Công ty GEMEXIM sử dụng “đất vàng” sai mục đích, thu lợi nhuận khủng
TP Hồ Chí Minh lập thủ tục thu hồi hơn 8.000m² “đất vàng” tại khu Công trường Quốc tế Công ty Dịch vụ Du lịch Phú Thọ vi phạm quản lý, cho thuê đất tại Công viên Đầm Sen |
![]() |
Mặt bằng 87 Nguyễn Huệ trước đây là khu vui chơi tổ hợp Zone 87, nay đã thành nhà hàng The Gangs |
Cho thuê lại “đất vàng” thu tiền tỷ
Tổ hợp Zone 87 (87 đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1) từng được biết tới là địa điểm vui chơi, giải trí ưa thích của giới trẻ. Nguồn gốc khu đất này là tài sản công do UBND TP Hồ Chí Minh đại diện chủ sở hữu quản lý, sử dụng.
Ngày 21/8/2009, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP Hồ Chí Minh đại diện ký hợp đồng thuê đất số 6173/HĐ-TNMT-ĐKKTĐ với Công ty Cổ phần Vật tư Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là GEMEXIM).
Trong Điều 1 của hợp đồng có nêu, UBND TP Hồ Chí Minh cho GEMEXIM thuê 663m2 đất, trong đó có 124m2 sử dụng chung và 539m2 sử dụng riêng để làm cửa hàng kinh doanh, với đơn giá 567.000 đồng/m2/năm (tương ứng 375.921.000 đồng/năm). Việc thuê đất được thực hiện theo hình thức ngắn hạn hằng năm, Nhà nước có quyền điều chỉnh giá theo thời gian.
Còn tại Điều 3 của hợp đồng trên thể hiện việc sử dụng đất trên khu đất thuê phải phù hợp với mục đích sử dụng đất đã ghi trong điều 1 (làm cửa hàng kinh doanh - PV). Ngược lại, thay vì sử dụng đúng mục đích làm cửa hàng kinh doanh, GEMEXIM lại sử dụng khu đất số 87 đường Nguyễn Huệ để hợp tác kinh doanh với đơn vị khác.
Cụ thể, theo tài liệu phóng viên có được, ngày 23/12/2016, GEMEXIM ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/HTKD-KH với Công ty TNHH MTV Nhà hàng Hưng Phát (nay là Công ty ACE, gọi tắt là Công ty Hưng Phát). Theo đó, GEMEXIM góp vốn là toàn bộ hiện trạng căn nhà tại 87 Nguyễn Huệ và chủ sử dụng quyền sử dụng đất theo hợp đồng thuê đất với Sở TNMT; Công ty Hưng Phát góp vốn bằng tiền bao gồm vốn lưu động, vốn đầu tư cải tạo, trang trí nội ngoại thất, trang thiết bị cần thiết và phù hợp với công năng, mục đích kinh doanh nhà hàng.
Về lợi nhuận, căn cứ vào kết quả kinh doanh thể hiện trên báo cáo quyết toán tài chính hằng năm của nhà hàng, số tiền lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp được chia cho GEMEXIM 75%, Công ty Hưng Phát 25%.
Hợp đồng hợp tác cũng quy định rõ, Công ty Hưng Phát có trách nhiệm tổ chức quản lý và kinh doanh nhà hàng có hiệu quả, đảm bảo phân chia cho GEMEXIM phần lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu: Năm 2017 là 4.973.980.000 đồng/năm; Năm 2018 là 5.808.000.000 đồng/năm; Năm 2019 là 6.388.800.000 đồng/năm (tất cả đều đã bao gồm VAT).
Ngoài ra, Công ty Hưng Phát cũng phải nộp 1.200.000.000 đồng tiền ký quỹ cho GEMEXIM; Sau khi hợp đồng hết hạn GEMEXIM sẽ trả lại số tiền ký quỹ này.
Từ đây, có thể thấy điều “bất thường” khi mức chênh lệch “khủng” giữa giá thuê “bèo” ban đầu từ Sở TNMT TP Hồ Chí Minh và lợi nhuận thu được từ việc cho thuê lại dưới hình thức hợp tác kinh doanh của GEMEXIM.
Hiện trạng ban đầu của khu đất 87 Nguyễn Huệ vốn dĩ có công trình nhà 2 tầng được sử dụng ổn định nhưng sau khi được giao đất thì đã bị biến thành khu vui chơi tổ hợp Zone 87. Đến thời điểm hiện tại, địa chỉ trên đã trở thành nhà hàng The Gangs.
Liên tục “núp bóng” hợp tác kinh doanh?
Theo hồ sơ thể hiện, GEMEXIM đang quản lý, sử dụng 25 mặt bằng trong đó 22 mặt bằng được UBND TP Hồ Chí Minh giao khi cổ phần hóa doanh nghiệp, 3 mặt bằng GEMEXIM nhận chuyển nhượng sau cổ phần hóa.
Đặc biệt, trong số 22 mặt bằng thì có 6 mặt bằng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ thể như: 42 Trần Đình Xu, phường Cô Giang, Quận 1; 87 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1; 1534A Võ Văn Kiệt, Phường 7, Quận 6; 336/16/1 Nguyễn Văn Luông, Phường 12, Quận 6; 758 Âu Cơ, Phường 13, quận Tân Bình và 10/4 Quốc lộ 22, ấp Trung Chánh 2, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn.
![]() |
Mặt bằng 42 Trần Đình Xu nay là nhà hàng Rạn biển 9 |
Sở TNMT TP Hồ Chí Minh đều ký hợp đồng với GEMEXIM để cho thuê đất cả 6 mặt bằng nói trên, với hình thức trả tiền hàng năm. Tuy nhiên, tại một số mặt bằng, GEMEXIM lại sử dụng không đúng với mục đích trong hợp đồng khi cho thuê lại dưới hình thức hợp tác kinh doanh.
Tiêu biểu, mặt bằng tại số 42 Trần Đình Xu được Sở TNMT ký hợp đồng cho GEMEXIM thuê đất vào ngày 2/2/2009, mục đích làm cửa hàng kinh doanh, văn phòng, nhà kho. Đáng nói, ngoài việc chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mặt bằng này còn chưa được cấp cả giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
Tuy nhiên, ngày 28/11/2016, GEMEXIM ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Lê Đại Nam, sau đó công ty này lại tiếp tục cho Công ty Trường Sa thuê lại để kinh doanh Nhà hàng Rạn Biển 9. Do đó, GEMEXIM khởi kiện Công ty Lê Đại Nam ra tòa và vụ việc đang được TAND quận Tân Bình thụ lý.
Một ví dụ khác, ngày 28/1/2008, Sở TNMT ký hợp đồng cho GEMEXIM thuê đất tại mặt bằng số 758 Âu Cơ, Phường 13, quận Tân Bình, với mục đích làm văn phòng và kho hàng. Tuy nhiên, GEMEXIM đã sử dụng 377m2 để ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Quản lý Đầu tư và Kinh doanh Thái Bình Dương… Theo khảo sát của phóng viên, địa chỉ này hiện đang là chuỗi cắt tóc nam.
![]() |
Mặt bằng số 758 Âu Cơ được cho thuê với mục đích làm văn phòng và kho hàng nhưng thực tế là chuỗi cắt tóc nam 30 Shine |
Một khía cạnh khác, thời gian qua, nhiều đơn tố cáo về những tiêu cực xảy ra tại GEMEXIM đã được gửi tới UBND TP Hồ Chí Minh, Thanh tra TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (gọi tắt là Satra) - Công ty mẹ của GEMEXIM. Qua đó, Thanh tra TP đã chuyển đơn tới Satra để giải quyết theo quy định.
Ngày 28/6/2021, Phòng Dự án của Satra có Tờ trình số 117/TTr-DA về việc phối hợp rà soát, xử lý đơn phản ánh liên quan đến việc sử dụng tài sản Nhà nước tại GEMEXIM. Trong đó, Phòng Dự án của Satra cho rằng GEMEXIM chưa cung cấp thông tin cụ thể về việc hợp tác kinh doanh (hình thức hợp tác, điều khoản hợp tác, thời hạn hợp tác…), chi tiết về các mặt bằng sử dụng làm chi nhánh (doanh thu, lợi nhuận…) nên chưa đủ cơ sở để đánh giá việc sử dụng khai thác các mặt bằng có phù hợp quy định pháp luật hay không.
![]() |
Công ty CP Vật tư Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (GEMEXIM) có đang sử dụng đất thuê từ Nhà nước sai mục đích? |
Để làm rõ những vấn đề trên, phóng viên đã liên hệ Thanh tra TP Hồ Chí Minh, Satra và GEMEXIM. Trong đó, đại diện GEMEXIM bước đầu cho biết đang tổng hợp để báo cáo lên Satra.
Đối với vụ việc trên, dư luận không khỏi hoài nghi khi đặt vấn đề GEMEXIM đang sử dụng đất thuê từ Nhà nước sai mục đích? Vì sao Sở TNMT đại diện thay UBND TP Hồ Chí Minh ký các hợp đồng với giá cho thuê mặt bằng “rẻ bèo” như vậy trong khi việc cho thuê lại rất cao? Đặc biệt, khoản lợi nhuận “khủng” từ việc hợp tác kinh doanh của GEMEXIM có làm lợi cho ngân sách Nhà nước hay đây là dấu hiệu thất thoát?
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Gian lận trong đấu thầu, một doanh nghiệp bị phạt 200 triệu đồng

Chuyển đất rừng phòng hộ để làm Cảng thủy nội địa Đông Phong

Nhiều sai phạm tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ III

Hải Dương: Hàng loạt trạm trộn bê tông, asphalt hoạt động không phép

Lâm Đồng đưa vụ án Công ty Cổ phần chè Minh Rồng vào diện theo dõi

Hải Dương: Yêu cầu dừng trạm trộn bê tông, asphal bãi sông Thái Bình

Công an khởi tố vụ án hình sự, điều tra vụ mất đất vì hồ sơ công chứng giả mạo

Làm rõ thông tin xe cứu thương chở diễn viên đến ra mắt phim

Vi phạm Luật Đất đai, công ty bảo trợ chăm sóc người cao tuổi bị thu hồi đất
