Liên tục cập nhật kiến thức an ninh mạng để tránh bẫy lừa đảo
Cảnh giác tin nhắn giả mạo trung tâm an ninh mạng quốc gia Khóa học kỹ năng số và an toàn internet dành cho học sinh: Tấm khiên an ninh mạng |
Đòn đau nhớ mãi
Bạn trẻ Ngô Hà Linh (22 tuổi, trú tại thành phố Hà Nội) là sinh viên năm cuối và thường xuyên mua sắm online. Một lần, cô nhận được tin nhắn từ một tài khoản Facebook tự xưng là nhân viên của một thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng, báo rằng cô đã trúng thưởng bộ sản phẩm trị giá 5 triệu đồng nhưng cần thanh toán 500 nghìn đồng phí vận chuyển. Vì tin tưởng, Linh đã chuyển khoản ngay mà không kiểm tra kỹ. Sau đó, cô mới phát hiện mình bị lừa khi thương hiệu chính thức khẳng định không có chương trình nào như vậy.
Sau lần bị lừa đảo qua mạng này, Hà Linh rút ra bài học sâu sắc. Cô chia sẻ: “Để tránh bị mất tiền, chúng ta không chuyển tiền hay cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác thực nguồn tin; phải cảnh giác với những tin nhắn trúng thưởng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP; luôn kiểm tra trang web chính thức của thương hiệu trước khi thực hiện giao dịch”.
![]() |
Tình trạng tội phạm công nghệ cao hiện nay diễn biến phức tạp (Ảnh: Minh hoạ) |
Bạn Lê Minh Quân (25 tuổi, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) thích chơi game và sử dụng chung một mật khẩu đơn giản cho tất cả các tài khoản của mình, từ Facebook, Gmail đến ngân hàng. Đến khi, tài khoản Facebook của Quân bị hack, kẻ gian đã lợi dụng để nhắn tin vay tiền bạn bè cậu. Không chỉ vậy, Email và tài khoản ngân hàng cũng bị xâm nhập, khiến Quân mất hơn 3 triệu đồng. Quân khuyên rằng, người dùng các tài khoản mạng không nên dùng chung một mật khẩu cho nhiều tài khoản; sử dụng mật khẩu mạnh, có cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt và chúng ta cần bật xác thực hai lớp để tăng cường bảo mật.
Còn với Trần Thanh Hằng (24 tuổi, nhân viên văn phòng) bỗng một ngày cô nhận được hàng loạt tin nhắn hỏi về một đoạn video “nóng” bị lan truyền trên mạng mà trong đó có một cô gái rất giống cô. Dù cô khẳng định mình không liên quan nhưng những tin đồn vẫn lan rộng. Hằng phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng để yêu cầu gỡ bỏ video, nhưng những ảnh hưởng đến danh dự và tâm lý vẫn rất nặng nề.
“Chúng ta không nên chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân nhạy cảm; luôn kiểm soát danh sách bạn bè và quyền riêng tư trên mạng xã hội. Nếu ai bị bôi nhọ danh dự, cần nhanh chóng báo cáo lên nền tảng và nhờ cơ quan chức năng xử lý”, Trần Thanh Hằng chia sẻ.
Cô gái kể, bởi thích thử các ứng dụng mới trên điện thoại. Có lần, Hằng tải một ứng dụng chỉnh ảnh miễn phí từ một trang web không chính thống. Sau khi cài đặt, điện thoại của cô liên tục bị treo, các tài khoản liên kết như Gmail, Facebook đều bị đăng nhập từ thiết bị lạ. Cuối cùng, cô phát hiện điện thoại mình đã nhiễm mã độc, dẫn đến mất quyền kiểm soát các tài khoản quan trọng.
Trần Thanh Hằng rút ra bài học rằng: “Chúng ta chỉ tải ứng dụng từ các nguồn chính thống như Google Play hoặc App Store; kiểm tra kỹ quyền truy cập của ứng dụng trước khi cài đặt và thường xuyên cập nhật phần mềm diệt virus và hệ điều hành nhằm bảo vệ thiết bị, tránh nguy cơ nhiễm mã độc”.
“Nói không” với các yêu cầu bất thường
Trước tình trạng gia tăng các vụ tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến và rò rỉ dữ liệu cá nhân, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người trẻ cần nâng cao ý thức bảo mật và trang bị các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc Công nghệ của Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), tấn công mạng hiện nay được thực hiện bởi các nhóm chuyên nghiệp, hoạt động như các tổ chức, công ty. Năm 2025 người dùng có thể phải đối mặt với hai nguy cơ an ninh mạng chính: Lừa đảo trực tuyến biến thể; mã độc giám sát và đánh cắp thông tin.
![]() |
Một hoạt động nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin trong kỷ nguyên số |
Ông Sơn nhấn mạnh sự phổ biến của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) hay Deepfake sẽ khiến cho các hình thức tấn công của tin tặc vào người dùng cá nhân trở nên khó lường hơn. Tin tặc có thể sử dụng Deepfake để tạo các đoạn video hoặc giọng nói giả mạo nhằm lừa đảo người dùng hoặc tạo ra các chiến dịch lừa đảo xã hội quy mô lớn. Tin tặc sử dụng AI để tạo ra các mã độc nhanh hơn, dễ hơn để qua mặt các hệ thống kiểm duyệt hoặc phần mềm diệt virus.
Mạng Internet tốc độ cao như wifi, 5G cũng có thể giúp tin tặc theo dõi, lấy cắp dữ liệu gần như trong thời gian thực. Điều này khiến cho các nạn nhân không có khả năng nhận biết sự bất thường khi điện thoại, máy tính bị kiểm soát. Để phòng chống tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã khuyến cáo cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần chủ động nâng cao năng lực bảo mật, ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến và tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lý về bảo vệ thông tin.
Đối với người dùng cá nhân, cần trang bị và cập nhật các phần mềm diệt virus, an ninh cho máy tính, điện thoại di động. Người dùng nên cập nhật thông tin, tìm hiểu các hình thức lừa đảo phổ biến mới, thông qua các cảnh báo của tổ chức uy tín, cơ quan chức năng; cẩn trọng với các yêu cầu bất thường, không cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài chính cho những yêu cầu không rõ ràng…
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hơn 1.000 thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe sinh sản

Công nghệ, AI và sự dịch chuyển xu hướng chọn nghề của bạn trẻ

Đà Nẵng: Xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em

Cá tháng tư và những pha “troll” cười ngất

Tuổi trẻ Bình Dương xung kích, sáng tạo trong Tháng Thanh niên

Những “đoá hoa trí tuệ” khu vực miền Bắc đi "casting"

Khai giảng khóa học và phát động chương trình VentureX

Báo Tuổi trẻ Thủ đô trong mắt Gen Z: Những góc nhìn đa chiều

Từ công nhân sản xuất đến “giảng viên truyền cảm hứng”
