định là 711 triệu đồng. Tổng cộng, những sai phạm của các cựu lãnh đạo và cán bộ Vinatea đã gây thất thoát cho tài sản Nhà nước khoảng 38 tỷ đồng.
Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, bị cáo Vũ Ngọc Tự và Trần Thị Hoa đã ký các nghị quyết cho phép chuyển nhượng đất không qua đấu giá tại các khu đất ở Hà Nội và Hải Phòng. Hành vi này gây thiệt hại tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng.
Tin liên quan
Đọc thêm

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng Phan Đình Tín lãnh án chung thân

Quảng Nam: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đền bù tái định cư

Quỳ Châu (Nghệ An): Lừa bán em ra nước ngoài

Chủ chung cư bị phạt 12 năm tù, bồi thường gần 24 tỷ đồng

Y án sơ thẩm đối với bị cáo hành hung nam sinh

Xét xử 8 bị cáo trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ

Bản án nghiêm khắc cho 6 bị cáo "thổi giá" đất ở Sóc Sơn

Quế Phong (Nghệ An): Mua bán ma tuý, 5 bị cáo lĩnh án

Xét xử lưu động 6 bị cáo “thổi giá” đất ở huyện Sóc Sơn
