Kể tiếp chuyện trong nhà…
![]() |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, cô giáo (đã về hưu) Thúy Giang và mẹ |
Mẹ tôi vẫn gọi dịch Covid-19 là dịch hạch, dịch tả, bà không muốn con cái tổ chức tang lễ bà vì dịch đang hoành hành. Vì bà chỉ biết dịch hạch và dịch tả. Đối với bà, đại dịch nào khủng khiếp nhất thì cũng chỉ như dịch hạch, dịch tả thôi. Dịch Covid-19 bà chỉ nghe nói chứ chưa chứng kiến. Khi bà mất, và đến ngay cả bây giờ, khi tôi với bà tám chuyện này, quê tôi vẫn chưa có người nào nhiễm dịch. Bà cũng chỉ biết đến dịch hạch qua đài báo, còn dịch tả thì bà biết rồi. Đối với bà, đấy là nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Làng tôi rất nhiều người chết dịch.
Người vừa chôn người thân về, lại chết luôn. Chết nhiều vì dân đói. Cứ vớ gì ăn nấy, miễn là nhai được, nuốt được. Dịch lại lây lan, nên người ta sợ, chết là chôn ngay. Nhiều khi hấp tấp chôn cả người chưa chết hẳn. Chuyện này bác Minh cũng đã kể trong cuốn “Đối thoại văn chương”. Làng tôi có một bà vẫn hay ăn trầu, nên trong túi áo bà luôn có sẵn con dao nhỏ. Dao têm trầu thường có hai đầu, một đầu bổ cau, cắt trầu, một đầu nhọn hoắt dùng để chọc, cài cuống trầu khi têm. Hôm cải táng bà, con cháu kinh hoàng oà khóc vật vã khi thấy con dao têm trầu cắm lên nóc ván thiên đóng vội bằng gỗ tạp. Hoá ra bà chưa chết. Hoặc giả bà đã chết lâm sàng, nhưng khi bị chôn rồi, nước thấm vào trong quan tài đã làm bà tỉnh lại. Bà báo cho con cháu biết bằng cách cắm con dao têm trầu lên nóc ván thiên …
Thật kinh hoàng…
Đấy là nỗi ám ảnh của mẹ tôi trong nạn dịch tả năm 1945…
Nghe nói ông cũng đã từng chết trong một nạn dịch tả…
À đấy là chuyện sau này. Năm lên ba tuổi, tôi cũng đã chết đúng theo nghĩa đen. Tụi trẻ con làng tôi hồi ấy bú muộn lắm. Có đứa lên 5 tuổi vẫn bú mẹ. Không như bây giờ, chỉ hai ba tháng sau đã cai sữa, cho con ăn sữa ngoài. Đủ các loại sữa. Hồi ấy do mẹ tôi ăn thức ăn thiu, sữa bị nhiễm, tôi bị tả, sau mấy giờ, không thấy khóc. Cậu tôi tá hoả khi dứt sợi tóc đặt ngang mũi không thấy động đậy. Như thế là thằng cu đã tắt thở rồi. Mẹ tôi khóc oà lên…
Chuyện này tôi đã đọc trong một bài báo nhà văn Nguyễn Như Phong viết về ông in trên báo An ninh thế giới. Anh Phong kể, ông nằm trong quan tài, lúc chuẩn bị nắp tấm ván thiên để di quan, bất ngờ một tia nước khai mò phóng vọt lên trần nhà. Ông bất ngờ tỉnh lại. Rồi ông nhảy ra khỏi quan tài khiến cả làng kinh khiếp và mừng rỡ…
Khiếp! Ông bạn tôi đã rùng rợn hoá câu chuyện và làm sang cho tôi, lại biến tôi thành quỷ nhập tràng. Ở làng quê tôi hồi đó, trẻ con chết làm gì có quan tài. Sự thật như lời bác Minh kể trong cuốn Đối thoại văn chương, khi tôi đã tắt thở, ông Luận ở nhà bên đã quấn tôi vào tấm áo lành nhất của mẹ tôi, bên ngoài còn bó thêm mảnh chiếu con, buộc hai đầu bằng cái lạt giang, định mang đi chôn, nhưng mẹ tôi gào lên, giằng lại, không cho mang đi.
Bà cứ bảo thằng bé chưa chết. Rồi bà bảo cậu tôi cởi áo nó ra, rắc đất vách lên bụng nó. Đấy là cách chữa gà, chữa chó say nắng của mẹ tôi. Nhà tôi gà chó tự dưng lăn quay ra chết, mẹ tôi vẫn lấy đất vách rắc lên bụng. Vậy mà có con cũng tỉnh lại. Trong lúc nguy nan, mẹ tôi cũng dùng bài thuốc ấy sơ cứu cho tôi. Tuy nhiên, cứ như lời bác Minh thì cậu Khoa đã chết thực sự. Da vàng ệch. Ông bác ruột tôi sợ cháu luân hồi, lộn lại ám gia đình, đã lấy con dao cau của mẹ tôi, trích một tí da ở đuôi mắt trái tôi để đánh dấu. Vết trích không thấy máu. Như thế càng tin cu cậu đã chết. Và vết trích ấy thành vết sẹo duy nhất để xác nhận đặc điểm của tôi trong các chứng minh thư bây giờ. Bác tôi bó tôi lại, đặt ở chân tường nhà chờ giờ đưa đi. Theo ông, 5 giờ chiều mới là giờ tốt.
Thế rồi, đến đúng cái giờ tốt ấy, bác tôi đưa tôi đi, lại ngạc nhiên thấy đất dưới bó có màu khác, màu sâm sẫm. Hoá ra cu cậu đái. Rồi ọ ẹ, ọ ẹ. Rồi tiếng khóc e é như tiếng mèo hen. Hoá ra cu cậu đã tỉnh lại. Mẹ tôi mừng rỡ. Rồi may sao lúc ấy, ông Thảo, một y tá quân đội lại vừa về đến làng. Ông tiêm cho tôi một mũi, rồi đưa cho bác Minh 5 đồng, bảo bác sang Hải Dương, tìm đúng địa chỉ ông cho, mua một vị thuốc đặc biệt. Lúc ấy đang mưa. Bác Minh khoác áo tơi chạy bộ gần hai chục cây số. Không có đò, bác bơi qua bến Hàn, về ngay trong đêm. Quãng đường đi về gần 40 km chạy bộ. Vị thuốc tiên ấy hoá ra là một củ sâm. Sau đó tôi hoàn toàn hồi tỉnh và sống cho đến tận bây giờ…
Một cơ may hiếm có. Ông vừa nhắc đến bác Minh, người anh cả mà ông cho là tấm gương sáng của cả gia đình. Bác Minh sáng ở chỗ nào?
Đó là sự vượt khó. Cả làng tôi quý bác Minh. Các cụ làng tôi chỉ phục bác Minh thôi, còn tôi, các cụ coi chẳng ra gì. Ngay ông bác ruột tôi cũng bảo: “Nhà ấy tài được mỗi thằng Minh. Giá ngày xưa đi thi, khéo nó đỗ trạng. Chứ thằng Khoa thì chẳng ra gì. Nó thấc được lên là nhờ phát mả thế nào, chứ mặt nó đen như gio. Hãm lắm”. Bác Minh làm thơ cũng rất sớm. 10 tuổi bác đã nổi tiếng khắp làng nhờ tài thơ phú. Mà toàn thơ ứng tác. Các cụ làng tôi nhớ rất nhiều thơ bác Minh. Toàn thơ do các cụ ra đề và bác đọc ngay tại chỗ.
![]() |
Nhà thơ Ngô Viết Dinh và 2 anh em nhà thơ Trần Đăng Khoa |
Năm 1954, vừa giải phóng Điện Biên, anh Chiến, lính Điện Biên về làng cưới vợ. Bác Minh lúc ấy có 10 tuổi đã thay mặt làng đọc thơ mừng: “Hoà bình lập lại Đông Dương/ Anh Chiến chị Dự kết duyên châu trần/ Em là thiếu nhi tuổi xanh/ Chúc cho anh chị gia đình ấm no/ Công tác đoàn thể giao cho/ Luôn hoàn thành tốt thi đua hơn người/ Chúc cho anh chị đồng thời/ Sang năm lại có một người em giai”. Cả rạp vỗ tay rầm trời. Đấy là hơi thơ dân gian, kiểu truyện nôm khuyết danh. Sau này bác viết theo giọng Tố Hữu: Chào Yên Đức, chào Núi Canh anh dũng/ Núi đội trời xanh mây nõn như bông/ Chào Yên Đức đồng xanh sông trải rộng/ Lớp sóng đời đời ôm những chiến công”. Tôi bảo bác: Ông Tố Hữu là vua thơ, nên đi đâu, ông cũng phải chào dân chúng: “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng”, “Hãy dương súng lên cao/ Chào xuân 68”, “Kính chào anh giải phóng quân”. Anh em mình là nông dân, là thợ cày. Đi đâu cũng chào như vua thì buồn cười lắm. Tất nhiên, ngoài thơ cổ động, bác Minh cũng có nhiều thơ hay. Có tập rất hay. Nhưng sau đổi mới, bác vào Huế, gặp anh em văn nghệ sĩ ở đó, bác biết mình đã nhầm trong cách viết. Thế là bác loại bỏ toàn bộ mảng sáng tác ¼ thế kỳ của mình để làm lại toàn bộ. Nghĩa là đi lại từ đầu.
Trong các thi sĩ, chỉ bác Minh có gan như vậy. Và bây giờ chúng ta có một Trần Nhuận Minh khác. Và tôi ngờ sau này, người ta sẽ nhớ đến Trần Nhuận Minh hơn là Trần Đăng Khoa. Sự nghiệp bác Minh là do rèn luyện mà thành tài. Còn tôi với Giang là chơi thơ. Thích thì chơi, chán thì làm việc khác, viết loại khác…
Ông vừa nói đến Giang. Tôi chỉ biết đến Giang qua các bài thơ ông tặng em gái, hoặc có nhắc đến em gái. Cũng nghe nói cô ấy có làm thơ…
Giang là bạn đọc đầu tiên của tôi. Nhiều khi cô ấy còn gỡ bí cho tôi. Năm 10 tuổi, tôi viết bài thơ Em lớn lên rồi: “Năm nay em lớn lên rồi/ Không còn nhỏ xíu như hồi lên 5/ Nhìn trời- Trời bớt xa xăm/ Nhìn sao - Sao cách ngang tầm cánh tay – Núi xa lúp xúp chân mây”…Đến đây thì tôi bí. Mấy ngày bài thơ vẫn tắc. Để viết tiếp, tôi cứ phải đọc đi đọc lại Núi xa lúp xúp chân mây. Bất ngờ Giang tiếp: “Cái ao bớt lớn cái chày bớt to…”. Rất bất ngờ. Đây là cái nhìn của cô bé bốn tuổi nên mới thấy cái ao, cái cối cái chày là to lớn. Từ cái ao cô bé gợi ý, tôi nghĩ đến sông và bài thơ đã nối được mạch: Bờ sông khép lại hàng cây thấp dần/ Nơi xa cũng hoá nên gần/ Quanh em bè bạn quây quần bốn phương… Giang làm thơ sớm lắm. Hồi nhà thơ Định Hải, nhà thơ Ngô Viết Dinh về kiểm tra tôi, vì nhiều người cứ nghĩ thơ tôi do ông anh gà. Nhưng bác Minh rời quê từ năm 1962, khi tôi còn chưa đi học. Có khi đến nửa năm bác ấy mới về, mà nhà tôi lại luôn có khách. Khách suốt ngày đêm. Anh Hải anh Dinh về nhà hàng tháng trời xem tôi làm thơ rồi chứng kiến cả Giang làm thơ nữa: “Cái hầm nhà em/ Tre xanh tre đỏ/ Em ngồi ở giữa/ Thơm thơm thơm thơm”. Đấy là bài thơ Giang đọc trước anh Định Hải năm cô ấy 4 tuổi. Giang có không ít những bài thơ thú vị: VỎ SÒ VÀ NGỌN GIÓ: Em nâng trên tay/ Bé xíu vỏ sò/ Gió từ biển cả/ Thổi vào vo vo/ Em hỏi: Gió ơi!/ Ông cao lớn thế/ Vỏ sò bé tí/ Ông vào làm sao/ Gió rằng tôi cao/ Hơn ngàn núi đá/ Chính tôi làm nên/ Muôn con sóng lạ/ Nhưng vỏ sò ấy/ Là nơi tôi sinh/ Ai không nhỏ bé/ Trước quê hương mình…”. Bây giờ, Giang đã là cô giáo về hưu mấy năm nay rồi. Hy vọng cô ấy sẽ có thời gian trở lại với thơ….
Cám ơn ông!
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 khóa XIII

Khai mạc trọng thể Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Bằng tình yêu và trách nhiệm, đóng góp cho Tổ quốc theo cách riêng của mình

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiến tới miễn viện phí toàn dân, hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế: Tâm thế mới - vị thế mới - tư duy mới

Đổi mới tư duy, cách làm để hoàn thành khối lượng công việc lớn

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng bộ TP Đà Nẵng
