Chàng trai khiếm thị đi tìm ánh sáng từ bóng tối
Chàng trai khiếm thị và trái tim ngập tràn yêu thương Hành trình vượt lên chính mình của nữ runner khiếm thị |
Những âm thanh dẫn lối
Nguyễn Đức Thiện (sinh năm 2000) không may bị khiếm thị từ lúc mới lọt lòng. Không thể cảm nhận ánh sáng bằng đôi mắt nhưng bằng nghị lực phi thường, cậu bé năm xưa giờ đã trở thành sinh viên năm cuối, theo học chuyên ngành sáo trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
![]() |
Nguyễn Đức Thiện, sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Nhớ lại những năm tháng đầu đời với đôi mắt không lành lặn, Thiện không được rong chơi, cũng chẳng thể tự cắp sách tới trường như bạn bè đồng trang lứa. Điều đó khiến một cậu bé vốn hoạt bát trở nên ít nói, thu mình lại. Thấu hiểu tâm tư của con trai, gia đình Thiện đã quyết định ghi danh cho cậu vào trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường đặc biệt dành cho trẻ em khiếm thị.
Năm 7 tuổi, Thiện rời quê lên Hà Nội nhập học, bắt đầu hành trình đi tìm ánh sáng của riêng mình. Rời xa vòng tay của cha mẹ, cậu phải tự lập trong tất cả mọi việc, từ sinh hoạt cá nhân đến học tập.
Thiện vẫn nhớ cảm giác hoang mang, lo sợ của ngày đầu tiên khi phải sống xa bố mẹ đến một môi trường xa lạ. Với tâm lý của một đứa trẻ chưa từng xa nhà, hơn bao giờ hết, Thiện cảm nhận được rõ sự cô đơn, lạc lõng. Những đêm khóc nấc vì nhớ nhà luôn in sâu trong tâm trí của chàng trai. Phải mất khoảng một năm Thiện mới có thể thích nghi với cuộc sống không có người thân bên cạnh.
Ở độ tuổi chập chững tới trường, thay vì được vui chơi hồn nhiên, Thiện phải đối diện với những ánh mắt tò mò của bạn bè. Mỗi câu hỏi ngây ngô, cái nhìn lạ lẫm khiến cậu bé khiếm thị không khỏi buồn bã, chạnh lòng nhưng cũng chính từ tổn thương ấy, Thiện dần tìm thấy lẽ sống cho mình. Đó là chấp nhận khiếm khuyết của bản thân để nỗ lực và sống có ích. Trải nghiệm ấy được cậu chia sẻ lại cho những người bạn, người em cùng cảnh ngộ như một kỹ năng sống.
“Nếu bản thân không thể nhìn thấy như mọi người, thì phải nỗ lực gấp đôi, thậm chí là gấp nhiều lần để bù lại”, Thiện bày tỏ.
![]() |
Đức Thiện không ngừng nỗ lực vươn lên để bản thân không cảm thấy thua kém người khác |
Trong lớp học có đến chín phần mười học sinh là người mắt sáng, Thiện luôn phải cố gắng để không bị tụt lại phía sau. Không chỉ học cách thu nhận kiến thức qua đôi tai và những đầu ngón tay, Thiện còn vừa phải học cách hòa nhập cùng bạn bè. Bằng sự chủ động, nhiệt tình của mình, Thiện đã dần kéo gần khoảng cách với các bạn trong lớp.
“Chỉ khi những người khuyết tật cởi bỏ lớp phòng bị, mọi người mới có thể tới gần họ. Nếu chính họ còn dè dặt, khép mình, thì người xung quanh dù muốn giúp đỡ hay thân thiện cũng đều rất khó”, Thiện nói.
Bén duyên với cây sáo trúc
Suốt những năm tháng học tập dưới mái trường Nguyễn Đình Chiểu, Thiện được tiếp xúc với nhiều loại nhạc cụ. Từ đây, chàng trai cũng sớm có cơ hội bộc lộ năng khiếu âm nhạc và niềm yêu thích đặc biệt với bộ môn Sáo trúc.
![]() |
Chàng trai khiếm thị có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc |
Thiện nhớ lại, mỗi buổi chiều tan học, đâu đó lại vang lên tiếng sáo da diết. Cậu tò mò lần theo tiếng sáo và tới nơi nhóm người đang tụ tập, say sưa thổi sáo. Âm điệu ngân vang, trầm bổng đã khơi gợi trong Thiện nỗi nhớ nhà sâu sắc. Kể từ đó, tiếng sáo như sợi dây vô hình kéo cậu đến gần hơn với hành trình theo đuổi đam mê âm nhạc sau này.
“Mặc dù đã chơi qua nhiều loại nhạc cụ nhưng mình vẫn ấn tượng nhất với sáo trúc bởi sự gọn nhẹ, có thể mang đi bất cứ đâu. Để chơi được hoàn chỉnh một bài nhạc bằng giai điệu của sáo trúc cũng dễ hơn so với nhiều loại nhạc cụ khác”, Thiện nói.
Tuy nhiên, cơ duyên chỉ thực sự đến khi Thiện gặp gỡ thầy Trần Bình Minh - giáo viên khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Thầy không chỉ là người truyền cảm hứng, dẫn dắt Thiện đến gần hơn với cây sáo trúc, mà còn như một người cha, người anh sẵn sàng lắng nghe, đồng hành trong cuộc sống .
Mỗi lần nhắc tới thầy Minh, Thiện đều tự hào chia sẻ: “Chúng tôi có chung niềm đam mê với sáo trúc, vô tình gặp được nhau nhưng đã đồng hành với nhau trong thời gian rất dài. Tôi nghĩ đó là một cái duyên được sắp đặt trước”.
Chia sẻ về những ngày mới làm quen với cây sáo trúc, Thiện gặp không ít khó khăn do không thể nhìn thấy bản nhạc hay ghi chép các ký hiệu âm nhạc. Chàng trai khiếm thị phải học truyền khẩu, dùng file ghi âm, ghi nhớ giai điệu và sử dụng đôi tai để định hình thế giới xung quanh. So với người bình thường, việc học một bản nhạc đối với Thiện mất nhiều thời gian hơn, cậu thường mất từ 3 đến 5 ngày mới có thể “vỡ” một bản nhạc.
Năm 2016, Thiện và người thầy của mình thành lập Mái ấm Đông Đô và ban nhạc “Nắng mới”. Đây là nơi những người khiếm thị có chung niềm đam mê âm nhạc được học tập, thăng hoa với nghệ thuật. Tại đây, họ không chỉ được thể hiện bản thân qua từng giai điệu, mà còn có thể tạo dựng thu nhập chính đáng từ chính khả năng và nỗ lực của mình.
![]() |
Một buổi tập nhạc của Thiện và các em nhỏ tại Mái ấm Đông Đô |
Năm 2017, mang theo đam mê âm nhạc của mình, Thiện thi đỗ vào hệ trung cấp chuyên ngành Sáo trúc, khoa Âm nhạc truyền thống tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Từ đây, chàng trai trẻ đã bước vào một hành trình mới, hành trình theo đuổi ước mơ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Lan tỏa nghị lực sống thông qua âm nhạc
Thiện chia sẻ, có nhiều người khiếm thị rất tài năng tốt nghiệp từ Học viện Âm nhạc Quốc gia. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ lại không tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật, mà buộc phải mưu sinh bằng những công việc phổ biến của người khiếm thị như mát-xa, làm nghề thủ công hay công tác tại Hội Người mù. Điều đó khiến cậu không khỏi tiếc nuối.
“Nếu âm nhạc không thể trở thành một nghề nghiệp bền vững, thì sẽ không còn người khiếm thị dám dấn thân và theo đuổi con đường này. Vì vậy, tôi mong có thể tạo cơ hội giúp họ mưu sinh từ chính đam mê. Đồng thời làm đẹp cho đời bằng khả năng của họ, bằng âm nhạc. Đó cũng chính là lý do mà ban nhạc "Nắng mới" được khai sinh”, Thiện nói thêm.
![]() |
Một buổi biểu diễn của ban nhạc “Nắng mới” trên phố đi bộ |
Thông qua ban nhạc, các thành viên không chỉ tìm được kế sinh nhai mà còn lan tỏa những thanh âm đẹp đẽ, tô điểm cho một góc phố của thủ đô. Đặc biệt, ban nhạc đã trở thành mái nhà chung cho nhiều trẻ em khiếm thị, nơi các em được sinh hoạt, học tập và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp. Từ đó đã thắp lên niềm tin cho chính gia đình các em vào một tương lai tươi sáng hơn của con em họ.
Ban nhạc là ví dụ điển hình cho thấy người khiếm thị không hề bất lực hay vô dụng như một số định kiến còn tồn tại. Với khát vọng bền bỉ, Thiện cùng các thành viên mong muốn xã hội thừa nhận và trân trọng những khả năng mà người khuyết tật có thể mang lại.
“Sau những cố gắng, ngày càng có nhiều người biết đến chúng tôi hơn. Sự công nhận và ủng hộ từ cộng đồng là động lực để những người khiếm thị như chúng tôi vững bước trên con đường phía trước”, Thiện chia sẻ.
Thiện kể lại những lần ban nhạc biểu diễn trên phố đi bộ, có gia đình dừng lại cùng nhau lắng nghe. Trong khoảnh khắc ấy, cậu vô tình nghe được lời nhắn nhủ của một người cha dành cho con nhỏ: “Các anh chị tuy khuyết tật nhưng đang rất nỗ lực, con hãy nhìn vào đó để học tập, cố gắng cho tương lai”.
Câu nói tuy mộc mạc nhưng với Thiện chính là sự ghi nhận quý giá, thiết thực nhất. Bởi lẽ, những thanh âm mà ban nhạc tạo ra không chỉ ngân vang mà còn góp phần gieo vào lòng người niềm tin, giá trị tốt đẹp. Đặc biệt, có thể lan tỏa nghị lực đến cho những người khuyết tật trong xã hội, những người còn đang tự ti, mặc cảm và hoang mang về tương lai của mình.
![]() |
Thông qua âm nhạc, Thiện và các thành viên mong muốn có thể lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng |
“Không ít lần, du khách nước ngoài tới xem chúng tôi biểu diễn, họ khen ngợi âm nhạc của chúng tôi mà không biết chúng tôi là người khuyết tật. Đó là sự công nhận thuần túy về tài năng, không xuất phát từ lòng thương hại. Là lời khẳng định rằng, con đường chúng tôi đang đi là đúng đắn”, chàng trai giãi bày.
Chính vì lẽ đó, dù đối mặt với không ít khó khăn, Thiện vẫn kiên trì gắn bó với ban nhạc. Hiện tại, ban nhạc đã quy tụ khoảng 20 thành viên, xây dựng được những điểm diễn cố định và dần khẳng định vị trí trong lòng khán giả.
Nhắn nhủ tới người trẻ, Thiện tâm đắc: “Luôn có con đường cho những người lựa chọn bước tiếp. Đó là phương châm mà tôi tự nhắc nhở bản thân mỗi ngày, cũng như gửi gắm niềm tin tới những người xung quanh. Chỉ cần có đam mê và sự nghiêm túc, thì bằng cách này hay cách khác, chúng ta cũng sẽ tìm ra con đường đến ước mơ”.
Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, Nguyễn Đức Thiện đã nhận được nhiều kết quả xứng đáng cả trong học tập và rèn luyện. Cụ thể, Thiện xuất sắc nhận học bổng Trần Văn Khê năm 2023; vinh dự là một trong 35 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023 của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; nhận giấy chứng nhận Nghệ sĩ biểu diễn sáo xuất sắc tại Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024. |
Tin liên quan
Đọc thêm

Béo phì, tiểu đường... rình rập người trẻ mê đồ uống ngọt

Thanh niên tình nguyện hỗ trợ Nhân dân chiêm bái Xá lợi Đức Phật

Sức trẻ bừng sáng trong hành trình nghiên cứu khoa học

Quay video, làm podcast lan tỏa nghị lực Việt từ những điều giản dị

Ca sĩ Đông Hùng truyền năng lượng tích cực tới công nhân

Tìm việc làm cho thanh niên quận Hoàn Kiếm

Hành trình mở ra vũ trụ siêu anh hùng của chàng trai 9X

Lan tỏa năng lượng tích cực cho thanh niên công nhân

Tìm kiếm tài năng nhí Việt Nam
