Lễ hội Làng Sen và vai trò giáo dục đạo đức công dân
![]() TTTĐ - Tối 15/5, tại Sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), Lễ khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2025 ... |
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và đổi thay nhanh chóng của xã hội, lễ hội Làng Sen mang đến một không gian “giáo dục không chính thức” nhưng lại vô cùng hiệu quả - nơi những giá trị đạo đức truyền thống được khơi dậy một cách tự nhiên, sâu lắng và cộng đồng.
![]() |
Trong khuôn viên Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, các triển lãm chuyên đề về Bác Hồ đã được trưng bày công phu, bài bản với nhiều hình ảnh, tư liệu quý (Ảnh: Thanh Quỳnh) |
Từ hình thức tổ chức đến nội dung các hoạt động lễ hội, sự tham gia của đông đảo tầng lớp Nhân dân - tất cả đã tạo nên một môi trường đặc biệt qua hành vi, nghi lễ, cảm xúc và sự gắn bó cộng đồng. Đây là một trong những điểm mạnh hiếm có của Lễ hội Làng Sen, khiến nó không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể, mà còn là một “trường học” mở của đạo lý người.
Không gian hội tụ các giá trị đạo đức truyền thống
Lễ hội Làng Sen mang tính chất đa tầng văn hóa: Từ tín ngưỡng tâm linh, văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống đến ký ức cộng đồng, giáo dục đạo đức và phát triển du lịch văn hóa. Trong đó, tầng văn hóa giáo dục - đặc biệt là giáo dục đạo đức công dân - được thể hiện đậm nét và bền vững.
Một trong những nghi thức tiêu biểu là lễ rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh từ quê mẹ Hoàng Trù về quê cha Kim Liên. Nghi lễ này không chỉ là sự tái hiện hành trình sinh dưỡng của Người, mà còn mang thông điệp đạo lý gắn kết nguồn cội, đề cao giá trị gia đình và truyền thống hiếu nghĩa - những nền tảng đạo đức bền vững của người Việt.
![]() |
Lễ rước ảnh Bác Hồ từ Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên ra Sân vận động Làng Sen |
Lễ dâng hương, dâng hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh cùng các hoạt động văn nghệ như biểu diễn dân ca ví, giặm - di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại - là hình thức “cúng dường văn hóa”, thể hiện lòng tri ân tổ tiên, đất nước và con người đã hy sinh vì dân tộc. Việc hàng vạn người cùng hành hương về Làng Sen trong những ngày lễ cho thấy sức mạnh kết nối của cộng đồng quanh những giá trị đạo đức chung.
Không gian lễ hội vì thế không chỉ gắn với quá khứ mà còn là nơi con người hiện đại tìm về để “soi chiếu” chính mình - để đặt ra những câu hỏi đạo đức căn bản: Tôi đang sống như thế nào? Tôi có xứng đáng với thế hệ cha ông không? Tôi đã làm gì để góp phần xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn?
Giá trị giáo dục đạo đức còn thể hiện rõ nét qua việc lễ hội thu hút sự tham gia tích cực của học sinh, sinh viên. Những buổi tham quan, tìm hiểu di tích Kim Liên, những cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, các chương trình “Em kể chuyện Bác Hồ”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”... đã và đang giúp thế hệ trẻ tiếp cận lý tưởng sống một cách gần gũi, tự nhiên và thực tế hơn bao giờ hết.
![]() |
Một tiết mục tại Lễ khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 |
Trong bối cảnh một bộ phận giới trẻ hiện nay có biểu hiện lệch chuẩn trong hành vi, cảm xúc và thái độ sống, thì những trải nghiệm đạo đức thực tế như ở Lễ hội Làng Sen là hết sức quý báu. Đây không phải là bài học trong lớp học khép kín, mà là trải nghiệm trực tiếp - qua quan sát, cảm nhận và tương tác cộng đồng - giúp mỗi người tự điều chỉnh mình theo những giá trị đúng đắn.
Gìn giữ đạo đức dân tộc trong thời đại mới
Lễ hội Làng Sen, với biểu tượng Hồ Chí Minh chính là điểm tựa tinh thần quan trọng giúp gìn giữ, làm mới và lan tỏa đạo đức dân tộc trong thời đại nhiều biến động. Hình ảnh Bác Hồ giản dị, tận tụy, sống và cống hiến trọn đời cho Nhân dân đã trở thành mẫu hình lý tưởng không chỉ trong lịch sử mà cả trong giáo dục đương đại.
Để phát huy vai trò này một cách hiệu quả và bền vững, cần có những chính sách cụ thể hơn nhằm gắn kết lễ hội với giáo dục văn hóa tại nhà trường và địa phương. Nội dung về tín ngưỡng dân gian hiện đại, biểu tượng Hồ Chí Minh và giá trị của Lễ hội Làng Sen cần được đưa vào các hoạt động ngoại khóa, dự án cộng đồng, sáng tạo nghệ thuật hoặc truyền thông giáo dục - đặc biệt với học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, địa phương nên khuyến khích các hình thức sáng tạo mới để truyền tải đạo đức dân tộc: Phim tài liệu, video ngắn, podcast, sân khấu học đường, mô hình du lịch trải nghiệm... nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Cộng đồng không chỉ là người tham dự lễ hội, mà phải trở thành chủ thể văn hóa cùng giữ gìn, kể lại, lan tỏa giá trị đạo đức dân tộc thông qua mỗi hành động, mỗi lần trở về Làng Sen.
Vì thế, Lễ hội Làng Sen không chỉ là một dịp lễ mà là một lời nhắc nhở dịu dàng và sâu xa về đạo đức, bổn phận công dân, tình yêu Tổ quốc trong từng nhịp sống của người Việt hôm nay.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Xúc động những lời ca dâng Bác

Khúc trữ tình lịch sử ngợi ca đất thiêng Ninh Bình

Ấn tượng với khả năng trình diễn thời trang của Đàm Thủy Tiên

Rực rỡ sắc màu văn hóa Việt Nam cùng cung rước xá lợi Phật

Rực rỡ, hoành tráng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng năm 2025

Liên kết vùng để phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa hiệu quả

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sẽ biểu diễn tại Lễ hội Làng Sen 2025

Rạng rỡ lý tưởng Hồ Chí Minh trong bản hòa ca tháng Năm

Những lời ca thiết tha dâng Bác
