Cuộc cách mạng lớn trong hoạt động thanh tra
Quốc hội xem xét việc xóa bỏ thanh tra sở, huyện |
Chiều 8/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân; Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Thảo luận tại tổ 13 (gồm đoàn Hậu Giang, Lào Cai, Bắc Ninh, Đắk Lắk), các đại biểu nhất trí cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra nhằm bổ sung, hoàn thiện những quy định liên quan đến việc sắp xếp hệ thống các cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động thanh tra thời gian vừa qua.
Góp ý cụ thể để hoàn thiện dự án luật, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) đề nghị cần bổ sung thêm hành vi “thay đổi, làm sai lệch” vào các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra, quy định tại khoản 3, Điều 6: “Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy, thay đổi, làm sai lệch tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra".
![]() |
Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) |
“Vì trên thực tế, có thể xảy ra hành vi này để cản trở, tác động, làm thay đổi nội dung thanh tra và kết quả thanh tra”, đại biểu Trần Thị Vân phân tích.
Bên cạnh đó, đại biểu Vân cũng đề nghị bổ sung nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh trong công tác phòng, chống lãng phí. Như vậy, khoản 1, điều 15 dự thảo luật được bổ sung như sau: “Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý Nhà nước của UBND cấp tỉnh; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật”.
Góp ý về sửa đổi, điều chỉnh kết luận thanh tra đã ban hành, đại biểu Trần Thị Vân cho biết, kết luận thanh tra được ban hành đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế quá trình thực hiện, các quy định pháp luật thay đổi nên dẫn đến việc khó có khả năng thực hiện kết luận.
Do đó, đại biểu Vân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm 1 điều khoản về việc sửa đổi, điều chỉnh Kết luận thanh tra đã ban hành trong các trường hợp cụ thể.
![]() |
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk) |
Theo quy định hiện hành, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã lược bỏ quy định về Thanh tra bộ; Thanh tra Tổng cục, cục thuộc Bộ; cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra sở, thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành…
Tại Điều 7, dự thảo luật quy định các cơ quan thanh tra, gồm: Thanh tra Chính phủ; thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đánh giá cao “đây là cuộc cách mạng rất lớn trong hoạt động thanh tra hòa chung vào cuộc cách mạng tinh gọn của hệ thống tổ chức bộ máy”, song đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk) bày tỏ băn khoăn khi “tối giản” hệ thống cơ quan thanh tra như vậy thì làm thế nào để đảm bảo vận hành cơ quan thanh tra và đối tượng thanh tra có thể bao quát, thực sự đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước.
Đại biểu Trung Thành phân tích, trong dự thảo luật mới quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như trong luật hiện hành. Khi không tổ chức hoạt động thanh tra của các Bộ, ngành thì vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra còn lại là rất lớn.
Cũng theo đại biểu Ngô Trung Thành phân tích, đối với hoạt động thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành thì các quy trình, thủ tục thanh tra rất chặt chẽ, hết sức bài bản, để bảo đảm cho cuộc thanh tra diễn ra khách quan, chính xác. Tuy nhiên khi chuyển các hoạt động thanh tra sang hoạt động kiểm tra thì những quy định, thể chế liên quan đến kiểm tra chuyên ngành lại đang rất “thiếu vắng”.
Đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị Chính phủ phải sớm nghiên cứu để có thể quy định trong luật hoặc là ban hành các văn bản như Nghị định quy định về hoạt động kiểm tra.
“Khi chúng ta thay các hoạt động thanh tra trước đây bằng hoạt động kiểm tra chuyên ngành mà quy trình thủ tục không có thì rất nguy hiểm. Điều này ảnh hưởng đến các hoạt động của các đối tượng thanh tra và lúc đấy thì lại dễ thành trăm hoa đua nở, mỗi một cơ quan, mỗi Bộ, ngành lại theo một quy trình thì sẽ không bảo đảm tính thống nhất.
Tôi cho rằng nó sẽ liên quan đến cải cách của của hệ thống thanh tra, đây là vấn đề rất lớn đề nghị Chính phủ quan tâm để làm rõ cả trong việc xây dựng, chỉnh lý dự thảo luật này để trình Quốc hội thông qua cũng như sau này quy định các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành”, đại biểu Thành nhấn mạnh.
Tin liên quan
Đọc thêm

Mục tiêu của cải cách tư pháp là gần dân, bảo vệ dân

Kiện toàn nhân sự 3 tiểu ban chuẩn bị phục vụ Đại hội

Quốc hội xem xét việc xóa bỏ thanh tra sở, huyện

Đổi mới, linh hoạt, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng

Đề xuất chấm dứt hoạt động của Viện kiểm sát cấp cao, cấp huyện

Chất lượng cán bộ sẽ đánh giá bằng "KPI", sản phẩm công việc

Khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của Việt Nam

Trình Quốc hội bỏ tòa án cấp cao và cấp huyện

90 nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện sẽ chuyển về xã
