Để an toàn lao động trở thành văn hóa của mỗi doanh nghiệp...
Số vụ tai nạn lao động còn rất cao
An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là công tác quan trọng, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người và cũng là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2025 được tổ chức từ ngày 1 đến 31/5 có chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm An toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Chủ đề này rất cấp thiết trong tình hình số vụ tai nạn lao động còn nhiều nhức nhối.
![]() |
Số vụ tai nạn lao động còn rất cao |
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, dù đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả nhưng công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức. Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng có dấu hiệu tăng đáng lo ngại so với năm 2023.
Năm 2024, trên toàn quốc đã xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động (tăng 892 vụ, tương đương 12,1%) làm 8.472 người bị nạn (tăng 919 người bị nạn), trong đó có 675 vụ tai nạn chết người, làm 727 người chết (tăng 28 người).
Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản trên 42.565 tỷ đồng (thiệt hại tài sản 492 tỷ đồng) và hơn 154.759 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động.
Tại Hà Nội, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng lơ là, chủ quan, chưa quan tâm đến công tác ATVSLĐ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tình hình TNLĐ trên địa bàn tuy có được kiềm chế nhưng Hà Nội vẫn là địa phương có số vụ TNLĐ cao so với cả nước. Năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn xảy ra 292 vụ TNLĐ làm 299 người lao động bị nạn, 66 người chết - những con số cho thấy những thiệt hại to lớn về sức khỏe, tính mạng và của cải vật chất mà TNLĐ gây ra.
Kết quả phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động chết người cho thấy, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người phổ biến là khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim, dịch vụ, dệt may, da giày.
Nguyên nhân để xảy ra tai nạn lao động chết người do người sử dụng lao động chiếm đến 46,91% tổng số vụ và 47,12% tổng số người chết. Các lỗi phổ biến như: Do tổ chức lao động và điều kiện lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện chưa đầy đủ cho người lao động; không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn.
Nguyên nhân do người lao động chiếm 22,88% tổng số vụ và 20,55% tổng số người chết. Các lỗi cụ thể là do người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và thiết bị an toàn được trang bị...
Nhiều trường hợp làm tắt, làm thiếu quy trình
Những năm qua, dù các cơ quan chức năng đã ban hành các quy trình về an toàn lao động, song quá trình thực hiện, vận hành vẫn còn sự chủ quan.
Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Chính sách và Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động. Một trong những nguyên nhân cơ bản là dù đã ban hành các quy trình về an toàn lao động, song quá trình thực hiện, vận hành vẫn còn sự chủ quan, chưa kiểm tra, giám sát, tuân thủ một cách bài bản, đầy đủ. Nhiều trường hợp làm tắt, làm thiếu quy trình.
![]() |
Hiện trường vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại khu công nghiệp Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương xảy ra ngày 17/4/2025 làm 3 người tử vong |
Vấn đề an toàn vẫn chưa trở thành ý thức của cả doanh nghiệp và người lao động. Chỉ khi nào an toàn lao động trở thành văn hóa, ý thức chủ động của cả người sử dụng lao động và người lao động thì khi đó, công tác an toàn lao động mới được đảm bảo.
Để giảm thiểu TNLĐ, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, tư vấn về Luật ATVSLĐ, Bộ luật Lao động cùng những quy định về công tác ATVSLĐ cần được triển khai xuống từng đơn vị doanh nghiệp và người lao động một cách thực tế hơn. Cùng với tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra TNLĐ cũng cần được chú trọng.
Tại Hà Nội, để giảm thiểu TNLĐ, thành phố đã ban hành, triển khai Kế hoạch số 61/KH-UBND tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2025. Theo đó, thành phố khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh lựa chọn vấn đề nổi cộm trong ngành, lĩnh vực làm chủ đề trong chương trình hành động về ATVSLĐ.
Đáng chú ý, trong Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2025 trên địa bàn thành phố sẽ có một số hoạt động, sự kiện chuyên đề. Cụ thể như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra thực thi các quy định pháp luật về ATVSLĐ trong một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra trong quản lý, sử dụng, kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; đo kiểm tra môi trường lao động; kiểm tra việc chấp hành các quy định, chính sách theo Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cũng trong Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2025, các cấp, ngành của thành phố sẽ có những hoạt động thăm hỏi, chăm lo, hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nhằm kịp thời chia sẻ những mất mát và động viên các gia đình khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Thành phố cũng sẽ triển khai các hoạt động chuyên đề ATVSLĐ và hoạt động cộng đồng có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động như tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động; tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động…
Mỗi vụ tai nạn lao động xảy ra để lại mất mát không gì bù đắp được cho gia đình nạn nhân cũng như doanh nghiệp, xã hội. Vì vậy, cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp thực tế để an toàn lao động không chỉ là khẩu hiệu mà phải thật sự trở thành ý thức của người lao động, là trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo môi trường làm việc an toàn, văn minh và bền vững.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025

Huyện Sóc Sơn phát động ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”

Điện Biên sắp khánh thành Cột cờ A Pa Chải

Thượng đại kỳ Phật giáo lớn nhất thế giới tại Đại lễ Vesak 2025

Văn Phú – Invest ủng hộ 720 triệu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phân định thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của chính quyền cấp huyện

Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Những kí ức không quên…

Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo
