Gieo "hạt mầm" ý thức, giải bài toán phân loại rác tại nguồn
Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thu gom và tái chế Phân loại rác tại nguồn: Từ ý thức đến hành động Phân loại rác tại nguồn: Vướng “trăm bề” |
Tagom - chúng ta cùng gom
Đều đặn mỗi buổi sáng, nhiều người dân ở khu vực quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội lại cùng nhau làm một việc nhỏ với mục đích bảo vệ môi trường, đó là thu gom rác không phân hủy được đã được vệ sinh sạch, phơi khô mang đến con ngõ nhỏ ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc, phố Khuất Duy Tiến để phân loại và đem đi xử lý.
Chị Lê Thị Thu (sống tại phố Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân) chia sẻ: “Lúc trước mình chỉ gom chai nhựa, hộp giấy cho các cô đồng nát thôi nhưng khi biết đến nhóm Tagom, mình bắt đầu thực hiện thói quen phân loại rác. Nhờ sự hướng dẫn chi tiết và cẩn thận của các tình nguyện viên, việc phân loại rác cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều”.
Từ quận Đống Đa, mấy tháng nay, chị Lê Thị Bảo Kim (sống tại phố Vĩnh Hồ) duy trì đều đặn thói quen đem những loại rác phù hợp đến đây để tập kết. “Mình biết đến Tagom qua mạng xã hội và thấy những hoạt động này rất có ích cho môi trường. Mình bắt đầu thay đổi thói quen bằng cách thu gom những vỏ hộp sữa, túi nylon dùng ở nhà hay những chai thủy tinh bỏ đi và pin cũ. Việc làm nhỏ, nhưng mình cũng muốn có thể góp phần nào đấy giảm thiểu tác động của rác ra môi trường”, chị Kim cho hay.
![]() |
Các tình nguyện viên Tagom phân loại rác |
Vậy là với sự đóng góp của nhiều người dân như chị Thu, chị Kim, mỗi ngày, các tình nguyện viên của Tagom lại tất bật với công việc thu nhận rác từ người dân, tỉ mỉ phân loại thành từng nhóm rác cụ thể như: Thủy tinh, nylon cứng, nylon mềm, nhựa dễ tái chế và nhựa khó tái chế để mang đi tạo thành những sản phẩm mới.
Đây là một dự án bảo vệ môi trường được chị Nguyễn Thùy Linh (Hà Nội) và anh Vũ Đức Chung (Hà Nội) thành lập vào năm 2022. Thời điểm này, nhận thấy tại Hà Nội đã có nhiều câu lạc bộ, tổ chức môi trường hoạt động, tuy nhiên tần suất hoạt động vẫn còn ít. Vì vậy, chị ấp ủ cho ra đời dự án Tagom, với hy vọng sẽ góp phần hỗ trợ “bài toán còn bỏ ngỏ” trong công tác thu gom và phân loại rác tại nguồn cho người dân.
Điểm nổi bật trong mục tiêu hoạt động của Tagom là hướng dẫn người dân chủ động và tự giác phân loại rác tại nguồn, tập trung vào nhóm rác thải khó phân hủy để giảm thiểu tác động của nhóm rác này tới môi trường.
Trước mỗi đợt thu gom, nhóm luôn chuẩn bị tài liệu hướng dẫn chi tiết, đồng thời chia sẻ thông tin qua mạng xã hội để giúp người dân nắm được cách phân loại đúng ngay tại nhà. Khi đến điểm thu gom, nếu còn bỡ ngỡ, người dân sẽ được các tình nguyện viên hỗ trợ trực tiếp.
“Chúng mình sẽ hướng dẫn người dân cần phải vệ sinh rác từ nhà. Bởi vì khi rác sạch thì mọi người mới có thể tích trữ được ở nhà 1 thời gian và sau đấy mới mang đến đây phân loại. Mọi người đến đây sẽ được thực hành phân thành rất nhiều loại và sẽ hiểu rác sau khi phân loại xong sẽ được xử lý như thế nào, mình có các sản phẩm tái chế để mọi người xem và hiểu được hành trình tái chế của rác - chị Nguyễn Thị Thuỳ Linh, đồng sáng lập dự án Tagom chia sẻ.
![]() |
Rác được hướng dẫn phân loại tại điểm thu gom |
Nỗ lực thúc đẩy ý thức phân loại rác tại nhà
"Tagom" mang ý nghĩa "chúng ta cùng gom", thể hiện tinh thần chung tay hành động vì môi trường. Hiện nay số lượng thành viên của Tagom đã lên tới 30 người. Ban đầu, hầu hết thành viên tham gia dự án là sinh viên với lịch trình bận rộn và ít thời gian tham gia hoạt động xã hội. Vì thế, những ngày đầu thành lập, nhóm chỉ có vài ba thành viên xoay xở với mọi công việc, từ tiếp nhận, phân loại cho tới vận chuyển rác. Việc thiếu người khiến khối lượng công việc dồn lên vai từng cá nhân, đôi khi khiến các hoạt động bị gián đoạn hoặc chậm tiến độ.
“Nhưng dần dần, chúng mình đã khắc phục được bằng cách mở rộng mạng lưới, hợp tác với các câu lạc bộ, tổ chức sinh viên và các nhóm tình nguyện. Nhờ đó, Tagom ngày càng có thêm nguồn lực để duy trì và mở rộng hoạt động” - Chị Thùy Linh chia sẻ.
Không chỉ khó khăn về nhân sự, vấn đề tài chính cũng luôn là bài toán lớn. Để duy trì hoạt động lâu dài và bền vững, Tagom đã từng bước hợp tác với các doanh nghiệp triển khai nhiều dự án cộng đồng như: Chương trình “Đổi rác lấy quà” kết hợp với Aeon Mall; Dự án Tắt đèn bật ý tưởng; các buổi thu gom rác tại nhiều trường học trên thành phố và nhiều chương trình hướng dẫn tái chế rác thải…
Sau 3 năm hoạt động bền bỉ, từ một trạm nhỏ khiêm tốn, Tagom trở thành mạng lưới phân loại rác đáng tin cậy giữa lòng Thủ đô. Hiện tại, dự án đã xây dựng được 5 điểm thu gom rác cộng đồng, cùng 3 kho tập kết với tổng diện tích lên đến 1.200m² đặt tại nhiều quận, huyện.
Không chỉ vậy, từ vài trăm kg ban đầu, hiện nay mỗi tháng nhóm tiếp nhận khoảng 5-10 tấn rác/tháng và đặc biệt là đã có khoảng 300-500 người dân mang rác đến tập kết.
![]() |
Các thành viên nhóm Tagom |
![]() |
Các thành viên nhóm Tagom tại một chương trình “Đổi rác lấy quà” |
Trong thời gian tới, nhóm định hướng nhân rộng mô hình “trạm cứu hộ môi trường”. Chị Thùy Linh cho biết, mục tiêu của Tagom là từng bước mở rộng những trạm thu gom này tới nhiều quận, huyện hơn trên địa bàn thành phố. Việc phủ rộng các điểm thu gom không chỉ giúp nâng cao khả năng tiếp cận và thu gom rác mà còn hướng tới việc tạo ra một thói quen cho người dân về việc phân loại rác đều đặn.
Không dừng lại ở đó, Tagom cũng đang nghiên cứu để cải tiến mô hình thu mua ve chai truyền thống - một hệ thống thu gom phi chính thức nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc phân loại và xử lý rác đúng cách. Nhóm mong muốn có thể kết hợp với mô hình ve chai, từ đó thu gom được nhiều loại rác hơn, đặc biệt là nhóm rác ít được quan tâm như rác điện tử.
Song song với việc phát triển hệ thống, Tagom cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông và lan tỏa kiến thức về phân loại rác và bảo vệ môi trường đến nhiều người dân hơn thông qua các hoạt động cộng đồng.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn (ở từng hộ gia đình), sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển đi xử lý. Tuy nhiên trên thực tế, công tác phân loại rác thải tại nguồn vẫn chưa đi vào cuộc sống, hầu hết người dân trên cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng vẫn lúng túng trong triển khai thực hiện. Do đó, ngoài sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các đơn vị chức năng, chính quyền các địa phương, rất cần sự chung tay của các tổ chức, cá nhân với nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn; giúp người nâng cao nhận thức, thấy được lợi ích nhiều chiều từ phân loại rác thải tại nguồn, khi ấy hành động ý nghĩa này mới thực sự đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và bền vững. |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nhiệt độ tại Bắc Bộ cao nhất 33 độ C

Hà Nội không mưa, trưa chiều trời nắng

“Hoa và Rác” đến Hà Nội truyền thông điệp bảo vệ môi trường

Bắc Bộ sáng và đêm trời rét

Gen Green Platform chính thức ra mắt tại Ngày hội Xanh lớn nhất Việt Nam

Hưởng ứng chiến dịch “Trồng 1 tỷ cây xanh"

Không khí lạnh ảnh hưởng tới Bắc Bộ

Quảng Nam: Rừng thông trốc gốc, bờ biển tan hoang

Xử lý nghiêm tình trạng đổ phế thải trái phép ra sông Hồng
