Doanh nhân "hiến kế" đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030
Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Thực tế cho thấy, chưa đến 40% doanh nghiệp còn hoạt động sau 5 năm thành lập và chỉ 20% trụ lại sau một thập kỷ. Các doanh nhân, với kinh nghiệm thực chiến, đã đưa ra nhiều "hiến kế" quý báu.
Là chuyên gia trực tiếp đào tạo cho hàng nghìn nhà lãnh đạo từ các doanh nghiệp, ông Harry Trịnh, Giám đốc đào tạo Công ty Huấn luyện và Tư vấn True Success cho rằng, Nghị quyết 68 chính là "đòn bẩy" lịch sử mà Bộ Chính trị tạo ra cho doanh nghiệp tư nhân.
Nắm bắt thời cơ này, các doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, tăng trưởng cả về quy mô lẫn chất lượng cũng như quyết liệt vận dụng chính sách để cạnh tranh sòng phẳng và hiệu quả hơn.
Giám đốc đào tạo Công ty Huấn luyện và Tư vấn True Success cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một khung chính sách đột phá bao gồm nhiều điểm đáng chú ý, bên cạnh điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với các loại hình khác và cả với doanh nghiệp nước ngoài.
"Chính phủ cần phải tạo ra cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nhân, doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 68 như tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn, công nghệ; đơn giản hoá các quy định với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ...", ông Harry Trịnh nhấn mạnh.
![]() |
Ông Harry Trịnh, Giám đốc đào tạo Công ty Huấn luyện và Tư vấn True Success |
Song song đó, theo doanh nhân Harry Trịnh, việc "truyền cảm hứng, tạo động lực, khát vọng, tinh thần kinh doanh cho người trẻ" là vô cùng quan trọng.
“Cần tạo ra các cơ chế, chính sách để thay đổi tư duy, động lực, năng lực, nhân cách, hình thành một thế hệ doanh nhân có tầm nhìn, có trách nhiệm, làm giàu chính đáng gắn với tình yêu đất nước. Phải phá bỏ tư duy kinh doanh, làm giàu bằng lừa đảo, chụp giật, ngắn hạn; hình thành tư duy kinh doanh, làm giàu bằng cung cấp giá trị thực và năng lực thực", ông Harry Trịnh nhấn mạnh.
Cho rằng, chất lượng doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào năng lực của người đứng đầu, bà Hồ Thị Phương Anh, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Dịch vụ Viên Minh, chỉ ra một thực tế đáng suy ngẫm: "Nền tảng thương mại phát triển, nhiều người giàu lên nhưng họ không có tư duy của doanh nhân mà đâu đó vẫn còn tư duy “ăn xổi”, thiếu minh bạch trong nghĩa vụ thuế. Chính điều này góp một phần không nhỏ khiến cho thị trường hỗn loạn và các doanh nghiệp sản xuất thực sự phải lao đao".
Do đó, theo bà Phương Anh, đào tạo cho doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng và sự chia sẻ kinh nghiệm cũng là một hình thức đào tạo hiệu quả. Việc doanh nghiệp lớn truyền kinh nghiệm thực tế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là nguồn động lực lớn cho cả hai phía.
![]() |
Bà Hồ Thị Phương Anh, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Dịch vụ Viên Minh |
Đồng quan điểm, ông Harry Trịnh đề xuất: "Chúng ta cần tạo ra nhiều cơ hội và thúc đẩy việc học tập cho doanh nhân, lãnh đạo; tạo ra phong trào “doanh nhân học”. Truyền thông mạnh mẽ việc học cho doanh nhân, xây dựng văn hoá học tập suốt đời nhưng phải kịp thời. Doanh nhân ngày nay không có tư duy, tri thức, kỹ năng sẽ không thể dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững".
Ông Harry Trịnh cũng nhấn mạnh việc tạo ra sự kết nối giữa các doanh nhân thành công, doanh nghiệp thành công, chuyên gia đào tạo với những doanh nhân trẻ, doanh nghiệp mới thành lập để họ truyền cảm hứng, hỗ trợ, đồng hành, dẫn dắt. Đặc biệt, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân thất bại tiếp tục học hỏi, tiếp cận những nguồn lực mới để vươn lên, coi thất bại là một phần của quá trình học hỏi và trưởng thành.
Khơi thông dòng vốn và các nguồn lực thiết yếu
Tiếp cận vốn luôn là bài toán nan giải, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Nghị quyết 68 đã nhấn mạnh ưu tiên tín dụng cho khu vực này. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều rào cản. Theo ông Hồ Minh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Vbee, tài sản đảm bảo không có, mô hình kinh doanh đang ở giai đoạn chứng minh sự ổn định nên kể cả vay tín chấp lẫn vay thế chấp, các doanh nghiệp về sáng tạo đều khó có thể đáp ứng được tiêu chuẩn chung.
![]() |
Để khơi thông được những rào cản thì các doanh nghiệp tư nhân phải được tiếp cận các nguồn vốn một cách bình đẳng |
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Việt Xanh đề xuất đẩy mạnh cho vay theo dòng tiền, theo chuỗi sản xuất và hoàn thiện hành lang pháp lý cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ phát triển doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục để doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần có cơ chế thực sự hiệu quả để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp. Với khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó 3,6 triệu hộ đang được quản lý thuế và đóng góp gần 30% GDP, đây là nguồn lực khổng lồ để phát triển doanh nghiệp.
Mục tiêu chuyển đổi thành công 10% số hộ này (khoảng 520.000 hộ) sẽ đóng góp đáng kể vào con số 2 triệu doanh nghiệp. Nghị quyết 68 yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị, chế độ tài chính, kế toán, đẩy mạnh số hóa.
Việc 37.000 hộ kinh doanh doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm phải xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền từ 1/6 tới đây là một bước tiến, và đây chính là những ứng viên tiềm năng cho việc chuyển đổi lên doanh nghiệp nếu chính sách hỗ trợ "trúng và đúng".
Để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, ước tính cần tăng mới mỗi năm 300.000 doanh nghiệp đăng ký và nâng tỷ lệ còn hoạt động sau 5 năm lên 50%, kết hợp với việc chuyển đổi hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, như ông Harry Trịnh lưu ý, việc đạt được 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030 là quan trọng nhưng việc quan tâm đến chất lượng, hiệu quả của các doanh nghiệp này cũng rất cần thiết.
“Cần quan tâm đến cả những doanh nghiệp sẽ thành lập cũng như 1 triệu doanh nghiệp tư nhân hiện tại để tạo cơ chế, chính sách, môi trường thúc đẩy các doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ", ông Harry Trịnh kiến nghị.
Nghị quyết 68 không chỉ là một văn kiện pháp lý mà còn là lời hiệu triệu, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, khát vọng làm giàu chính đáng và ý chí dấn thân.
Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong việc kiến tạo, sự chủ động "hiến kế" và nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nhân, cùng với sự hưởng ứng của toàn xã hội, mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 không chỉ là một con số.
Đó sẽ là minh chứng cho một Việt Nam hùng cường, nơi kinh tế tư nhân thực sự đóng vai trò dẫn dắt, với tinh thần chủ động, tự cường và đầy khát vọng, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên của sáng tạo, hội nhập và thịnh vượng. Thành công của mỗi doanh nghiệp, mỗi doanh nhân chính là thành công của quốc gia.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Quỹ đầu tư Mỹ cam kết "rót vốn" cho doanh nghiệp tiêu biểu chuyển đổi số Meey Group

Bộ giải pháp làm mờ đốm nâu lão hóa Artistry Labs Illuminating System

400 phép thử, 200 kiểm định: Vinamilk đặt lại chuẩn sữa tươi Việt

Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá trong vụ điều tra lẩn tránh

TP Hồ Chí Minh: Tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển

PVCFC được Úc công nhận đạt chuẩn cao nhất về xuất khẩu phân bón

Nhà máy TH Kaluga: Dự án biểu tượng tình hữu nghị Việt - Nga

Tận dụng dữ liệu TMĐT để nắm bắt xu hướng: Doanh nghiệp "hái" quả ngọt

Bí quyết đưa kinh tế đêm tại Việt Nam bừng sáng
