Bài 1: Lúng túng khi tổ chức hoạt động
![]() |
Tổ chức những hoạt động ý nghĩa sẽ giúp sinh viên gắn kết với tổ chức Hội (Trong ảnh: Sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi). Ảnh: Vương Đức
Chương trình đào tạo tín chỉ tạo cho sinh viên tính chủ động cao trong việc lựa chọn kiến thức để trang bị cho bản thân và lựa chọn tiến trình học phù hợp khả năng của mỗi người. Tuy nhiên, sự thay đổi phương thức đào tạo cũng có những tác động nhiều chiều đến hoạt động của tổ chức Hội Sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, học viện...
Khó với lịch học phân tán
Yêu thích các hoạt động trẻ trung, sôi nổi của sinh viên nhưng không sắp xếp được thời gian tham gia đều đặn... đó là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều sinh viên chưa có cơ hội thường xuyên trải nghiệm, thể hiện bản thân trong các hoạt động của Hội Sinh viên. Nguyễn Thị Tuyết Trinh (sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: “Có những ngày mình học liền một mạch từ tiết 1 đến tiết 5 và chiều được nghỉ ở nhà trong khi nhiều bạn học cùng lớp lại đăng ký các học phần buổi chiều, sáng nghỉ. Các bạn lớp mình mỗi người có một lịch học khác nhau để phù hợp với nhu cầu của bản thân. Ít có thời gian sinh hoạt chung, gặp gỡ nên bây giờ đã bước sang học kỳ thứ 3 nhưng mình vẫn không nhớ được hết tên của các bạn cùng lớp”.
Cùng chung suy nghĩ như Tuyết Trinh, Trần Mạnh Quân (sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội) bày tỏ: “Học tín chỉ rất hay vì chúng mình được chủ động hơn. Nếu học tốt và sắp xếp thời gian khoa học, chúng mình có thể kết thúc thời gian học nhanh, ra trường sớm. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế nhất định. Không sinh hoạt cùng nhau nên hầu như mình và các bạn trong lớp ít có sự gắn bó, gần gũi. Các hoạt động của chi đoàn, chi hội cũng vì thế mà rời rạc hơn”.
Quân chia sẻ, cậu và các bạn cùng lớp không học cố định ở một lớp nào, tách nhập liên tục, không tập trung thành một tổ chức ổn định. Bên cạnh đó, thời gian học tập khác nhau và danh sách sinh viên của một lớp học phần chỉ mang tính tạm thời trong một học kỳ nên việc sinh hoạt chung với nhau rất khó thực hiện.
![]() |
Hình thức đào tạo tín chỉ là một trong những thách thức đối với việc tổ chức các hoạt động của Hội Sinh viên |
Đi học đã lâu nhưng không nhớ được tên các bạn ở lớp nên mỗi lần sinh hoạt chi đoàn, Quân vẫn cảm thấy ngại ngần như lần đầu gặp mặt. Điều ấy khiến cậu bạn trở nên thờ ơ hơn với hoạt động đoàn thể. Quân chia sẻ: “Chúng mình thường chỉ chơi theo từng nhóm nhỏ, tham gia hoạt động cũng ở các đội, nhóm ấy để tiện hơn cho việc học tập, sinh hoạt”.
Cản trở cho cán bộ Hội
Sinh viên phân tán, không tập trung, kết cấu chi đoàn, chi hội cũ không còn… đó không chỉ là cản trở cho sinh viên khi muốn tham gia hoạt động cùng các bạn trong lớp mà còn là thách thức đối với cán bộ Hội. Mỗi khi muốn tổ chức một hoạt động nào đó của sinh viên, cán bộ Hội các trường thường đau đầu nhất ở khâu... nhân sự.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có hơn 5.000 sinh viên, hội viên Hội Sinh viên. Lực lượng đông đảo là vậy nhưng mỗi lần tổ chức các hoạt động của Hội, Trần Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội Sinh viên nhà trường lại đau đầu vì không biết huy động nhân sự ở đâu. “Nếu là các chi hội truyền thống, chúng mình chỉ cần gửi thông báo về các lớp, cán sự lớp sẽ có trách nhiệm thông báo lại cho các bạn. Tuy nhiên, bây giờ kết cấu lớp cũ không còn, mỗi người một ngả nên nhiều khi chúng mình cũng rất... loay hoay”, Việt Nga chia sẻ.
Việt Nga cũng nhận định, mối quan hệ giữa các đoàn viên trong chi đoàn không thật sự gần gũi do sinh viên không có thời gian sinh hoạt học tập với nhau nhiều. Mặt khác, do môi trường học tập thay đổi từ phổ thông lên đại học nên sinh viên thường có tâm lý ngại ngùng, rụt rè trong việc tham gia các hoạt động.
Cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu huy động nhân sự tổ chức hoạt động, Lê Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Tài chính bày tỏ: “Từ thực tế trong công tác Hội ở trường, mình nhận thấy, lịch học, lịch thi dày đặc và có sự khác biệt giữa các khóa, các khoa nên việc tập hợp đoàn viên vào các hoạt động theo phương thức truyền thống trở nên khó khăn. Việc học tập của sinh viên hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác và khả năng học tập của từng người, do đó cũng dẫn đến một bộ phận đoàn viên sẽ tỏ ra thờ ơ, không quan tâm tới tổ chức Đoàn – Hội. Trong thời gian đầu, tổ chức đoàn nhà trường nếu không khéo có thể không thể "theo" kịp và hoạt động Đoàn, Hội lúng túng, bị động...”.
Nhận thấy khó khăn ấy, Hội Sinh viên trường Học viện Tài chính kịp thời có những thay đổi trong hoạt động để phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên. Với hơn 15.000 hội viên sinh viên, hoạt động của Hội Sinh viên Học viện Tài chính được tổ chức với 13 câu lạc bộ và 7 ban chuyên môn. Các câu lạc bộ chính của sinh viên nhà trường đó là: Câu lạc bộ về học thuật, câu lạc bộ kỹ năng và câu lạc bộ văn thể (văn nghệ, thể dục thể thao). Hồng Nhung cho biết: “Các câu lạc bộ hiện nay đang phát huy khá tốt vai trò của mình trong việc thu hút, tập hợp sinh viên, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các bạn rèn luyện kỹ năng, giao lưu, học hỏi”.
Gắn hoạt động Hội với các hoạt động Đoàn, Trần Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ, sự gắn bó, tương trợ lẫn nhau cũng khiến việc tổ chức Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên nhà trường trở nên trôi chảy hơn. Xóa bỏ khoảng cách lịch học dày, “lệch pha” nhau, sinh viên gắn bó hơn từ việc tham gia các câu lạc bộ theo chuyên ngành, sở thích để đưa công tác Hội ngày càng phát triển. Việt Nga chia sẻ: “Có thế mạnh trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nên trong những năm qua, Hội Sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội luôn có những đóng góp tích cực trong các chương trình, sự kiện lớn của Trung ương Đoàn, Thành đoàn Hà Nội. Mình hy vọng, qua những hoạt động ấy sẽ ngày càng tăng cường sự gắn bó, đoàn kết giữa sinh viên để các bạn nhận thấy những lợi ích thiết thực từ hoạt động Đoàn - Hội, từ đó thêm yêu và gắn bó với Hội Sinh viên hơn”.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Chuyển đổi số và vai trò nòng cốt của thanh niên Hà Nội

Bảo vệ, phát huy bản sắc văn hoá theo cách của thanh niên

Mãn nhãn màn diễu hành biểu dương lực lượng tuổi trẻ Thủ đô

Người trẻ gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Mường

Tôi yêu Hà Nội - ngọn cờ hiệu triệu hàng triệu trái tim

Người trẻ và sứ mệnh chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo

“Áo đỏ” xây dựng điểm hiến máu xanh

"Thanh niên làng" chung sức phát triển công nghiệp văn hóa

Đặc sắc văn hóa cồng chiêng của thanh niên Hà Nội
