Chuồn chuồn tre Thạch Xá - giấc mơ tuổi thơ rực rỡ sắc màu
Trung thu đến sớm với nữ ca sĩ “Chuồn chuồn ớt” Ngọc Khuê Một “Chuồn chuồn ớt” vừa lạ vừa quen tại sân khấu Sao Mai sau 19 năm |
Làng nghề truyền thống tại Thủ đô
Thạch Xá là một xã được nhiều người biết đến nằm tại huyện Thạch Thất của Hà Nội, nằm cách Thủ đô 25km về phía Tây. Bởi lẽ, nơi đây có ngôi chùa Tây Phương nổi tiếng, đã đi vào thơ của nhà thơ Huy Cận. "Các vị la hán chùa Tây Phương" cùng những giá trị độc đáo của cổ tự này thu hút bao nhiêu khách phương xa đến chiêm bái, lễ Phật.
Thạch Xá còn là "đất" của chè lam, của bánh tẻ, vì thế, chuồn chuồn tre nơi đây cũng là một sản phẩm rất được du khách ưa chuộng, mua về làm quà khi đến thăm mảnh đất này.
![]() |
Chuồn chuồn tre Thạch Xá |
Là ngôi làng có lịch sử và truyền thống lâu đời, Thạch Xá đã ghi dấu ấn với biết bao người con tại Thủ đô bằng những món đồ chơi rực rỡ sắc màu. Không chỉ có làng chuồn chuồn, nơi đây có đến 50 làng nghề, trong đó có 10 làng nghề được cấp bằng công nhận là “làng nghề truyền thống”.
Về với làng quê Thạch Xá, chúng ta có thể tìm thấy hàng trăm hàng ngàn con chuồn chuồn tre muôn màu sắc. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm chuồn chuồn tre từ nhiều năm trước.
![]() |
Từ những cây tre xanh, một trong những biểu tượng đẹp của làng quê Việt Nam, các nghệ nhân dân gian nơi đây đã cho ra đời những chú chuồn chuồn tre với nhiều màu sắc khác nhau. Mỗi sản phẩm là một vẻ đẹp riêng và điều đặc biệt là chúng có thể đậu được khắp mọi nơi nhờ nguyên lý cân bằng trọng lực mà không cần gắn bất kỳ một thiết bị hay động cơ nào.
![]() |
Nhìn con chuồn chuồn tre có vẻ đơn giản vậy thôi chứ để làm được một sản phẩm chỉn chu thì các nghệ nhân phải mất rất nhiều thời gian và sự tỉ mẩn. Những cây tre được chẻ mỏng, đem cạo sạch, phơi khô rồi đem đi sấy cho trắng phau. Tiếp đó mới đến công đoạn tạo hình của các nghệ nhân.
Món quà bình dị của tuổi thơ
"Chuồn chuồn có cánh thì bay
Có thằng cu Tí thò tay bắt chuồn" (ca dao xưa).
Ban đầu, khi chuồn chuồn tre ra đời chỉ được biết đến như món đồ chơi ấu thơ cho bao đứa trẻ, hay là một món quà trong các lễ hội truyền thống. Trẻ con ham thích những sắc màu rực rỡ, sự độc đáo khi chúng có thể đứng trên tay hay trên cành cây bất kỳ, mang tới một niềm thích thú vui vẻ cho tuổi thơ đùa nghịch.
![]() |
Thời gian cứ dần trôi, đến một xã hội hiện đại hơn nhưng những sản phẩm mang giá trị văn hóa lại không hề mai một bởi chúng đã tạo được chỗ đứng, một dấu ấn chẳng thế phai trong lòng mỗi người. Những đứa trẻ ấy lớn lên nhưng mỗi khi nhắc tới chuồn chuồn tre, thì hẳn trong lòng dội lên bao cảm xúc.
![]() |
Ai cũng đã từng là một đứa trẻ nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với cánh đồng làng quê với cánh diều no gió, cùng với những chú chuồn chuồn bay lượn mỗi buổi chiều về. Ngày nay, trong nhịp sống hối hả, càng khó hơn để bắt gặp những chú chuồn chuồn mắt tròn, cánh mỏng, chao lượn bay khắp những bờ đê.
Chuồn chuồn tre là sản phẩm độc đáo, là món đồ chơi tuổi thơ rất đỗi thân thuộc đối với nhiều người. Nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Thạch Xá với sự tham gia của nhiều thế hệ từ già đến trẻ đã tạo nên những chú chuồn chuồn vô cùng tinh xảo, là món quà gắn liền với tuổi thơ bao người.
Để chuồn chuồn "cất cánh" bay xa hơn
Đã có một thời chuồn chuồn tre được trưng bày ở nhiều triển lãm, hội chợ Việt Nam, quốc tế, thu hút đông đảo du khách. Tại các cửa hàng bày bán đồ lưu niệm cho khách du lịch từ năm châu tới Hà Nội trên các phố Hàng Ngang, Hàng Đào tới phố Hàng Vôi, Hàng Chiếu... cũng có sản phẩm này và được nhiều người thích thú mua về làm quà cho người nhà.
Những năm gần đây, một số gia đình làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá đã phối hợp với nhiều tổ chức, trung tâm văn hóa, du lịch thực hiện các dự án nghiên cứu, bảo tồn đồ chơi Việt cũng như tìm hướng đi cho chuồn chuồn tre ở thị trường nước ngoài.
![]() |
Rất nhiều đơn hàng được đặt để xuất khẩu khiến chuồn chuồn tre từng "bay" rất cao, rất xa. Thế rồi, đại dịch COVID-19 ập đến, như bao làng nghề khác, chuồn chuồn tre Thạch Xá cũng chịu cảnh ngậm ngùi, đìu hiu.
Mong rằng, thời gian tới, những hoạt động thúc đẩy sự phát triển của làng nghề tiếp tục được tiến hành. Bên cạnh đó, nếu các tuor du lịch khai thác thêm hoạt động du khách trải nghiệm tham quan, tự tay làm từng công đoạn để thành hình sản phẩm chuồn chuồn tre thì rất thú vị. Điều này vừa phát triển du lịch làng nghề, tiêu thụ thêm nhiều sản vật của địa phương và gắn kết với các điểm khác trong vùng.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc

Đánh thức sức mạnh mềm, kiến tạo trung tâm công nghiệp văn hóa

Ý chí và niềm tin quyết thắng của người Hà Nội

Mùa loa kèn gọi nắng hè về

Hướng về cội nguồn, khắc sâu hai chữ "đồng bào"

Khu phát triển thương mại và văn hóa "chắp cánh" tinh hoa làng nghề

Lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống

Hà Nội: Phát triển thương mại gắn với bảo tồn văn hóa

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh
