Đánh giá cán bộ theo “KPI”, tránh “sáng cắp ô đi, tối cắp về”
Cán bộ cấp xã có đủ sức sát dân, gần dân khi bỏ huyện? Lãnh đạo tỉnh “cầm tay, chỉ việc” cho cán bộ xã sau sáp nhập |
Chiều 14/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Không thể cải cách công vụ nếu KPI chỉ là “thẻ điểm hành chính”
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đánh giá quy định liên thông đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp xã đến cấp tỉnh và thống nhất một chế độ công vụ là một bước tiến cải cách đúng hướng, cần thiết và rất đáng ủng hộ.
Theo đại biểu, hiện nay, cán bộ, công chức cấp xã đang nằm ngoài hệ thống công vụ chuyên nghiệp, trong khi họ lại là người gần dân nhất, trực tiếp thực thi chính sách, xử lý thủ tục hành chính và giải quyết hàng loạt vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Tuy nhiên, do chế độ không ổn định, không có lộ trình phát triển rõ ràng và ít cơ hội thăng tiến, nguồn nhân lực chất lượng khó được giữ chân, càng khó thu hút người giỏi về công tác ở cấp cơ sở.
Việc quy định cơ chế liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh và thống nhất chế độ công vụ trên toàn hệ thống hành chính nhà nước sẽ giải quyết tận gốc sự phân mảnh trong quản lý nhân sự khu vực công, đồng thời mở ra cơ hội phát triển bình đẳng cho cán bộ cấp xã trên cơ sở năng lực và kết quả công tác, thay vì bị rào cản bởi cấp hành chính.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). |
Quan trọng hơn, cơ chế liên thông sẽ tạo ra một chuỗi phát triển cán bộ từ cơ sở, qua thực tiễn, lên các vị trí cao hơn, thay vì chỉ tuyển chọn "từ trên xuống". Đây chính là cách để kết hợp đào tạo lý luận với rèn luyện qua thực tiễn - điều mà nhiều quốc gia có nền công vụ hiệu quả như Hàn Quốc, Singapore hay Pháp đã và đang làm rất tốt.
Đại biểu Việt Nga cũng đề xuất xây dựng khung đánh giá riêng cho từng vị trí việc làm, thay vì dùng chung một bộ tiêu chí như hiện nay. Mỗi vị trí có yêu cầu, sản phẩm khác nhau, nên cần các tiêu chí đánh giá rõ ràng, định lượng để đảm bảo công bằng và hiệu quả.
Cùng quan điểm, đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn Phú Yên) đề nghị việc đánh giá công chức phải thực chất, có cơ chế kiểm tra độc lập và đặc biệt là không để KPI trở thành hình thức. Theo bà, KPI chỉ phát huy hiệu quả khi gắn với đặc thù công việc, có đủ điều kiện thực hiện và đi kèm cơ chế thưởng – phạt rõ ràng.
Không thể chấp nhận "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về"
Đại biểu Lê Đào An Xuân nhấn mạnh, chỉ khi đánh giá được sử dụng như một công cụ phát triển đội ngũ chứ không chỉ là "thẻ điểm hành chính" cuối năm, thì nền công vụ mới có thể chuyển mình, trưởng thành và đủ sức hút đối với người tài.
Cũng tham gia góp ý, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, tư duy không còn biên chế suốt đời là điểm rất mới, dù đã nói rất nhiều lần nhưng chưa thực hiện được.
![]() |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). |
"Không thể chấp nhận được việc công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", làm việc cầm chừng mà vẫn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Sắp tới, khi tuyển công chức thì phải theo hợp đồng, đánh giá hiệu quả công việc theo KPI để hạn chế việc không đạt chất lượng nhưng vẫn được làm việc mãi, được nâng lương", ông Hòa nêu.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng ủng hộ quy định của dự thảo luật về vị trí việc làm và góp ý nên ưu tiên thi tuyển theo vị trí việc làm thay vì xét tuyển, bởi xét tuyển thì có thể dẫn tới tình trạng nể nang. Mặt khác, các chức danh quản lý nhà nước, quản lý cấp chuyên môn như cấp phòng, cấp sở cũng nên thi tuyển theo vị trí việc làm với tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng.
Ông Hòa cũng chia sẻ rất tâm đắc với ý kiến Bộ trưởng Bộ Nội vụ về đánh giá cán bộ công chức theo hướng định lượng dựa trên vị trí việc làm, chỉ số hiệu quả công việc KPI, thay cho đánh giá chung chung. Theo đó, công chức làm việc gì, hoàn thành như thế nào, bao nhiêu sản phẩm, tất cả đều được lượng hóa.
Trường hợp công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể điều chuyển sang vị trí công việc thấp hơn hoặc cho thôi việc... nếu 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị thôi việc.
Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng việc phân loại công chức theo cơ quan công tác (Đảng, Nhà nước, đoàn thể) là không cần thiết và thiếu cơ sở thực tiễn, có thể dẫn đến sự phân biệt không đáng có giữa các công chức, đi ngược lại với tinh thần cải cách hành chính và nguyên tắc của chế độ công vụ.
Về phân loại công chức theo ngạch, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng cần thiết có sự phân biệt theo trình độ chuyên môn, nhưng lưu ý rằng việc quy định các ngạch (từ cao cấp đến cán sự, nhân viên) cần được thiết kế linh hoạt, không nên xếp ngạch cán sự và ngạch nhân viên cùng một mức độ chuyên môn và cần tính đến khả năng bổ sung các ngạch mới như chuyên gia, chuyên gia cao cấp cho các vị trí tham mưu chính sách.
Đồng thời, đại biểu đoàn Quảng Trị đề nghị xem xét lại thẩm quyền quy định các ngạch công chức, hoặc luật hóa toàn bộ quy định này, hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tránh chồng chéo, tạo kẽ hở trong thực thi.
Về đánh giá công chức, đại biểu cho rằng nếu các tiêu chí định tính, chung chung sẽ không phân loại rõ người làm tốt, người yếu kém dẫn đến đến tình trạng "bình quân chủ nghĩa" trong đánh giá, kéo dài sự trì trệ trong hệ thống công vụ.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng nhấn mạnh việc xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ phải dứt khoát, hoặc là hoàn thành, hoặc là cho thôi việc. Việc luân chuyển sang vị trí thấp hơn thực chất chỉ là giải pháp tạm thời, không giúp sàng lọc đội ngũ một cách thực chất.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Trong thiết kế các chính sách, quy định cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường chuyển đổi số

Tri ân những đóng góp to lớn của đảng viên lão thành Thủ đô

476 đảng viên quận Ba Đình nhận Huy hiệu Đảng đợt 19/5

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong quy hoạch, quản lý đất đai

Tinh gọn MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội TP Hà Nội

Cuộc cải cách thể chế và hành chính toàn diện

Lãnh đạo tỉnh “cầm tay, chỉ việc” cho cán bộ xã sau sáp nhập

Cán bộ cấp xã có đủ sức sát dân, gần dân khi bỏ huyện?

Không hợp lý khi bỏ quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND
