Bài 1: Tiếng Việt - hồn cốt của dân tộc
Tiếng Việt của chúng ta “giàu", “đẹp” vì tâm hồn, văn hóa con người Việt đẹp; vì đó là “tiếng nói của Nhân dân”, theo cách nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sự hình thành lâu dài, tồn tại và phát triển để Tiếng Việt phong phú như ngày hôm nay là một nỗ lực rất lớn của biết bao thế hệ. Vì thế, đó không chỉ đơn giản là tinh hoa văn hóa, hồn cốt của người Việt mà còn là sức mạnh cội nguồn dân tộc.
Tiếng Việt - “kỳ tích” về sức mạnh cội nguồn
Các cơ sở khoa học đã chứng minh rằng, Tiếng Việt có cội nguồn Nam Á và thuộc dòng ngôn ngữ Việt - Mường (phát triển thành tiếng Việt và tiếng Mường ngày nay), bên cạnh đó có sự xâm nhập mạnh mẽ của ngôn ngữ văn tự Hán.
Điều đáng nói là suốt 1.000 năm Bắc thuộc, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu nặng của tiếng Hán nhưng rồi chúng ta cũng có chữ viết riêng, đó là chữ Nôm - hệ thống văn tự ngữ tố dùng để viết tiếng Việt, dựa trên cơ sở chữ Hán tạo ra các chữ mới bổ sung cho việc viết và biểu đạt các từ thuần Việt không có trong bộ chữ Hán ban đầu.
Riêng về vấn đề này, nhà nghiên cứu Trần Gia Ninh từng có công trình nghiên cứu “Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt”. Qua nghiên cứu này, ông nhận định: “Thời Bắc thuộc, người Việt có thể không có chữ viết hoặc có thể đã có chữ viết nhưng bị xóa sạch qua 1.000 năm bị Bắc thuộc. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là họ vẫn giữ được ngôn ngữ (tức là kho từ vựng, phát âm, ngữ pháp, cấu trúc) Việt. Người Việt khá thông minh. Họ đã học chữ của người Hán để lưu giữ tiếng nói của dân tộc mình, giữ nguyên cách tư duy ngôn ngữ của mình, bởi vì ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Họ khôn khéo biến “kho” Hán ngữ thành “kho” Hán - Việt để làm giàu thêm ngôn ngữ của mình. Có thể thấy, nhiều từ mà chúng ta vẫn thường dùng bây giờ như “vô duyên”, “lãng mạn”, “bá đạo”, “triền miên”, “mạch lạc”, “la liệt”... là từ gốc Hán 100% trong kho tàng Hán - Việt mà ông cha ta đã thu thập để thành vốn từ Việt”.
Theo chuyên gia nghiên cứu Trần Gia Ninh, như vậy, không những không bị đồng hóa và vẫn giữ được tiếng nói của dân tộc mình, người Việt còn tiến hành “đồng hóa” ngược. Đó là một kỳ tích mà không phải dân tộc nào cũng làm được.
![]() |
Lớp học Tiếng Việt của con em kiều bào tại Úc |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, TS Đoàn Thu Hà, giảng viên môn Nhập môn Việt ngữ học (Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Đại học Hà Nội) đồng tình: “Dù trải qua không ít thăng trầm nhưng dân tộc Việt Nam vẫn không bị Hán hóa, vẫn giữ nguyên được nòi giống, tiếng nói và phong tục tập quán. Đây quả là một điều kỳ diệu có lẽ chưa dân tộc nào khác làm được”.
Đến thế kỷ XVII, khi các giáo sĩ phương Tây vào truyền giáo ở nước ta, họ đã bắt đầu xây dựng phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh. Đó là tiền đề cho cả một quá trình lâu dài hình thành và phát triển nên chữ Quốc ngữ ngày nay.
Nỗ lực gìn giữ tinh hoa, hồn Việt
TS Bùi Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế (trường Đại học Thủ đô) chia sẻ, trong lịch sử phát triển dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn có được một quan điểm đúng đắn, nhất quán về sứ mệnh bảo tồn, duy trì và phát triển Tiếng Việt.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc về vị trí và vai trò của Tiếng Việt, của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trân trọng và giữ gìn tiếng Việt, Người căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Năm 1943, Đề cương văn hóa Việt Nam của Đảng đã khẳng định 3 nguyên tắc vận động văn hóa Việt Nam thời kỳ mới là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Đề cương văn hóa năm 1943 xác định các công việc cần phải làm, trong đó nhấn mạnh, cùng với đẩy mạnh đấu tranh về học thuyết, tư tưởng, về tông phái văn nghệ thì phải coi trọng "tranh đấu về tiếng nói, chữ viết", bao gồm "thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói; ấn định mẹo văn ta; cải cách chữ Quốc ngữ".
![]() |
Học sinh tiểu học hào hứng học Tiếng Việt |
Còn nhớ từ những ngày đầu tiên, ngay sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, khi giặc đói còn đang hoành hành khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào bên cạnh nhiệm vụ chống giặc ngoài, giặc đói còn phải chống cả giặc dốt. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết. Ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Việc học chữ Quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người.
Đầu tháng 10/1945, Người ra “Lời kêu gọi chống nạn thất học”. Bác viết: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí… Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học chữ ở tư gia dạy cho những người không biết chữ…”.
![]() |
Bác Hồ đến thăm lớp Bình dân học vụ phường Lương Yên (Hà Nội) năm 1956 (Ảnh tư liệu) |
Tháng 2/1966, giữa lúc đế quốc Mỹ tăng cường leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc thì Hội nghị toàn quốc về giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt được tổ chức tại Hà Nội. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì Hội nghị đã yêu cầu: "Cần phải đánh giá một cách tổng quát về Tiếng Việt của ta, nhìn thấy chất của nó, giá trị, bản sắc, tinh hoa của nó, nhận rõ hai đức tính của nó là giàu và đẹp, nhìn thấy khả năng phát triển phong phú của nó".
Trên Tạp chí Học tập, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của Nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp. Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ Tiếng Việt là tiếng nói của Nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa”.
Việt Nam là đất nước có hàng nghìn năm lịch sử, trải qua những biến đổi, thăng trầm, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng, làm nên hồn cốt của dân tộc. Kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của các kỳ đại hội trước về văn hóa, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế".
Đại hội cũng xác định: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới". Một trong những trọng tâm mà Đại hội XIII đặt ra là: "Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Những quan điểm đó chính là niềm tin và khát vọng phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới.
![]() |
Cộng đồng người Việt tại Pháp khai trương Tủ sách Tiếng Việt |
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất".
Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt cũng chính là bảo vệ hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam nhằm định hướng, dẫn dắt, đánh giá và điều chỉnh hành vi của con người và toàn xã hội hướng tới chân, thiện, mỹ.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Thầy trò dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Đưa lịch sử đến gần với học sinh thông qua trải nghiệm thực tế

Việt Nam đoạt 4 huy chương Olympic Vật lý Bắc Âu - Baltic 2025

Giáo viên vi phạm quy định dạy thêm bị kiểm điểm như thế nào?

Lòng tự hào dân tộc kết tinh qua ngôn ngữ âm nhạc

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Còn nhiều việc phải làm, tuyệt đối không chủ quan

TP Hồ Chí Minh: 100 trường học số đầu tiên được công nhận

Việt Nam có đối tác quốc tế đầu tiên của Đại học London

Lịch sử được nhiều thí sinh chọn thi tốt nghiệp THPT nhất
