Phân loại rác tại nguồn: Vướng “trăm bề”
Giảm hiệu quả phân loại rác vì thiếu cơ sở vật chất
Theo quy định, người dân phải phân loại rác tại nguồn thành 3 nhóm: Rác tái sử dụng, tái chế; rác thực phẩm; rác sinh hoạt khác.
Tuy nhiên, việc thực hiện lại gặp nhiều vướng mắc bắt nguồn từ cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ví dụ như, các đơn vị thu gom rác chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa được trang bị các dụng cụ thu gom rác thải đã phân loại; người dân chưa được phổ biến về tần suất và địa điểm thu gom rác đã phân loại... Ngoài ra, cơ chế giám sát xử lý vi phạm của cơ quan chức năng cũng chưa thực sự rõ ràng.
![]() |
Ghi nhận thực tế tại Hà Nội, phóng viên nhận thấy, việc phân loại rác thải tại nguồn hầu như chưa có hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Cương, công nhân vệ sinh môi trường chuyên thu gom rác tại huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, công ty chưa trang bị dụng cụ để thu gom 3 loại rác thải sau phân loại.
“Chúng tôi cũng mới được tuyên truyền về nội dung này nhưng hiện tại chưa áp dụng được. Lý do là bởi xe thu gom rác vẫn chỉ có một loại, chưa có sự chuyên dụng nào cả. Bên cạnh đó, như tôi quan sát, nếu chúng tôi có phân loại ra rồi đến lúc xe gom rác của thành phố đến vẫn thấy đổ hết vào một chỗ. Thế hóa ra có phân loại cũng như không”, chị Cương phân bua.
![]() |
Chỉ với một thùng rác có ghi "rác thải thông thường", công nhân vệ sinh môi trường đành gom tất cả vào một thùng |
Bên cạnh đó, theo quan sát, chị Cương cũng nhận thấy ý thức của một bộ phận người dân trong việc bỏ rác đúng quy định vẫn còn chưa thực sự tốt. “Do đó việc hình thành thói quen phân loại rác thành 3 loại khác nhau theo quy định sẽ là điều không dễ dàng”, chị Cương chia sẻ thêm.
Chị Trần Thu Hoài, căn hộ 919, tòa nhà CT6, Khu đô thị mới Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, diện tích sinh hoạt tại chung cư chưa được rộng rãi là một trong những lý do khiến chị khó thực hiện phân loại rác tại nguồn.
“Tôi biết việc phân loại này là nên làm nhưng sinh hoạt tại chung cư diện tích chật hẹp, nhà đông người nếu để cả ba thùng rác ở trong nhà tôi thấy cũng không dễ dàng. Như bây giờ, nhà tôi có một thùng rác để dưới một ngăn tủ bếp vừa khít”, chị Hoài nói.
Cũng sống ở chung cư như chị Hoài, chị Kim Dung, khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai lại chia sẻ thêm rằng, vì ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, gia đình chị có một khoảng thời gian cuối năm 2024 có phân loại rác nhưng khi mang ra nơi tập kết rác chung của tầng thì thấy chỉ có 2 thùng rác.
“Hai thùng rác này không phải là màu khác nhau để phân biệt mà đơn giản là đủ chỗ cho người dân bỏ rác, đỡ vứt ra ngoài, làm ô nhiễm môi trường và khiến việc thu gom rác của các bác lao công khó khăn. Nhiều lần như vậy, tôi thấy việc làm của gia đình mình là vô ích. Do đó, tôi lại để chung tất cả. Thiếu cơ sở vật chất để phân loại rác tại các khu chung cư là một vấn đề khiến chúng tôi mất động lực thực hiện”, chị Kim Dung giải thích.
![]() |
Nơi chứa rác của khu chung cư nơi chị Kim Dung sinh sống chỉ có 2 thùng rác "không có dấu hiệu phân loại" như thế này khiến người dân khó thực hiện |
Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền, Phó Chủ nhiệm bộ môn truyền thông, Trường Đại học Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, 3 thách thức chính trong việc phân loại rác tại nguồn là nhận thức hạn chế, thiếu điều kiện thu gom và những lo ngại về quy trình xử lý.
Theo Tiến sĩ Nga Huyền, người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn, dẫn đến thiếu động lực và không thực hiện. Nếu đã có ý thức về phân loại rác thì lại phát sinh việc chưa có điều kiện cần thiết như thùng rác phân loại, hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng hoặc hệ thống thu gom phù hợp. Một trường hợp khác là người dân đã có ý thức và thực hiện phân lợi rác tại nguồn nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về việc rác đã phân loại được thu gom và xử lý như thế nào, liệu có đúng quy trình không.
“Điều này gây ra sự hoài nghi và giảm động lực tiếp tục thực hiện của người dân”, Tiến sĩ Nga Huyền nhấn mạnh.
Theo ghi nhận, việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn Hà Nội vẫn chỉ dừng lại ở các mô hình thí điểm tại 5 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm. Trong khi đó, việc triển khai kế hoạch phân loại rác tại nguồn ở các quận, huyện, thị xã khác hầu như vẫn còn bỏ ngỏ.
Cần giải pháp đồng bộ để "gỡ khó"
Để triển khai được phân loại rác tại nguồn, Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền cho rằng, cần phải đổi mới tư duy, đa dạng hóa hình thức và phương tiện truyền thông về phân loại rác tại nguồn. Với thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI), việc truyền thông theo cách cũ vừa tốn kém mà như lâu nay chúng ta thấy hiệu quả đều không như mong đợi.
“Chúng ta đang làm thí điểm nhưng thiếu quyết liệt trong cả khâu triển khai và giám sát thực hiện. Do đó, không đạt kết quả như mong muốn và không rút ra được kinh nghiệm thực tế”, Tiến sĩ Nga Huyền chia sẻ thêm.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhấn mạnh: "Việc phân loại rác tại đầu nguồn là vô cùng quan trọng và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường. Nếu chúng ta phân loại được rác, chúng ta sẽ thực hiện được nguyên lý kinh tế tuần hoàn, tái chế lại các loại rác. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên, tạo ra nguồn thu cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân mà còn giảm thiểu diện tích đất chôn lấp rác thải, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường".
![]() |
PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ về những giải pháp nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn trên địa bàn Thủ đô |
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Thị An cũng chỉ ra những khó khăn trong việc thay đổi thói quen của người dân: "Thói quen sử dụng túi nilon quá tiện lợi đã khiến mọi người lười biếng trong việc phân loại rác. Để thay đổi điều này, chúng ta cần phải tuyên truyền, giáo dục từ trong trường học, từ các lớp mẫu giáo, trường phổ thông đến cộng đồng dân cư. Đồng thời, cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp cố tình vi phạm".
Chị Cương nhận thấy, việc phân loại rác tại nguồn là cần thiết nhưng chưa được triển khai hiệu quả do thiếu thông tin và ý thức của người dân. Việc trang bị thùng rác riêng là một giải pháp nhưng cần có biện pháp nâng cao ý thức để đảm bảo người dân thực hiện đúng quy định.
Chị Kim Dung thì cho rằng, các công ty thu gom rác phải có xe thu gom từng loại riêng biệt và quy định cụ thể thời gian, địa điểm nhận từng loại rác. Các nhà chung cư cần có cơ chế gom rác theo từng loại riêng.
“Tôi nghĩ cần phải làm bài bản, đồng bộ như vậy mới có cơ hội thành công. Chứ nếu cứ hô hào người dân hãy ý thức, trong khi cơ sở vật chất thiếu thốn như vậy thì người dân không thể thực hiện được”, chị Kim Dung nhấn mạnh.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để tái chế, tái sử dụng. Việc tổ chức phân loại rác thải tại nguồn là một trong những nhiệm vụ cần thiết, nhằm bảo vệ môi trường, hiện thực hóa việc biến rác thành tài nguyên. Tuy nhiên, với tình hình triển khai chậm trễ như hiện nay, mục tiêu này vẫn còn là một thách thức lớn.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Quảng Trị: Nghiên cứu giảm 50% đơn vị hành chính cấp xã

Mỹ tiếp tục tài trợ tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả bom mìn

Biên phòng Quảng Ninh bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo mới

Giới trẻ kỳ vọng vào Trung tâm Công nghiệp Văn hóa bên sông Hồng

Hà Nội sắp xuất hiện khu mua sắm kết hợp trải nghiệm văn hóa

Tiềm năng và cơ hội cho công nghiệp văn hóa Thủ đô phát triển

Trao 174 triệu đồng hỗ trợ con Thượng úy Trần Tuấn Sơn

Triển khai các giải pháp cụ thể, trách nhiệm rõ ràng trong giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí

Yên Bái: Công tác xóa nhà tạm, dột nát đạt 98,4%
