Grab “ra chiêu” đối phó với Nghị định 126 khiến tài xế và khách hàng bức xúc
Hàng trăm tài xế đình tài phản ứng
Sáng 7/12, hàng trăm tài xế xe ôm công nghệ Grab tập trung trước trụ sở đơn vị này tại ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội,. Các tài xế phản đối việc đơn vị này tăng giá cước cho mỗi chuyến đi từ ngày 5/12.
Theo đó, càng về trưa số lượng tài xế đến đây càng đông. Tất cả đều tắt ứng dụng, mong muốn được làm việc với đơn vị chủ quản. Mọi người phản ứng về chính sách tăng thuế lần này ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của tài xế.
![]() |
Hàng trăm tài xế xe ôm công nghệ Grab tập trung ngay trước trụ sở đơn vị này để phản đối việc đơn vị này tăng giá cước |
Tài xế Ngô Bá Tạ (25 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi làm tài xế Grab gần 2 năm nay, thu nhập từ công việc này cũng không cao. Nay, Grab lại tăng giá cước cho mỗi chuyến đi như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của anh em lái xe. Bản thân tôi không đồng tình với việc này".
Theo anh Tạ, hầu hết mọi người có mặt tại đây đều tắt ứng dụng đặt xe, đình tài để phản đối chính sách tăng thuế lần này. “Nếu tăng thuế như vậy chạy cuốc 13.000 đồng, tài xế chỉ nhận được 8.000 đồng. Việc tăng giá cước như như vậy quá bất công với những tài xế chúng tôi", anh Tạ nói.
Do lượng tài xế đổ về quá đông khiến giao thông gặp nhiều khó khăn. Công an quận Cầu Giấy đã cử lực lượng ra nhắc nhở để đảm bảo an ninh, trật tự.
![]() |
Hầu hết các tài xế xe ôm công nghệ Grab đều tắt ứng dụng đặt xe, đình tài để phản đối chính sách tăng thuế lần này |
Việc Grab điều chỉnh tăng khấu trừ với tài xế và tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc diễn ra ngay khi Nghị định 126 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12. Theo đó, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo).
Tương tự, GrabCar 7 chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu và từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Đã qua thời kỳ “rắc thính”
Việc tăng giá trên của Grab đúng thời điểm Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế được ban hành ngày 19/10 có hiệu lực ngày 5/12, dù cơ quan quản lý vẫn chưa ra thông tư hướng dẫn.
Trong thông báo gửi các đối tác tài xế, Grab Việt Nam cho biết, theo quy định mới của Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 3 lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ được áp dụng từ ngày 5/12. "Để đảm bảo mức thu nhập cho tài xế, nền tảng đặt xe này đã phải tăng giá cước cơ bản các dịch vụ", Grab lý giải.
Tỷ lệ chiết khấu tài xế GrabCar áp dụng từ 28,375 lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân, phí sử dụng ứng dụng 25%), còn GrabBike tăng từ 20 lên 27,273%.
![]() |
Việc tăng giá trên của Grab đúng thời điểm Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế được ban hành |
Trước đó, Grab Việt Nam cũng liên tục điều chỉnh tăng giá với các dịch vụ GrabBike, GrabBikePremium, GrabExpress và GrabFood. Cụ thể, từ ngày 2/12, mức giá cho 2km đầu vẫn giữ nguyên 12.000 đồng nhưng giá tính trên mỗi km tiếp theo tăng từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng ở các địa phương như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội.
Mức tăng tại một số địa phương như TP HCM, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ… từ 3.400 đồng lên cùng mức 4.000 đồng và từ 300đ/phút (sau 2km đầu) lên 350 đồng/phút sau 2km đầu.
Mặc dù không tăng phụ phí của các cuốc xe nhưng thời gian tính phụ phí cũng nới rộng ra, từ 11 giờ tối đến 6 giờ sáng, với mức thu 10.000 đồng cho các cuốc xe phát sinh.
Về cách tính thuế giá trị gia tăng và quy định doanh nghiệp phải kê khai trong Nghị định 126, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, các doanh nghiệp vận tải công nghệ phải có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng chứ không phải tài xế. Nghị định 126 quy định trách nhiệm của các công ty liên kết với người lái xe để thực hiện dịch vụ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế gia trị gia tăng. Doanh nghiệp sẽ phải kê khai 10% thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh thu, công ty sẽ được khấu trừ đầu vào.
Trong khi đó, về phía tài xế thì theo quy định mới chỉ bị áp mức thuế thu nhập cá nhân 1,5% khi có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Như vậy, trên thực tế, nghĩa vụ thuế đối với tài xế công nghệ sẽ nhẹ hơn so với hiện hành.
![]() |
Việc điều chỉnh tăng giá cước mà Grab đưa ra ngay lập tức vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội của người tiêu dùng và các tài xế |
Việc điều chỉnh tăng giá cước mà Grab đưa ra ngay lập tức vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội của người tiêu dùng và các tài xế.
Chị Nguyễn Phương Trà (trú tại phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Với cách tính giá mới mà Grab đưa ra, những người tiêu dùng như tôi sẽ phải chịu thiệt đầu tiên. Là khách hàng thường xuyên của Grab, ban đầu tôi lựa chọn dịch vụ này đơn giản vì 2 tiêu chí tiện hơn và rẻ hơn xe ôm truyền thống. Tuy nhiên, với cách tính giá mới này, mọi cái thuận tiện hơn của Grab trước đây đã gần như không còn”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Về mặt bản chất, VAT là thuế gián thu. Đây là tiền thuế của người tiêu dùng nộp cho Nhà nước và Grab hay các hãng xe công nghệ chỉ có trách nhiệm kê khai và nộp thay cho hành khách.
Tuy nhiên, việc Grab “nhanh nhảu” tăng giá cước ngay khi Nghị định 126 có hiệu lực trong khi nhiều hãng xe công nghệ khác vẫn đang nghe ngóng nhằm đưa ra giá cước phù hợp với khách hàng và chính sách hỗ trợ tài xế cho thấy cách hành xử của Grab không được ổn.
“Có lẽ Grab quá tự tin vào sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình nên tự đưa ra quyền tăng giá cước bất cứ lúc nào họ muốn. Đây là giai đoạn kinh tế khó khăn, xã hội bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, tăng giá cước lúc này vừa làm mất quyền lợi của người tiêu dùng, vừa đe dọa “nồi cơm” của các tài xế”, chuyên gia Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, trong các hãng xe công nghệ đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay, chỉ có Grab “nhanh nhẹn” thực hiện việc tăng giá cước khi Nghị định 126/2020 chính thức có hiệu lực.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội ngày nắng nóng, nhiệt độ cao nhất 37 độ C

Khẩn trương tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5 năm 2025

Hơn 1.000 tình nguyện viên giải cứu san hô

Một triệu cuốn sách lan tỏa tri thức, giúp nông dân Việt làm giàu

Trao quà cho gia đình chính sách đồng bào dân tộc Cơ Tu

Bình Thuận cần vươn lên trở thành trung tâm năng lượng quốc gia

Lâm Đồng: Thống nhất phương án giảm 86 đơn vị hành chính

Điện Thái Hòa di tích đầu tiên đạt tiêu chuẩn công trình xanh LOTUS

Đà Lạt xử lý công nợ trước khi sắp xếp đơn vị hành chính
